Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 27/1, Đại hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về các dự thảo Văn kiện. Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 27/1, Đại hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về các dự thảo Văn kiện. Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Hà Nội ưu tiên hiện đại hóa, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng

Tham luận tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, những năm gần đây, kinh tế Thủ đô đã vượt qua suy thoái, liên tục tăng trưởng ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm lớn về kinh tế của cả nước. Dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, tỷ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 90,1%.

Sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành quả quan trọng. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Chi đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với nhiệm kỳ trước. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở với phương châm là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố của các nước, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, họp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều đổi mới. Đảng bộ thành phố đã gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII) gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tường, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đạt kết quả toàn diện, quan trọng. Công tác củng cố các cơ sở đảng, giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội có nhiều kết quả tích cực. Công tác cán bộ được thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ có chuyển biến rõ rệt.

Là Đảng bộ lớn nhất với 50 tổ chức đảng trực thuộc, chiếm gần 10% số lượng đảng viên của cả nước, Đảng bộ Hà Nội xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, xây dựng phát triển nhanh và bền vững thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Đến năm 2030 là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Để thực hiện thành công những mục tiêu trên, thủ đô Hà Nội đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025. Đặc biệt, thành phố tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện có hiệu quả việc thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn.

Trong 3 khâu đột phá, thủ đô Hà Nội ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô.

Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch...

Cùng với tinh thần gương mẫu, Hà Nội luôn xác định trách nhiệm cao trong việc chủ động nhận thức, tiên phong thực hiện, vận dụng sáng tạo, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất để “Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại, xứng đáng là trung tâm chỉnh trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”.

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển kinh tế tri thức

Đại biểu Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dưới tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ nano... nền kinh tế thế giới đang biến đổi sâu sắc và phát triển toàn diện, chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức đã và đang trở thành xu hướng phát triển chung của kinh tế thế giới, được nhiều quốc gia lựa chọn làm chiến lược phát triển, điển hình như: Mỹ, Canada, Tây Âu, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong...

Đúc kết những kinh nghiệm từ thực tiễn thành công của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Thành phố khai thác có hiệu quả lợi thế của một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế tri thức. Trên cơ sở đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập và phát triển Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm ươm tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo, Công viên Khoa học và công nghệ tại Khu Công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán...

Đặc biệt, Thành phố đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với việc thành lập thành phố Thủ Đức. Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; dự kiến sau khi thành lập và đi vào hoạt động, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 30%-35% GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy các nghiên cứu khoa học công nghệ gắn với cuộc sống, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - nơi vừa có sự liên kết của các trường, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp, vừa có vai trò của chính quyền trong hỗ trợ đầu tư mạo hiểm cho các dự án khởi nghiệp.

Thành phố đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước, kiều bào ở nước ngoài tham gia vào mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội của Thành phố, đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tri thức. Những giải pháp trên đã giúp kinh tế Thành phố đạt mức tăng trưởng khá cao, giai đoạn 2016 - 2019 GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP quốc gia, hơn 26% thu ngân sách cả nước.

Đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với sự phát triển nền kinh tế tri thức, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; phát triển mạnh nguồn lao động chất lượng cao, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài; tăng cường năng lực khoa học-công nghệ quốc gia để có thế tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học; đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đồng thời, đề xuất Chính phủ cần lựa chọn và có chính sách đặc thù đối với một số doanh nghiệp có khát vọng và bản lĩnh, có đủ năng lực và quy mô cho đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, tiên phong vươn tầm thế giới, từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị khu vực, chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước làm chủ công nghệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hấp dẫn trong “sân chơi” toàn cầu...

Bên cạnh đó, Thành phố tích cực và chủ động hội nhập quốc tế nhằm tranh thủ nguồn ngoại lực, kết hợp nội lực để bắt kịp xu thế phát triển khoa học công nghệ tiên tiến, phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa lực lượng sản xuất của đất nước.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, trong xu thế toàn cầu hóa và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chắc chắn rằng tăng trưởng kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ sẽ nhường chỗ cho nền kinh tế tăng trưởng dựa vào hàm lượng công nghệ cao, đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng.

Do vậy, cần tiếp tục nâng cao tiềm lực, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phát triển kinh tế tri thức là xu hướng tất yếu, bảo đảm cho đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng

Đại biểu Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng: Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 nước ta phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại và thoát khỏi thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 trở thành một nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và đến năm 2045 đất nước có nền kinh tế phát triển và có thu nhập cao... là mục tiêu nhiều khả quan.

Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, trong mỗi giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước, Đảng ta đã đưa ra những đường hướng lãnh đạo cụ thể. "Qua tiếp cận các báo cáo chính trị, chiều 26/1, đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương đã thảo luận khá sôi nổi, đề cập đến các vấn đề mà Đại hội quan tâm; trong đó chúng tôi quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế vùng các tỉnh Đông Nam Bộ", đồng chí Nguyễn Hoàng Thao cho hay.

Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, phát triển khá cao và cũng là tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước. "Trong văn kiện mới chỉ đề cập đến phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển công nghiệp đô thị Mộc Bài (Tây Ninh), phát triển cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu)... Trong khi đó Bình Dương là một tỉnh công nghiệp, hàng năm lượng hàng xuất nhập khẩu lên đến gần 50 tỷ USD, chiếm gần 10% so với cả nước (cả nước khoảng 540 tỷ USD)", đồng chí Nguyễn Hoàng Thao nêu ý kiến.

"Như vậy trong quá trình phát triển, vấn đề vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu là rất quan trọng. Đề nghị Trung ương xem xét, quan tâm vấn đề phát triển kinh tế hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt trong tương lai để vận chuyển hàng hóa ở Bình Dương; tạo động lực cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ phát triển, trong đó có Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai…", đồng chí Nguyễn Hoàng Thao đề xuất.

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Thao, tỉnh Bình Dương có chủ trương và quan điểm: Tất cả các thành phần kinh tế đều công bằng trong việc đầu tư phát triển và kinh doanh trên địa bàn. Do đó Bình Dương luôn tạo hành lang pháp lý và cải cách hành chính công một cách thuận lợi nhất để mời gọi các nhà đầu tư tiếp tục làm ăn, sinh sống và thành công trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Trong văn kiện Đại hội, đặc biệt là mục tiêu tổng quát đã đề cập rất rõ về việc tạo điều kiện để các cá nhân, các thành phần kinh tế chủ động, sáng tạo và đóng góp sức lực, tâm huyết và kể cả của cải vật chất để phát triển đất nước.

Khai thác các tiềm năng, thế mạnh kinh tế vùng Tây Nguyên

Đại biểu Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Nếu nhìn lại trước thời kỳ đổi mới thì Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế kém phát triển nhất của thế giới. "Nhưng đến nay, sau 35 năm chúng ta thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã trở thành một nước phát triển trung bình và hiện tại chúng ta đang nằm trong nhóm 4 nước đứng đầu của khu vực Đông Nam Á. Đây là thành tựu hết sức ấn tượng", đại biểu Võ Ngọc Thành cho biết.

Cũng theo đại biểu Võ Ngọc Thành, tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình, đó là chưa bao giờ đất nước chúng ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay.

"Để đạt được điều này là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, có đường lối sáng tạo và linh hoạt trong từng thời kỳ, gắn với thực tiễn phát triển đất nước và có sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, có sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong công cuộc xây dựng đất nước", đại biểu Võ Ngọc Thành khẳng định.

Để có cơ đồ ngày hôm nay, rõ ràng là cương lĩnh xây dựng đất nước và đường lối của Đảng, Nhà nước đúng và rất sáng tạo trong từng thời kỳ. Đặc biệt là năm 2020, khi cả thế giới vật lộn với đại dịch COVID-19 và trong khi rất nhiều quốc gia tăng trưởng âm cùng với viễn cảnh rất khó khăn phía trước thì Việt Nam vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng kinh tế, với mức tăng gần 3%. Đây là những thành tựu không thể diễn tả hết được.

"Với tỉnh Gia Lai, tôi cho rằng thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Gia Lai đã có những bứt phá, đặc biệt là đã tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao", đại biểu Võ Ngọc Thành khẳng định.

Theo ông Thành, về công nghiệp chế biến và về năng lượng tái tạo, trong khoảng 5 năm tới Gia Lai sẽ có sự bứt phá tốt hơn rất nhiều so với hiện nay. Những tiềm năng về du lịch và các đột phá trong việc xây dựng hạ tầng sẽ được thể chế hóa và sẽ được xây dựng đồng bộ trong 5 năm tới. "Tôi cho rằng như thế sẽ tạo ra một cú hích lớn hơn cho sự phát triển đồng bộ và mạnh mẽ hơn của Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung", đại biểu Võ Ngọc Thành khẳng định.

Tâm nguyện của nhiều đại biểu mong rằng trong nhiệm kỳ tới, Đảng và Nhà nước ta sẽ có nhiều quyết sách mạnh mẽ hơn nữa, tốt hơn nữa để phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, kinh tế vùng Tây Nguyên nối với Duyên hải miền Trung và các nước Lào, Campuchia..., phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn ở khu vực, một sự trỗi dậy và phát triển lớn mạnh.

Tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nêu ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược. Đó không chỉ là tầm nhìn một nhiệm kỳ mà còn là tầm nhìn xa hơn nữa trong giai đoạn phát triển đất nước.

  • Tags: