Phát huy vai trò công tác dân nguyện trong hoạt động của cơ quan dân cử

Công tác dân nguyện có ý nghĩa và vai trò quan trọng, là cầu nối giữa cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước với cử tri và Nhân dân. Với nhiều dấu ấn đổi mới, công tác dân nguyện của Quốc hội đã đạt được những thành tựu quan trọng, đảm bảo phù hợp với tình hình chung của đất nước và đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, công tác dân nguyện của Quốc hội bao gồm các hoạt động như: hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; công tác tập hợp, tổng hợp, chuyển kiến nghị của cử tri; giải quyết, trả lời giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc thực hiện có hiệu quả công tác dân nguyện, góp phần khẳng định bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời thể hiện rõ nét tính chất dân chủ của xã hội.

Đổi mới công tác dân nguyện phù hợp với tình hình mới và nguyện vọng người dân

Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, các bộ, ngành cơ quan Trung ương và các địa phương, công tác dân nguyện của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng đóng góp một phần quan trọng vào thành tích chung hoạt động của Quốc hội, được cử tri và Nhân dân cả nước ghi nhận, tin tưởng.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công

Chia sẻ về nội dung này, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết, công tác dân nguyện của Quốc hội cũng từng bước được cải tiến, đổi mới để phù hợp với tình hình chung của đất nước và nguyện vọng chính đáng của người dân. Trong đó, công tác tổ chức tiếp xúc cử tri; công tác tổng hợp, phân loại các kiến nghị cử tri gửi tới các kỳ họp của Quốc hội đã được tổ chức khoa học, công khai, minh bạch, đạt được những kết quả đáng khích lệ, được cử tri và Nhân dân ghi nhận. Các đoàn đại biểu Quốc hội đã chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình của các đợt tiếp xúc cử tri, qua đó số lượng và chất lượng các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tại các địa phương được nâng lên rõ rệt.

Hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, khiếu nại tố cáo được tiến hành thường xuyên hơn, hiệu quả giám sát được nâng lên. Chất lượng các báo cáo giám sát trình bày trước Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót và đã kiến nghị một số giải pháp cụ thể đối với trung ương và địa phương. Qua đó, các bộ, ngành ngày càng nỗ lực hơn trong việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các kiến nghị và giải quyết được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với những vụ việc kéo dài, phức tạp.

Với sự quan tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và bản thân các đại biểu Quốc hội nên chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc giải quyết kiến nghị cử tri, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân đã được nâng cao một bước, tạo được niềm tin của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ xem xét, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện tại phiên họp hằng tháng

Như vậy, công tác dân nguyện của Quốc hội thông qua các hoạt động của Quốc hội đã thể hiện quan điểm chính trị của Đảng và tinh thần của Hiến pháp về quyền lực nhân dân trong mối quan hệ Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ và nguyên tắc Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra - Dân giám sát - Dân thụ hưởng. Quan điểm chính trị tôn trọng và thực hiện công tác lãnh đạo, công tác dân vận, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng chính sách, pháp luật và tổ chức thực thi đường lối, chính sách, pháp luật phải dựa trên trên cơ sở ý chí nguyện vọng của Nhân dân. Đó là vấn đề cốt lõi đã được chuyển tải sâu sắc trong công tác dân vận của Đảng và công tác dân nguyện của Nhà nước, trực tiếp là ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Bước sang nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trước yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động của Quốc hội, việc tiếp tục đổi mới hoạt động dân nguyện của cơ quan dân cử và Quốc hội vừa là yêu cầu nội tại cũng như tất yếu đặt ra để khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội, thể hiện quyền lực của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hoàn thiện quy định pháp luật về công tác dân nguyện

Đưa ra kiến nghị, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho rằng, cần chú trọng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về công tác dân nguyện. Theo đó, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật về tiếp công dân; về giám sát trong lĩnh vực bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và pháp luật về tiếp xúc cử tri, về tiếp nhận và giải quyết ý kiến và kiến nghị của Nhân dân và xây dựng, hoàn thiện quy định về bảo đảm quyền tham gia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến thực hiện công tác dân nguyện.

Hội nghị tiếp xúc cử tri

Bên cạnh đó, quy định cụ thể thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; quy định cụ thể trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội trong thực hiện công tác dân nguyện.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công nhấn mạnh, cùng với tiến trình đổi mới toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, tinh thần dân chủ công khai, lấy dân làm gốc, xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân đã và đang trở thành những tiêu chí quan trọng cho sự phát triển của Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Trong thời gian tới cần phải tiếp tục đổi mới công tác dân nguyện thông qua tất cả các hoạt động như hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri và tập hợp, tổng hợp chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri... nhằm phát huy tốt ý nghĩa và vai trò của công tác dân nguyện trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong tổ chức, hoạt động của cơ quan dân cử và của Quốc hội./.

Lê Anh

Cổng TTĐT Quốc hội

...
  • Tags: