Những kinh nghiệm chủ yếu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng qua 35 năm đổi mới đất nước

Trong lịch sử 90 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng, 35 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước là thời kỳ Đảng phải giải quyết những nhiệm vụ lịch sử chưa từng có, nhất là phải vượt qua thời điểm mang tính sống còn sau khi xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông

Trong lịch sử 90 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng, 35 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước là thời kỳ Đảng phải giải quyết những nhiệm vụ lịch sử chưa từng có, nhất là phải vượt qua thời điểm mang tính sống còn sau khi xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Trước sứ mệnh lịch sử mới, công tác xây dựng Đảng đã có những đổi mới, chỉnh đốn sâu rộng để đáp ứng những đòi hỏi mới, giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng. Những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới là minh chứng hùng hồn cho những thành tựu của quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong suốt 35 năm qua. Từ thực tiễn thành công và những hạn chế, khuyết điểm của quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong hơn một phần ba thế kỷ qua có thể đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý giá.

Nhận thức và thực hiện đúng xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt của công cuộc đổi mới

Những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới là minh chứng hùng hồn cho những thành tựu của quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong suốt 35 năm qua _Ảnh: Tư liệu

Ngay từ đầu công cuộc đổi mới, nhiệm vụ đổi mới kinh tế được đặt ra như một tất yếu khách quan, là bước khởi đầu. Nhưng, chỉ sau mấy năm đầu đổi mới kinh tế, thực tiễn cho thấy, để đổi mới kinh tế thành công và đúng hướng phải xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Với cách đặt vấn đề “trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước hiện nay, do yêu cầu của công cuộc đổi mới đang được triển khai toàn diện, đồng bộ và đi vào chiều sâu, công tác xây dựng Đảng đang nổi lên như một nhiệm vụ quan trọng nhất”(1), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VII (tháng 6-1992) đã kịp thời xác định: “nhiệm vụ kinh tế là trung tâm và nhiệm vụ xây dựng Đảng giữ vai trò then chốt(2) của công cuộc đổi mới. Từ đó, xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trở thành nội dung trọng yếu, gắn chặt với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị và ngang với nhiệm vụ phát triển kinh tế. Là nhiệm vụ then chốt, bởi có xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, Đảng mới đưa ra được và tổ chức thực hiện thành công đường lối chính trị đúng đắn, xử lý thỏa đáng và kịp thời những vấn đề do công cuộc đổi mới đất nước đặt ra, xứng đáng với vai trò lãnh tụ chính trị của một đảng duy nhất cầm quyền, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương cùng các chỉ thị, quy chế, quy định do Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành liên quan đến công tác xây dựng Đảng thể hiện rõ sự chú trọng đặc biệt của Đảng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ đổi mới. Thực tiễn cũng cho thấy, cấp ủy, tổ chức đảng ở địa phương, cơ quan, đơn vị nào quan tâm đúng mức, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nhiệm vụ do Trung ương đề ra, nơi đó các nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những thành tựu và ngược lại.

Kiên định nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng

Tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua nội dung các dự thảo văn kiện để hoàn chỉnh lần cuối trình Đại hội XIII của Đảng; giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII (Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị) _Ảnh: TTXVN

Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vấn đề cốt tử là lập trường, bản lĩnh và thái độ của Đảng đối với nền tảng tư tưởng của Đảng. Xuyên suốt quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng những năm qua là sự kiên định của Đảng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Nhờ kiên định với nền tảng tư tưởng, Đảng có cơ sở lý luận soi đường, đề ra Cương lĩnh, chiến lược, đường lối đúng; có căn cứ để củng cố sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng và trong xã hội; giữ vững niềm tin vào lý tưởng, mục tiêu đã lựa chọn, không hoang mang, dao động trước những đổi thay của tình hình trong nước và thế giới, kiên quyết chống đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; có cơ sở khoa học để phê phán các quan điểm lệch lạc và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Điều quan trọng là nhận thức đúng đắn và sâu sắc về sự thống nhất giữa “ba kiên định”: Mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nội dung của đường lối đổi mới được xác lập trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vốn là nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng là khát vọng cao cả và mục tiêu cống hiến suốt cuộc đời cách mạng của Người. Đường lối đổi mới của Đảng không nhằm mục đích gì khác ngoài giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì thế, không thể chỉ kiên định với nội dung này mà không kiên định với nội dung kia và phải kiên quyết bác bỏ những âm mưu, thủ đoạn chia cắt, đối lập giữa ba nội dung cần kiên định. Đương nhiên, kiên định nhưng đồng thời phải không ngừng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn kết giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội trong mục tiêu phấn đấu và đường lối đổi mới của Đảng phù hợp với điều kiện mới.

  • Tags: