Phòng, chống đại dịch COVID-19: Một số vấn đề từ hướng tiếp cận xã hội học

Đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng dịch bệnh có quy mô, mức độ ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, gây ra sự bất ổn chưa từng thấy đối với nền kinh tế toàn cầu. Phân tích một số vấn đề cụ thể từ khía cạnh xã hội học trong hoạt động phòng, chống

Đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng dịch bệnh có quy mô, mức độ ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, gây ra sự bất ổn chưa từng thấy đối với nền kinh tế toàn cầu. Phân tích một số vấn đề cụ thể từ khía cạnh xã hội học trong hoạt động phòng, chống đại dịch COVID-19 để thấy rõ những biện pháp nước ta áp dụng là đúng đắn và cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, triệt để nhằm đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh.

Ảnh min họa - Internet

Một số chiều cạnh từ góc độ tiếp cận xã hội học

Một là, phản ứng mang tính cộng đồng của con người trước đại dịch COVID-19 

Ngay khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, con người ngay lập tức có phản ứng theo nhóm cả tích cực và tiêu cực, phù hợp và không phù hợp. Biểu hiện đầu tiên là người dân ở các nước trên thế giới hoảng sợ lao đến các siêu thị, gom sạch nhu yếu phẩm (kể cả ở một số nước văn minh, phát triển nhất). Những phản ứng mang tính cộng đồng, thiếu lý trí khoa học không chỉ xảy ra ở các nhóm, cộng đồng xã hội chưa phát triển mà thậm chí còn gia tăng ở các khu vực dân cư hiện đại, văn minh. Một biểu hiện nữa mang tính cộng đồng là trong khi người dân nhiều nước châu Á ngay lập tức sử dụng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn như một biện pháp y tế phòng dịch thì ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ... ban đầu rất thờ ơ với việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 về mặt y tế, không mang khẩu trang, vẫn tụ tập đông người bất chấp cảnh báo của chính quyền, thậm chí kỳ thị với người mang khẩu trang... Điều này lý giải bản chất của con người luôn có xu hướng lệ thuộc vào những phản ứng mang tính cộng đồng để ra quyết định cho hành động của cá nhân, nhất là trong những tình huống bất thường.

Ở nước ta, bên cạnh xu thế cộng đồng thì những biện pháp hợp lý, hiệu quả của Chính phủ từ việc cách ly tập trung, cách ly tại nhà, đến thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31-3-2020, của Thủ tướng Chính phủ, về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 chính là cơ sở pháp lý, nền tảng quan trọng để cả nước thực hiện hiệu quả việc phòng, chống dịch.

Hai là, vai trò của cơ quan chức năng và sự đồng thuận của toàn xã hội 

Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đồng bộ ba hình thức kiểm soát dịch bệnh từ phương diện kiểm soát xã hội. Đó là, cách ly tập trung, cách ly tại nhà và giãn cách toàn xã hội. Để đạt được những thắng lợi bước đầu trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã và đang phát huy tối đa sự đoàn kết xã hội gắn liền với lợi ích, vai trò, trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong xã hội, vì dịch bệnh là một dạng khủng hoảng sức khỏe cộng đồng mà không một nhà nước, chính quyền nào dù mạnh mẽ đến đâu có thể dễ dàng xử lý hiệu quả nếu thiếu sự nỗ lực và đóng góp chung của từng thành viên cộng đồng. Vi-rút Cô-rô-na có thể sinh ra trong tự nhiên, nhưng có thể bùng phát thành thảm họa, phần nhiều là do quyết định của từng cá thể trong xã hội. Việc phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh không chỉ là công việc của chính quyền mà còn là của từng cá nhân trong cộng đồng. Từng thành viên cộng đồng vừa có thể là đối tượng tạo ra nguyên nhân, vừa có thể là đối tượng phải gánh chịu hậu quả. Thời điểm này, chúng ta đang sống trong một xã hội mà quyết định của một cá nhân có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh của cả cộng đồng. 

Đại dịch COVID-19 có thể xem là phép thử cho ý thức, trách nhiệm xã hội của từng cá nhân, của từng quốc gia. Dịch bệnh không còn là câu chuyện “của xã hội” mà đã trở thành vấn đề “của mỗi cá nhân” và đại dịch có thể thúc đẩy ý thức cá nhân đối với lợi ích cộng đồng; thúc đẩy trách nhiệm xã hội của các quốc gia với từng cá nhân. Y học xã hội đã có nhiều bằng chứng cho thấy, các cộng đồng có sự gắn kết sẽ đối phó với dịch bệnh tốt hơn và những người trong cộng đồng đó nếu bị nhiễm bệnh cũng có thể phục hồi nhanh hơn. Ngược lại, những cộng đồng ít gắn kết, có xu hướng độc lập, thiếu sự hợp tác sẽ khó tìm ra cách đối phó hiệu quả. Chúng ta đạt được những kết quả đáng khích lệ bước đầu có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó không thể không khẳng định vấn đề đoàn kết cơ học (đoàn kết theo giá trị, xã hội truyền thống) và đoàn kết xã hội hữu cơ (đoàn kết theo giá trị, xã hội hiện đại). Do đó, có thể khẳng định, giá trị vì cộng đồng, niềm tin, sự kết nối, tương trợ lẫn nhau của người Việt Nam đang đem lại những hiệu quả thực tế trước đại dịch COVID-19.

Ba là, từ dịch bệnh COVID-19 đến “dịch” thông tin trên truyền thông xã hội là một tác động “kép” rất cần phân tích thấu đáo từ phương diện xã hội học

“Dịch thông tin” ở đây được hiểu là các tin giả, tin đồn. Chúng ta từng chứng kiến “dịch thông tin” có thể bóp méo các quy trình chính trị, thao túng thị trường tài chính,... và nay tiếp tục chứng kiến khả năng, mức độ gây hại cho sức khỏe con người. Ngay từ thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19, những thông tin dạng đồn thổi đã xuất hiện tại Việt Nam. Lợi dụng khả năng ẩn danh trên mạng xã hội, một số cá nhân đã đăng tải thông tin bịa đặt, thiếu chính xác về tình hình dịch bệnh. Tin giả, tin đồn có thể tạo ra sự hoảng loạn của số đông, dễ dẫn đến nguy cơ làm cho dịch bệnh tăng theo cấp số nhân. Chẳng hạn, việc mua vét, tích trữ khẩu trang, dung dịch sát trùng ở ngoài vùng dịch, những nơi ít bị dịch bệnh đe dọa, khiến cho những người có nhu cầu thực sự trong vùng dịch lại không thể tiếp cận, để áp dụng các phương pháp phòng dịch tối thiểu và cơ bản. Hoặc việc tụ tập đông người mua hàng sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan. “Dịch thông tin” tác động đến sự kỳ thị của cộng đồng với những cá nhân liên quan đến COVID-19, thậm chí kỳ thị cả đội ngũ thầy thuốc, nhân viên ngành hàng không..., đặc biệt dễ khiến người bị nhiễm bệnh giấu bệnh, không dám khai báo, dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh. Thậm chí, những kẻ thiếu thiện chí còn bịa đặt, vu cáo rằng cơ quan chức năng che giấu thông tin; hay cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền nhằm thực hiện mưu đồ chính trị đen tối… Từ góc độ tiếp cận xã hội học có thể phân tích hiệu ứng này trên một số khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, các tin đồn, tin giả sai lệch, thiếu cơ sở khoa học, không được kiểm chứng, không được trích dẫn nguồn. Trong khi đó, không ít người dân chỉ có thói quen tiếp nhận thông tin mà hầu như không có năng lực sàng lọc thông tin.  

Thứ hai, sự bùng phát đại dịch COVID-19 là một dấu hiệu cho thấy, thế giới càng phát triển càng có sự bất định về mặt xã hội. Bởi vì, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện thì hiểu biết của giới chuyên môn còn chưa chắc chắn, trong khi người dân lại có nhu cầu quan tâm rất cao. Sự bất cân xứng đó tạo nên một khoảng không lý tưởng cho tin đồn, tin giả cũng như các hành vi sai lệch xuất hiện. Thực tế là, do tính chất nghiêm trọng của đại dịch nên ngay cả khi thông tin chính thống đáp ứng được nhu cầu thì người dân vẫn sẵn sàng đón nhận bất cứ nguồn tin nào mà họ có thể có trong cuộc sống hằng ngày. 

