PLQL - Nhiều ý kiến đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vì những tác hại mà chúng gây ra cho sức khỏe không kém gì thuốc lá thông thường.
Độc hại không kém thuốc lá truyền thống
Ngày 1/7, Bộ Y tế tổ chức hội thảo tập huấn, trao đổi thông tin báo chí về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (ENDS). Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, các loại thuốc lá thế hệ mới cũng độc hại như thuốc lá thông thường, Bộ Y tế có đề xuất cấm sử dụng dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới này (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha). "Thực tế cho thấy, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được thiết kế bắt mắt, thu hút giới trẻ và nhắm đến cả người chưa hút thuốc. Hút thuốc lá điện tử hiện đang gia tăng trong giới trẻ, người chưa hút và kể cả người đang hút thuốc lá thông thường cũng có xu hướng sử dụng song song thuốc lá điện tử.
Đây là loại hình thuốc lá mới, rõ ràng tác hại của chúng gây ra không hề thấp hơn thuốc lá thông thường, thậm chí có những tác hại cấp tính gặp phải ngay sau khi hút hơi đầu tiên như: viêm phổi, đột quỵ, nguy cơ cháy nổ cao..." - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh.
Tại hội thảo, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Cán bộ Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cảnh báo, tác hại của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bởi trong đó có chứa rất nhiều chất độc hại như nicotine, kim loại, formaldehyde…. Đến nay không có "bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử ít gây hại hơn so với thuốc lá điếu truyền thống" và thuốc lá điện tử là những sản phẩm thuốc lá nên chúng không thể được coi là công cụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá hiệu quả.
Ông Lâm phân tích, với ENDS, người hút dễ bị gây nghiện và tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường. Nghiên cứu cho thấy những người trẻ tuổi đã thử sử dụng ENDS thì có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 3,5 lần so với nhóm người không dùng ENDS.
Theo ông Lâm, nghiên cứu cho thấy, ENDS có tới 15.000 loại hương vị, rất khó kiểm soát được chất tẩm ướp vào thuốc lá có độc hại hay không. Ngoài ra, ở một số nước ENDS đã trộn cả những loại ma túy đã được cấm ở các nước khác (như chất cannabis). Người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não, bị tổn thương nặng do pin của các thiết bị trong ENDS nổ. Ngoài ra, có nhiều trẻ bị tổn thương phổi do hút ENDS, số ít em đã tử vong vì hội chứng này.
"Cụ thể theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ - CDC từ 50 tiểu bang, tính đến ngày 18-2-2020 đã có 2.800 trường hợp nhập viện vì hội chứng viêm phổi do hút ENDS, 15% ca nhập viện dưới 18 tuổi, 37% từ 18-24 tuổi (68 ca tử vong tại 29 tiểu bang)", bác sĩ Lâm dẫn chứng.
Đủ chiêu "tấn công" giới trẻ
Nói về các chiêu thức quảng cáo, tiếp cận giới trẻ nhằm mở rộng thị trường thuốc lá thế hệ mới, ThS. Lê Thị Thu, Quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết ngành công nghiệp thuốc lá nhắm đến giới trẻ nhằm tìm kiếm những người hút thuốc thay thế và để duy trì sản lượng thuốc lá và tăng trưởng lợi nhuận - khi chính phủ các nước thực hiện các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá.
Với mục tiêu này, các hãng sản xuất thuốc lá đã có nhiều chiêu trò để thu hút, cổ động giới trẻ dùng thuốc lá. Cụ thể: thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đỏng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ… Cùng với đó, ngành công nghiệp thuốc lá tiến hành giới thiệu sản phẩm và dùng thử ở các cửa hàng bán lẻ; sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng/có ảnh hưởng quảng cáo thuốc lá; tận dụng độ tuổi trẻ của những người nổi tiếng trên mạng xã hội để quảng cáo và bán hàng như Facebook, Instagram, Tiktok... đồng thời, bán thuốc lá qua các trang thương mại điện tử...
Theo bà Thu, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều là sản phẩm độc hại mới. Ngành công nghiệp thuốc lá đã sử dụng các cách thức quảng cáo, tiếp cận nhắm vào giới trẻ. Hiện, tỉ lệ đang sử dụng, thuốc lá nung nóng ở Việt Nam chưa cao nhưng có xu hướng gia tăng sử dụng ở Việt Nam và trên các nước, đặc biệt tăng tỉ lệ sử dụng trong thanh thiếu niên như Mỹ, Romania, Ý,…
Do đó, Việt Nam cần khung pháp lý nhằm kiểm soát các sản phẩm này. Cơ quan chức năng cần kiểm soát các hoạt động quảng cáo, buôn bán các sản phẩm này khi các sản phẩm này chưa được phép lưu hành trên thị trường. "Thống kê cho thấy, những người trẻ tuổi (14-30 tuổi) đã sử dụng ENDS thì có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 4 lần so với nhóm không dùng ENDS; 70% số người thử một điếu thuốc và trở thành người hút thuốc hàng ngày do nicotine - chất gây nghiện có trong thuốc lá" - bà Thu dẫn chứng.
Ông Lâm cho biết ở Việt Nam chưa có nghiên cứu, nhưng ở nhiều nước khác đã cho thấy xu hướng sử dụng ENDS ở học sinh ngày càng gia tăng.