Người cao tuổi được xếp vào nhóm dễ bị tổn thương, cần được pháp luật bảo vệ. Bài viết tổng hợp hệ thống pháp luật quốc tế và Việt Nam về quyền của người cao tuổi, phân tích thực trạng thực thi và kiến nghị các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện pháp luật về quyền của người cao tuổi ở Việt Nam.
Các y, bác sĩ hăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi
Khái niệm về người cao tuổi được các quốc gia trên thế giới quy định khác nhau dựa trên độ tuổi. Xu hướng chung là, các quốc gia càng phát triển thì quy định về độ tuổi người cao tuổi cao hơn so với các quốc gia nghèo và đang phát triển. Nội hàm của Bình luận chung số 6 năm 1995 của Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (CESCR) cũng như tại Điều 2, Luật Người cao tuổi năm 2009 của Việt Nam quy định: “Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Người cao tuổi được xếp vào nhóm dễ bị tổn thương và cần phải được pháp luật bảo vệ bởi vì vị thế về chính trị, kinh tế, xã hội phần lớn bị giảm sút, có nguy cơ cao bị bỏ quên hay bị vi phạm quyền.
1. Hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền của người cao tuổi
1.1. Hệ thống pháp luật quốc tế về quyền của người cao tuổi
- Sự kiện quốc tế tác động đến hình thành công ước quốc tế về quyền của người cao tuổi
Hiện nay, khi liệt kê các công ước quốc tế về quyền con người vẫn thấy thiếu vắng một công ước quốc tế mang tính pháp lý về bảo đảm quyền của người cao tuổi. Xét trong thực tiễn quốc tế, tại các Đại hội thế giới, Hội nghị quốc tế đã thấy sự xuất hiện các nội dung, quan điểm bảo vệ quyền của người cao tuổi với sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tháng 10-1982, Liên Hợp quốc đã tổ chức Đại hội thế giới về vấn đề Người cao tuổi lần đầu tiên và thông qua Kế hoạch hành động quốc tế Viên về người cao tuổi, tại thành phố Viên (Áo); Hội nghị quốc tế người cao tuổi lần thứ 2 tại Madrit, Tây Ban Nha (8-4-2002 – 12-4-2002) đã thông qua Tuyên bố chính trị và chương trình hành động quốc tế Madrit về người cao tuổi và Hội đồng kinh tế - xã hội Liên Hợp quốc (ECOSOC) có báo cáo E.CN.5/2002/PC/2 với chủ đề “Lạm dụng người cao tuổi: Nhận thức và đối phó với lạm dụng người cao tuổi trong bối cảnh toàn cầu”. Năm 1991, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua 2 nghị quyết, gồm: Nghị quyết 46/91 về Những nguyên tắc của Liên Hợp quốc về người cao tuổi và Nghị quyết số 45/106 lấy ngày 1-10 hằng năm là Ngày quốc tế Người cao tuổi. Đây có thể được coi là nền móng vững chắc tiến tới xây dựng một Tuyên ngôn về người cao tuổi và cuối cùng là Công ước về người cao tuổi. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Liên Hợp quốc thành lập Nhóm Công tác mở về người cao tuổi (OEWG on ageing) năm 2010 cũng như xây dựng báo cáo A/66/173 tập trung vào vấn đề Nhân quyền của người cao tuổi trên thế giới và lấy ngày 15-6 hằng năm là Ngày Thế giới phòng chống ngược đãi người cao tuổi. Sự kiện gần đây nhất đó là tháng 7-2015, đại diện hơn 100 quốc gia thành viên, 28 tổ chức phi chính phủ và nhiều chuyên gia độc lập, đặc biệt có đại diện người cao tuổi của 4 nước châu Á, trong đó có Việt Nam đã họp bàn để xây dựng công ước về quyền của người cao tuổi.