Thứ ba, không ít tài khoản mạng xã hội có nhiều người theo dõi đã lợi dụng những thông tin về đại dịch COVID-19 để “nuôi” sức hút cho tài khoản của mình. Họ liên tục cập nhật những thông tin liên quan đến đại dịch COVID-19, trong đó có những thông tin chưa kiểm chứng, thông tin sai, trích dẫn những con số hay dự báo thiếu căn cứ chuyên môn...

Từ thực tế trên có thể rút ra, khi đối đầu với nguy cơ dịch bệnh, cần có sự bình tĩnh để tiếp nhận những thông tin và dữ liệu từ cơ quan có thẩm quyền, ngay cả khi nó trái ý muốn, ngoài mong đợi. Để có thể giảm sự xuất hiện và phát tán những tin giả, thông tin sai lệch, rất cần ý thức trách nhiệm xã hội và năng lực xử lý, sàng lọc thông tin của mỗi người dân khi tham gia truyền thông xã hội. Đặc biệt, đối với những người có tầm ảnh hưởng, đây chính là thời điểm họ thể hiện trách nhiệm công dân trên môi trường mạng xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, báo chí cần đẩy mạnh quá trình truyền thông về dịch bệnh, minh bạch, đầy đủ, cập nhật do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp, như Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông...

Thứ tư, thành công và hệ quả xã hội của biện pháp giãn cách xã hội 

Giãn cách xã hội là việc thiết lập khoảng cách vật lý giữa hai hoặc nhiều người để ngăn chặn, phòng ngừa sự lây lan của vi-rút Cô-rô-na. Nhiều nước đã thực hiện các biện pháp khác nhau để giãn cách xã hội, như quy định khoảng cách tối thiểu giữa hai người khi ra đường, cấm tập trung đông người, đóng cửa trường học và các khu vực công cộng, các hình thức sản xuất, kinh doanh, phong tỏa, buộc người dân ở nhà… Việc Chính phủ Việt Nam áp dụng biện pháp giãn cách xã hội là một hành động chính trị - xã hội mạnh mẽ và kịp thời, một giải pháp vô cùng cần thiết và hiệu quả trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đất nước đang có xu hướng già hóa dân số, tỷ lệ hộ gia đình có nhiều thế hệ chung sống khá cao, với nhiều thói quen trong giao tiếp, sinh hoạt mang tính cộng đồng… sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng mức độ lây nhiễm. Điều may mắn là, trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta cũng có nhiều yếu tố thuận lợi, như ứng dụng công nghệ thông tin nhanh chóng và phổ quát, do đó thực hiện giãn cách xã hội không có nghĩa là ngừng mọi liên lạc, kết nối giữa các cá nhân và nhóm với nhau. Công nghệ thông tin đã giúp cho các cá nhân, nhóm xã hội thỏa mãn được nhu cầu sinh hoạt, thư giãn, đồng thời có thể sử dụng thời gian cách ly, giãn cách xã hội để học tập, làm việc, tạo dựng các giá trị và hành động có ý nghĩa…

Tuy nhiên, từ góc nhìn xã hội học, chúng ta cũng phải nhận thức đầy đủ để có hành động phù hợp nhằm giảm thiểu những hệ quả xã hội không mong muốn do việc thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, nhất là trên diện rộng và kéo dài trong nhiều ngày. Đó không chỉ là những tác động liên quan đến hoạt động kinh tế, tài chính… mà còn là vấn đề an sinh xã hội, sức khỏe tâm lý và tinh thần của người dân trong và sau thực hiện giãn cách xã hội (sự căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn, có hành vi mất kiểm soát…); các vấn đề xã hội (tội phạm, ly hôn, nạn bạo hành gia đình, lạm dụng đồ uống có cồn, bất bình đẳng giới trong gia đình; bất bình đẳng xã hội giữa các giai tầng xã hội, nhất là đối với nhóm xã hội yếu thế…) có thể gia tăng. 

Vì vậy, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, cần tăng cường vai trò, sự tiếp cận của thiết chế truyền thông đến các hộ gia đình, nhóm xã hội nhằm bảo đảm kết nối xã hội trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ in-tơ-nét, truyền hình, mạng di động… cũng cần có các chính sách và giải pháp phù hợp để góp phần thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả và bền vững; mọi người dân cần nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm xã hội. Đó sẽ là liều “vắc-xin thứ 2” trong khi chúng ta chờ đợi các nhà khoa học tìm ra vắc-xin chống lại vi-rút Cô-rô-na. 

Thứ năm, năng lực thích nghi của con người là một vấn đề cấp thiết trong quá trình phát triển ở Việt Nam

Dưới lăng kính tiếp cận xã hội học, xã hội càng phát triển, hiện đại thì nhu cầu về an toàn ngày càng được đề cao. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 lại cho thấy những rủi ro về sức khỏe, tính mạng là khó lường mà khoa học chưa theo kịp. Đại dịch này có tốc độ lây lan mạnh nhất và gây tử vong cao nhất trong vòng 100 năm qua, và không loại trừ bất kỳ quốc gia, dân tộc, cộng đồng, nhóm xã hội và cá nhân nào. Điều này đã tác động không nhỏ đến tâm lý về một “xã hội rủi ro”, tức là các xã hội ngày càng có nhiều rủi ro trong quá trình phát triển (cách dùng từ của nhà xã hội học người Đức U-rích Bếch (Ulrich Beck). 

Thứ sáu, vai trò của truyền thông xã hội

Truyền thông xã hội đang đóng một vai trò không thể thay thế trong việc lan tỏa hiệu ứng thông tin kịp thời đến các nhóm xã hội khác nhau. Các mạng xã hội đang chung tay với cơ quan quản lý nhà nước cập nhật thông tin rõ nguồn gốc, từ cơ quan chức năng, góp phần đẩy lùi tin giả. Chúng ta đã và đang chứng kiến những chiến dịch truyền thông xã hội kêu gọi ủng hộ các y, bác sĩ, lực lượng vũ trang trên tuyến đầu chống dịch…, đã chứng minh khía cạnh tích cực của những nền tảng trực tuyến trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Không chỉ là kênh cung cấp thông tin, truyền thông xã hội còn được sử dụng để lan truyền những thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng hay lên án những hành vi sai trái trong quá trình phòng, chống đại dịch COVID-19. Tại Việt Nam cho thấy, hệ thống báo chí chính thống, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông… đã sử dụng truyền thông xã hội như một công cụ đắc lực để truyền tải các thông điệp cần thiết về phòng, chống dịch COVID-19 trong toàn xã hội. Bên cạnh đó, các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube… đã tích cực kiểm soát thông tin sai trái, xóa bỏ tin bịa đặt, dán nhãn tin khả nghi, treo/ngưng các tài khoản chuyên tung tin thất thiệt, và dùng thuật toán để giúp người dùng tăng tiếp xúc với các nguồn tin đáng tin cậy. 

Như vậy, truyền thông xã hội đang đóng một vai trò tích cực không thể phủ nhận, song để kiểm soát khía cạnh tiêu cực, phát huy mặt tích cực của truyền thông xã hội, hơn lúc nào hết, báo chí chính thống cần phát huy vai trò định hướng và làm chủ “dòng chảy” thông tin trên mạng xã hội, thực sự trở thành người dẫn dắt và hướng dẫn dư luận xã hội. 

Thứ bảy, ứng phó với đại dịch COVID-19 là một tình huống xã hội đặc biệt 

Mặc dù là tình huống xã hội đặc biệt, chưa từng xảy ra, nhưng với sự nhạy bén, tính chủ động cao trên cơ sở phân tích tình hình thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 với các biện pháp: “Giãn cách xã hội; đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát, sàng lọc, phát hiện sớm, quản lý chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, dập dịch”. Chỉ thị số 16/CT-TTg là một quyết định chính trị đúng đắn ứng phó với một tình huống khẩn cấp về dịch bệnh và đã bảo đảm được mục tiêu cốt lõi là kiểm soát và từng bước khống chế, chặn đứng kịp thời khả năng bùng phát trên diện rộng dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam.

Đứng trước tình huống xã hội đặc biệt này, biện pháp quan trọng và khẩn cấp nhất là phải huy động sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tất cả người dân để đối phó với đại dịch COVID-19. Các cơ quan chức năng cần đồng thời thực hiện tốt hai biện pháp là: kiên trì tuyên truyền, vận động, đề cao tính tự giác, trách nhiệm của mỗi cá nhân; đồng thời, áp dụng các chế tài hình phạt nghiêm minh, kịp thời. 

Một số vấn đề rút ra

Từ những phân tích trên có thể rút ra một số vấn đề sau:

Một là, các cá nhân, tổ chức có uy tín và trách nhiệm trên thế giới đều có chung nhận định: Việt Nam đã trở thành một hình mẫu quyết tâm khống chế dịch bệnh trong điều kiện nguồn lực có hạn. Việt Nam đã nhạy bén phát hiện từ sớm nguy cơ từ đại dịch COVID-19 và chủ động huy động có hiệu quả các nguồn lực để đối phó với dịch bệnh. Việt Nam là quốc gia đã nhanh chóng nắm bắt và sử dụng hiệu quả “vai trò của truyền thông và công nghệ thông tin”, “tính ưu việt của hệ thống y tế cơ sở”, “sức mạnh của tinh thần đoàn kết xã hội”, “kích hoạt sớm hệ thống phản ứng”, và sử dụng “cách tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ”… 

Hai là, từ góc nhìn của xã hội học, đại dịch COVID-19 thực sự là một thách thức đối với Việt Nam và thế giới; đòi hỏi không chỉ trình độ nghiên cứu thuốc chữa, khả năng sản xuất vắc-xin, tiềm lực sản xuất ra các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết mà còn đòi hỏi sự nhạy bén, chủ động, biết cách phòng, chống và không hoang mang, lo lắng thái quá, đặc biệt, đòi hỏi phải có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, thực hiện tốt các chỉ đạo, khuyến cáo trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Do đó, phương châm của Đảng, Nhà nước là, nâng cao ý thức phòng dịch, quyết liệt chống dịch, nhưng cần bình tĩnh, lạc quan và thực hiện nghiêm túc, tự giác các chỉ thị là hoàn toàn phù hợp và hiệu quả.

Ba là, cần quan tâm hơn trong nghiên cứu phát triển chuyên ngành xã hội học y tế và sức khỏe; đồng thời hướng đến nghiên cứu liên ngành để phát triển các lĩnh vực: Y học xã hội; y tế công cộng; chính sách y tế… Điều này sẽ tạo cho ra sức mạnh tổng hợp, chủ động hơn trong việc ứng phó với các vấn đề liên quan đến dịch bệnh, sức khỏe, y tế của đất nước trong tiến trình phát triển và hội nhập với thế giới. 

Bốn là, đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng về dịch bệnh chưa từng có, do vậy cần phải có những ứng phó và giải pháp đồng bộ, hệ thống và đặc biệt. Xã hội học là một khoa học rất quan tâm đến việc vận dụng cách tiếp cận thiết chế xã hội để giải thích các hiện tượng của đời sống xã hội. Do vậy, đề xuất các giải pháp trong phòng, chống đại dịch COVID-19 cần được phân tích một cách tổng thể từ chính hệ thống các thiết chế xã hội có liên quan, đó là: thiết chế y tế, thiết chế pháp luật, thiết chế chính trị, thiết chế kinh tế, thiết chế gia đình, thiết chế giáo dục, thiết chế đạo đức, thiết chế văn hóa, thiết chế khoa học, thiết chế truyền thông, thiết chế dư luận xã hội… Thực tiễn cho thấy năng lực để ứng phó thành công với đại dịch dường như không hẳn chỉ là trình độ phát triển cao của thiết chế y tế mà chính là vấn đề công bằng, tạo ra cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe công bằng cho mọi người dân của thiết chế y tế...

Năm là, chúng ta cần phải đưa ra những dự báo chính xác để góp phần xây dựng kế hoạch hành động sau đại dịch COVID-19 nhằm các mục tiêu: bảo đảm an sinh xã hội, tái cấu trúc các quan hệ xã hội..., góp phần giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

TS. Đỗ Văn Quân

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

  • Tags: