Chiều 1/12 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Chính phủ về các biện pháp phòng, chống COVID-19. Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc không tuân thủ quy định về cách ly, phòng chống dịch, dẫn đến xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng thời gian vừa qua.
Theo báo cáo của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 28/11 đến nay, trên địa bàn thành phố xuất hiện 4 trường hợp mắc COVID-19. Bắt đầu từ ca bệnh 1342 là nam tiếp viên của Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Tiếp viên này bay từ nước ngoài về, các hành khách trên chuyến bay sau này đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2. Tuy nhiên, trong quá trình cách ly tại khu cách ly của Vietnam Airlines, bệnh nhân 1342 đã tiếp xúc với một người khác mà người này sau đó được xác định mắc COVID-19.
Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Hồ Chí Minh phát biểu (Ảnh: TTXVN)
Sau khi xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính (ngày 15 và 18/11), bệnh nhân 1342 được cho về cách ly tại nhà trọ (P305, lầu 3 (tầng 4), số 50 Bạch Đằng, Phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh). Trong quá trình cách ly tiếp viên này có tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm: mẹ đẻ và hai người bạn (một nam, một nữ).
Khi tiếp viên hàng không được kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 thì người bạn nam tiếp xúc với bệnh nhân này cũng được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả cho thấy anh này dương tính với SARS-CoV-2. Đây chính là bệnh nhân 1347. Sau khi tiếp xúc với bệnh nhân 1342, bệnh nhân 1347 vẫn tiếp tục đi dạy học, tiếp xúc với nhiều người, làm cho 2 người khác mắc COVID-19.
Một trường hợp lây nhiễm từ bệnh nhân 1347 là bệnh nhi nam, 1 tuổi, trú ở Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhi có tiền sử tiếp xúc gần với BN1347 vào các ngày 22, 23, 25, 27/11 (bố mẹ bệnh nhi nhờ bệnh nhân 1347 trông hộ bé). Ngày 30/11, sau khi biết thông tin bệnh nhân 1347 dương tính với COVID-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật TPHCM đã truy vết và đưa bé cùng mẹ bé đi cách ly tập trung tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, bố bé và các thành viên trong gia đình được cách ly tại nhà. Bé được lấy mẫu, xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào đêm 30/11.
Tổng số các ca có tiếp xúc với các bệnh nhân COVID-19 là 513 người theo kết quả truy vết ban đầu, trong đó tiếp xúc gần (F1) là 99 người. Những trường hợp này đã được đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ, trong đó có 81 trường hợp âm tính, 18 trường hợp đang chờ kết quả. Có 414 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) là, được cách ly tại nhà, trong đó 337 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả 123 trường hợp âm tính với SARS-CoV-2, số còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.
Đến 6h00 ngày 1/12/2020, số trường hợp mắc COVID-19 được xác định liên quan đến bệnh nhân 1347 là 2 ca, 204 trường hợp tiếp xúc có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tiếp tục điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly 506 trường hợp, trong đó cách ly tập trung 111 trường hợp, cách ly tại nhà 395 trường hợp; đồng thời phong tỏa các địa điểm mà 2 bệnh nhân từng đến.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc điều tra dịch tễ xác định, Vietnam Airlines và bệnh nhân 1342, tức tiếp viên hàng không của hãng này, đều đã vi phạm nghiêm trọng quy định về cách ly. Cụ thể, kết quả xác minh cho thấy, bệnh nhân 1342 lây trong cơ sở cách ly tập trung từ bệnh nhân 1325 do không tuân thủ quy định cách ly, tiếp xúc với người khác trong cơ sở cách ly tập trung. Trường hợp bệnh nhân 1347 bị lây nhiễm do bệnh nhân 1342 không tuân thủ các quy định cách ly tại nhà.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan, căn cứ Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, văn bản phòng, chống COVID-19 thì có thể khẳng định, bệnh nhân 1342 đã vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng, chống COVID-19 và quy định cách ly tại khu cách ly tập trung của tổ bay và cách ly tổ bay tại nhà. Có 2 hành vi vi phạm nghiêm trọng, là ngay trong khu cách ly tập trung đã vi phạm tiếp xúc với bệnh nhân khác và lây; đồng thời trong thời gian cách ly tại nhà bệnh nhân này vẫn lại tiếp xúc với người khác.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý cũng không tuân thủ các quy định về cách ly y tế, phòng, chống COVID-19 tại cơ sở cách ly tập trung. Theo quy định của Bộ Y tế, khi phát hiện bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 thì ngay lập tức phải đưa các đối tượng tiếp xúc cách ly tập trung 14 ngày, nhưng trên thực tế đối tượng lại được về cách ly tại nhà. Cùng với đó, khu quản lý nhà trọ ở Phường 2, quận Tân Bình cũng không thực hiện đúng quy định về các biện pháp cách ly tại nhà.
Chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định phòng, chống dịch, đồng thời chỉ đạo phải xử lý nghiêm cả tổ chức và cá nhân vi phạm theo quy định để làm gương.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, trước diễn biến mới về tình hình dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu cần bình tĩnh, nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K; trước hết là 2K gồm: đeo khẩu trang và khử khuẩn. Thủ tướng nêu rõ, đây là biện pháp đơn giản, dễ làm nhưng hết sức hiệu quả, bởi một số nước thất bại chính là do không tuân thủ đeo khẩu trang. Thủ tướng cũng lưu ý rằng ở nước ta, nhiều trường học, bệnh viện, siêu thị chưa làm tốt các biện pháp này. Các thành phố phố lớn, đô thị như Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và các nơi có nguy cơ dịch bệnh đều phải thực hiện tốt biện pháp này.
Từ kinh nghiệm của hai đợt dịch trước, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19 từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch từ bên trong và chữa trị kịp thời, nhanh chóng cho người bệnh. Nhất là hiện nay, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào trong nước là rất cao bởi có số lượng lớn người Việt Nam về nước.
Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cấp bách, thần tốc việc điều tra truy vết, cách ly mọi đối tượng F1, F2, không để vòng tuần hoàn thứ 3 lây nhiễm dịch ra cộng đồng. Thành phố Hồ Chí Minh không bị coi là ổ dịch mà là nơi lây nhiễm từ bên ngoài.
Để làm rõ trách nhiệm để xảy ra lây nhiễm mang về thành phố, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, chỉ đạo làm rõ trách nhiệm và xác định đây là vi phạm nghiêm trọng cần xử lý nghiêm tổ chức cá nhân liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh giám sát việc này, không thể không xử lý để răn đen, giáo dục chung, nhất là tại các khu y tế tập trung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, các địa phương không được lơ là, chủ quan, bởi dịch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Theo đó, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải kiểm tra, đôn đốc quyết liệt thực hiện; tránh tâm lý chủ quan. Sự việc vừa qua là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là ngành y tế. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khi tiếp khách nước ngoài hoặc người từ nước ngoài về thì phải hỏi ý kiến của Bộ Y tế.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý tạm dừng các chuyến bay thương mại, chỉ thực hiện các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước đối với các trường hợp đủ điều kiện. Các hãng hàng không của Việt Nam khi có chuyến bay về nước phải thực hiện nghiêm túc các quy định về cách ly đối với tổ bay.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý chặt chẽ biên giới và hoạt động xuất nhập cảnh. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục dừng các hoạt động đông người không cần thiết. Các chương trình đông người nếu diễn ra phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Cần thực hiện giãn cách xã hội với các khu vực có nguy cơ cao và có chủ trương khoanh vùng hợp lý.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan truyền thông, tiếp tục tuyên truyền để thấy rằng đại dịch COVID-19 vẫn rất nghiêm trọng, không được chủ quan. Cần tiếp tục hướng dẫn người dân hiểu và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Cần ngăn chặn với các thông tin xuyên tạc, bịa đặt về dịch bệnh gây hoang mang dư luận.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế cần sớm hợp tác với nước ngoài để sản xuất vắc xin, khi cần thiết thì có thể tính toán mua vắc xin phục vụ nhu cầu trong nước. Bộ Y tế cần có phương án cụ về vấn đề này để báo cáo Thường trực Chính phủ cho ý kiến.
Thủ tướng cũng cho biết, sau cuộc họp này, Thủ tướng sẽ ban hành công điện hoặc Chỉ thị về phòng, chống COVID-19 để các bộ, ngành, địa phương và nhân dân thực hiện./.