Những năm gần đây, sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất kinh doanh truyền thống, xuất hiện khái niệm chuyển đổi số, kinh tế số. Tuy nhiên, việc lợi dụng các hoạt động thương mại thông qua các hình thức kinh doanh này đang tồn tại nhiều bất cập, gây phát sinh nhiều rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Ảnh minh họa - Internet
Bài viết sau của tác giả Đỗ Thị Lan Anh (Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân) phân tích một số hình thức, phương thức phổ biến, nguyên nhân điều kiện phát sinh tội phạm trong lĩnh vực công nghệ số. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này.
Kinh tế số có thể hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số như : trí tuệ nhân tạo, Big Data ( dữ liệu lớn), điện toán đám mây, Internet vạn vật kết nối… Đây là xu thế tất yếu và đang tạo ra không gian phát triển mới, một cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các quốc gia phát triển trên thế giới.
Tại văn kiện Đại hội XIII, kinh tế số được nhấn mạnh nhiều lần trong cả mục tiêu và chiến lược kinh tế xã hội. Theo đó, trong năm 2019, kinh tế số tại Việt nam đạt mức 12 tỷ USD – chiếm 5% GDP, dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Asean với mức tăng bình quân 38%/năm; năm 2025 đạt 90 tỷ USD, là ngành mũi nhọn của phát triển kinh tế. Ngày 14/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Trong lĩnh vực kinh tế số, nhóm ngành Thương mại điện tử là loại hình chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kinh tế số, đang có sự phát triển nhanh và mạnh dưới hai hình thứ chủ yếu : Dạng thức B2B – cung cấp các sản phẩm dịch vụ từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp qua sàn thương mại điện tử (Shopee, Amazon, Ebay…) và dạng thức B2C – doanh nghiệp, cá nhân bán hàng trực tiếp đến khách hàng cuối cùng qua các Websize, quảng cáo trên các ứng dụng của điện thoaị thông minh hoặc thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram..).
Theo thống kê của Bộ công thương, tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử bán hàng và trên các websize ở nước ta hàng năm đạt trên 30% với quy mô 10 tỷ USD, tương đương 4.6% GDP và dự báo đến năm 2025 sẽ tăng 4 lần, đạt 35 tỷ USD, tương đương 10% GDP.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực này, kinh tế số đang là một ngành kinh doanh tồn tại nhiều rủi ro đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế chung của đất nước thông qua những hành vi rất tinh vi và đa dạng.
Nhận diện tội phạm kinh tế phổ biến lợi dụng kinh tế số
1. Lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại và trốn thuế
Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban chi đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ( BCĐ 389) cho biết, những năm gần đây, việc bùng nổ thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam đã kéo theo những hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng , lợi dụng phương thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân khác. Các đối tượng sử dụng phần mềm chuyên biệt kết nối mạng nhằm mục đích buôn lậu hàng trăm ngàn sản phẩm xâm phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo các nhãn hiệu lớn để tiêu thụ trong nước thông qua các kênh bán lẻ, hình thức livestream bán hàng trực tuyến… chủ yếu là các mặt hàng như: thuốc lá, xì gà, rượu ngoại, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thời trang hoặc các mặt hàng tiêu dùng có sức tiêu thụ lớn.
Đáng chú ý, rất nhiều website, mạng xã hội nước ngoài chiếm lĩnh thị phần lớn tại doanh nghiệp Việt nhưng chưa được kiểm soát gây thất thu thuế. Theo thống kê hiện nay, chỉ tính riêng trang mạng xã hội Facebook tại hai địa bàn lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có gần 30.000 chủ tài khoản đang thực hiện kinh doanh thương mại điện tử, tuy nhiên đến nay nới chỉ có khoảng 2.000 cá nhân đăng ký và được cấp mã số thuế; 18.000 tổ chức, cá nhân có thu nhập pahts sinh dịch vụ từ các trang mạng nước ngoài với tổng thu nhập hơn 1.400 tỷ nhưng chỉ có gần 100 tổ chức, cá nhân tự khai hoặc bị phát hiện truy thu thuế, dẫn tới thất thu một lượng lớn tiền thuế đến hàng tỷ USD/năm.
2. Lợi dụng thương mại điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giao dịch tài chính trái phép qua mạng
Đối tượng lợi dụng hoạt động thanh toán nhanh chóng, dễ dàng hoặc các hoạt động kinh doanh tài chính bằng công nghệ trên Internet; dịch vụ, ứng dụng ngân hàng trên điện thoạt thông minh; huy động tài chính, kinh doanh đa cấp, đầu tư “tiền ảo” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các hoạt động dịch vụ cho vay ngân hàng biến tướng, hoạt động “tín dụng đen” gia tăng, phức tạp. Cá biệt, trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid trong 2 năm qua, một số quốc gia đang cảnh báo các tổ chức tội phạm đang lợi dụng mạng xã hội xuyên quốc gia để lừa bán vắc-xin phòng chống Covid 19.
3. Lợi dụng TMĐT để đánh bạc, mua bán chất cấm, vũ khí quân dụng trái phép, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội
Hiện nay, tồn tại nhiều website, mạng xã hội, các tổ chức tài chính nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhưng chưa được kiểm soát đầy đủ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh an toàn thông tin, thanh toán bất hợp pháp qua biên giới, rửa tiền, gây thất thu thuế, thao túng hoạt động TMĐT tại Việt Nam. Đáng nói hơn, việc lợi dụng các hoạt động TMĐT này còn có xu hướng lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi tội phạm, đối phó với các lực lượng chức năng ngày càng gia tăng, khiến cho việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động này của cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều phức tạp và khó giải quyết triệt để.
Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của công tác quản lý nhà nước trong vĩnh vực kinh tế số
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế số, TMĐT; công tác đấu tranh với tội phạm và những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này còn bộc lộ những hạn chế, vướng mắc sau:
- Đặc tính của TMĐT là yếu tố không biên giới, tính “ẩn danh” cao. So sánh với hoạt động thương mại truyền thống, “biên giới” của TMĐT nằm ngay trên màn hình điện thoại, “ngân hàng” nằm ngay trong túi aó của người tiêu dùng. Việc tiếp cận về không gian và thời gian đối với kinh tế số dường như không còn khoảng cách. Điều đó đặt ra một thách thức rất lớn trong công tác quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực này còn thiếu, chế tài chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, trong luật giao dịch điện tử năm 2005 quy định không có chế tài bắt buộc với các công ty có trang Web bán hàng phải đăng ký trên sàn giao dịch điện tử. Đồng thời, theo Luật Quản lý thuế 2019 chưa quy định rõ ràng buộc trách nhiệm cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam mà không có văn phòng đại diện tại nước sở tại.
- Công tác phối hợp, trao đổi thông tin của các bộ, ngành chức năng còn hành chính, chưa thường xuyên, kịp thời, nhất là hạn chế trong công tác hợp tác quốc tế. Công tác tuyên truyền chưa được chú trọng, nhận thức, ý thức, kỹ năng nhận biết của người tiêu dùng chưa cao, chưa biết cách tự bảo vệ quyền lợi của mình và chưa tích cực tham gia tố giác các hành vi vi phạm.
- Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn để đối phó như: sử dụng thông tin “ảo” để tạo lập tài khoản mạng xã hội, sử dụng sim “rác”…gây khó khăn trong việc truy nguyên, sử dụng các công cụ thanh toán trung gian; không sử dụng địa chỉ cố định để giao dịch, hàng hoá tập kết, cất giấu nhiều địa điểm; khi bị phát hiện đánh sập trang Web trong thời gian rất nhanh, các dữ liệu lập tức xoá dấu vết khiến cho công tác xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ điện tử khó khăn vì các mạng xã hội và giao dịch TMĐT đặt máy chủ ở nước ngoài.
Giải pháp
Một là: Tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về TMĐT về chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng 4.0; chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng 4.0; Quyết định 645 của Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, tập trung tiếp tục hoàn thiện thế chế pháp luật gắn với chế tài mạnh có đủ sức răn đe và tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
- Rà soát hệ thống văn bản pháp luật về việc cấp phép, cơ chế hoạt động, tranh tra xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT, hoàn thiện hệ thống cơ chế quản lý tài chính, quản lý thuế, hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến kinh tế số, TMĐT; Nghị định về quản lý hải quan đối với xuất nhập khẩu được giao dịch qua TMĐT; Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thuế trong đó bắt buộc sử dụng hoá đơn điện tử trong hoạt động TMĐT để kê khai và nộp thuế.
- Quản lý chặt chẽ các ứng dụng công nghệ - thông tin truyền thông, công nghệ số, các giao dịch TMĐT trên nền tảng mạng, nhất là các dịch vụ quảng cáo, thông tin, huy động vốn, TMĐT… để kịp thời phát hiện, trao đổi các cơ quan chức năng quản lý thuế và phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này.
Hai là: quan tâm đầu tư về con người và hạ tầng công nghệ để có lực lương chuyên trách đủ kỹ năng, thông thạo về lĩnh vực TMĐT, ứng dụng CNTT, đáp ứng đủ yêu cầu đặt ra với công tác quản lý. Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, kịp thời, thường xuyên giữa các Bộ, ngành và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; bởi các hoạt động TMĐT trên không gian mạng, xuyên quốc gia, hàng hoá, dịch vụ rất đa dạng, phong phú, do đó không một quốc gia nào hay một bộ phận chuyên trách, một địa phương riêng lẻ nào có thể kiểm soát, phòng chống được.
Ba là: Làm tốt công tác tuyên truyền đến doanh nghiệp, cá nhân và người tiêu dùng; là những đối tượng trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh tế trong lĩnh vực kinh tế số. Việc làm tốt công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng và lâu dài giúp cho những thành phần này nâng cao ý thức tiêu dùng, bài trừ hàng giả, hàng nhái, tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và tích cực hơn trong việc tham gia tốt giác các hành vi vi phạm trên không gian mạng.
Đỗ Thị Lan Anh ( Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân )