Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của báo chí trong công tác xây dựng Đảng, và xác định báo chí là một trong bốn hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên một cách hiệu quả. Việc nhận thức và khai thác, phát huy vai trò của báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam hiện nay là thực sự rất cần thiết.
VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG
Thứ nhất, báo chí góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng đến người dân
Trước hết cần nhấn mạnh đặc điểm lớn nhất của đời sống chính trị Việt Nam, Đảng là lực lượng duy nhất cầm quyền và lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối. Để lãnh đạo xã hội, Đảng phải công khai, phổ biến chủ trương, chính sách của mình để nhân dân hiểu, tin tưởng và thực hiện. Báo chí có vai trò tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng để nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, vào con đường đi lên CNXH, từ đó có những hành động thiết thực, phục vụ công cuộc đổi mới đất nước.
Ảnh minh họa
Để các nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng được triển khai hiệu quả, sâu rộng và đồng bộ thì việc tuyên truyền một cách chính xác, kịp thời, đúng định hướng nội dung của các văn bản đó là việc làm rất cần thiết. Chính vì vậy, sau khi kết thúc mỗi kỳ họp Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương, báo chí đều tập trung phản ánh những thông tin về các chủ trương, quyết sách đã được thông qua và tình hình tổ chức phổ biến, quán triển và triển khai tại các bộ, ngành, địa phương trên cả nước.
Thông qua việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách đó, báo chí đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo diễn đàn phản ánh kịp thời những ý kiến sôi động từ thực tiễn cuộc sống để Đảng, Nhà nước có thêm thông tin nhằm tiếp tục ban hành các quyết sách đúng đắn. Thông qua báo chí, nhân dân tìm thấy những “thông tin phản hồi” để biết Đảng tiếp nhận những kiến nghị của mình đến đâu và sửa chữa như thế nào, nhờ vậy mà niềm tin của nhân dân sẽ được củng cố và tăng cường. Cũng qua đó, báo chí đã góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ, nâng cao dân trí, tăng cường công khai, minh bạch quá trình xây dựng và thực thi đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Báo chí cũng tích cực đưa tin về những chính sách đúng, có tác động mạnh mẽ, nâng cao đời sống nhân dân, hạn chế các hiện tượng tiêu cực; phản ảnh ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân trong suốt quá trình xây dựng, ban hành chính sách, giúp Đảng và Nhà nước có thêm cơ sở dữ liệu, có cái nhìn toàn diện, đa chiều, sâu sát hơn để xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn đời sống, với lợi ích chính đáng của nhân dân.
Thứ hai, báo chí tham gia xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước
Một chủ trương, chính sách sẽ được thực thi khi trong quá trình xây dựng đã phản ánh đúng đắn, khách quan nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, được nhân dân nhận thức đầy đủ và đồng tình ủng hộ. Vì vậy, báo chí tập trung phản ánh những vấn đề bức xúc, những điểm nóng kinh tế - xã hội, những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó gợi mở những hàm ý chính sách cho Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, báo chí cũng thường xuyên bám sát các vấn đề, đưa tin về những sự kiện, vụ việc liên quan, cung cấp số liệu, tình hình thực tế để các cơ quan có thẩm quyền tham khảo, củng cố thêm cơ sở khoa học trong hoạch định đường lối, chính sách.
Ở Việt Nam, một trong những phương thức để Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là thông qua việc xây dựng Cương lĩnh, các nghị quyết (Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương, Chỉ thị…). Trong quá trình này, cần thu thập và xử lý thông tin từ nhiều nguồn về vấn đề chính sách, trên cơ sở đó xây dựng các phương án để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và ban hành chính sách. Đây là khâu rất quan trọng, đòi hỏi thông tin phải đầy đủ, nhiều chiều, chính xác. Với đội ngũ nhà báo đông đảo, từ nhiều cơ quan, ngành nghề khác nhau, báo chí được coi là kênh chính thống, đáng tin cậy nên các nhà hoạch định chính sách rất quan tâm thu thập thông tin từ báo chí. Thực tế đã chứng minh, thông tin báo chí phản ánh về những mô hình khoán hộ gia đình trong sản xuất trong nông nghiệp, cơ chế khoán sản phẩm trong công nghiệp, những bài báo phản ánh thực tiễn cuộc sống sôi động, vươn lên vượt nghèo khó là một kênh thông tin quan trong giúp Đảng ta thay đổi tư duy, đề xướng công cuộc Đổi mới đất nước. Nhiều quyết sách của đất nước được ban hành, phù hợp với quy luật phát triển, đồng thời thể hiện được vai trò của báo chí là “cầu nối” tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo thêm niềm tin trong công chúng xã hội. Ngoài ra, báo chí cũng đã quan tâm đến việc giới thiệu mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, những điển hình tiên tiến về công tác xây dựng Đảng của các địa phương.
Báo chí tác nghiệp tại Đại hội XIII của Đảng
Thứ ba, báo chí tham gia giám sát, phản biện xã hội, phản biện chính sách, góp thêm căn cứ đáng tin cậy để điều chỉnh các chính sách đang thực hiện cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế
Báo chí đương đại không chỉ như công cụ chính trị, phương tiện và phương thức thông tin - giao tiếp xã hội đặc thù, mà còn như một thiết chế xã hội, là phương tiện và phương thức kết nối xã hội, đồng thời còn là phương tiện và phương thức can thiệp xã hội. Trong thời gian qua, báo chí đã kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực, hợp lý cũng như những vấn đề bất cập trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, từ đó thực hiện chức năng phản biện xã hội. Thực hiện tự do ngôn luận trên báo chí theo Luật, báo chí đăng tải những ý kiến, nguyện vọng của công chúng về các vấn đề bức xúc, liên quan trực tiếp đến lợi ích của họ; từ đó kết nối xã hội, thực hiện chức năng phản biện xã hội về các vấn đề đang xảy ra. Cơ chế can thiệp xã hội của báo chí thông qua quá trình cung cấp thông tin, kiến thức, tạo diễn đàn chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm trong công chúng, từ đó góp phần mở rộng và làm phong phú thêm vốn kiến thức, hiểu biết và góp phần làm thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi thái độ, hành vi và hành động của công chúng. Báo chí không chỉ là cầu nối mà còn là diễn đàn quan trọng, thậm chí còn đóng vai trò là một bên tham gia vào diễn đàn trao đổi về các chủ trương, quyết sách lớn của đất nước. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hết sức coi trọng và đánh giá cao vai trò của báo chí cũng như chất lượng các thông tin trên báo chí. Báo chí tích cực giám sát, phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các vấn đề xã hội, ngăn ngừa được những hạn chế của chính sách, góp phần giải tỏa những bức xúc của xã hội.
Báo chí cũng phản ánh tâm trạng, thái độ, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên do tác động của các chủ trương, chính sách, các sự kiện diễn ra trong nước và thế giới để giúp Đảng và Nhà nước có những điều chỉnh chính sách phù hợp. Báo chí phản biện xã hội thể hiện tính công khai, minh bạch, qua đó góp phần nâng cao dân trí và tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là quá trình làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, chống tiêu cực, tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước.
Thứ tư, báo chí tham gia đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự suy thoái” trong nội bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời chống những quan điểm sai trái, thù địch
Đối với công tác cán bộ, báo chí đưa tin về việc bổ nhiệm, điều động luân chuyển cán bộ, bố trí sắp xếp cán bộ luôn thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp như hiện nay. Nội dung phản ánh cũng rất đa dạng, có thể là những bài báo về những thay đổi về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, những tấm gương cán bộ lãnh đạo liêm khiết, hy sinh thân mình vì nước vì dân; kết quả hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp trên các lĩnh vực trong nước, trong quan hệ quốc tế…; cũng có thể là các bài viết phản ánh dư luận công chúng về các cá nhân các nhà lãnh đạo, quản lý, về thái độ phục vụ, cách thức làm việc, hiệu quả công việc, những hiện tượng quan liêu, tham nhũng trong các cơ quan công quyền, về những cán bộ thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, điều lệ Đảng. Thông qua đó, báo chí góp phần xây dựng, làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý.
Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý - những người có chức, có quyền, nắm giữ khối lượng lớn tài sản, quyền lực công nên nguy cơ tha hóa, biến chất ở đội ngũ này là rất lớn. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiểm tra, giám sát cán bộ đã được Đảng ta chú trọng thực hiện thường xuyên bằng nhiều phương thức khác nhau. Các hiện tượng “tự diễn biến”, “tự suy thoái”, “tự chuyển hóa’, vấn đề “lợi ích nhóm” trong nội bộ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được Đảng ta thẳng thắn chỉ rõ và yêu cầu các cơ quan báo chí, nhân dân tham gia đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực này, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Báo chí là công cụ sắc bén, hiệu quả trên mặt trận tư tưởng, đặc biệt là trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch. Trong bối cảnh các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới nhiều hình thức, thủ đoạn, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng như hiện nay, báo chí đã đăng bài, phát trên sóng phát thanh, truyền hình những bài viết của các nhà khoa học, nhà chính trị và cả ý kiến người dân phản bác lại những quan điểm sai trái đó, bảo vệ quan điểm của Đảng, giữ vững và củng cố niềm tin của nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng lãnh đạo. Việc báo chí phản ánh những thành tựu đất nước ta đạt được trong sự nghiệp đổi mới, trong hội nhập quốc tế cùng là một sự khẳng định sự đúng đắn của đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, là sự phủ định đích đáng đối với các quan điểm sai trái, thù địch, âm mưu “diễn biến hòa bình”.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Không thể phủ nhận vai trò to lớn và quan trọng của báo chí với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua. Đặc biệt, việc phát động và tổ chức riêng giải báo chí về công tác xây dựng Đảng đã tạo được sân chơi và diễn đàn để chủ đề này được khai thác đa chiều, đa diện và sâu sắc hơn, qua đó góp phần nâng cao rõ rệt vai trò của báo chí trong công tác này. Tuy nhiên, cũng cần thấy một thực tế, việc thực hiện vai trò xây dựng, chỉnh đốn Đảng của báo chí thời gian qua vẫn còn những hạn chế, trong đó có cả những nan giải mà trong điều kiện hiện nay, chưa thể giải quyết được trong ngày một ngày hai. Dẫu vậy, điều tất yếu vẫn cần nhìn nhận lại để có những đánh giá chân thực, đúng đắn và khách quan hơn, từ đó tập trung điều kiện, nguồn lực để giúp nâng cao hiệu quả và phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trên mặt trận phức tạp, khó khăn này. Những hạn chế, nan giải đó là như sau:
Thứ nhất, dễ nhận thấy, viết và thông tin về xây dựng Đảng là vấn đề ít hấp dẫn với cán bộ, phóng viên, hơn thế nữa còn là vấn đề khó, hóc búa, khó từ khâu phát hiện đề tài, xác định nội dung, khai thác tài liệu, cho đến thể hiện tác phẩm về công tác xây dựng Đảng, đều có những yêu cầu và đòi hỏi khắt khe nhất định dễ khiến cho các cán bộ, phóng viên nản lòng, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên trẻ. Viết về xây dựng Đảng đòi hỏi cán bộ, phóng viên trước hết phải có bản lĩnh vững vàng, nhiệt tình, tâm huyết với Đảng; đồng thời phải là những người có nghiệp vụ tốt, có kiến thức, hiểu biết sâu sắc về Đảng mới làm được những tác phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn, thu hút công chúng về đề tài xây dựng Đảng. Trong bối cảnh hiện nay, sự tác động của yếu tố thị trường đã ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ đến lựa chọn, định hướng và tâm huyết của đội ngũ phóng viên, nhà báo viết về chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hầu hết họ thực hiện nhiệm vụ do sự phân công của lãnh đạo tòa soạn mà ít xuất phát từ đam mê của cá nhân nhà báo, phóng viên với chủ đề này. Cũng chính điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng các tác phẩm báo chí về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thứ hai, sự dễ dãi, cẩu thả, chây ì và thiếu chuẩn mực trong lựa chọn, khai thác chủ đề trên báo chí làm xấu đi hình ảnh của báo chí trong đời sống xã hội. Sức mạnh của báo chí là tiếp thêm nội lực cho con người, nhân lên sức mạnh và lòng tin của con người. Vì vậy, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến việc nêu gương “người tốt, việc tốt”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các chủ đề theo hướng tích cực này ít được quan tâm, phản ánh hơn là các chủ đề gây tò mò, kích thích độc giả bất chấp phản cảm từ nội dung đến hình thức. Tình trạng một số tờ báo, trang thông tin điện tử không nắm vững vai trò của mình, xa rời tôn chỉ, mục đích của tờ báo đã đưa nhiều tin, bài giật gân, kích thích tính tò mò của một bộ phận bạn đọc, gây phản cảm trong việc thông tin xảy ra một cách thường xuyên, cũng đã phải chịu những hình thức kỷ luật nhất định nhưng dường như chế tài chưa đủ mạnh nên hiện tượng này còn tràn lan, rất dễ bắt gặp, nhất là trên các trang thông tin điện tử. Sự xuất hiện dày đặc những mẩu tin, bài sa vào chuyện tình, tiền, tù tội với những cách giật tít mang tính câu khách của tờ báo lá cải... làm cho bộ mặt báo chí ít nhiều bị lem luốc. Bên cạnh đó, việc các báo quá tập trung hay nhấn mạnh vào khai thác chủ đề về những vi phạm của cán bộ, đảng viên, của các tổ chức Đảng vô hình trung cũng có thể dẫn đến cách hiểu sai lầm, lệch lạc rằng trong thực tế, cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng của chúng ta chỉ toàn là sai lầm, khuyết điểm, dẫn đến suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, cũng là một bất cập cần phải tránh. Bên cạnh những bài viết về những vụ việc tiêu cực, cần quan tâm hơn đến chủ đề về những tấm gương tích cực, những điển hình tiên tiến, có như vậy mới giúp cho bức tranh xã hội được phản ánh trên báo chí đầy đủ màu sắc và sâu sắc, toàn diện hơn.
Báo chí tác nghiệp tại Đại hội XIII của Đảng
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG HIỆN NAY
Thứ nhất, cần thống nhất và nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân và cả xã hội về vai trò của báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Có nâng cao được nhận thức về tầm quan trọng của báo chí trên mặt trận này mới giúp cho báo chí có thêm cơ hội, điều kiện để khai thác đề tài này một cách sâu sắc, toàn diện và khách quan hơn.
Thứ hai, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhà báo tác nghiệp trong lĩnh vực này để đảm bảo nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí về chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. trong bối cảnh hiện nay, với mỗi người làm báo Đảng, tự đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí là vấn đề sống còn. Muốn làm được điều này đòi hỏi các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Thường xuyên tổ chức cho các nhà báo, hội viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với thực hiện Luật Báo chí, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Bằng nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho hội viên. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, trao đổi kĩ năng, kinh nghiệm tác nghiệp trên lĩnh vực này để góp phần làm cho ngòi bút của đội ngũ nhà báo, phóng viên trên lĩnh vực này ngày một sắc và sáng hơn.
Thứ ba, cần xây dựng những tiêu chuẩn và tiêu chí đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhà báo viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tất nhiên, mỗi chủ đề, mỗi lĩnh vực đều đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với nhà báo khi tác nghiệp để đảm bảo có những sản phẩm thực sự có giá trị. Nhưng riêng đối với đội ngũ phóng viên, nhà báo khai thác các chủ đề về côn tác này, lại cần có những yêu cầu đặc biệt hơn. Bản thân đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhà báo khai thác chủ đề về công tác xây dựng Đảng phải là những người dám xông pha, không ngại khó, ngại khổ để luôn bám sát thực tiễn. Từng ấn phẩm báo chí và đội ngũ người làm báo Đảng cần luôn coi trọng bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ những thành tựu của công cuộc đổi mới; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; kịp thời phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch. Các phóng viên phải nghiên cứu cơ sở, bám sát thực tiễn đời sống; phản ánh được ý kiến của nhân dân khi tham gia xây dựng Đảng. Qua kênh góp ý của nhân dân và qua sự phản ánh của báo chí giúp tổ chức Đảng điều chỉnh và góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.
Trong bối cảnh hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân ta đang tập trung vào hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng thì báo chí phải phản ánh kịp thời, chính xác kết quả của Đại hội, đi sâu khai thác từng chủ đề, nội dung, nhất là tập trung làm nổi bật những điểm mới trong các văn kiện Đại hội, khẳng định giá trị của những quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống một cách thiết thực nhất, đồng thời đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, thù địch, bảo vệ đường lối đổi mới của Đảng, lan tỏa trong các tầng lớp dân cư về kết quả của sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân này.
Thứ tư, tiếp tục phát động, duy trì và tổ chức tốt sân chơi báo chí riêng dành cho chủ đề về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thực tế cho thấy, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) trong những năm qua đã tạo được hiệu ứng xã hội tích cực, lan tỏa những tấm gương tốt, những điển hình hay, phản ánh chân thực và sâu sắc nhiều vấn đề về công tác xây dựng Đảng cần tiếp tục nhìn nhận và khắc phục… với những đề tài phong phú, cách thể hiện sinh động và những thông điệp ngày càng sâu sắc, đậm giá trị nhân văn, phát triển. Chính vì vậy, tiếp tục duy trì và đổi mới hình thức tổ chức sân chơi này là một giải pháp hay và rất có ý nghĩa trong thời điểm này để góp phần nâng cao số lượng và chất lượng các bài viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, qua đó góp phần nâng cao vai trò của báo chí trong công tác này.
Không thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Tuy nhiên, vai trò đặc biệt này chỉ trở thành hiện thực đầy đủ khi nhà báo, người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng và năng lực nghiệp vụ sắc sảo. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, báo chí với những tiếng nói khác nhau, đã thường xuyên góp sức vào công việc có ý nghĩa sống còn của Đảng, mặc dù, công tác tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, một lĩnh vực rất khó, không chỉ ở nội dung mà cả hình thức chuyển tải đến quần chúng. Vì vậy, thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng sâu rộng, kịp thời, chính xác là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan thông tấn, báo chí. Với những gì đã làm được trong thời gian qua, có thể khẳng định báo chí đã và đang làm tốt vai trò của mình trên mặt trận này. Tuy nhiên, để xứng đáng và xứng tầm hơn, để nâng cao hơn nữa trọng trách của báo chí trong công tác này, cần tiếp tục phát hiện ra những nan giải, đồng bộ các giải pháp, bổ sung thêm những giải pháp mới để báo chí thực sự xứng đáng là một hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần ngày càng to lớn và hiệu quả vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình phức tạp như hiện nay.
TS. Phạm Thị Hoa
Học viện Báo chí và Tuyên truyền