PLQL - Lãng phí, cùng với quan liêu, tham nhũng đã và đang gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, so với tham nhũng, công tác phòng, chống lãng phí chưa được coi trọng đúng mức. Bài viết góp phần làm rõ quan niệm về lãng phí, nguyên nhân gây ra lãng phí và công tác phòng, chống lãng phí của Đảng, Nhà nước hiện nay.
Từ khóa: phòng, chống lãng phí.
Ảnh minh họa
1. Quan niệm và những biểu hiện lãng phí
Theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, “Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định”(1). Theo đó, một số lĩnh vực thường xảy ra lãng phí bao gồm: Một là, lãng phí trong việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; Hai là, lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; Ba là, lãng phí trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; Bốn là, lãng phí trong đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng; Năm là, lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; Sáu là, lãng phí trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; Bảy là, lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; Tám là, lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.
Dưới góc độ của khoa học chính trị, lãng phí được hiểu theo nghĩa rộng hơn ở phạm vi hẹp hơn ở việc xác định chủ thể và nhấn mạnh những tác hại và hậu quả của nó. Theo đó, có thể hiểu lãng phí là việc các tổ chức, cơ quan, cá nhân người có thẩm quyền trong hệ thống chính trị ban hành quyết sách sai lầm và tổ chức thực hiện không đúng hoặc trái với các quy định của pháp luật, khiến tài sản công bị sử dụng không hiệu quả, thậm chí thất thoát tài sản công, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở mức độ cao và khó kiểm soát sẽ làm suy yếu Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Với trọng trách của một Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định lãng phí là một trong những biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống. Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, lãng phí là “Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động”(2). Đối với mỗi cơ quan, tổ chức, lãng phí thể hiện ở việc chi ngân quỹ vào những nội dung không cần thiết hoặc chi phí vượt quá mức quy định trong các buổi hội họp, các sự kiện khánh thành, khai trương, kỷ niệm, tặng quà, liên hoan...; xây dựng trụ sở cơ quan hoành tráng quá mức cần thiết, sử dụng tài sản cơ quan bừa bãi, vô trách nhiệm hoặc dùng vào mục đích riêng; mua, bán tài sản công không đúng giá trị thị trường; công chức, viên chức, người lao động đi muộn về sớm, làm việc kém hiệu quả...
Trên bình diện quốc gia, lãng phí thể hiện ở việc sử dụng ngân sách nhà nước bừa bãi, không hợp lý, vượt mức quy định; các dự án chậm triển khai, các vụ việc thất thoát trong các công trình, dự án, trong đầu tư công, ở các chính sách, chủ trương sai sót, không phù hợp với thực tiễn. Việc sử dụng, quản lý tiền của, tài sản, tài nguyên (đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác)(3) không hiệu quả, vượt mức quy định gây lãng phí ở cấp độ cao, có hệ lụy lâu dài, đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.
Lãng phí vật chất vô cùng đa dạng, biểu hiện dưới nhiều hình thức, do nhiều chủ thể và với nhiều mức độ khác nhau. Những lãng phí này dễ xác định, dễ tính toán về số lượng và hậu quả như vốn đầu tư ứ đọng, đầu tư không sinh lời hay thua lỗ; nhà cửa, trụ sở, cơ sở vật chất tốn kém nhưng không hiệu quả, ít hoặc không được sử dụng; sử dụng xe công, tài sản công bừa bãi, vì mục đích cá nhân; tổ chức lễ hội, cưới hỏi, ma chay linh đình, tốn kém trong khi điều kiện kinh tế hạn chế...
Lãng phí thời gian là việc sử dụng, quản lý thời gian không hợp lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Những cuộc khai hội, vì người phụ trách chuẩn bị chương trình không đầy đủ, người đến dự hội thì không chuẩn bị ý kiến, đáng lẽ chỉ một ngày thì bàn bạc và giải quyết xong vấn đề, song cuộc khai hội kéo dài đến 5, 3 ngày”(4). Các chỉ thị, quyết định, quy định khi ban hành không xem xét kỹ, dẫn đến ban hành ra không triển khai thực hiện được, phải thu hồi cũng là lãng phí thời gian của cán bộ và nhân dân. Tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức đi sớm, về muộn, làm việc kém hiệu quả, làm việc riêng trong giờ làm - “ăn cắp” thời gian của nhà nước cũng là một biểu hiện lãng phí thời gian.
Lãng phí sức lao động thể hiện ở việc sử dụng nhân lực, con người không hợp lý và không hiệu quả. Đây là tình trạng khá phổ biến trong nhiều cơ quan, tổ chức dẫn đến tình trạng bộ máy tổ chức cồng kềnh, không chỉ gây ách tắc, trì trệ trong việc thực thi công vụ mà còn gây lãng phí lớn ngân sách nhà nước.
2. Nguyên nhân và các giải pháp phòng, chống lãng phí
Một là, do yếu kém về nhận thức và trình độ quản lý còn hạn chế. Đây là nguyên nhân khách quan của tình trạng lãng phí. Nhiều tổ chức, cá nhân có thẩm quyền do tư duy, tầm nhìn còn hạn chế, không có tính khoa học, không xuất phát từ thực tế khách quan, chủ quan, duy ý chí, nóng vội, thiếu dân chủ, quan liêu... đã ban hành những quyết định không chính xác, gây lãng phí khi thi hành hoặc không thể thi hành, làm thất thoát lớn tài nguyên, nguồn lực tài chính, con người. Những lãng phí loại này xảy ra thường khó xác định rõ chủ thể gây ra, khó quy trách nhiệm cho người đứng đầu vì nhiều khi do cơ chế quản lý, cơ chế lãnh đạo tập thể, dẫn đến hiếm khi có tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm về hậu quả đó.
Hai là, do quan liêu, thói quen hoang phí của chủ thể gây ra. Đây là nguyên nhân chủ quan nhưng không hẳn là do động cơ tham nhũng, vụ lợi. Lãng phí dạng này được gây ra một cách cố ý, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức song khó mà thu hồi lại được tài sản lãng phí. Lãng phí trong trường hợp này thường xuất hiện dưới các trường hợp như: tổ chức các hội nghị, các buổi lễ, các sự kiện,... hoành tráng quá mức cần thiết; chi tiếp khách quá tốn kém so với ngân sách hiện có; xây dựng những công trình lớn như nhà văn hóa, tượng đài, trụ sở cơ quan... hoành tráng, rộng rãi, tiện nghi nhưng không sử dụng, hoặc sử dụng không hết, dẫn đến bỏ hoang, đóng cửa hoặc dùng sai mục đích. Tình trạng “chạy đua” các tiêu chí nông thôn mới gây “nợ công” cho xã; sửa chữa, thay mới tài sản, trang thiết bị mặc dù cái cũ còn sử dụng tốt... hay tổ chức cưới hỏi, ma chay linh đình vượt quá khả năng...
Ba là, do lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng. Đây là nguyên nhân chủ quan, gây lãng phí nguy trọng nhất, xuất phát từ việc các đối tượng sử dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng dưới dạng tạo điều kiện cho lãng phí, thất thoát nguồn lực công để “đục nước, béo cò”. Trong trường hợp này, lãng phí có mối quan hệ chặt chẽ với tham nhũng và đều là nguyên nhân trực tiếp làm thâm hụt ngân sách nhà nước, suy yếu các nguồn lực phát triển, đe dọa đến sự ổn định chính trị - xã hội. Tham nhũng phát triển tất yếu dẫn đến lãng phí, thất thoát lớn. Lãng phí, thất thoát không được ngăn chặn kịp thời lại là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng phát triển.
Nhiều trường hợp đã bị phát hiện là “tham nhũng đội lốt lãng phí” như dù biết chắc chắn là quyết định đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí lớn nhưng vẫn cứ quyết định vì nó đem lại lợi ích vật chất cho tổ chức hay người quyết định; chi khống ngân sách cho việc đi lại, tiếp khách, hội nghị để chia nhau; chỉ đạo thay tài sản cũ bằng tài sản mới, phá công trình còn tốt để xây lại... Lãng phí dạng này được gây ra một cách cố ý, có sự sắp đặt, kế hoạch từ trước và thực chất là tham nhũng gây ra.
Để phòng, chống lãng phí, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp về chủ thể thực hiện công tác phòng, chống lãng phí là toàn bộ hệ thống chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Đảng lãnh đạo chặt chẽ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức hành chính, kinh tế, hình sự”(5).
Mục tiêu của công tác phòng, chống lãng phí là ngăn ngừa và đẩy lùi lãng phí, nhằm phát huy tối đa nguồn lực cho sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước.
Nội dung công tác phòng, chống lãng phí là toàn bộ những hoạt động ngăn chặn, kiềm chế, xử lý hành vi lãng phí: “phòng” và “chống”.
Một là, phòng lãng phí
Phòng lãng phí có ba cấp độ: Một là, ngăn ngừa không cho hành vi lãng phí xảy ra; Hai là, nhận diện, khám phá những biểu hiện từ lúc chưa có hành vi gây lãng phí xuất hiện và tiến hành xử lý ngay những biểu hiện đó để trì hoãn hoặc ngăn chặn không cho lãng phí xuất hiện; Ba là, ngăn chặn những hậu quả của lãng phí khi lãng phí mới xuất hiện, tránh những phát sinh tiêu cực có thể có.
Phòng lãng phí có nhiều nội dung: xây dựng những quy chế, quy định, cơ chế, chế tài về các mặt, các lĩnh vực hoạt động chặt chẽ; tuyên truyền, vận động tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao nhận thức, định hướng hành vi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Phòng lãng phí bao hàm cả việc thực hành tiết kiệm. Giải pháp phòng lãng phí quan trọng là phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, tác phong cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Hai là, chống lãng phí
Chống lãng phí là những hành động phát hiện, kiềm chế và xử lý những hành vi lãng phí. Việc phát hiện lãng phí là công việc khó khăn, việc xử lý lãng phí còn khó khăn hơn do liên quan đến nhiều người, nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều lĩnh vực.
Giữa “phòng” và “chống” lãng phí, cần xác định “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, phòng ngừa lãng phí là việc làm cần thiết và quan trọng hơn là để lãng phí xảy ra rồi mới xử lý, khắc phục hậu quả. “Phòng” cũng là sự chuẩn bị ứng phó trước để không bị động trước những tình huống xấu có thể xảy ra, tránh được những tiêu cực phát sinh, gây ảnh hưởng đến nguồn lực của đất nước.
Vấn đề phòng, chống lãng phí từ lâu đã trở thành xu thế tất yếu, là vấn đề có tính quy luật của mọi quốc gia, dân tộc. Công tác phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ, là công tác cần thiết và cấp bách, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng, chống lãng phí, cùng với tham ô, quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như đánh giặc ngoài mặt trận - thứ “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”, “là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”, loại kẻ thù này “khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”(6).
Người cũng xác định rõ rằng lãng phí là có tội với Nhân dân, thậm chí còn nguy hiểm hơn tham nhũng: “Có người lại nói tham ô mới có tội, còn lãng phí thì không có tội. Thực ra việc khác nhau nhưng kết quả vẫn hao tổn của công, của Chính phủ, của nhân dân. Tham ô có hại; nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến: lãng phí của cải, thì giờ, lực lượng của nhân dân, của Chính phủ”(7).
Công tác phòng, chống lãng phí đã và đang được Đảng và Nhà nước ta quyết liệt thực hiện và bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực trạng lãng phí vẫn nghiêm trọng. Đảng ta xác định “Lãng phí trong chi tiêu ngân sách nhà nước và tiêu dùng xã hội vẫn còn nghiêm trọng”(8), “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc cho xã hội”(9).
Giải pháp phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước ta được thể hiện trong Kết luận (số 21-KL/TW) Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí: (1) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; (2) Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; (3) Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; (4)- Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; (5) Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; (6) Đổi mới, nâng cao năng lực của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng.
Để phòng, chống lãng phí có hiệu quả, phải xây dựng và thực hiện chế tài đủ mạnh, công khai các quy định, xử lý nghiêm minh. Việc phát hiện tình trạng lãng phí phải đồng thời với việc xác định được nguyên nhân dẫn đến lãng phí đó, quy trách nhiệm cá nhân hoặc tập thể ban hành quyết định, thực thi quyết định. Với nhận thức đúng tầm về tác hại, hệ lụy của tình trạng lãng phí hiện nay và quyết tâm phòng, chống lãng phí của cả hệ thống chính trị chắc chắn công tác phòng, chống lãng phí sẽ đạt được nhiều kết quả khả quan trong thời gian tới.
__________________
(1) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Luật số: 44/2013/QH13 thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.
(3) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Luật số: 44/2013/QH13 thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
(4), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.356-357, 357, 345.
(5) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X (2006), Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 21-8-2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.62.
(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.172.
ThS Nguyễn Thị Thùy Linh
Học viện Chính trị khu vực I