- Nội dung pháp luật quốc tế về quyền của người cao tuổi
Hiện nay, chưa có 1 công ước quốc tế chuyên biệt về quyền của người cao tuổi mà nội dung liên quan đến người cao tuổi chủ yếu được quy định khá tản mạn ở một số công ước, khuyến nghị và bình luận chung của các Ủy ban giám sát công ước, các nghị quyết của Đại Hội đồng, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, các văn kiện được thông qua tại hội nghị toàn cầu. Các nội dung đó được chia ra làm 2 nhóm như sau:
Quyền của người cao tuổi trong các văn kiện không mang tính ràng buộc:
Nội dung này tập trung ở Bộ Nguyên tắc của Liên Hợp quốc về người cao tuổi được Đại Hội đồng Liên Hợp quốc thông qua theo Nghị quyết số 46/91 ngày 16-12-1991; Chương trình hành động quốc tế Madrit về người cao tuổi 2002 và Báo cáo tóm tắt: Già hóa trong thế kỷ XXI - Thách thức và thành tựu 2012 của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA). Nội dung của các văn bản này đều nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước cần phải đưa ra những chính sách, pháp luật về người cao tuổi theo hướng là người được quyền hưởng các phúc lợi xã hội, được sống trong an ninh và sự tôn trọng và đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm quyền của người cao tuổi: tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng (các dịch vụ này bao gồm dịch vụ chăm sóc phòng ngừa, điều trị và lâu dài); bảo đảm thu nhập (phát triển bền vững hệ thống an sinh xã hội và trợ cấp hưu trí cho người cao tuổi), xây dựng môi trường thuận lợi, thân thiện (nhà ở có khả năng chi trả và giao thông tiếp cận dễ dàng cho phép già hóa tại chỗ; xác minh, ngăn ngừa việc phân biệt đối xử, lạm dụng và bạo hành đối với người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi), định hướng tương lai (phát triển các mạng lưới hỗ trợ liên thế hệ trước sự thay đổi của cấu trúc gia đình hiện nay).
Quyền của người cao tuổi trong các văn kiện pháp lý ràng buộc:
Quyền của người cao tuổi được quy định trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền 1948 (UDHR) và 2 công ước quốc tế, gồm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội 1966 (ICESCR), được coi là xương sống của Bộ luật Nhân quyền quốc tế. Tuy nhiên, có thể nhấn mạnh rằng văn kiện pháp lý này điều chỉnh đa dạng các đối tượng gồm phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật... với thuật ngữ mọi người (All human beings). Nhóm quyền được hưởng gồm: quyền được hưởng an sinh xã hội (Điều 25 UDHR 1948, Điều 9 ICESCR 1966); quyền không bị phân biệt đối xử (Điều 1,2,7 UDHR 1948; Điều 2,3,26 ICCPR 1966); quyền được hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống thích đáng (Điều 25 UDHR 1948; Điều 11 ICESCR); quyền về sức khỏe về thể chất và tinh thần (Điều 25 UDHR 1948, Điều 12 ICESCR 1966); quyền việc làm (Điều 23 UDHR 1948, Điều 6,7,8 ICESCR). Riêng trong quy định tại đoạn 1, Điều 1 của Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ (ICRMW) có quy định rõ hơn về quyền của người cao tuổi thông qua nguyên tắc chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên “lứa tuổi”. Bên cạnh đó, Tổ chức Lao động quốc tế thông qua một số công ước liên quan đến bảo vệ quyền của người cao tuổi như Công ước về các chế độ hưởng do tàn tật, tuổi già và tiền tuất (Công ước số 128 năm 1967) và Công ước số 152 về an sinh xã hội năm 1952. Bên cạnh đó, Bình luận chung số 6 năm 1995 của Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CESCR) với nội dung “quyền của mọi người được hưởng an sinh xã hội, bao gồm cả bảo hiểm xã hội” trong đó cũng thừa nhận các lợi ích của người cao tuổi.
1.2. Hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền của người cao tuổi
Trong tương quan so sánh giữa pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về người cao tuổi có thể thấy rằng, tính tương thích thể hiện rất rõ nét và toàn diện. Quyền của người cao tuổi Việt Nam được thể hiện trong Hiến pháp 2013, Luật Người cao tuổi 2009, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014), Luật Khám chữa bệnh 2009, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật Việc làm 2009, Luật Người khuyết tật 2010... Những văn bản này tạo ra khung pháp lý vững chắc bảo đảm những quyền và lợi ích cơ bản sau của người cao tuổi: Quyền không bị phân biệt đối xử (Khoản 3 Điều 37 Hiến pháp 2013 và Khoản 1 Điều 9 Luật Người cao tuổi 2009); Quyền về an sinh xã hội (Điều 3 Luật Người cao tuổi); Quyền có việc làm (Tại điểm đ, khoản 1, Điều 3 Luật Người cao tuổi 2009); Quyền được tham gia vào đời sống văn hóa, xã hội (Điều 15 Luật Người cao tuổi 2009); Quyền được phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe; Quyền được phát huy vai trò trong xã hội (quyền được tôn trọng)... Trong đó, một số quyền quan trọng của người cao tuổi đó là:
Quyền về an sinh xã hội: Nhóm quyền này được thể hiện cụ thể trong Hiến pháp 2013, Luật Người cao tuổi 2009, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Bảo hiểm y tế 2008, Nghị định số 58/2019/NĐ-CP quy định về mức trợ cấp người có công với cách mạng. Xuất phát từ nguyên tắc “tôn trọng người cao tuổi” được quy định tại Hiến pháp 2013, Điều 3 Luật Người cao tuổi 2009 tiếp tục khẳng định người cao tuổi, đặc biệt là người nghèo, không nơi nương tựa, có nhiều công lao đóng góp cho xã hội, người già trong hoàn cảnh bị thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác, sức khỏe giảm sút không có khả năng lao động được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe thông qua sự hỗ trợ từ Nhà nước như ưu tiên nhận tiền, hiện vật, miễn các khoản đóng góp cho xã hội, ưu tiên sử dụng dịch vụ theo quy định của pháp luật. Chế độ hưởng cụ thể được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị định số 58/2019/NĐ-CP quy định về mức trợ cấp người có công với cách mạng.
Quyền được phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe:
Tại khoản 2 Điều 71, khoản 2 Điều 104, Điều 111 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Luật Người cao tuổi 2009 về quyền phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi có quy định, con cháu trong gia đình có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc ông bà; con cái có nghĩa vụ phụng dưỡng, nuôi dưỡng cha mẹ đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật. Đồng thời, người cao tuổi cũng có quyền quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn. Trong trường hợp người cao tuổi không sống chung với con đã thành niên, con cái phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Bên cạnh đó, đối với hành vi vi phạm quyền của người cao tuổi có những văn bản tương ứng để xử lý kịp thời như Nghị định 110/2009/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bạo lực gia đình (phạt tiền, buộc công khai xin lỗi), Bộ luật Hình sự 2014 (coi tình tiết “phạm tội là người già là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”; tội ngược đãi ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình tại Điều 151, tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng tại Điều 152...). Bên cạnh đó, tại Điều 21 Luật Người cao tuổi 2009 có quy định về chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi. Đây không chỉ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà là nguồn động viên, khích lệ lớn về tinh thần đối với người cao tuổi.
Quyền được phát huy vai trò trong xã hội (Quyền được tôn trọng): nhằm phát huy trí tuệ, tri thức và sức đóng góp của người cao tuổi ở trong xã hội, người cao tuổi có chuyên môn được Nhà nước khuyến khích kéo dài thời gian công tác, tham gia các hoạt động giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, tình đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa, phong trào khuyến học, truyền tải kinh nghiệm, tri thức, tư vấn chuyên môn, hòa giải mâu thuẫn tranh chấp ở cộng đồng, thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở, là tấm gương đi đầu trong công tác phòng, chống lãng phí, đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật(1).
2. Một số hạn chế trong thực hiện và các giải pháp thúc đẩy thực hiện pháp luật về quyền của người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay, hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi bước đầu được hình thành và phát triển từ Trung ương tới địa phương, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến hệ thống chăm sóc y tế dành cho người già được triển khai ở hệ thống y tế trên toàn quốc. Thực hiện các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu hiện nay nhằm giảm chi phí khám chữa bệnh, đồng thời, bảo đảm mức sống cơ bản cho người cao tuổi, đặc biệt là người nghèo, người già neo đơn, người khuyết tật. Tuy nhiên, việc thực hiện nhóm quyền này trên thực tế còn tồn tại một số hạn chế sau:
Thứ nhất, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi về sức khỏe và tinh thần ngày càng lớn trong khi sự phát triển của các dịch vụ chăm sóc và cơ sở hạ tầng lại không tương xứng.
Thứ hai, xuất phát từ nhận thức của cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội cũng như nhận thức của chính người cao tuổi về vấn đề chăm sóc người cao tuổi chưa tương xứng với yêu cầu của thực tiễn. Đây được xem là trách nhiệm và nghĩa vụ về mặt đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong khi, đạo đức trong xã hội ngày nay bị xuống cấp nghiêm trọng. Việc xây dựng và nghiên cứu quyền của người cao tuổi chưa tiếp cận dựa trên quyền của người cao tuổi.
Thứ ba, việc triển khai các quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quyền của người cao tuổi trên thực tiễn còn thiếu cơ chế linh hoạt để bảo vệ, thúc đẩy quyền của người cao tuổi.
Hiện nay, người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế vẫn ở tỷ lệ thấp, cơ sở bảo trợ xã hội chuyên chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi còn ít, trang bị còn thiếu thốn; mức trợ cấp xã hội còn thấp so với mức sống tối thiểu (405 nghìn đồng đối với người già từ 60 tuổi trở lên; 540 nghìn đồng đối với người già từ 80 tuổi trở lên)(2). Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, giáo dục, du lịch, thể dục, thể thao, giao thông công cộng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn với điều kiện kinh tế còn rất hạn hẹp. Các hoạt động công cộng gắn liền với quyền của người cao tuổi như tham gia giao thông công cộng, vé thăm bảo tàng, di tích văn hóa vẫn chưa thực hiện tốt một cách toàn diện. Đặc biệt, việc xây dựng các công trình dành riêng cho người cao tuổi theo xu hướng tiếp cận dựa trên quyền như lối đi riêng cho người khuyết tật, người già ở phương tiện giao thông công cộng, khoa khám miễn phí riêng cho người cao tuổi, làn đường dành cho người đi bộ... vẫn còn rất hạn chế và cần phải có chính sách thiết thực hơn nữa.
Để khắc phục các hạn chế trên cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền của người cao tuổi.
Hiện nay, việc đối xử với người cao tuổi chủ yếu dựa trên đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam như uống nước nhớ nguồn, kính trên nhường dưới và dựa vào đạo đức gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay với sự tham gia ký kết, phê chuẩn và cam kết thực hiện rất nhiều điều ước quốc tế về quyền con người, trong tư duy lập pháp cũng như nhận thức của người dân cần tiếp cận người cao tuổi gắn với quyền cụ thể, là lấy quyền của người cao tuổi là đối tượng để điều chỉnh pháp luật.
- Nâng cao ý thức, hiểu biết của các nhà quản lý, hoạch định chính sách cũng như của toàn bộ cộng đồng về quyền của người cao tuổi.
Để làm tốt công tác này, trước tiên, các cơ quan thông tin đại chúng cần phải có kế hoạch xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về người cao tuổi như: tuyên truyền, vận động mọi người dân chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế; tiết kiệm chi tiêu, tích lũy cho tuổi già... Nâng cao chất lượng phát sóng các chuyên mục về người cao tuổi của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các đài phát thanh, truyền hình địa phương để phổ biến những thông tin, kiến thức khoa học nhằm hạn chế các nguy cơ gây bệnh ở người cao tuổi, tăng cường an toàn trong sử dụng thuốc, chống lạm dụng thuốc chữa bệnh đối với người cao tuổi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động phối hợp giữa cộng đồng, nhà trường và gia đình nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống “kính lão trọng thọ”, biết ơn và giúp đỡ người cao tuổi, chăm sóc người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa tại cộng đồng.
- Hướng dẫn, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế tăng khả năng tự chủ về tài chính.
Đảng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thành lập Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. Trên có sở đó, quỹ tài chính song hành với chính sách phát huy các ngành nghề phù hợp với người cao tuổi như khôi phục nghề và dạy nghề truyền thống, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm theo điều kiện và khả năng cụ thể; có chính sách hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm đối với người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để người cao tuổi là nhà khoa học, nghệ nhân và những người có kỹ năng, kinh nghiệm đặc biệt được tiếp tục cống hiến, truyền thụ những kiến thức văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ, trở thành tấm gương đi đầu và làm nòng cốt trong phong trào xây dựng xã hội học tập; xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học. Mặt khác, trong hoạt động của Hội Người cao tuổi cần phải thường xuyên tổ chức các hoạt động để người cao tuổi bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề mà người cao tuổi quan tâm, từ đó hoàn thiện và bảo đảm quyền của người cao tuổi.
- Đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe về thể chất và tinh thần của người cao tuổi.
Đối với chăm sóc sức khỏe, các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng các chương trình cụ thể với mục đích tiến hành các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, bồi dưỡng và tập huấn kiến thức tự chăm sóc bản thân, nâng cao sự chủ động bảo vệ sức khỏe đối với người cao tuổi, đồng thời, huy động nguồn vốn hỗ trợ để tiến hành xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật và thành lập các lão khoa ở các bệnh viện cấp địa phương, khuyến khích khám chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi.
Để bảo vệ quyền của người cao tuổi về mặt tinh thần, cần tiếp tục thực hiện các quy định về giảm giá vé, phí dịch vụ đối với người cao tuổi khi tham quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh, thể dục thể thao; tham gia giao thông công cộng. Đồng thời, các cấp có thẩm quyền phối hợp cùng gia đình và nhà trường cần phải xây dựng nếp sống, môi trường ứng xử văn hóa, luôn tôn trọng và phát huy tối đa vai trò của người cao tuổi trong xã hội. Khuyến khích người cao tuổi thành lập các câu lạc bộ văn hóa, tri thức, thể thao để người cao tuổi có cơ hội rèn luyện sức khỏe, sống vui, sống thọ và có đóng góp cho xã hội.
- Xây dựng và nhân rộng mô hình mẫu về chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi dựa vào cộng đồng.
Mô hình mẫu về chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi dựa vào cộng đồng được hiểu là hoạt động chăm sóc người cao tuổi dựa vào nguồn tài chính của Nhà nước hoặc huy động sự hỗ trợ của doanh nghiệp tư nhân, tổ chức phi chính phủ... Mô hình này sẽ tổ chức ra đợt khám định kỳ tại địa phương hoặc tại gia đình nơi người cao tuổi đang sinh sống, xây dựng các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể thao và vui chơi giải trí phù hợp với sức khỏe, tâm sinh lý người cao tuổi, thực hiện tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước về người cao tuổi... Và khi mô hình mẫu được nhân rộng, người cao tuổi sẽ trở thành tình nguyện viên để tuyên truyền, thúc đẩy quyền của người cao tuổi. Bên cạnh đó, một số mô hình khác cũng cần tiếp tục xây dựng và nhân rộng như mô hình nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa, mô hình chăm sóc sức khỏe tốt cho người già ngay tại gia đình... Qua đó, người cao tuổi được nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
ThS Nguyễn Phương Nhung
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh