1. Đổi mới sáng tạo trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”. Đại hội XII của Đảng (năm 2016) tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học - công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức”.
Đồng thời, với mục tiêu “Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, đổi mới sáng tạo được xác định sẽ là một trong những trọng tâm phát triển Quốc gia trong thời gian tới trong các Báo cáo nghiên cứu quốc tế cũng như trong các văn kiện của Đảng. Thứ nhất, theo Báo cáo Việt Nam 2035: Hương tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ do World Bank và Bộ Kế hoạch và đầu tư thực hiện, hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo cũng là nội dung được khuyến nghị để giúp Việt Nam trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao. Thứ hai, theo định hướng của Đảng, một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII được xác định là: đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.
Có thể thấy, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phát triển Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo là một trong những nội dung trọng tâm, định hướng phát triển Quốc gia cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045. Đổi mới sáng tạo được nhắc đến trong cả hai đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh cũng như phát triển nguồn nhân lực. Định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 được Đảng xác định rõ ràng cần thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.
Nhờ vậy, kết quả đánh giá chỉ số Đổi mới sáng tạo- Global Innovation Index (GII) được công bố bởi Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới - World Intellectual Property Organization (viết tắt WIPO) cho thấy, với quá trình phát triển 10 năm định hướng Công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh phát triển Khoa học kỹ thuật và thúc đẩy Đổi mới sáng tạo, kết quả từ chỉ số GII của Việt Nam đã có những chuyển biến rõ rệt.
Thứ hạng của chỉ số GII Việt Nam đã có sự tăng tiến rõ ràng từ vị trí 76/142 lên vị trí 44/132 quốc gia và vùng lãnh thổ được WIPO đánh giá. Việt Nam vẫn đứng đầu trong nhóm 34 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, trên Ấn Độ và Ukraine. Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu. Trong các quốc gia xếp trên Việt Nam năm 2021, không có quốc gia nào ở mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, chỉ có 5 quốc gia ở mức thu nhập trung bình cao (Trung Quốc, Malaixia, Thái Lan, Bungari và Thổ Nhĩ Kỳ), còn lại đều là các quốc gia/nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng vị trí thứ 4, sau Singapo (thứ 8/132), Malaixia (thứ 36/132) và Thái Lan (43/132).
Đặc biệt, sản phẩm thi trức và công nghệ tại Việt Nam luôn nằm trong top 40 của đánh giá. Những nhân tố chính giúp cho trụ cột này của Việt Nam được đánh giá cao bao gồm khả năng lan truyền tri thức, xuất khẩu công nghệ cao; chỉ số số công bố bài báo khoa học và kỹ thuật; số lượng ứng dụng phần mềm được sản xuất; số đăng kí nhãn hiệu theo xuất xứ; và số sản lượng ngành công nghệ cao và công nghệ trung bình cao. Cũng theo đánh giá của GII, Việt Nam nằm trong top những Quốc gia có khả năng chuyển đổi hiệu quả vốn đầu tư cho hoạt động ĐMST thành các sản phẩm Khoa học công nghệ thực tiễn.
Đáng chú ý nhất trong nhóm các chỉ số đầu vào, trụ cột Trình độ phát triển của thị trường Việt Nam được đánh giá rất cao với vai trò tài trợ và thúc đẩy Đổi mới sáng tạo. Trình độ phát triển của thị trường Việt Nam phục vụ hoạt động Đổi mới sáng tạo xếp hạng 22 trên tổng số 132 quốc gia trong năm 2021. Trụ cột này luôn được đánh giá cao nhất trong nhóm các chỉ số đầu vào của ĐMST.
Tuy nhiên, chỉ số này cũng đồng thời chỉ ra vấn đề tại thị trường Việt Nam trong hoạt động huy động vốn đầu tư cho hoạt động Đổi mới sáng tạo. Thành tố duy nhất trong nhóm chỉ số này được đánh giá ở mức yếu kém là đầu tư. Nhóm thành tố này chỉ đạt 20.6 điểm và xếp hạng 111/132 vào năm 2021, trái ngược hẳn với thành tố về tín dụng và thương mại. Thành tố Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số chỉ xếp hạng 88/132. Điều này chỉ ra rằng, nguồn vốn tại Việt Nam chưa được phân bố hiệu quả và tập trung phần lớn trong nhóm các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cơ sở vật chất và máy móc thiết bị quá cao khiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm tỷ trọng chủ yếu trên thị trường Việt Nam tới gần 96%, cảm thấy khó khăn khi đầu tư đổi mới công nghệ. Các doanh nghiệp SME tại Việt Nam đang thiếu vốn cho hoạt động Đổi mới sáng tạo.
Nhất là, hai thành tố về vốn đầu tư mạo hiểm được chấm điểm thấp trong báo cáo đánh giá. Theo GII, số lượng nhà đầu tư mạo hiểm và giá trị dự án đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam còn thiểu số, trái ngược với nguồn tín dụng trên thị trường. Mặc dù khả năng chuyển đổi từ nguồn lực thành sản phẩm thực tế tại Việt Nam được đánh giá cao, nhưng nếu nguồn lực không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, phát triển ý tưởng thì sản phẩm đầu ra cũng sẽ bị hạn chế. Riêng với hoạt động Đổi mới sáng tạo, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm đóng vai trò là những nguồn tài trợ rất quan trọng.
2. Thực trạng đầu tư mạo hiểm trong hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam
Tài trợ cho đổi mới sáng tạo là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trong thế kỷ 21, điều này đặc biệt đúng khi rủi ro công nghệ liên quan đến sự đổi mới sáng tạo là quá cao đối với các nhà đầu tư ngoài doanh nghiệp. Vấn đề thiếu hụt vốn đầu tư cho đổi mới sáng tạo càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam nói riêng đang từng bước khôi phục sau đại dịch Covid-19. Các nguồn tài trợ thay thế như quỹ đầu tư mạo hiểm được nhìn nhận là có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và từ đó thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế trong bình thường mới.
Đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) được hiểu là đầu tư vào các dự án start-up có tiềm năng và cần nguồn vốn nhất định với quan điểm tăng trưởng dài hạn. Đây là những khoản đầu tư có rủi ro cao, tính thanh khoản thấp, nhưng có khả năng mang lại lợi nhuận ấn tượng nếu đầu tư hiệu quả. Đầu tư mạo hiểm (VC) là một hình thức đầu tư tư nhân tài trợ cho các công ty khởi nghiệp và các công ty mới nổi giai đoạn đầu có ít hoặc không có lịch sử hoạt động nhưng có tiềm năng phát triển đáng kể. Các công ty còn non trẻ bán cổ phần sở hữu cho các quỹ đầu tư mạo hiểm để đổi lấy tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn quản lý. Theo một cách khác đầu tư mạo hiểm sẽ hướng tới đối tượng là các ý tưởng kinh doanh sáng tạo, đổi mới, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng đồng thời có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai - đây cũng chính là kết quả trực tiếp của hoạt động Đổi mới sáng tạo.
Vốn đầu tư mạo hiểm là nguồn vốn tài trợ hay nguồn lực tài chính cho hoạt động này. Bản chất của vốn đầu tư mạo hiểm là một dạng kinh doanh vốn, trong đó người có vốn thông qua một người có kinh nghiệm quản lý đầu tư để đầu tư vào những doanh nghiệp chưa trưởng thành nhưng có khả năng thu lợi nhuận cao trong dài hạn. Đây là nguồn tài trợ cho những ý tưởng mới, cho những start-up dám nghĩ dám làm và là một chất xúc tác hiệu quả cho hoạt động Đổi mới sáng tạo tại mỗi quốc gia.
Với số quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam khá nhiều, gồm các quỹ đầu tư chủ yếu vào cổ phần tư nhân; quỹ đầu tư công nghệ cao và đầu tư mạo hiểm (Dragon Capital, IDGVV-IDG Venture Vietnam, VinaCapital, FPT Venture,); quỹ đầu tư vào bất động sản; quỹ đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, các công ty cổ phần, Liên quan đến quỹ đầu tư mạo hiểm số liệu cũng không thống nhất giữa các nguồn. Theo thống kê của Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Mặt khác, theo thống kê của Bộ KH&CN (2021), Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm DN và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Số lượng Quỹ Đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu có 108 Quỹ đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 23 Quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 Quỹ thuần Việt.
Theo thống kê của Topica Founder Institute, trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2017, Việt Nam ghi nhận được 133 thương vụ đầu tư khác nhau, trong đó, chỉ tính riêng năm 2016, số vốn đầu tư đã lên tới 105 triệu USD cho 31 dự án. Con số này tăng hơn gấp 2 lần về giá trị so với năm 2015, và tăng hơn gấp 4 lần so với năm 2011. Tiếp đến, theo Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp năm 2018 của Topica Founder Institute (TFI), trong năm 2018, số vốn đầu tư đã tăng lên nhanh chóng, đạt 443 triệu USD trong 59 thương vụ từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, gấp 2 lần về số thương vụ so với năm 2017 và năm 2016. Đặc biệt, trong năm 2021, sau những ảnh hưởng của Đại dịch Covid 19, thị trường khởi nghiệp liên quan tới KHCN và Đổi mới sáng tạo chứng kiến sự bùng nổ gọi vốn. Trong năm 2021, thị trường ghi nhận 165 thương vụ đầu tư vào các startup, thu hút được hơn 1,44 tỷ USD. Thị trường đầu tư khởi nghiệp Việt được dự báo sẽ đạt 2 tỷ USD vào năm 2022. Hết quý I/2022, thị trường khởi nghiệp Việt Nam đã đánh dấu sự khởi đầu tiềm năng với các thương vụ nội bật trong mảng công nghệ tài chính và thương mại điện tử như đầu tư của Square Peg vào ngân hàng kỹ thuật số Timo, đầu tư của VNG và Do Ventures vào công ty giải pháp phần mềm kỹ thuật số OpenCommerce Group.
Đặc biệt là giá trị các thương vụ đang ngày càng gia tăng. Trong 5 năm trở lại đây, nhiều thương vụ đầu tư mạo hiểm trị giá hơn 10 triệu USD đã được thực hiện. Cụ thể, trong giai đoạn 2018 - 2021, có 29 thương vụ đầu tư mạo hiểm có giá trị từ 10 triệu tới 50 triệu USD và 11 thương vụ đầu tư mạo hiểm có giá trị trên 50 triệu USD. Số thương vụ có giá trị trên 50 triệu USD đang tiếp tục có xu hướng gia tăng đều theo thời gian.
Theo báo cáo của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Do Ventures, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường đầu tư mạo hiểm triển vọng nhất ASEAN. Cụ thể, Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng số lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm. So với năm 2020, số lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam vào năm 2021 đã tăng 57%. Tốc độ tăng trưởng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của Việt Nam cao hơn Singapore (53%), Philippines (42%), Indonesia (27%), Thái Lan (9%) và Malaysia (1%). Về vốn đầu tư, Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong ASEAN về tốc độ tăng vốn cho đầu tư khởi nghiệp.
Những kỳ lân công nghệ, những doanh nghiệp điển hình như MOMO, VNPay, hay TIKI là những thành quả tiêu biểu trong nỗ lực thúc đẩy hoạt động Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đồng thời, những thống kê cho thấy vai trò quan trọng của thị trường Quỹ đầu tư mạo hiểm trong sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, hiện thực hóa các ý tưởng Đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp, và cung cấp nguồn tài chính dồi dào cho thị trường đầu tư khởi nghiệp. Với mục tiêu và chức năng đặc trưng của mình, các Quỹ đầu tư mạo hiểm không chỉ đem lại nguồn vốn. Họ còn là các chuyên gia trong quản lý đầu tư, quản trị tài chính. Quỹ đầu tư mạo hiểm luôn hướng tới các ý tưởng đột phá, chấp nhận một mức rủi ro cao để hướng tới khả năng phát triển mạnh mẽ trong dài hạn. Đây cũng là đặc trưng giúp Quỹ đầu tư mạo hiểm dễ tiếp cận hơn với các dự án khởi nghiệp, các ý tưởng kinh doanh ĐMST so với nguồn tài chính truyền thống từ các tổ chức tín dụng và ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, mặc dù có tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng đầu tư tương đối phức tạp, Quỹ đầu tư mạo hiểm lại có vai trò quan trọng và rất cần thiết đối với việc chuyển hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào cuộc sống. Thị trường vốn đầu tư mạo hiểm thông qua các quỹ đóng vai trò to lớn là kênh dẫn vốn cho các nhà khoa học thiếu vốn và các nguồn lực để hiện thực hóa nghiên cứu. Bởi vì, vay vốn hay gọi vốn đầu tư từ ngân hàng thương mại đối với nhà khoa học trong kinh tế thị trường sẽ rất khó khăn do khả năng bảo lãnh vốn vay bằng tài sản thế chấp là rất nhỏ, kể cả trong trường hợp nhà khoa học có nguồn vốn tự có (vốn cá nhân, hỗ trợ của gia đình, bạn bè hoặc tài trợ từ các nguồn hợp pháp khác). Các quỹ đầu tư trên thị trường vốn đầu tư mạo hiểm đóng vai trò quan trọng để khỏa lấp khoảng trống này. Họ là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, những người có nguồn lực hoặc được ủy thác quản lý nguồn lực của các nhà đầu tư cá nhân khác, sẽ cùng các nhà khoa học để nuôi dưỡng và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp. Như vậy, quỹ đầu tư mạo hiểm là trung gian quan trọng với các công cụ đầu tư mạo hiểm giúp hình thành, phát triển các ý tưởng khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động Đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bình quân mỗi năm có chưa tới 70 doanh nghiệp tại Việt Nam nhận được nguồn vốn từ Quỹ đầu tư mạo hiểm. Con số này là quá thấp so với các thị trường phát triển như Mỹ, Ấn Độ hay Trung Quốc, rơi vào khoảng 300 dự án mỗi năm. Nguồn vốn nhiều, nhưng dành riêng cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Khi các dự án có giá trị lớn đều bị thâu tóm bởi các Quỹ quốc tế trong khi các dự án nhỏ hơn chưa có đủ độ tin cậy và hấp dẫn các Quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa.
3. Một số vấn đề về hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm với Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam
Bên cạnh những kết quả tích cực trong hoạt động đầu tư của Quỹ đầu tư mạo hiểm tới các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, trên góc độ riêng biệt cho thị trường Việt Nam, vẫn có những vấn đề còn tồn tại là:
Thứ nhất, không khó để nhận ra sự áp đảo của các Quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài trên thị trường vốn đầu tư mạo hiểm. Theo thống kê của Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó số lượng quỹ đầu tư thuần Việt chưa đến ¼, chỉ có 23 quỹ thuần Việt và 23 Quỹ có tư cách pháp nhân tại Việt Nam.
Không chỉ hạn chế về số lượng, mức độ ảnh hưởng của các Quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa còn thấp. Các Quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa có xuất hiện trong các vòng gọi vốn. Tuy nhiên, mức độ tham gia vào các kỳ lân công nghệ đều thấp hơn các Quỹ quốc tế khá nhiều. Cụ thể là một số Quỹ đầu tư uy tín tại Việt Nam như Vina Capital Venture, IDG Ventures Vietnam hay FPT Ventures đều đã có những dự án đầu tư. Tiêu biểu như tại các kỳ lân VNG và TIKI. Các Quỹ nội địa chỉ tham gia được 1 phần như IDG Capital Vietnam vào VNG (ngoại trừ, FPT Ventures với nền tảng tài chính mạnh mẽ từ tập đoàn FPT đang cố gắng xây dựng Sendo thành 1 sàn thương mại điện tử cạnh tranh với nhóm các sàn Shopee, Lazada và Tiki).
Hơn nữa, giá trị đầu tư từ nhóm Quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa vẫn thua kém nhiều so với các Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế. Theo kết quả thống kê do Cento Ventures và ESP Capital về các thương vụ tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm thông qua Quỹ đầu tư mạo hiểm nửa đầu năm 2019 cho thấy các khoản đầu tư của Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế có giá trị lớn, và đã góp phần đáng kể để tạo ra kỳ lân công nghệ của Việt Nam là Tiki và VNG. Tiêu biểu như khoản đầu tư của Northstar Group vào Tiki lên đến 75 triệu USD, hay GIC đầu tư 50 triệu USD vào Vnpay…
Ngoài ra, lĩnh vực đầu tư của các Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế tại thị trường Việt Nam vô cùng đa dạng và tập trung vào các ngành kinh doanh được đánh giá tiềm năng nhất trên thị trường như thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử và online games.
Sự yếu thế của nhóm các Quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa có hai nguyên nhân chính là nguồn lực tài chính và chất lượng nguồn nhân lực. Với nguồn lực tài chính hạn chế nên giá trị đầu tư từng thương vụ của nhóm Quỹ nội địa đa phần không cao. Còn yếu điểm về nhân lực khiến các Quỹ nội địa thiếu kinh nghiệm quản lý dự án đầu tư mạo hiểm, thiếu khả năng tham vấn cho các ý tưởng khởi nghiệp. Hệ quả là nhóm Quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa không thể cạnh tranh được với nhóm Quốc tế trong các dự án có nhiều tiềm năng phát triển lớn như VNG, Momo hay Tiki. Điều này vừa khiến cho khả năng cạnh tranh của nhóm Quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước giảm, nguy cơ rủi ro với các dự án yếu thế hơn và khả năng thành công của khoản đầu tư thấp.
Vấn đề thứ hai ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm với Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, cho cả nhóm Quỹ trong và ngoài nước, liên quan tới sự thiếu hụt của cơ chế quản lý, khuyến khích và hỗ trợ phát triển các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Cơ sở pháp lý cho hoạt động này bao gồm quy định việc thành lập, tổ chức và vận hành của Quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam còn rất hạn chế. Các bộ Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp và các văn bản trước đó đều chưa có quy định trực tiếp liên quan tới Quỹ này. Văn bản duy nhất định nghĩa Quỹ đầu tư mạo hiểm đã được Chính phủ ban hành khá lâu, đó là Nghị định 99/2003/NĐ-CP, ngày 28 tháng 08 năm 2003, nêu Quỹ đầu tư mạo hiểm là “tổ chức tài chính được thành lập theo quy định của pháp luật để đầu tư vào hoạt động ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao”. Tuy nhiên khái niệm công nghệ cao tại thời điểm đó chưa bao hàm hết sự phát triển của KHCN tại thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, mặc dù định nghĩa Quỹ đầu tư mạo hiểm là một tổ chức tài chính, theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định “Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam”. Như vậy, Quỹ đầu tư mạo hiểm tổ chức tài chính không thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính hay Ngân hàng Nhà nước - đơn vị chủ quản hệ thống tài chính cũng như các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, mà thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bên cạnh đó, với sự cạnh tranh khốc liệt của các Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế, nhóm Quỹ trong nước cần có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, các luật về thuế, lãi suất vẫn chưa có khác biệt với các nhóm này, cũng như các cơ chế về trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi của Quỹ đầu tư, doanh nghiệp, tránh hình sự hóa các quan hệ đầu tư, giao dịch dân sự… vẫn chưa có. Đặc biệt là với nhóm hoạt động đầu tư mạo hiểm có tính chất rủi ro cao, phần bù rủi ro lớn và tỷ lệ thành công thấp. Việc thiếu những quy định có tính hỗ trợ như vậy sẽ khiến Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế không ưu tiên thị trường Việt Nam, còn nhóm các Quỹ trong nước e ngại đầu tư.
Thứ ba, vấn đề tiếp theo là khả năng tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn vốn từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm chưa phổ biến, so sánh với các nguồn tài chính truyền thống như ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác. Một trong những tiêu chí quan trọng của quyết định đầu tư từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm là ý tưởng kinh doanh có mang tính đột phá, có đổi mới sáng tạo và có khả năng thương mại hóa. Những ý tưởng này hoàn toàn có thể tới từ các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí các cá nhân kinh doanh. Nhưng rào cản về quy trình, pháp lý và thậm chí truyền thông khiến cho các ý tưởng không được tài trợ kịp thời.
Số lượng Quỹ quốc tế lớn và chưa được kiểm soát, trong khi đó các Quỹ nội địa do e ngại rủi ro thường có những điều kiện chặt chẽ hơn. Điều này khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn nhà đầu tư phù hợp. Ngay cả khi đã chọn được, việc trình bày ý tưởng kinh doanh, quy trình gọi vốn khác nhau với mỗi Quỹ hay giải quyết những khó khăn trong giai đoạn bắt đầu đều khiến chính các doanh nghiệp không lựa chọn các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Thời gian gần đây Việt Nam tổ chức rất nhiều hoạt động, sự kiện liên quan tới hỗ trợ và khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối rất nhiều ý tưởng kinh doanh với các Quỹ đầu tư mạo hiểm như các chương trình Vườn Ươm, Shark Tank hay các cuộc thi khởi nghiệp. Tuy nhiên tỷ lệ thành công của các thương vụ này chưa thật sự cao và hiệu quả sau đầu tư vẫn còn chưa rõ ràng.
Cuối cùng, đó là khả năng tận dụng nguồn lực sẵn có - hệ thống tổ chức tài chính trung gian, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, giúp kết nối Quỹ đầu tư mạo hiểm với các doanh nghiệp Việt Nam. Với vai trò trung gian tài chính, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam có thể mang tới 2 sự trợ giúp quan trọng cho sự kết nối giữa các Quỹ đầu tư mạo hiểm và các ý tưởng Đổi mới sáng tạo. Thứ nhất, hệ thống ngân hàng thương mại sẽ đóng vai trò trung gian tài chính, tiếp nhận nguồn vốn từ các Quỹ và chuyển tới trực tiếp các doanh nghiệp. Dòng tiền đầu tư mạo hiểm hầu hết sẽ chảy qua các ngân hàng thương mại, thông qua các tài khoản thanh toán hoặc ngoại tệ của các doanh nghiệp. Thứ hai, với việc có thông tin về dòng tiền của dự án, hệ thống ngân hàng thương mại hoàn toàn có thể hỗ trợ các Quỹ đầu tư mạo hiểm trong việc theo dõi, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp. Vai trò của hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam trong mối quan hệ giữa Quỹ đầu tư mạo hiểm và ý tưởng kinh doanh là trung gian, vừa hỗ trợ, thúc đẩy và kiểm soát hoạt động của dự án.
Ngay trong chỉ số GII cũng đánh giá cao hệ thống tín dụng của Việt Nam. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể vai trò của hệ thống ngân hàng thương mại trong hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm với Đổi mới sáng tạo chưa được thực hiện và cũng đang là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý. Hơn nữa, về khía cạnh nguồn vốn cho các ý tưởng kinh doanh ĐMST thì nguồn vốn tín dụng tại Việt Nam đang ngày càng được quản lý chặt chẽ hơn theo tiêu chuẩn BASEL II và III khiến cho các ngân hàng thương mại khó có thể tham gia với vai trò nhà đầu tư trong thị trường này.
4. Đề xuất kiến nghị nhằm nâng cao vai trò của Quỹ đầu tư mạo hiểm với hoạt động Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Một số đề xuất kiến nghị nhằm nâng cao vai trò của Quỹ đầu tư mạo hiểm với hoạt động Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam cần xây dựng một cơ sở pháp lý hoàn thiện, tạo điều kiện tiếp cận tài chính cho các hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Cơ sở pháp lý cần hệ thống và làm rõ các khái niệm, tiêu chuẩn và điều kiện về hoạt động đầu tư mạo hiểm cũng như Quỹ đầu tư mạo hiểm. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần ban hành các văn bản hướng dẫn tập trung và thống nhất cho hoạt động này, từ điều kiện thành lập, điều lệ hoạt động, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan và mô hình quản lý hoạt động của quỹ.
Thứ hai, các cơ quan chức năng nên cân nhắc nghiên cứu, thực hiện và ban hành các chính sách ưu đãi riêng cho hoạt động của các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Đặc trưng của hoạt động đầu tư mạo hiểm vào quá trình đổi mới sáng tạo thường tiềm ẩn nhiều rủi ro và có tỷ lệ thành công thấp. Vì thế, Chính phủ cần khuyến khích phát triển hình thức đầu tư này thông qua các chính sách ưu đãi rõ ràng về thuế hay lãi suất. Các chính sách này nên được nghiên cứu cẩn thận và chi tiết, trên cơ sở đặc trưng cơ bản của thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Việc hỗ trợ và khuyến khích các nghiên cứu trong lĩnh vực này cũng là một công cụ gián tiếp thúc đẩy hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm với đổi mới sáng tạo trong tương lai.
Thứ ba, các quy định và hướng dẫn thực hiện dành riêng cho hệ thống các ngân hàng thương mại với vai trò là trung gian tài chính của Quỹ đầu tư mạo hiểm và ý tưởng đổi mới sáng tạo cũng cần được xem xét. Nguồn lực từ phía các ngân hàng thương mại là rõ ràng. Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam nắm rõ tình hình tài chính của thị trường, dự đoán được các xu hướng phát triển và là một trong những bộ phận tích cực nhất trong việc áp dụng KHCN, chuyển đổi số và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Những kinh nghiệm trong quản lý hoạt động của các ngân hàng thương mại như một tổ chức tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành những quy định về quản lý hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.
Thứ tư, về phía các doanh nghiệp, là trọng tâm của hoạt động Đổi mới sáng tạo, cần trang bị và luôn cập nhật những kiến thức mới về cả tài chính và KHCN. Doanh nghiệp mong muốn khởi nghiệp ĐMST cần trang bị tốt kiến thức về quản lý tài chính, thu hút và huy động vốn, quản trị nguồn vốn để sẵn sàng tiếp nhận nguồn vốn từ Quỹ đầu tư mạo hiểm. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp ngoài ngành công nghệ thông tin, việc thu hút sự quan tâm của các Quỹ đầu tư mạo hiểm cả trong và ngoài nước là thách thức không nhỏ nếu không có sự đầu tư nghiên cứu bài bản và nắm bắt được nhu cầu của thị trường. Bản thân doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược kinh doanh khả thi, một ý tưởng đổi mới sáng tạo đột phá nhưng hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực, khía cạnh thu hút sự chú ý của nhà đầu tư để có thể đón nhận nguồn vốn từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm.
PGS. TS Đỗ Hoài Linh
Trường Đại học Kinh tế quốc dân
TS Lại Thị Thanh Loan
Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
NCS.ThS Đặng Phong Nguyên
Học viện Bưu chính viễn thông
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Chính phủ (2003), Nghị định 99/2003/NĐ-CP quy chế khu công nghệ cao ban hành ngày 28 tháng 08 năm 2003
Chính phủ (2015), Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư với các nội dung về ngành nghề đầu tư kinh doanh; ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; thực hiện hoạt động đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư; quản lý nhà nước về đầu tư được ban hành ngày 12/11/2015.
Chính phủ (2016), Quyết định 844/QĐ-TTg ban hành ngày 18 tháng 5 năm 2016 về Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" - ISVE
CRCEB (2021), Đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam - thực trạng và rào cản, Đại học Kinh tế Quốc dân. Truy cập ngày 14/06/2022 tại: https://crceb.neu.edu.vn/vi/ban-tin/doi-moi-sang-tao-o-doanh-nghiep-viet-nam-thuc-trang-va-rao-can
Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội
Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội
DoVenture và NIC (2021), Vietnam Innovation & Tech investment report 2021. Truy cập ngày 14/06/2022 tại: https://doventures.vc/assets/uploads/reports/download/vietnam-innovation-and-tech-investment-report-fy2021-
GII (2021), Global Innovation Index 2021. Truy cập ngày 14/06/2022 tại: https://www.globalinnovationindex.org/gii-2021-report#
GII (2021), Vietnam Global Innovation Index 2021 report.
Ngọc Thụy (2019), Vietnam’s startup sector closes gap with Indonesia and Singapore, Hanoitimes. Truy cập ngày 14/06/2022 tại: http://m.hanoitimes.vn/vietnams-startup-sector-closes-gap-with-indonesia-and-singapore-45933.html
Nguyễn Thị Hải Bình và Đinh Ngọc Linh (2020), Phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, Đề tài cấp Bộ, Viện chiến lược và chính sách tài chính, Bộ tài chính.
Nguyễn Thúc Hương Giang và Lê Vũ Toàn (2020), Quỹ đầu tư mạo hiểm cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Hà Nội.
Rebecca Baldridge và Benjamin Curry (2022), Understanding Venture Capital, Forbes Advisor. Truy cập ngày 14/06/2022 tại: https://www.forbes.com/advisor/investing/venture-capital/
TheEconomicTimes (2022), What is ‘Venture Capital’. Truy cập ngày 14/06/2022 tại: https://economictimes.indiatimes.com/definition/venture-capital
Topica Founder Institute (2016), Báo cáo thường niên về tình hình khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2017.
Topica Founder Institute (2019), Báo cáo thường niên về tình hình khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2018.
World Bank và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.