Sáng ngày 27/1, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC), đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC đã trình bày tham luận với chủ đề “Phát huy phương châm gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC trình bày tham luận tại Đại hội.
Bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo chính trị và các văn kiện trình Đại hội, đồng chí Lê Hồng Quang nhấn mạnh, trải qua 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã tổng kết và xác định: Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trong đó, xây dựng nền tư pháp văn minh, tiến bộ, góp phần hiện thực hoá Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên thực tế là nội dung quan trọng, là nhiệm vụ chiến lược của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Nhìn lại 15 năm gần đây, các tòa án luôn phải giải quyết khối lượng công việc năm sau cao hơn năm trước từ 8-10%/năm. Năm 2020, Tòa án các cấp thụ lý 602.000 vụ việc các loại, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2005 và gấp hơn 2 lần so với năm 2010. Mặc dù số lượng biên chế của các tòa án cơ bản không thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh tinh giản 10% biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhưng tòa án các cấp đã rất nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội đề ra; hằng năm giải quyết, xét xử từ 95-98% số vụ việc thụ lý. Có được thành tích đó, bên cạnh những nỗ lực của toàn hệ thống tòa án, còn phải kể đến yếu tố quan trọng là kết quả thực hiện cải cách tư pháp trong hệ thống tòa án.
Quán triệt sâu sắc và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện thực hóa mục tiêu của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời ý thức được rằng “công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối”; thời gian qua, các hoạt động của Tòa án đã được đổi mới rõ rệt theo hướng phục vụ người dân tốt hơn.
Hệ thống pháp luật về tố tụng và tổ chức tòa án đã được hoàn thiện theo hướng tăng cường tranh tụng, đảm bảo độc lập tư pháp, áp dụng thủ tục rút gọn đối với một số vụ việc đơn giản; cơ chế hòa giải, đối thoại các tranh chấp được tăng cường và triển khai hiệu quả; các thủ tục hành chính-tư pháp được đơn giản hóa tạo thuận lợi cho người dân; quy trình xử lý các yêu cầu của người dân được hiệu chỉnh theo cơ chế một cửa, đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả; đề cao sự tham gia tích cực, chủ động của người dân trong hoạt động tư pháp và tạo điều kiện để họ thực hiện và thụ hưởng đầy đủ các quyền trong tố tụng; các cơ chế kỹ thuật, pháp lý để tiếp cận công lý của người dân được đa dạng hóa; các phán quyết của tòa án được công khai, đảm bảo tính nghiêm minh về pháp luật và định hướng hành vi của các chủ thể trong quan hệ pháp luật.
Chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất được trang bị tốt hơn, công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ được quan tâm, góp phần thúc đẩy nhiệt huyết cống hiến của đội ngũ thẩm phán và cán bộ tòa án. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp phục vụ nhân dân như Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đề ra.
Đóng góp vào những thành công nổi bật nêu trên, bên cạnh vai trò lãnh đạo toàn diện, thống nhất và trực tiếp của Đảng là sự nhận thức đúng đắn và việc vận dụng sáng tạo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ tư pháp, đó là “phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Đây chính là những nhân tố quyết định để nền tư pháp nước ta phát triển đúng hướng, đảm bảo duy trì bản chất Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân như Cương lĩnh năm 2011 của Đảng đặt ra.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc vận dụng và phát huy phương châm “lấy dân làm gốc” trong hoạt động tư pháp vẫn còn những tồn tại nhất định, như: Việc cụ thể hóa quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động tư pháp tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế; vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp chưa phát huy được thế mạnh; niềm tin của người dân đối với cơ quan tư pháp còn khiêm tốn; hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về tố tụng tư pháp, còn bất cập, chi phí tuân thủ cao gây lãng phí nguồn lực của xã hội…
Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, kể cả khách quan và chủ quan; song nguyên nhân trước hết là do việc nhận thức, quán triệt, thực hiện phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” vẫn chưa sâu sắc, thiếu thống nhất. Do vậy, khi triển khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp, có lúc, có nơi thiếu quyết tâm, còn lúng túng và bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ.
Từ thực tiễn quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tư pháp thời gian qua, ngành tòa án rút ra một số bài học kinh nghiệm, là: Phải luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm quan điểm "Nhân dân là gốc", “Nhân dân là trung tâm” của hoạt động tư pháp, quyền tư pháp. Mọi chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân. Lấy phương châm phục vụ nhân dân, vì hạnh phúc và lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cải cách. Coi việc tăng cường niềm tin của nhân dân đối với cơ quan tư pháp là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược cải cách tư pháp.
Kế thừa những thành quả của việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và quy định tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013, cũng như kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị khóa XII, đồng chí Lê Hồng Quang cho rằng cần thiết phải xây dựng và ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược cải cách tư pháp mới trong giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045 làm cơ sở về chính trị, quyết tâm đổi mới của Đảng trong lĩnh vực tư pháp.
Trên tinh thần tiếp tục phát huy phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tại Đại hội này, Ban cán sự Đảng TAND Tối cao đề xuất một số quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn sau năm 2020 là: Kiên định, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất và trực tiếp đối với cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp để bảo đảm thực hiện hiệu quả trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Xác định cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo; là nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ, giữ vững, phát huy thành tựu phát triển của đất nước thời gian qua; đẩy nhanh việc hoàn thiện các thiết chế của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng nền tư pháp vì nhân dân phục vụ. Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, lấy tinh thần phục vụ nhân dân làm tôn chỉ, mục đích hoạt động. Tiếp tục đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động theo hướng đảm bảo trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đúng như bản chất “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” của nền tư pháp nước nhà. Coi đây là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của cải cách tư pháp.
Tăng cường niềm tin của người dân vào công lý và nền tư pháp. Hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, bảo đảm các điều kiện về pháp lý và thực tế để người dân thực hiện đầy đủ, toàn diện các quyền của mình trong tố tụng; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân thông qua hoạt động tư pháp. Tiếp tục hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân theo hướng hạn chế tính hình thức, tăng cường tính nhân dân, dân chủ; nghiên cứu, tiếp thu nhân tố hợp lý của chế định Bồi thẩm đoàn.
Phát huy vai trò và hoàn thiện cơ chế giám sát đặc thù của cơ quan dân cử, của công luận và của nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Đề cao trách nhiệm tự giám sát trong nội bộ của cơ quan tư pháp; coi trọng và tăng cường sự giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tăng cường công khai, minh bạch,thông tin kịp thời cho người dân; tích cực đối thoại, giải trình và lắng nghe nhân dân để gần dân hơn, hiểu dân nhiều hơn, giúp dân được nhiều hơn và học hỏi thêm được nhiều điều từ nhân dân. Tận dụng những lợi thế của công nghệ, hướng tới xây dựng Tòa án thông minh; công khai, minh bạch hoạt động tư pháp; tăng cường khả năng tiếp cận công lý của người dân; giảm bớt thủ tục và chi phí xã hội không cần thiết.
Kế thừa và phát huy thành tựu, kinh nghiệm cải cách tư pháp đã đạt được; hướng nhiệm vụ cải cách tư pháp đi vào chiều sâu; tập trung giải quyết những vấn đề, nhiệm vụ có tính chất cốt lõi, nhiệm vụ chưa hoàn thành; tiếp thu những thành tựu khoa học pháp lý mới, tiến bộ của thế giới để kịp thời tháo gỡ những bất cập của hệ thống pháp luật và nền tư pháp hiện nay.
Xây dựng cơ chế đánh giá phù hợp để hạn chế sự tác động, áp lực không chính đáng từ những thiết chế, chủ thể trong xã hội đối với hoạt động tư pháp; giảm thiểu những ảnh hưởng đến tính độc lập của cơ quan tư pháp và việc thực hiện nghiêm nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, cũng như sự vô tư, khách quan, liêm chính của hệ thống Tòa án nhân dân.
“Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC tin tưởng vững chắc rằng, dưới sự lãnh đạo, sự quan tâm thường xuyên, sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ, cũng như hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là tin tưởng, ủng hộ của đồng bào cả nước, hệ thống tòa án sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chủ trương của Đảng, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, đồng chí Lê Hồng Quang phát biểu./.