Phát triển bền vững làng nghề: dưới góc nhìn thi hành pháp luật

Làng nghề Việt Nam gắn liền với lịch sử của đất nước. Nó không chỉ lưu giữ những giá trị về lịch sử, văn hóa,… mà đặc biệt hơn, những sản phẩm của Làng nghề gắn với cuộc sống từ ăn, mặc, ở, nghệ thuật, tâm linh...

Tóm tắt: Làng nghề Việt Nam gắn liền với lịch sử của đất nước. Nó không chỉ lưu giữ những giá trị về lịch sử, văn hóa,… mà đặc biệt hơn, những sản phẩm của Làng nghề gắn với cuộc sống từ ăn, mặc, ở, nghệ thuật, tâm linh,... từ rất lâu đời của người Việt. Trong tiến trình phát triển và hội nhập, nếu chỉ nhìn từ một góc độ, mọi sự cố gắng để lưu giữ, duy trì một chân dung nguyên bản, một chuẩn mực về làng nghề với những “lát cắt” sẽ lãng phí và không phù hợp. Việc bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề cần lựa chọn sự điều chỉnh dung hòa cả về lịch sử, xã hội, kinh tế một cách hợp lý bằng pháp luật. Từ đó, thi hành pháp luật về làng nghề là một trong những yếu tố có khả năng từng bước thay đổi thói quen và dung hòa các yếu tố khác để bảo đảm phát triển bền vững làng nghề, là cơ sở để đưa sản phẩm của làng nghề vào hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.

Từ khóa: Làng nghề, phát triển bền vững, thi hành pháp luật.

Abstract:  Vietnamese craft villages are associated with the long history of the country. Craft villages are not only economical but their products are also associating with Vietnamese traditional cultures. It is more valuable than economic values. Looking from one perspective, every attempt to create or pursuit a version, a standard for craft villages in "sliced" manner would be wasteful and inappropriate in the process of international integration. Preservation and sustainable development of craft villages need to choose a harmonious and reasonable adjustment in terms of history, society, economy, and law. As a result, improving the law is one of the cornerstones that may balance factors to guarantee the long-term growth of craft villages, and it is the legal basis for introducing craft village goods into wide international integration in a reasonable time.

Key words: Craft village, sustainable development, improving the law

Ảnh minh họa

1. Tổng quát về làng nghề

Hiện nay, cả nước có khoảng 5.411 làng nghề và làng có nghề (trong đó có 1.864 làng nghề truyền thống với 115 nghề truyền thống đã được công nhận), trong đó 60% ở vùng đồng bằng Sông Hồng, 23% ở khu vực miền Trung và 17% ở khu vực miền Nam; thu hút khoảng 11 triệu lao động (khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn), trong đó số lao động qua đào tạo có chứng chỉ sơ cấp trở lên chiếm 12,3%[1]. Làng nghề đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chỉ riêng ngành hàng thủ công mỹ nghệ cả nước đã có 2.000 doanh nghiệp, cơ sở tham gia xuất khẩu đạt kim ngạch trên hai tỷ USD tới hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ[2]

 Cũng như các quốc gia hiện nay trên thế giới, phát triển bền vững ở Việt Nam là mục tiêu phấn đấu của tất cả các ngành nghề, các khu vực kinh tế trong đó có làng nghề. Một hình ảnh chân thật về làng nghề Việt Nam không bao giờ có được nếu chỉ tiếp cận nghiên cứu bó hẹp trong một phạm vi chuyên sâu hay chuyên ngành; hoặc không thể hiểu một cách thấu đáo làng nghề Việt Nam nếu chỉ tiếp cận nghiên cứu từ một góc độ. Nếu chỉ nhìn từ một góc độ, mọi sự cố gắng để tạo ra một nguyên bản, một chuẩn mực về làng nghề với cung cách “cắt lát” sẽ lãng phí và không phù hợp. Trong điều kiện hiện nay, để bảo tồn phát triển bền vững làng nghề cần lựa chọn một sự điều chỉnh dung hòa, hợp lý cả về lịch sử, xã hội, kinh tế, pháp luật… Trong đó, thực hiện pháp luật là một trong những nội dung quan trọng nhằm thay đổi thói quen, lề lối hoạt động của làng nghề và nó cũng là cơ sở pháp lý để đưa sản phẩm của làng nghề vào quá trình hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.

2. Thi hành pháp luật tại làng nghề ở nước ta hiện nay

2.1. Về bảo vệ môi trường tại làng nghề

Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”[3]. Bảo vệ môi trường nói chung và tại các làng nghề nói riêng là trách nhiệm chung của toàn thể xã hội. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành đã cụ thể hóa nguyên tắc hiến định đó. Những quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã và UBND cấp huyện trong việc tổ chức thực hiện phương án “Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” là khá rõ ràng và đầy đủ; các quy định về điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề; đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường và biện pháp quản lý đối với làng nghề ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng được quy định cụ thể[4]. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường tại các làng nghề chưa đạt hiệu quả. Ví dụ, ở Hà Nội, trên 70% số làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, tình trạng ô nhiễm nước thải tại các làng nghề vẫn tiếp tục gia tăng; có tới 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), 58 làng nghề không ô nhiễm (chiếm 19,9%); tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%, ...[5]. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên:

Thứ nhất, do ở nhiều làng nghề, kết cấu hạ tầng như đường, cống, rãnh thoát nước thải chưa đảm bảo cùng với những thói quen, tập quán từ lâu đời về xả thải tự do… dẫn tình trạng bị ô nhiễm nghiêm trọng về các tài nguyên đất, nước, năng lượng, động thực vật,… ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững tại nhiều làng nghề.

Thứ hai, do công nghệ sản xuất kinh doanh tại nhiều làng nghề còn rất lạc hậu, làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường càng trở nên nghiêm trọng. Chẳng hạn, tại làng nghề Phú Đô ô nhiễm môi trường ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Theo kết quả điều tra 500 hộ làm bún của làng Phú Đô (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội), nổi tiếng với sản phẩm bún truyền thống cho thấy, bình quân trong năm, mỗi hộ làm nghề tiêu thụ 17,59 tấn gạo, sản xuất 41,87 tấn bún, trung bình mỗi hộ tiêu thụ 19-22 kg than, hiệu suất tiêu hao nhiệt là 618 mcal/tấn bún. Bình quân mỗi năm, làng nghề này thải ra môi trường khoảng 1.586 tấn xỉ than và 6.158 tấn khí CO2[6].

Thứ ba, hệ thống quản lý nhà nước về môi trường nói chung và tại các làng nghề nói riêng còn nhiều bất cập, chưa xây dựng được bộ máy tương xứng với nhiệm vụ, thiếu nhân sự... Việc tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều lúng túng. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa trở thành hoạt động thường xuyên, nhiều người dân chưa biết đến Luật Bảo vệ môi trường. Công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường cũng chưa được thực hiện thường xuyên theo định kỳ hoặc là đột xuất nên vẫn bị thụ động trong việc giải quyết và xử lý. Chỉ khi xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc có tranh chấp xảy ra được phản ảnh từ các cơ quan truyền thông thì cơ quan quản lý nhà nước mởi vào cuộc.   

2.2. Về sử dụng lao động trẻ em tại làng nghề

Về độ tuổi của người lao động, Bộ luật Lao động quy định là đủ 15 tuổi, trừ một số trường hợp được phép sử dụng lao động dưới 15 tuổi[7] phải tuân thủ các nguyên tắc: “Chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách. Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động; … phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề”[8]. Thời gian làm việc trung bình đối với lao động chưa đủ 15 tuổi được quy định là “không quá 04 giờ/ngày và 20 giờ/tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì không được quá 08 giờ/ngày và 40 giờ/tuần; có thể làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm đối với một số ngành nghề”[9]. Mặc dù Bộ luật đã quy định rất cụ thể và rõ ràng, nhưng trên thực tế, tình trạng sử dụng lao động trẻ em tại các làng nghề vẫn diễn ra phức tạp và chưa đúng quy định của Bộ luật Lao động. Hiện nay, ở nước ta có hơn 1,7 triệu trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế tại Việt Nam, trong đó có hơn 1 triệu trẻ là lao động trẻ em và có gần 520.000 lao động trẻ em đang phải làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, có những nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của trẻ[10]. Phần lớn số lao động này sống ở khu vực nông thôn.. Chẳng hạn, tại một số làng nghề ở Hà Nội vẫn còn tình trạng “số giờ làm việc bình quân trong ngày của trẻ em lao động vào thời điểm mùa vụ là 6,03 giờ/ngày và vào thời điểm bình thường là 4,08 giờ/ngày. Thậm chí có nhiều trẻ em phải làm công việc chính bình quân là 21,04 ngày công/tháng nhưng tiền công lại nhận được chủ yếu từ các sản phẩm được khoán. Đa số trẻ em tham gia làm việc sau giờ học vào ban ngày, tuy nhiên, vẫn có khoảng 1/5 số lao động trẻ em làm việc cả ban ngày và buổi tối. Trên 80% lao động tại các cơ sở sản xuất làm việc trong tư thế gò bó; trên 60% làm việc trong môi trường có nồng độ bụi cao và gần 40% làm việc trong môi trường có độ ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép; khoảng 4% người chưa thành niên”[11] phải làm việc với máy móc, phương tiện sản xuất không phù hợp, có nguy cơ gây tai nạn lao động, tiếp xúc với hóa chất độc hại và thậm chí phải vận chuyển, mang vác các vật nặng. Mặc dù vấn nạn sử dụng lao động trẻ em vẫn còn tồn tại trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại các làng nghề, nhưng những năm qua, cũng có xu hướng giảm dần theo xu hướng chung của công tác phòng ngừa và xóa bỏ vấn nạn sử dụng lao động trẻ tại Việt Nam. Nếu so sánh với kết quả Điều tra quốc gia về lao động trẻ em lần thứ nhất được thực hiện vào năm 2012, tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm đi đáng kể, từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% vào năm 2018[12]. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á và Thái Bình Dương[13]. Vì vậy, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để xóa bỏ nạn bóc lột lao động trẻ em trong quan hệ lao động tại làng nghề, nhất là trong thời điểm COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nạn bóc lột sức lao động của trẻ em đang tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại. Tình trạng chưa thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động về sử dụng lao động trẻ em do nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, do hoàn cảnh nhiều gia đình làm nghề còn nhiều khó khăn, túng thiếu nên con em sẵn sàng tham gia lao động phụ giúp bố mẹ. Hoặc nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tự nguyện tham gia vào quá trình sản xuất với tiền công rẻ mạt. Thậm chí, có trường hợp chủ sử dụng lao động lợi dụng hoàn cảnh túng quẫn đó mà không trả tiền công, chỉ cung cấp chỗ ở và ăn uống cho đối trượng lao động trẻ em.

Thứ hai, do nhiều công đoạn sản xuất tại làng nghề làm tại gia đình nên nhiều hộ gia đình không thuê lao động trưởng thành mà sử dụng ngay nguồn lao động chính là con em mình với quan niệm “việc nhà”. Đây là tình trạng tương đối phổ biến và mang tính thực tế vì nó đã truyền từ đời này sang đời khác.

Thứ ba, do chưa nhận thức một cách đầy đủ về việc bảo vệ quyền của trẻ em nên nhiều chủ sử dụng lao động trong làng nghề vẫn coi lao động của trẻ em là lao động giá rẻ. Ngược lại, nhiều em lại chưa nhận thức một cách đẩy đủ về quyền lao động của mình và do hoàn cảnh phải lao động để kiếm sống. Vì vậy, các em trở thành “miếng mồi béo bở” trong thị trường lao động. Lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết của trẻ em, nhiều chủ sử dụng lao động là sử dụng nhiều mánh khóe lừa gạt, thậm chí là đe dọa, cưỡng bức để khiến trẻ em phải trở thành công cụ lao động giá rẻ cho mình.

2.3. Về sử dụng đất đai tại làng nghề

Thực thi pháp luật về đất đai là một trong những vấn đề bảo đảm phát triển bền vững làng nghề. Luật Đất đai đã quy định nguyên tắc sử dụng đất đai phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt[14]. Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về Phát triển ngành nghề nông thôn đã quy định, việc sử dụng đất tại làng nghề phải tuân thủ pháp luật về đất đai[15]. Quy hoạch phát triển làng nghề được định hướng là một trong những công cụ chủ yếu của chiến lược quốc gia về xoá đói, giảm nghèo và tăng trưởng toàn diện. Để thực hiện quy định này, nhiều địa phương như Hà Nội, Bắc Giang,... đã cụ thể hóa bằng các quyết định về việc phê duyệt, quy hoạch phát triển làng nghề. Chẳng hạn, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 02/01/2013 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, đính hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, để thực thi áp dụng vào thực tiễn đã gặp rất nhiều vướng mắc và rất khó thực hiện, bởi lẽ còn có khoảng cách khá lớn giữa quy định trong văn bản và thực tế. Nhiều vi phạm pháp luật vẫn diễn ra khá phổ biến như đất được quy hoạch để phát triển làng nghề bị sử dụng sai mục đích, vi phạm các quy định về xây dựng trong làng nghề. Ví dụ, ở cụm làng nghề Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội) nhiều lô đất bị chia nhỏ, xây như những dãy nhà liền kề; nhiều lô đất có hai mặt tiền cũng được xây dựng 3, 4 tầng như khách sạn trái quy định[16]. Hoặc như tình trạng xấm lấn đất đai trái phép. Hay, ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn huyện có 253 trường hợp lấn đất với tổng diện tích trên 32.400 m2; 6 trường hợp chiếm đất với diện tích 810 m2; 649 trường hợp sử dụng đất sai mục đích có diện tích gần 140.400 m2[17].

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ở làng nghề là do ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận người dân, tổ chức và doanh nghiệp chưa cao. Nhiều vi phạm xảy ra nhưng chưa được xử lý kịp thời dẫn đến tình trang “nhờn luật”. Hoặc nguyên nhân khác từ phía cơ quan có thẩm quyền, có những trường hợp lấn chiếm đất đai hoặc sử dụng đất đai không đúng mục đích diễn ra trong một thời gian dài nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Ví dụ, xử lý những hộ gia đình làng nghề xây dựng trái phép nhà xưởng, các công trình kiên cố để sản xuất sản phẩm làng nghề trên đất nông nghiệp, ...

2.4. Về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại làng nghề

Hiện nay, vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và đối với các sản phẩm làng nghề nói riêng được điều chỉnh bởi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và các văn bản pháp luật có liên quan. Mục tiêu quan trọng của Luật Sở hữu trí tuệ là bảo hộ và ngăn chặn sự vi phạm quyền sở hữu tài sản trí tuệ của chủ sở hữu. Bảo hộ các sản phẩm của làng nghề có ý nghĩa rất lớn vì nó gắn liền với việc bảo hộ các giá trị tinh thần, văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam nhằm giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận đến các sản phẩm làng nghề. Xây dựng, phát triển thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm làng nghề góp phần bảo vệ các sản phẩm làng nghề trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Một số địa phương đã tích cực chủ động coi trọng vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề và tiếp tục cụ thể hóa[18] bằng những quy định cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Ví dụ, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội; UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 04/5/2020 về việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho làng nghề trên địa bàn thành phố năm 2020,...; tỉnh Long An đã thực hiện Kế hoạch số 150/KH-SKHCN, ngày 27/02/2018 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An về thực hiện hỗ trợ xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sáng tạo và nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh; Sở cùng các đơn vị liên quan đã tiến hành lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Rừng Dầu, đã từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu này trên thị trường theo xu thế đổi mới, cạnh tranh để phát triển. Tại Gia Lai, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang - HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, đã xác định tầm quan trọng của việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm của đơn vị mình và được hỗ trợ của Sở Khoa học & Công nghệ đã nhanh chóng đăng ký, xây dựng thành công thương hiệu Tiêu Lệ Chí, là yếu tố giúp cho sản phẩm làng nghề gia tăng sức cạnh tranh, mở rộng, lan tỏa và đứng vững trên thị trường...

Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của pháp luật về thương hiệu đối với sản phẩm làng nghề trong điều kiện công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế còn gặp nhiều trở ngại và cũng còn nhiều trường hợp vi phạm pháp luật. Đó là tình trạng một số cơ sở sản xuất ở một số làng nghề (Hưng Yên, Bắc Ninh...) xảy ra hiện tượng gắn nhãn mác của các công ty đã có thương hiệu nổi tiếng vào sản phẩm của mình với mong muốn sản phẩm của minh bán được dễ dàng; tại Bát Tràng, một thời gian dài làng nghề gốm sứ Bát Tràng chưa thống nhất về xây dựng xuất xứ tên gọi “Bát Tràng” để đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hoá tại Cục Sở hữu trí tuệ, đã dẫn đến những mâu thuẫn nội bộ khiến một số người dân trong làng cho rằng “Bát Tràng” là tên gọi của địa phương nên nhiều hộ kinh doanh đã lợi dụng để bắt tay với một số công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... gia công sản phẩm tại làng nhưng lại được dán nhãn mác để xuất khẩu dưới những thương hiệu khác. Thực tế nhiều địa phương, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của làng nghề vẫn đang gặp phải nhiều trở ngại. Nguyên nhân của thực trạng này là:

Thứ nhất, các địa phương và chủ sở hữu các nhãn hàng sản phẩm làng nghề chưa chủ động trong việc xây dựng phát triển thương hiệu.

Thứ hai, người dân làng nghề chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều làng nghề đã có truyền thống sản xuất lâu đời, sản phẩm đã được nhiều người biết đến nên người dân cho rằng việc đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm làng nghề là không cần thiết.

Thứ ba, do tập quán sản xuất thủ công, manh mún, nhỏ lẻ “tự sản tự tiêu” và đa số việc kinh doanh tại làng nghề theo lối “mạnh ai nấy làm” nên thiếu tập trung kinh tế. Vì vậy, các chủ thể kinh doanh tại làng nghề cho rằng không cần phải quảng bá cho sản phẩm của mình. Hơn nữa, việc đầu tư cho giới thiệu, quảng bá sản phẩm đòi hỏi phải chiến lược, phải có sự hiểu biết về cách thức “PR” bài bản và phải có chi phí lớn. Trong khi đó, kinh phí của từng hộ sản xuất thì còn rất hạn hẹp, không thể đầu tư cho chiến lược lâu dài. Chính điều này, các công ty nước ngoài đã lợi dụng để “xâm lấn” mẫu mã, kiểu dáng, xuất xứ sản phẩm làng nghề, cho đến khi các cơ quan truyền thông phát hiện thì người làng nghề mới vỡ lẽ là “thương hiệu” của mình bị “đánh cắp”.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm phát triển bền vững làng nghề

Để bảo đảm phát triển bền vững làng nghề, cần đẩy mạnh một số giải pháp nhằm thực thi pháp luật một cách hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy công tác xoá đói, giảm nghèo và phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn thông qua phát triển ngành nghề thủ công và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề trong nước và quốc tế.

Thứ nhất, để những chủ trương, chính sách và pháp luật thực sự đi vào cuộc sống của người dân làng nghề, căn cứ vào điều kiện, đặc điểm cụ thể, từng địa phương cần xây dựng các mô hình thí điểm nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở sản xuất, người lao động và cả cộng đồng dân cư tại các làng nghề về Luật Bảo vệ môi trường; mở rộng và đa dạng các hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng, địa bàn góp phần tạo nên sự nhất trí trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ hai, mỗi địa phương có làng nghề cần căn cứ vào điều kiện, đặc điểm cụ thể để xây dựng quy hoạch phát triển các cụm điểm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phù hợp với từng địa phương và khai thác hiệu quả các cụm điểm này. Việc lập quy hoạch để hình thành và phát triển các cơ sở sản xuất làng nghề cần phải được coi là một loại quy hoạch đặc thù với một quần thể vừa bảo đảm hoạt động dân sinh, vừa sản xuất, kinh doanh, vừa có thể kết hợp du lịch thăm ngắm mua sắm… nên đất quy hoạch làng nghề nên được xem là một loại đất với các đặc điểm riêng, với chức năng vừa ở, vừa sản xuất thì đất làng nghề nên được xem là một loại đất quy hoạch với các đặc điểm riêng, vừa mang đặc tính của nhóm đất ở, vừa mang đặc tính của nhóm đất sản xuất tiểu thủ công nghiệp; cần quy hoạch đất làng nghề có dân cư như một làng truyền thống, hạ tầng xã hội phục vụ làng nghề giống như những làng xóm khác nhưng nó lại mang những yếu tố về văn hóa, sản xuất, kinh doanh; cần xác định cơ chế hợp tác cho nhiều hoạt động khác nhau trong việc phát triển các sản phẩm làng nghề; khuyến khích khu vực tư nhân chủ động và là chủ thể chính trong phát triển lĩnh vực ngành nghề thủ công mỹ nghệ; xác định rõ vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng các chính sách nhằm đảm bảo sự hỗ trợ và bảo hộ hoạt động cho các khu vực tư nhân một cách hiệu quả mà vẫn đảm bảo được mục tiêu trước mắt và lâu dài trong kế hoạch phát triển bền vững.

Thứ ba, triển khai thực hiện tốt những quy định của Bộ luật Lao động về sử dụng lao động trẻ em góp phần thay đổi nhận thức và thói quen của người dân về sử dụng lao động con em. Tùy thuộc vào ngành nghề của mỗi làng nghề mà từng địa phương cần có những khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể quy trình sản xuất được sử dụng lao động trẻ em. Bên cạnh đó, để thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa làng nghề để làng không bị mất nghề, cần huyến khích và hỗ trợ mở các lớp dạy nghề cho chính con em của các hộ sản xuất trong làng theo tính chất gia truyền tiếp nối giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cháu một cách thường xuyên và liên tục. Vì vậy, chính quyền địa phương cần có những biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hộ sản xuất trong làng nghề về việc sử dụng lao động trẻ em trong các hoạt động sản xuất của gia đình phù hợp với quy định của pháp luật lao động.

Thứ tư, nâng cao nhận thức cho người dân làng nghề về tầm quan trọng của thương hiệu. Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để phát triển bền vững, mọi chủ thể kinh doanh tại làng nghề cần có chiến lược xây dựng và quảng bá thương hiệu của mình. Từng địa phương cần hỗ trợ các làng nghề và cơ sở kinh doanh phát triển website dựa trên website chính của địa phương; tăng cường quảng bá sản phẩm làng nghề trên báo và đài phát thanh truyền hình để người dân dễ dàng tiếp cận và tăng độ tin cậy về chất lượng sản phẩm của làng nghề; xây dựng các chính sách khuyến khích thúc đẩy làng nghề ứng dụng khoa học công nghệ để sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu./.

PGS.TS LÊ THỊ CHÂU

Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Duy Tân


[1] Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2018, https://nhandan.vn/doi-song-xa-hoi/long-dong-lang-nghe-334719/.

[2] Hội thảo “Phát triển bền vững ngành Thủ công mỹ nghệ với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)” do Sở Công thương Tp. Hà Nội tổ chức 17/10/2019, https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/7320/2830840/9/thuc-ay-nganh-thu-cong-my-nghe-phat-trien-ben-vung-trong-boi-canh-hop-tac-cpttp.html;jsessionid=PiywjAuOwAEUeGOYIjpNnjCH.app2.

[3] Điều 43 Hiến pháp năm 2013.

[4] Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

[5] Theo kết quả phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề (trong tổng số 1.350 làng nghề, làng có nghề của thành phố) giai đoạn 2017-2020 của Sở NN&PTNT Tp. Hà Nội, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống, https://moitruong.net.vn/ha-noi-chi-hon-1-300-ty-dong-khac-phuc-o-nhiem-lang-nghe-co-het-moi-lo/.

[6] Kết quả khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, http://kinhtedothi.vn/giam-thieu-o-nhiem-tai-lang-bun-phu-do-377165.html#:~:text=K%E1%BA%BFt%20qu%E1%BA%A3%20%C4%91i%E1%BB%81u%20tra%20tr%C3%AAn,l%C3%A0%20618%20mcal%2Ft%E1%BA%A5n%20b%C3%BAn.

[7] Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019.

[8] Điều 144 Bộ luật Lao động năm 2019.

[9] Khoản 2 Điều 146 Bộ luật Lao động năm 2019.

[10]Kết quả Điều tra quốc gia về lao động trẻ em lần thứ hai của Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 18 tháng 12 năm 2018, https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Pressreleases/WCMS_764700/lang--vi/index.htm.

[11] Kết quả khảo sát của Dự án Phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em ở làng nghề truyền thống chế tác gỗ và đá mỹ nghệ ở xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Bộ LĐTB&XH, năm 2013, https://baophapluat.vn/nan-giai-cau-chuyen-lao-dong-tre-em-post330145.html.

[12] Kết quả khảo sát của Dự án Phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em ở làng nghề truyền thống chế tác gỗ và đá mỹ nghệ ở xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Bộ LĐTB&XH, năm 2013, https://baophapluat.vn/nan-giai-cau-chuyen-lao-dong-tre-em-post330145.html.

[13] Nhật Anh, Tỷ lệ lao động trẻ em của Việt Nam thấp hơn 2% so với trung bình của khu vực, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/ty-le-lao-dong-tre-em-cua-viet-nam-thap-hon-2-so-voi-trung-binh-cua-khu-vuc-628562/.

[14] Điều 149 Luật Đất đai năm 2013.

[15] Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP.

[16] Đất tại các cụm làng nghề: Không thể chấp nhận sự đã rồi!, http://hanoimoi.com.vn/ban-in/Phong-su-Ky-su/845708/dat-tai-cac-cum-lang-nghe-khong-the-chap-nhan-su-da-roi.

[17] Thống kê tình hình đất đai của UBND huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc năm 2019, http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/Bao-dong-tinh-trang-o-nhiem-va-xam-lan-dat-dai-o-lang-nghe-Vinh-Phuc-569989/.

[18] Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 của Chính phủ. 

  • Tags: