PLQL - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai một số văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế tổ chức ngày 28-9, tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia đứng thứ 5 trong số 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh mãn tính. Mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam năm 2018 cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Ước tính trung bình mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn so với người Trung Quốc và cao gấp 4 lần so với người Singapore. Sử dụng rượu, bia là thói quen tiêu dùng đã tồn tại lâu đời ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam, được coi là phương tiện giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, việc gia tăng tiêu thụ rượu, bia như hiện nay đồng nghĩa với việc hao tổn nhiều về sức khỏe, tiền bạc và những hệ lụy khác do sử dụng rượu bia đem lại như: Tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự...
Tại Việt Nam, rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới ở độ tuổi từ 15 đến 49. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm khoảng 1% tổng thu nhập quốc dân GDP. Chi phí xử lý 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính gồm: Ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung là gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội. Thống kê thực tế cho thấy, mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người tại Việt Nam với các đối tượng trên 15 tuổi có xu hướng tăng. Tỷ lệ uống rượu, bia ở cả 2 giới nam và nữ ngày càng gia tăng. Tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên khoảng 80% đối với nam và 36% đối với nữ. Đặc biệt, có tới hơn 40% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại, tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm về phòng, chống tác hại rượu, bia tại địa phương, đơn vị, đồng thời thảo luận về các mức xử phạt hành chính, xử lý vi phạm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật, qua đó để người dân hiểu về tác hại của rượu, bia và tự giác chấp hành. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng. Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 với mục đích phòng, tránh, giảm thiểu các hậu quả về sức khỏe, xã hội và kinh tế do sử dụng rượu bia gây ra. "Để Luật này đi vào cuộc sống, cần có sự vào cuộc của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân như chúng ta đã quyết tâm chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua. Các địa phương cần thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại của rượu, bia, sau đó phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng cấp, ngành và xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung của Luật, nghị định của Chính phủ. Hình thức triển khai của từng Bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo tính quyết liệt và phù hợp với thực tế. Đặc biệt, lưu ý tập trung triển khai 3 Điều trong Luật về quy định những điều nghiêm cấm trong Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia về nghiêm cấm điểm kinh doanh, bán bia, rượu và nghiêm cấm địa điểm tổ chức uống bia, rượu. Sở Y tế các địa phương chủ động tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong quá trình thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch phòng chống tác hại của rượu, bia", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.