Nông thôn mới cho mùa quả ngọt ở Tuy Lộc

Về Tuy Lộc huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vào những ngày này, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui, phấn khởi của bà con nơi đây, khi xã đã cán đích xã nông thôn mới. Sau 9 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, diện mạo nông thôn

Diện mạo nông thôn mới Tuy Lộc ngày càng khang trang (Ảnh: Ngọc Hương)

Về Tuy Lộc huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vào những ngày này, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui, phấn khởi của bà con nơi đây, khi xã đã cán đích xã nông thôn mới. Sau 9 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, diện mạo nông thôn xã Tuy Lộc đã thay đổi rõ rệt, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Công cuộc xây dựng NTM đã mang đến luồng sinh khí mới cho Tuy Lộc, mang đến niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, cả về vật chất lẫn tinh thần. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, chứng kiến sự đổi thay của quê hương từ khi xây dựng NTM, ông Bùi Minh Tâm, Khu 2 Thôn Quyết Tiến, xã Tuy Lộc, cũng như nhiều người dân trong thôn rất phấn khởi. Ông Tâm cho biết: Nhờ có NTM, người dân được đi lại trên những con đường bê tông rộng rãi, trường học xây dựng khang trang với đầy đủ trang thiết bị nên chất lượng dạy và học ngày càng nâng cao. Đặc biệt, thương mại, dịch vụ phát triển là điều kiện để thúc đẩy kinh tế của xã phát triển.

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân nông thôn, do vậy trong quá trình triển khai thực hiện, xã Tuy Lộc đã chọn những giải pháp mang lại hiệu quả cao và phù hợp đặc thù địa phương.

Đảng bộ, chính quyền xã đã đánh giá đúng thực trạng nông thôn, tìm ra tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cư dân nông thôn. Lãnh đạo xã thường xuyên rà soát, đánh giá các tiêu chí để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, duy trì bền vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.

Kết quả từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và hỗ trợ phát triển sản xuất của xã đạt gần 90 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 25 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện 16 tỷ đồng, còn lại là lồng ghép từ các nguồn vốn khác. Nhân dân trong xã cũng tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, hàng nghìn  ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất.

Trụ sở UBND xã Tuy Lộc (Ảnh Ngọc Hương)

Nhờ sự ủng hộ của nhân dân xã đã hoàn thành cứng hóa, đường liên xã được gần 100%; đường nội đồng cứng hóa gần 10km; kênh mương cứng hóa đạt 80%. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới; trên 97% hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Công tác y tế, giáo dục được quan tâm chiều sâu, đầu tư hơn 12 tỷ đồng xây dựng các nhà trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh giỏi và giáo viên giỏi các cấp tăng theo hàng năm… Xã có nhà văn hóa, sân chơi thể thao, các thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn theo tiêu chí. Bộ mặt nông thôn mới ngày càng đổi thay, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp.

Trong đó, kết quả nổi bật nhất là xã đã triển khai có hiệu quả mô hình nâng cao chất lượng sản lượng lương thực, xã đã tích cực tuyên truyền vận động, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích người dân phát triển các ngành nghề dịch vụ. Nhiều hộ dân đã chủ động đổi mới tư duy, năng động hơn trong phát triển kinh tế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhiều mô hình mang lại hiệu quả, cho thu nhập cao.

Bên cạnh đó, Tuy Lộc có hai làng nghề truyền thống lâu đời là làm mộc ở thôn Dư Ba và sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm. Vì là nghề truyền thống, trước đây người dân chỉ sản xuất thủ công, manh mún. Nhưng khoảng 6 năm trở lại đây, nhiều người dân đổ đi các nơi học tập, đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tỉnh Phú Thọ cũng quan tâm đầu tư dự án, phát triển kinh tế, giúp hai làng nghề này thực sự thay da đổi thịt. Theo ước tính, mỗi năm, giá trị kinh tế từ hai làng nghề này khoảng 45 tỷ đồng (riêng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm 35 tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người đã đạt 33,8 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,58%. Từ đó mà đời sống của nhân dân trong xã không ngừng đổi thay.

Về Tuy Lộc hôm nay, những con đường bê tông phẳng phiu, sạch đẹp, những ngôi nhà cao tầng nối tiếp nhau dọc hai bên đường đã và đang hình thành một khu thị tứ sầm uất, những công trình phúc lợi khang trang, đủ tiện nghi đang mọc lên trong xã... và không còn tình trạng họp chợ lấn ra lề đường, không gây ách tắc giao thông, rác thải được thu gom, tập kết tạo ra cảnh quan môi trường xanh đẹp ở nơi làng quê giàu truyền thống cách mạng này.

Từ một xã nghèo, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, đến nay Tuy Lộc đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình xây dựng NTM thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi tư duy nhận thức của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp, được mọi người dân đồng tình hưởng ứng.

Ông Tạ Đức Thắng- Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc  cho biết:  Với kết quả đạt được, diện mạo của Tuy Lộc thực sự khởi sắc, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản được hoàn thiện, đồng bộ theo quy hoạch; sản xuất phát triển khá toàn diện và bền vững, từng bước hình thành các mô hình, vùng sản xuất theo chuỗi giá trị có hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

  • Tags: