Phạm Thị Bích Thìn - Cánh chim không mỏi trên bầu trời nhân ái

Chị Phạm Thị Bích Thìn ở quận 3 TPHCM được nhiều người biết đến là một người giàu lòng nhân ái. Nhiều năm qua, chị đã âm thầm làm nhiều điều thiện nguyện với cái tâm trong sáng. Chị như một cánh chim không mỏi trên bầu trời nhân ái…

Chị Phạm Thị Bích Thìn ở quận 3 TPHCM được nhiều người biết đến là một người giàu lòng nhân ái. Nhiều năm qua, chị đã âm thầm làm nhiều điều thiện nguyện với cái tâm trong sáng. Chị như một cánh chim không mỏi trên bầu trời nhân ái…

Chị Phạm Thị Bích Thìn (bìa trái) đang cùng các tình nguyện viên chia và đóng gói các phần quà để kịp giao đến tay người khó khăn - Ảnh Cẩm Tú

Từ bé Ròm đưa cơm cho người già neo đơn…

Từ những năm 1990 khi đang còn ngồi ghế nhà trường, chị Bích Thìn thường được gọi là “bé Ròm”, đã tham gia vào Đội Thanh niên Xung kích – trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Quận 3 do anh Nguyễn Hữu Nghĩa làm Đội trưởng. Thời điểm đó, “Bữa cơm cho người già” được xem là mô hình hoạt động nổi bật, ấm áp, đầy ắp nghĩa tình của Quận hội; sau đã lan tỏa và được các nơi làm theo. Lúc đó, để có kinh phí duy trì hoạt động này, ngoài nguồn ít ỏi từ việc huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho các đơn vị, trường học… trên địa bàn quận, các thành viên trong nhóm tự đóng góp, của ít lòng nhiều. Chị Bích Thìn cũng tiết kiệm một phần quà sáng để góp vào cho mỗi bữa ăn của người già thêm trọn vẹn.

Hàng ngày, sau khi anh Nguyễn Hữu Nghĩa chuẩn bị bữa cơm, đúng 11 giờ, một số thành viên của Đội (ai sắp xếp được thì lên), trong đó dường như chị Thìn là một trong những người thường xuyên nhất, mang những gà-mên cơm còn nóng hổi, len lỏi từng con hẻm nhỏ, có hẻm nhỏ đến mức chỉ một người đi bộ được thôi, đến tận nhà, cho những người già yếu, neo đơn, khó khăn, bệnh tật, không ai chăm sóc…

Chị Thìn nhớ lại: “Hồi đó, có hôm bận việc, tụi mình đưa cơm trễ chút. Tới nơi, ông cụ mù lòa đã chống gậy ra tận đầu ngõ đứng chờ. Bọn mình rối rít xin lỗi. Ông cười hiền nói: Hôm nay, đi học về trễ hả con? Mình nghe mà ấm lòng! Ông, bà cũng hiểu tụi mình còn nhỏ, còn đi học nên không chê trách gì!”.

Rồi anh Nguyễn Hữu Nghĩa bệnh nặng, qua đời! Đội Thanh niên Xung kích cũng dần không còn hoạt động. Nhưng chị Phạm Thị Bích Thìn vẫn âm thầm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà chị biết được, khi thì vận động cho anh công nhân không may bị tai nạn lao động, lúc là một ngôi chùa ở vùng quê nghèo không đủ vật tư trùng tu ngôi cổ tự, rồi một em bé mổ tim, một chị bán hàng rong bị bệnh hiểm nghèo… Biết chị hay làm việc thiện nên khi chị lên tiếng kêu gọi, mọi người đều tin tưởng, sẵn sàng chung tay, tiếp sức. Được hỏi, chị có nhớ mình đã giúp đỡ bao nhiêu người không? Chị cười hiền lành, khoe chiếc răng khểnh: “mình làm việc thiện mà lưu tâm chuyện đó chi em!?”.

Trong gia đình, chị là một người con hiếu thảo. Vừa buôn bán hàng online, chị vừa chăm sóc mẹ. Gần 7 năm, mẹ chị bệnh, nằm một chỗ, phải nuôi ăn bằng đường xoang, cực khổ là vậy nhưng chị không bao giờ kêu ca hay than vãn với bất kỳ ai. Bạn bè đến thăm, ai cũng hỏi bí quyết: “Sao mẹ chị đẹp thế?”. Mẹ chị ăn uống, sinh hoạt hoàn toàn không có cảm giác, nằm một chỗ, nhưng nhà chị tuyệt nhiên không có mùi khó chịu. Mẹ chị thì trắng hồng, nếu không đến vào giờ sinh hoạt cá nhân, ăn uống thì không ai biết bà bị bệnh.

… đến thành viên nhóm “Sài Gòn Chợ Lạc Xoong”

Mẹ chị ra đi khi TPHCM vừa chớm đợt dịch Covid-19 thứ 4! Vượt qua nỗi đau mất mẹ, chia sẻ với gia đình người anh, chị lại đón ba về chăm sóc. Ba chị năm nay đã 87 tuổi. Một mình gánh vác gia đình, nhưng trong đợt dịch này, chị lại đảm trách vai trò điều phối viên tích cực của nhóm Sài Gòn Chợ Lạc Xoong, phụ trách khu vực quận 1, 3, 4, 8, 6, 10. Nhà chị trở thành điểm tập kết và phân phối hàng đến các khu phong tỏa, cách ly…

Nhóm Sài Gòn Chợ Lạc Xoong vốn là nhóm cộng đồng để trao đổi, buôn bán đồ cũ, do anh Bùi Vĩnh Thế và Đàm Hà Phú đồng sáng lập từ cuối tháng 2/2021. Anh Bùi Vĩnh Thế chia sẻ: “Khi TPHCM bước vào giai đoạn khó khăn vì Covid-19, nhóm mở rộng hỗ trợ anh chị em, gọi vui là 'tiểu thương', buôn bán mặt hàng, sản phẩm liên quan đến ăn uống. Mỗi khi bán được hàng, các 'tiểu thương' sẽ góp vào quỹ của Chợ, đồng thời vận động thêm từ gia đình, bạn bè và những nhà hảo tâm khác. Số tiền này được quyên góp cho các hoạt động xã hội, thiện nguyện, quỹ vaccine chính phủ”.

Nhóm hiện có gần 20 thành viên có chung tinh thần thiện nguyện, chia thành 9 điểm ở các quận trên địa bàn TP, để nhận đóng góp và gửi tặng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người nghèo, vô gia cư, người gặp khó khăn trong khu cách ly, công xưởng, xí nghiệp.

Khi TPHCM chính thức thực hiện Chỉ thị 16, Nhóm kết hợp với chính quyền phường, quận để gửi quà tặng tới những trường hợp khó khăn do địa phương quản lý. Ngoài ra, Nhóm cũng cung cấp nguyên vật liệu, tiếp sức cho các bếp từ thiện, thực hiện những suất cơm đủ chất cho lực lượng tuyến đầu chống Covid-19. Cùng với đó, các tình nguyện viên sẽ kết hợp đi phát dọc đường ở những nơi có nhiều người lang thang, vô gia cư nhưng vẫn phải đảm bảo tiêu chí 5K, an toàn là trên hết “để cùng nhau đi được đường dài”.

Anh Bùi Vĩnh Thế tại một điểm phát quà - Ảnh Brian

Anh Đàm Hà Phú cho biết thêm: “Nếu đủ nguồn lực, chúng tôi sẽ duy trì hoạt động cho đến khi TP hết áp dụng Chỉ thị 16. Đồng thời, để đảm bảo an toàn phòng dịch, chúng tôi chia nhỏ các nhóm; Mỗi lần trao nhận chỉ có hai người. Lúc đi phát quà, tôi cũng nhắc mọi người chỉ nên đi hai người, trao quà nhanh, đảm bảo quy định 5K”.

Từ khi thành lập đến nay, Nhóm Sài Gòn Chợ Lạc Xoong đã vận động và tặng được hàng chục ngàn phần quà gồm lương thực thực phẩm thiết yếu (gạo, đường, dầu ăn, nước mắm, nước tương, cá – thịt hộp, rau, củ, quả, nước rửa chén…), trị giá gần 2 tỉ đồng.

Chị Phạm Thị Bích Thìn cho hay: “Từ khi có dịch, mình thức nhiều hơn ngủ, nửa đêm, đang kiểm tra lại sổ sách trong ngày cũng có người gọi nhờ hỗ trợ, sáng 5 giờ đã thức dậy, chuẩn bị đi nhận hàng của các nhà hảo tâm về phân chia, rồi liên hệ đầu mối các khu vực có nhiều hộ gia đình khó khăn đến nhận, phân phát giúp! Bữa giờ, giảm được vài ký, thành công trong chiến dịch “giảm cân”!”.

Cũng như chị Thìn, các thành viên trong Nhóm đều có hoàn cảnh gia đình riêng, nhưng có chung lòng hướng thiện, có chung một tấm lòng, cùng nhau thắp sáng bầu trời nhân ái…

  • Tags: