Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã ghi nhận nhiều cột mốc đáng nhớ và ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ cùng sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, TTCK đã và đang tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK và đi ngược lại với lợi ích chung của quốc gia.
Trước thực trạng vi phạm pháp luật chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp, cơ quan chức năng cần có giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả phòng, chống.
Bài viết sau của tác giả Đỗ Thị Lan Anh ( Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân) phân tích về thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán hiện nay tại Việt Nam, những khó khăn trong công tác quản lý đấu tranh với những hành vi này và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này.
Trong những năm gần đây, TTCK Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, thể hiện rõ qua số lượng công ty Việt nam có vốn hoá thị trường trên 1 tỷ USD với tổng vốn hoá TTCK tăng mạnh từ 30% đến 90% GDP của Việt Nam. Tính từ cuối tháng 1 năm 2020, giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt 4.770.000 tỷ đồng, tương đương 7% GDP, giá trị giao dịch bình quân trong năm 2020 đạt 6.671 tỷ đồng/phiên; thị trường hiện có 759 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1.479.000 tỷ đồng. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư đạt khoảng 2.7 triệu tài khoản trong đó nhà đầu tư nước ngoài là gần 31 nghìn tài khoản.
Bên cạnh những mặt tích cực, TTCK cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK, đi ngược lại với lợi ích chung của thị trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Lý do đến từ nhiều mặt, khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan, TTCK tại Việt nam được xây dựng và phát triển trong bối cảnh các yếu tố thị trường còn sơ khai, tính chất hoạt động chứng khoán phức tạp, nhạy cảm trong khi hiểu biết của thành viên thị trường và nhà đầu tư nhỏ lẻ còn nhiều hạn chế, ý thức tuân thủ pháp luật chung hay pháp luật chứng khoán là chưa cao. Đi cùng với mô thị trường gia tăng, các hoạt động chứng khoán ngày càng đa dạng, các vi phạm pháp luật trên thị trường cũng diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp.
Thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán
Theo khảo sát của Bộ tài chính, tính riêng trong 09 năm vừa qua (2013-2021), các vi phạm, tội phạm xảy ra trong lĩnh vực chứng khoán chiến tỷ lệ thấp (khoảng 6%) so với các lĩnh vực khác, tập trung chủ yếu ở một số hành vi như: vi phạm quy định công bố thông tin, hành vi thao túng thị trường chứng khoán hoặc hành vi giao dịch có dấu hiệu nội gian. Cụ thể, những hành vi này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động giao dịch trên thị trường, làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư với hành vi “lái” giá cổ phiếu như không báo cáo trước thời điểm tiến hành giao dịch; hành vi tạo dựng, công bố những thông tin sai lệch, làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam… Những vi phạm này diễn ra rất phổ biến làm ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ liên quan đến tội phạm trong lĩnh vực này. Cụ thể:
- Hành vi vi phạm về thao túng giá chứng khoán: dấu hiệu thao túng giá có thể là đặt lệnh và thực hiện giao dịch ngược hướng với thị trường gây ảnh hưởng giả đến giá chứng khoán; tạo khoảng biến động giá lớn nhưng lại không có thông tin cơ bản để đánh giá giá trị cơ bản của cổ phiếu; dẫn đến vấn đề mất cân bằng khối lượng đặt lệnh của nhà đầu tư, thường chỉ khớp giá và khối lượng trong nhóm thao túng.
- Hành vi giao dịch có dấu hiệu nội gián khi không báo cáo trước thời điểm tiến hành giao dịch: các giao dịch có dấu hiệu nội gián thường dựa trên việc cố tình lợi dụng lợi thế về việc tiếp cận được thông tin tốt hoặc xấu về hoạt động và tình hình tài chính của công ty. Nguồn thông tin này có thể xuất phát từ các viên chức cấp cao trong tổ chức phát hành như: chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc/ giám đốc, phó tổng giám đốc/ phó giám đốc, kế toán trưởng… Các giao dịch này ngày càng tinh vi, khó chứng minh được hành vi vi phạm.
- Hành vi tạo dựng hoặc công bố thông tin sai lệch, làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết trên thị trường chứng khoán: Hành vi tạp dựng thông tin sai sự thật, làm gỉa hồ sơ thường rất tinh vi, phức tạp, có sự kết hợp nhiều thao tác và có tính thông đồng. Việc công ty có tiền sử vi phạm một số gian lận thì rất có thể thực hiện càng các loại gian lận khác nữa.
Những khó khăn vướng mắc trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quảng lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán còn bộc lộ một số hạn chế vướng mắc như sau:
- Quy định pháp luật chưa rõ ràng, còn mang tính định tính: Tại Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi năm 2009 quy định “yếu tố cấu thành tội phạm” của hành vi “thao túng giá chứng khoán” còn mang tính định tính nên việc xử lý hình sự các vụ việc thao túng còn gặp nhiều khó khăn. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định rõ hơn về một trong những yếu tố cấu thành tội phạm của 04 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán là yếu tố gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Tuy nhiên hiện chưa có quy định pháp lý và văn bản hướng dẫn nào làm cơ sở hoặc tham chiếu cho việc tính toán khoản thiệt hại cho nhà đầu tư trong xác định dấu hiệu hình sự, hành chính của hành vi vi phạm, gây khó cho cơ quan chức năng khi xử lý, thực hiện giám định tư pháp các vụ việc về thao túng, nội gián hay các hành vi vi phạm khác.
- Đối tượng, chủ thể của vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán là đối tượng có học thức, hiểu biết, am hiểu sâu rộng và thậm chí là chuyện gia về lĩnh vực tài chính, chứng khoán, công nghệ thông tin và có quan hệ xã hội sâu rộng nên phương thức thủ đoạn phạm tội thường rất tinh vi, lợi dụng những kẽ hở trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường chứng khoán để thực hiện hành vi vi phạm. Đây được coi là một loại tội phạm ẩn, diễn ra trong một thời gian dài, khi phát hiện thì đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách đồng thời gây nhiều khó khăn trong quá trình phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc của các cơ quan chức năng.
- Công tác xác định hậu quả, thiệt hại trong các vụ án liên quan đến lĩnh vực chứng khoán còn gặp nhiều khó khăn, do số lượng tài khoản chứng khoán giao dịch lớn, rất khó xác định được sự liên hệ giữa các tài khoán.
- Nhận thức về vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm nói riêng trong lĩnh vực chứng khoán còn rất mới mẻ, bản thân những nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc từ chính cơ quan chức năng tham gia giải quyết vụ việc xảy ra trong lĩnh vực này còn thiếu kinh nghiệm, gây hạn chế trong công tác phối hợp điều tra.
Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm chứng khoán
Một là: Tập trung hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực chứng khoán, đối với lực lượng chức năng trực tiếp tham gia đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực này cần nghiên cứu, tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước để các chế tài xử phạt hành vi vi phạm trong luật chứng khoán đi sâu vào thực tế. Việc tăng cường các chế tài xử phạt cần được triển khai theo cả 2 hướng là tăng mức phạt tiền và gia tăng các hình thức xử phạt bổ sung mang tính răn đe, khắc phục tình trạng đối tượng chấp nhận nộp phạt rồi lại tiếp tục vi phạm
Hai là: Quan tâm đầu tư về nguồn nhân lực, là các đơn vị cơ quan chức năng, các cán bộ chủ chốt tham gia hoạt động đấu tranh những vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, tăng cường hạ tầng công nghệ kỹ thuật, kiến thức, kỹ năng, thông thạo về lĩnh vực tài chính. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, thường xuyên với các cơ quan chủ thể, Bộ Tài chính, các công ty chứng khoán; hoặc phối kết hợp với các chuyên gia tài chính có chuyên môn sâu trong lĩnh vực này nhằm hỗ trợ cho công tác điều tra truy vết.
Ba là: Thực hiện công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực tài chính chứng khoán, đến các nhà đầu tư trực tiếp tham gia thị trường về những hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các nhà đầu tư. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng và lâu dài nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền lợi, củng cố và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đỗ Thị Lan Anh