Chính phủ Australia và Facebook đã tạm thời tìm được giải pháp tháo gỡ căng thẳng liên quan tới dự thảo Bộ quy tắc thương lượng truyền thông bắt buộc mà Hạ viện quốc gia lớn nhất châu Đại dương vừa thông qua, theo đó các nền tảng mạng xã hội phải trả tiền cho việc đăng tải nội dung tin tức của các hãng truyền thông Australia.
Biểu tượng của Google và Facebook trên màn hình máy tính bảng. Ảnh: AFP/TTXVN
Gần một tuần sau khi chặn hiển thị nội dung và chia sẻ liên kết tới các trang của tất cả các hãng truyền thông Australia, chiều 23/2 mới đây, Facebook cam kết sẽ khôi phục lại nội dung các trang này sau khi đạt được thỏa thuận với Chính phủ Australia về một số sửa đổi dự thảo Bộ quy tắc.
Phát biểu sau các cuộc thảo luận với Facebook để giải quyết những lo ngại của công ty về Bộ quy tắc, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg khẳng định các sửa đổi chỉ mang tính kỹ thuật, để làm “rõ thêm” mà không làm thay đổi mục đích của văn bản này. Mục đích chính là buộc các nền tảng kỹ thuật số phải trả tiền cho việc sử dụng nội dung do các hãng truyền thông và các nhà báo Australia đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và chi phí để sản xuất, biên tập và thẩm định nội dung. Ông bày tỏ tin tưởng Facebook sẽ thực hiện cam kết của mình trong những ngày tới và chủ động ký kết thỏa thuận thương mại với các hãng truyền thông Australia mà không phải cần tới sự điều chỉnh của Bộ quy tắc hay can thiệp của chính phủ.
Về phần mình, Facebook xác nhận sau các cuộc thảo luận, Chính phủ Australia đã chấp thuận thực hiện một số thay đổi và đảm bảo giải quyết những mối lo ngại chính của công ty, đặc biệt là vấn đề các thỏa thuận thương mại phải thừa nhận giá trị mà nền tảng xã hội này mang lại cho các hãng truyền thông. Theo đài ABC, sửa đổi bổ sung đối với Bộ quy tắc bao gồm điều khoản cho phép Facebook và các tổ chức báo chí thực hiện quá trình hòa giải trong vòng 2 tháng nếu xảy ra tranh chấp để đạt một thỏa thuận riêng. Nếu sau 2 tháng hòa giải không đạt kết quả, Chính phủ Australia mới được chỉ định một bên trọng tài can thiệp. Việc đưa tranh chấp ra cơ quan trọng tài phân xử là vấn đề cả Google và Facebook đều phản đối. Một điểm sửa đổi khác nữa là Chính phủ Australia sẽ phải thông báo trước cho một nền tảng công nghệ nếu quyết định áp dụng Bộ quy tắc đối với nền tảng này và phải xem xét tất cả các thỏa thuận mà công ty sở hữu nền tảng này đã ký kết và thực hiện.
Trong khi đó, Bộ trưởng Truyền thông Australia Paul Fletcher tuyên bố, điều quan trọng là các "gã khổng lồ" truyền thông xã hội hoạt động tại Australia phải tuân thủ luật pháp quốc gia này. Chính phủ Australia sẽ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo các công ty thực hiện đúng cam kết. Nguyên tắc này luôn được Canberra khẳng định rất rõ trong suốt thời gian qua.
Trước đó, ngày 18/2, khi đưa ra chỉ trích mạnh mẽ đối với quyết định hạn chế tin tức của Facebook trên nền tảng xã hội này, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định các công ty công nghệ đang thay đổi thế giới, nhưng không thể điều hành thế giới. Ông nhấn mạnh Australia sẽ không bị đe dọa bởi sự “o ép” của "gã khổng lồ" công nghệ truyền thông và coi động thái của Facebook là nhằm gây áp lực với các nghị sỹ bỏ phiếu về Bộ quy tắc.
Như vậy, Chính phủ Australia sẽ sửa đổi Bộ quy tắc để các nghị sĩ xem xét thông qua. Không những bày tỏ sự ủng hộ đối với Bộ quy tắc, hiện một số nghị sỹ Australia còn thúc giục chính phủ xem xét ban hành thêm các quy định để giám sát hoạt động của các công ty công nghệ.
Theo Thượng nghị sĩ Andrew Bragg, quyết định ngăn chăn nội dung tin tức của Facebook minh chứng cho lập luận rằng các công ty công nghệ lớn vừa là nhà cung cấp dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, vừa là nhà xuất bản do có thể kiểm duyệt nội dung và loại bỏ người dùng. Ông nhận xét, một khi Facebook loại bỏ tin tức thật, nền tảng này đã trở thành “thiên đường” của tin giả.
Thượng nghi sỹ Julian Simmonds bày tỏ quan điểm Australia cần buộc Facebook phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xấu trên mạng xã hội với vai trò là một nhà xuất bản và người dân Australia có quyền kiện mạng xã hội này vì đã lưu trữ các bình luận có tính chất phỉ báng hoặc quấy rối.
Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Julian Leeser còn đề xuất một cách tiếp cận pháp lý tổng thể hơn đối với các công ty truyền thông xã hội. Ông nhấn mạnh, hoạt động trên phạm vi toàn cầu không có nghĩa là các công ty này đứng trên pháp luật của Australia.
Quay trở lại với Bộ quy tắc, ngay từ những ngày đầu triển khai ý tưởng ban hành các quy định nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các hãng truyền thông truyền thống và hạn chế quyền lực của Google và Facebook ở Australia, Chủ tịch Cơ quan Quản lý cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) Rod Sims đã tuyên bố Australia sẽ quyết tâm buộc Google và Facebook phải tuân thủ Bộ quy tắc sau khi được thông qua, nếu như những gã khổng lồ công nghệ này còn muốn hoạt động tại thị trường này.
Người đứng đầu ACCC cũng phản bác ý kiến cho rằng nỗ lực quản lý các "gã khổng lồ" công nghệ có thể "kìm hãm” sự đổi mới hay tiến bộ. Ông lập luận, các đổi mới công nghệ số có tiềm năng làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, nhưng cũng có những hình thức đổi mới có thể gây hại hoặc làm xói mòn xã hội, ví dụ như tin giả và nội dung cực đoan trên mạng. Ông Sims cảnh báo trên thực tế, Google và Facebook là tổ chức doanh nghiệp nên chủ yếu chỉ quan tâm đến việc tăng lợi nhuận cho các cổ đông và do vậy cần được quản lý phù hợp.
Học giả John Naughton, Chủ tịch Ban cố vấn của Trung tâm Minderoo về công nghệ và dân chủ tại Đại học Cambridge, nhận xét ba thập niên qua đã chứng kiến sự trỗi dậy của 5 tập đoàn toàn cầu khổng lồ gồm Alphabet (chủ sở hữu của Google và YouTube), Amazon, Apple, Facebook và Microsoft, mỗi tập đoàn đều nắm giữ quyền lực độc quyền trong các lĩnh vực riêng. Các công ty này đã phát triển trong một môi trường phần lớn không được luật pháp điều chỉnh, theo nghĩa các công ty này hoạt động trong các lĩnh vực ít bị luật pháp điều chỉnh hoặc ở đó chính phủ không quan tâm đến việc áp dụng luật hiện hành.
Theo ông Naughton, cho đến nay, các công ty này đã vượt lên nhờ giá trị và vai trò được nhìn nhận là cơ sở hạ tầng thiết yếu của thế giới, khiến các nhà lãnh đạo công ty tự thấy mình "hết sức quan trọng". Vì vậy họ cảm thấy "sốc và tức giận" khi chính phủ các quốc gia không công nhận vị thế của họ. Ông Naughton nhận xét những phản hồi ban đầu của Google và Facebook trước các quy tắc Australia đề xuất có thể chứng tỏ điều đó.
Tuy nhiên, điều gì cần xảy ra đã xảy ra. Bộ quy tắc sẽ được Australia thông qua thành luật. Theo một nghĩa nào đó, như ông Naughton nhận định, điều này rất quan trọng bởi nó khẳng định nguyên tắc các chính phủ được bầu chọn một cách dân chủ, chứ không phải các công ty công nghệ, quyết định những gì xảy ra tại quốc gia của mình.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney, ông David Nguyễn, chuyên gia người Việt về trí tuệ nhân tạo, robotics và tự động hóa, Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Australia thuộc Mạng lưới Đổi mới sáng tạo toàn cầu được Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam khởi xướng, cũng đưa ra những nhận xét tương tự. Theo ông, trong những vụ việc như thế này, các công ty công nghệ, dù lớn đến đâu, cũng không thể chống lại chính phủ của một đất nước. Các công ty này chỉ có thể thỏa thuận với các chính phủ để có được môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho mình mà thôi. Hơn nữa, phản ứng của Facebook sẽ chỉ làm tăng thêm quyết tâm của Chính phủ Australia và giúp nước này có thêm nhiều đồng minh ủng hộ như Ấn Độ và Canada, nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Ông David Nguyễn dẫn chứng việc Chính phủ Trung Quốc điều tra và hoãn việc IPO tập đoàn tài chính Ant Group với lý do "chống độc quyền" hay Chính phủ Mỹ cấm Huawei và Tik Tok là những ví dụ điển hình cho thấy các tập đoàn lớn nhất thế giới về công nghệ vẫn phải tuân theo sự quản lý của chính phủ tại đất nước mà các công ty này đang kinh doanh.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, công ty công nghệ không phải là một quốc gia và user ID (định danh người dùng) không phải là tấm hộ chiếu, nên lãnh đạo các tập đoàn công nghệ đa quốc gia có thể có nhiều tiền hơn cả một quốc gia, nhưng không thể ảo tưởng về quyền lực đến mức gây chiến với các chính phủ được.
Ông David Nguyễn chia sẻ, việc Australia ban hành Bộ quy tắc thương lượng truyền thông bắt buộc có thể là mô hình để các nước khác yêu cầu những tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Facebook và Google chia sẻ một phần lợi nhuận mà các công ty này thu được tại mỗi quốc gia.
Chuyên gia David Nguyễn cũng cho rằng, nếu Chính phủ Việt Nam tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp công nghệ trong nước và các doanh nghiệp trong nước có đủ khả năng tài chính cũng như có giải pháp hợp lý, thì việc làm ra các sản phẩm cạnh tranh với các công ty đa quốc gia là khả thi. Đặc biệt, với những thay đổi lớn trong việc sử dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR) cùng với khả năng hiểu biết cặn kẽ về người dùng trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam cần một mô hình kinh doanh sáng tạo là có thể cạnh tranh một phần nào đó với Facebook và Google.