Tác động của báo chí đến nhận thức của người dân về chủ quyền biển, đảo

PLQL - Việc thông tin, tuyên truyền về chủ quyền quốc gia nói chung, chủ quyền biển, đảo nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống báo chí nước ta. Trong thực tế, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện khá tốt...

PLQL - Việc thông tin, tuyên truyền về chủ quyền quốc gia nói chung, chủ quyền biển, đảo nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống báo chí nước ta. Trong thực tế, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện khá tốt. Để tăng cường hơn nữa cần có hệ thống giải pháp đổi mới hằng năm từ nội dung đến phương pháp, cách thức thông tin tuyền truyền với từng đối tượng, thời điểm và chủ đề. Trên cơ sở đó gợi mở các giải pháp nâng cao hiệu quả thông tin, truyền thông của báo chí về chủ quyền biển, đảo nước ta.

Ảnh minh họa 

1. Hiệu quả tác động của báo chí đến nhận thức của người dân về chủ quyền biển, đảo

Kết quả điều tra chọn mẫu cho thấy các kênh mang thông điệp về chủ quyền biển, đảo được người dân lựa chọn để tiếp nhận thông tin nhiều nhất là “Qua báo chí và truyền thông” ( 88,6%); tiếp theo là “Tự tìm hiểu” (42,2%); các kênh “qua bạn bè” và “qua công tác” cùng có tỷ lệ là 34,7%; các kênh còn lại có tỷ lệ không đáng kể.Như vậy, báo chí vẫn là kênh thông tin chủ yếu nhất đảm nhận vai trò thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo đến với mọi tầng lớp nhân dân. Mặt khác, kết quả điều tra cũng cho thấy, các tầng lớp nhân dân đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, 71% ý kiến được khảo sát cho rằng báo chí có vai trò rất quan trọng và 27% ý kiến khảo sát cho rằng báo chí có vai trò quan trọng cho trong việc thông tin, tuyên truyền về biển đảo.

Sản phẩm báo chí của nước ta hiện nay rất đa dạng. Người dân ở nước ta có khả năng tiếp cận thông tin về chủ quyền biển, đảo từ những phương tiện, kênh, sóng khác nhau tùy theo nhu cầu cũng như điều kiện đặc thù của mỗi nhóm xã hội. Các tầng lớp nhân dân có thể tiếp nhận thông tin liên quan đến chủ quyền biển, đảo trên nhiều kênh báo chí khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề là cần phải nghiên cứu làm rõ là những loại sản phẩm báo chí nào đang đáp ứng tốt nhất, được người dân lựa chọn nhiều nhất? Kết quả khảo sát đã bước đầu cho phép nhận diện được mức độ tiếp cận thông tin về chủ quyền biển, đảo trên các loại hình báo chí như sau:

Bảng 1. Tiếp nhận thông tin về chủ quyền biển đảo qua các loại hình báo chí nào

Số liệu Bảng 1 cho thấy, các loại hình báo chí được đa số người dân (trong mẫu khảo sát) lựa chọn nhiều nhất theo thứ tự là: Báo điện tử, các trang mạng internet (76,3%); Các kênh đài truyền hình trung ương (69,9%); và Đài PT-TH của tỉnh cũng có tỷ lệ khá cao (55,1%); Các loại hình báo chí khác có tỷ lệ tiếp cận thấp, trong đó tờ Báo tỉnh chỉ có 23,9% (nếu không bao gồm cán bộ, viên chức thì tỷ lệ quần chúng nhân dân đọc tờ Báo tỉnh chỉ là 8,3%).

Như vậy, từ kết quả điều tra đã cho thấy, hiện nay có 3 loại hình báo chí có vai trò cung cấp thông tin về chủ quyền biển, đảo chính yếu nhất được cán bộ, viên chức và các tầng lớp nhân dân lựa chọn để thu nhận thông tin đó là: (1)Báo điện tử, các trang mạng internet; (2)các kênh sóng của đài truyền hình trung ương; và (3) Đài PT-TH của tỉnh.

Riêng về Báo điện tử và các trang mạng internet, có 94% đối tượng trong diện khảo sát trả lời có sử dụng loại hình này, chỉ còn 6% là không sử dụng. Và mức độ sử dụng các trang mạng internet được thống kê (Bảng 2).

Kết quả khảo sát ở Bảng 2 cho thấy, mức độ “thường xuyên” và “rất thường xuyên” vào các trang mạng như sau: cộng dồn cả hai mức này tỷ lệ cao nhất vào Facebook là 51,5%, Báo Mới là 43,7%, Youtobe là 41,4%, Tin nhanh/VnExpress là 39,7%; còn các trang mạng khác có tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, kết quả khảo sát này cũng đã cho thấy, các tầng lớp nhân dân chủ yếu quan tâm 4 trang mạng nói trên. Điều này có ý nghĩa gợi mở trong việc quản lý các trang mạng điện tử là cần chú trọng định hướng đầu tư xây dựng, kiểm soát nội dung và chất lượng thẩm mỹ cho các trang mạng có số đông công chúng quan tâm.

Trên thực tế, có thể các thông tin tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo được phát hành và truyền tải thường xuyên trên các phương tiện báo chí với tần suất cao (hàng ngày, hàng tuần), nhưng không phải người dân nào cũng có điều kiện hay có nhu cầu tiếp cận hết các thông tin đó.

Bảng 4 cho thấy, ở nội dung Thông tin chung về biển đảo Việt Nam có 17,5% ý kiến cho rằng nhận thức ở mức “Rất đầy đủ” và 57 % ở mức “Tương đối đầy đủ”; còn một tỷ lệ khá cao là 21,4% nhận thức ở mức “Biết đôi chút” và 2,9% “Không biết gì”. Khi phỏng vấn sâu người dân về mức độ “Biết đôi chút” là biết thế nào, có người trả lời: “Nghe mọi người nói chuyện qua lại chúng tôi cũng biết lơ mơ rứa đó, nhưng nói thật cũng không hiểu gì cả, nghe cho vui rứa thôi”.

 Trong 5 năm qua, với yêu cầu nâng cao nhận thức nhận thức về chủ quyền biển, đảo cho cán bộ và nhân dân trước tình hình diễn biến phức tạp trên Biển Đông, tất cả các kênh báo chí và truyền thông đều đặc biệt chú trọng thông tin tuyên truyền nội dung chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên đến nay vẫn còn một bộ phận người dân (24,3%) biết lơ mơ và không hiểu gì về chủ quyền biển, đảo.

Phân tích vào các nội dung cụ thể có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển, đảo, số liệu Bảng 3 cũng cho thấy mức độ nhận thức của các tầng lớp nhân dân khá cao, chỉ duy nhất ở nội dung Cách đối phó với những nguy hiểm trên biển có tổng tỷ lệ ý kiến đánh giá nhận thức ở mức “Rất đầy đủ” và “Tương đối đầy đủ” là thấp nhất (34,3%), và nội dung Tàu của ngư dân phải mở máy định vị khi đến gần vùng lãnh hải nước khác có tỷ lệ là 49,7% (khảo sát riêng nhóm ngư dân, tỷ lệ này là 85,2%); các nội dung khác đều ở mức cao, trên 50% (cao nhất là nội dung Thông tin về chủ quyền của Việt Nam trên các đảo, quần đảo (68,6%). Tuy nhiên, ở một số nội dung, mức độ “Biết đôi chút” và “Không biết gì” có tỷ lệ còn cao như: Cách đối phó với những nguy hiểm trên biển tương ứng là 49,9% và 13,1%; Biết được các quyền và nghĩa vụ khi đánh bắt hải sản trên vùng biển, đảo của Tổ quốc là 34,1% và 12,3%; Những hành động cụ thể để bảo vệ chủ quyền lãnh hải là 43,9% và 8,7%;…

Mục đích cuối cùng của công tác tuyên truyền là làm cho mọi người dân có được nhận thức và hành động đúng. Để đánh giá hiệu quả cuối cùng của công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo trong thời gian qua, chúng tôi đặt ra câu hỏi trưng cầu ý kiến đối tượng khảo sát như sau: “Để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cần có các biện pháp nào?” Với 10 phương án để đối tượng lựa chọn và sắp xếp theo thứ tự ngẫu nhiên, kết quả khảo sát (sắp xếp lại theo thứ tự tỷ lệ ý kiến từ cao xuống thấp) như sau:

(1) Tăng cường nhận thức về chủ quyền biển đảo: 84,4 %

(2) Làm cho mọi tầng lớp dân đồng tình, tin tưởng, ủng hộ chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông: 61,3%

(3) Nhà nước cần xây dựng chiến lược biển rõ ràng: 69,9%

(4) Cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những phần tử cơ hội chính trị, lợi dụng kích động, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc: 67,4%

(5) Tăng cường vai trò của nhân dân: 64,0%

(6) Xây dựng lực lượng hải quân mạnh: 61,5%

(7) Tránh kích động hận thù dân tộc; thể hiện thái độ yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa của Việt Nam: 56,5%

(8) Tăng cường ngoại giao, quan hệ quốc tế: 56,3%

(9) Cung cấp đầy đủ tài liệu về chủ quyền của Việt Nam: 54,9%

(10) Quân đội phải nổ súng ngăn chặn ngay khi nước ngoài xâm nhập vào vùng biển Việt Nam: 8,1%

Như vậy, sự lựa chọn các biện pháp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của người dân trong diện khảo sát có tính hợp lý khá cao. Những biện pháp có tỷ lệ ý kiến lựa chọn cao vừa đúng theo quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, vừa phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể hiện nay của nước ta và bối cảnh chung của khu vực Biển Đông và xu thế hướng tới hòa bình, ổn định của thế giới.

Biện pháp sử dụng ngay vũ lực quân sự khi có tranh chấp có tỷ lệ ý kiến lựa chọn thấp nhất (8,1%) hoàn toàn phù hợp với chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là kiên trì phương pháp đấu tranh bằng con đường hòa bình. Ngày 9-4-2017, trả lời câu hỏi của phóng viên về các thông tin liên quan đến việc Philippines có ý định củng cố, mở rộng sự hiện diện của họ tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Lập trường nhất quán của Việt Nam về vấn đề Biển Đông đó là mọi tranh chấp được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong khi chờ đợi tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài cho tranh chấp, các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình hay mở rộng tranh chấp, phù hợp với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002”.

Kết quả thăm dò ý kiến nêu trên cho thấy hiệu quả công tác tuyên truyền của báo chí về chủ quyền biển, đảo nước ta trong thời gian qua là rất đáng được ghi nhận.

2. Những vấn đề đặt ra

Số liệu khảo sát cho thấy, chỉ có 34,1% ý kiến cho rằng người dân có nhiều và rất nhiều cơ hội đọc báo chí; đồng nghĩa với việc còn đa số người dân có ít cơ hội hoặc không có cơ hội được tiếp cận với các sản phẩm báo chí.

Về mặt quan điểm, báo chí nước ta là phương tiện hay công cụ để Đảng và Nhà nước hướng tới mục tiêu thỏa mãn nhu cầu thông tin và giải trí cho mọi tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội. Tuy nhiên, từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, nền báo chí Việt Nam không còn thuần túy mang tính phục vụ mà đã có nhiều loại hình báo chí vận hành theo cơ chế thị trường.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, loại hình báo chí chủ yếu được đông đảo các tầng lớp nhân dân sử dụng hằng ngày là TV/truyền hình. Vì vậy trên các kênh sóng được Nhà nước bao cấp và thông dụng nhất với đa số người dân như các kênh VTV1, VTV2, VTV3 và Đài PT-TH tỉnh phải được ưu tiên đầu tư sản xuất những chương trình quan trọng, chất lượng nhất, trong đó có nhiều nội dung thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo.

Về phía cơ quan báo chí, nội dụng thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo cũng còn nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Từ kết quả khảo sát ý kiến đánh giá của người dân cho thấy, chỉ có 44,9% cho rằng nội dung thông tin phong phú, đầy đủ; có 30,1% ý kiến cho rằng thông tin còn chung chung, thiếu thuyết phục; có 11,2 % ý kiến cho rằng thông tin còn phiến diện; và đặc biệt có 4,4% ý kiến cho rằng thông tin chưa phản ánh đúng sự thật và 9,3% khẳng định thông tin chưa gắn với từng loại đối tượng cần tuyên truyền, tức là chỉ có một loại nội dung thông tin chung cho mọi tầng lớp xã hội.         

Như vậy, báo chí vẫn là loại hình chủ yếu nhất được các tầng lớp nhân dân lựa chọn để thỏa mãn nhu cầu vừa giải trí, vừa để thu thập thông tin để nâng cao nhận thức. Trong đó, loại hình TV/truyền hình được các tầng lớp nhân dân xem hằng ngày có tỷ lệ cao nhất (93,5%). Trong các loại hình báo chí, các kênh của Đài Truyền hình trung ương, mạng internet và Đài PT-TH địa phương đóng vai trò quan trọng nhất. Với cộng đồng ngư dân thì radio vẫn còn rất hữu dụng, tỷ lệ người dùng trên 30%. Tờ Báo tỉnh ít được người dân tiếp cận (8,3%). Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chủ quyền biển đảo ở mức độ khá tốt. Tuy nhiên, để công tác thông tin, tuyên truyền đạt kết quả cao hơn, các tác phẩm báo chí phải có nội dung vừa phong phú, đầy đủ, vừa phải gắn và sát với loại đối tượng; phải dựa trên các đặc trưng về tâm lý, kinh tế, văn hóa, xã hội… của các nhóm độc giả để xây dựng nội dung và chương trình hợp lý nhằm mang lại hiệu quả tác động cao nhất.

TS Trần Văn Thạch

Học viện Chính trị Khu vực III

  • Tags: