Thời gian qua, cùng với các lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, hàng nghìn lượt phóng viên, nhà báo đã không quản gian khó, có mặt tại các vùng “tâm dịch”, các chốt kiểm soát dịch, khu cách ly y tế... để kịp thời chuyển tải về các hoạt động phòng, chống dịch của các địa phương, của các cấp, các ngành. Họ là những chiến sĩ "đặc biệt" trên trận tuyến chống dịch.
Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư, Bắc Ninh được biết đến là một trong những địa phương có lượng ca nhiễm nhiều nhất cả nước. Hơn một tháng trở lại đây, cấp ủy, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đã luôn gắng sức chống dịch. Trong suốt thời gian “chiến đấu với giặc” COVID-19, những thông tin chỉ đạo điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, những tấm gương người tốt, việc tốt, những hình ảnh lay động trái tim về sự hy sinh vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch được các cơ quan báo chí, truyền thông truyền tải kịp thời, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội, qua đó, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Đồng thời, thông qua những tác phẩm báo chí, các nhà báo đã góp phần lan tỏa những cách làm hay, giải pháp sáng tạo của tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất để phát triển kinh tế”, được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng.
Phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh tác nghiệp tại các điểm chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Bắc Ninh - (Ảnh: S.T)
Tương tự như tỉnh Bắc Ninh, tại Vĩnh Phúc, đội ngũ phóng viên, nhà báo các cơ quan báo chí cũng luôn kịp thời có mặt tại những nơi dịch diễn ra phức tạp; chủ động ghi nhận thông tin, hình ảnh để phản ánh khách quan, chính xác về công tác phòng, chống dịch. Nhiều phóng viên, nhà báo đã luôn đồng hành, có những tuyến bài hay, thông tin đến với người dân một cách nhanh chóng, kịp thời nhất.
Theo đồng chí Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc, cùng với các lực lượng y tế, bộ đội, công an..., các phóng viên, nhà báo cũng là lực lượng xung kích trên tuyến đầu chống dịch. Các tác phẩm báo chí đã truyền đi những thông điệp có ý nghĩa, động viên Nhân dân toàn tỉnh cùng chung sức đồng lòng để ngăn chặn, dẩy lùi dịch bệnh.
Thực tế cho thấy, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 tại nhiều địa phương, đội ngũ phóng viên, nhà báo các cơ quan báo chí đã luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Y tế nắm bắt tình hình, phản ánh kịp thời các thông tin liên quan. Các cơ quan báo chí đều mở chuyên trang, chuyên mục, bản tin, cập nhật hàng ngày các thông tin về tình hình dịch bệnh; công tác rà soát, truy vết những trường hợp liên quan đến bệnh nhân ở các tỉnh, những người trở về từ vùng có dịch; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ.
Đối với các tỉnh miền núi, biên giới, để tuyên truyền có hiệu quả, nhiều nhà báo còn dịch các tác phẩm ra tiếng Mông, tiếng Thái phát trên sóng phát thanh, giúp Nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh, cũng như các biện pháp phòng dịch bệnh hiệu quả, nhất là thông điệp “5K” của Bộ Y tế.
Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (ngoài cùng, bên trái) tác nghiệp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cửa khẩu quốc tế cầu treo Hà Tĩnh - (Ảnh: PV)
Phát huy chức năng định hướng thông tin, nhiều tác phẩm đã phản ánh những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác chống dịch, từ đó, giúp mỗi địa phương có điều kiện đúc rút kinh nghiệm để triển khai biện pháp phù hợp. Vừa nhân rộng cách làm hay, đội ngũ phóng viên, nhà báo cũng tập trung phản ánh tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; phản biện lại những thông tin sai lệch trong dư luận và mạng xã hội để Nhân dân bình tĩnh, không hoang mang và thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, đồng thời, cảnh báo cho người dân cần thận trọng khi đăng tải, hoặc chia sẻ thông tin.
Phóng viên, nhà báo đã trở thành những “chiến sĩ” đặc biệt. Ở đâu dịch bệnh bùng phát, ở đó gần như ngay lập tức đã có hình ảnh các phóng viên, nhà báo không quản khó khăn, kịp thời cập nhật thông tin. Luôn sáng lên ở đội ngũ phóng viên là tinh thần dấn thân, bám sát cơ sở, đồng hành sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân.
Với hành trang là chiếc máy quay, máy ảnh, cây bút, cuốn sổ hay chiếc điện thoại thông minh, các phóng viên, nhà báo đã khắc phục khó khăn, vất vả, vượt qua nguy cơ có thể bị lây nhiễm dịch bệnh để bám sát cơ sở, phản ánh một cách chân thực nhất công tác phòng, chống dịch cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân. Thông qua các tác phẩm báo chí đa dạng, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng đã và đang góp sức vào công cuộc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân cả nước.
Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), là dịp để mỗi chúng ta gửi đến đội ngũ phóng viên, nhà báo cả nước lời cảm ơn chân thành, cảm ơn vì những hy sinh, cố gắng của họ trong quá trình đồng hành cùng các lực lượng đẩy lùi dịch COVID-19.
Phát huy truyền thống đó, thời gian tới, đội ngũ phóng viên, nhà báo, những “chiến sĩ” đặc biệt sẽ tiếp tục nêu cao ý thức cộng đồng, trách nhiệm nghề nghiệp để đăng tải kịp thời, chính xác các thông tin về bức tranh toàn cảnh của công tác phòng, chống dịch tại các địa phương. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, sự chung tay của xã hội và sự đồng hành của các cơ quan báo chí sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để chúng ta sớm thắng đại dịch.