Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thuận lợi cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế

Nhằm trao đổi đánh giá những nội dung chủ yếu để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước, sáng 12/12 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng”

Diễn đàn là dịp để lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các chuyên gia trao đổi, đánh giá việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước, từ đó nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Toàn cảnh Diễn đàn

Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế bền vững

Tại diễn đàn, các diễn giả, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế cho rằng, ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn, khách thức, có những việc chưa từng có tiền lệ.

Trên thế giới, đại dịch Covid-19 kéo dài gây hậu quả nặng nề, hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, dẫn đến suy giảm tăng trưởng và gia tăng rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ... Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina diễn biến phức tạp, đã tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh chính trị, kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, với ý chí và quyết tâm cao, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được triển khai quyết liệt, cụ thể hóa thành các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các chương trình hành động thiết thực của Quốc hội, Chính phủ, quán triệt sâu rộng tới các bộ, ban, ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 36 Nghị quyết và 54 Kết luận, trong đó có nhiều nghị quyết, kết luận liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển phát triển kinh tế...

Tại Diễn đàn, các ý kiến phát biểu và tham luận đã tập trung phân tích, luận giải, làm rõ hơn nhiều vấn đề quan trọng về những kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội qua hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng trên từng lĩnh vực cụ thể.

Trên cơ sở đó, các đại biểu đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm quý của một số nước, đồng thời đề xuất những giải pháp căn cơ, khả thi nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội trong nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII và giai đoạn tiếp theo.

Theo góc nhìn của TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, Việc ngày càng nhiều các tập đoàn lớn tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội, đặt nền móng đầu tư cho thấy "một không gian phát triển mới của Việt Nam từ sau Đại hội XIII". Trong bối cảnh khó khăn, biến động khó lường của kinh tế thế giới, Việt Nam đã ứng vạn biến, biến nguy thành cơ, khắc phục khó khăn.

TS. Trần Đình Thiên nhận xét, chúng ta đã không còn 'đóng cứng' như trước, mà cởi mở hơn, mang tâm thế mới hơn. Cải cách thể chế cũng có nhiều thay đổi trong 3 năm qua - quãng thời gian cực kỳ bất thường của kinh tế thế giới, Việt Nam. Tuy vậy, thể chế, chính sách cần cải cách hơn nữa trong nửa cuối nhiệm kỳ, nếu Việt Nam muốn tăng trưởng tốt hơn…

picture2-1702450853.png

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng phát biểu.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng cải cách thế chế là một trong những thách thức đặt ra cho Việt Nam giai đoạn tới, bởi đây là yếu tố then chốt quyết định khả năng chống chịu của kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Việt Nam phải chịu ảnh hưởng lớn từ nền kinh tế thế giới nhưng với độ mở lớn, những ngành tạo ra nhiều việc làm cho người dân như dệt may, da giày sẽ phải chịu thách thức lớn. Vì vậy, cần tăng khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam, coi đây là một phần của chính sách, tránh hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài.

Đi cùng với đó, cần cân đối lại định hướng xuất khẩu khi cơ cấu kinh tế đang phụ thuộc phần lớn vào hoạt động xuất khẩu và thị trường thế giới. Vì vậy, nếu không có chính sách khơi thông nguồn lực trong nước, sẽ luôn có rủi ro.

"Xuất khẩu ra thị trường thế giới vẫn là định hướng nên giữ, nhưng rõ ràng cần chiến lược để thúc đẩy khai thác thị trường nội địa, bởi đây là thị trường rất quan trọng, lớn với trăm triệu dân", ông Dũng nói.

Đồng thời, TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng cần cải cách chính sách thuế do đang cao hơn so với các nước, điển hình như thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này khiến doanh nghiệp phải tìm đầu tư ở những nơi có thuế thấp hơn và trả lời cho câu hỏi "Vì sao doanh nghiệp Việt Nam lại sang Singapore khởi nghiệp?".

Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị cần hoàn thiện thể chế, trong đó chống tham nhũng nhưng phải đảm bảo an toàn pháp lý cho bộ máy. "Nếu bộ máy Nhà nước sợ đến mức không dám làm gì, kinh tế Việt Nam sẽ vô cùng khốn đốn. Vì vậy phải đảm bảo an toàn cho bộ máy. Cái gì đúng, thủ tục đúng thì làm, không nên chính trị hóa những chuyện liên quan đến nền công vụ", ông Dũng nói.

picture3-1702450853.png

PGS.TS, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật Vũ Trọng Lâm phát biểu.

PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, ở nửa đầu nhiệm kỳ này, việc lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ta.

Ông dẫn chứng Việt Nam là một điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Cụ thể, năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại. Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Các ý kiến cũng đưa ra nhận định, dự báo tình hình thế giới, trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, song cũng sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức lớn. Do đó, trong bối cảnh mới, đòi hỏi phải phát huy những kết quả, bài học kinh nghiệm đã đạt được; đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến nay.

Theo đó, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế bền vững. Làm rõ những vấn đề đặt ra để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn; nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Khơi dậy, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển đồng bộ các loại thị trường…

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế

Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã tập trung triển khai mạnh mẽ 6 hướng công tác.

Cụ thể, ngành công an chủ động tham mưu cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm về bảo vệ an ninh quốc gia, triển khai quyết liệt các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm gây xáo trộn, mất an toàn, tạo bất bình đẳng trong đầu tư, kinh doanh… Chủ động tham mưu với Chính phủ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong đàm phán, ký kết và triển khai các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vừa bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, vừa tạo động lực mới cho phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường.

picture4-1702450853.png

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu.

Lực lượng công an cũng phối hợp xác minh tư cách pháp nhân, khả năng tài chính, trình độ công nghệ và năng lực thực hiện của các công ty nước ngoài có dự án hợp tác, đầu tư vào Việt Nam; thẩm định, đánh giá tác động về an ninh đối với các dự án đầu tư trong nước, dự án nước ngoài trọng điểm. Từ đây, tham mưu lựa chọn đối tác có năng lực tài chính, công nghệ cao và chủ động ngăn chặn kịp thời các đối tượng lợi dụng đầu tư để lừa đảo.

Cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, theo Thứ trưởng Lương Tam Quang, mỗi năm, lực lượng công an triệt xóa hàng nghìn ổ nhóm tội phạm. Trong số này có hàng trăm nhóm tội phạm nguy hiểm “núp bóng” công ty, doanh nghiệp hoạt động phạm tội; nhiều đường dây tội phạm liên quan đấu thầu, đấu giá và cổ phần hóa, trục lợi chính sách.

Công an cũng phát hiện, kiến nghị xử lý hàng trăm doanh nghiệp lợi dụng chính sách khấu trừ thuế, hoàn thuế VAT; điều tra, xử lý hàng chục nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả.

Thứ trưởng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, ngành công an đã phát hiện, khởi tố điều tra nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thu hồi cho Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, Bộ Công an đã chủ động, đi đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân; phối hợp cung cấp 4.460 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm thiểu tiêu cực. Đồng thời, tập trung xây dựng lực lượng công an thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bố trí 4 cấp Công an, trong đó Công an xã trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan doanh nghiệp, người dân ngay từ cơ sở.

Về các giải pháp thời gian tới, theo ông Quang, lực lượng công an sẽ tiếp tục đánh giá, nhận diện, dự báo các loại tội phạm mới trên các lĩnh vực kinh tế trọng điểm để triển khai các giải pháp đấu tranh, xử lý, phòng ngừa, ngăn chặn.

Trong đó đặc biệt nhấn mạnh lực lượng công an sẽ tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm tham nhũng, kinh tế; đấu tranh quyết liệt với các hành vi đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, các loại tội phạm hình sự, nhất là băng, nhóm tội phạm “núp bóng” doanh nghiệp hoạt động bảo kê, xiết nợ, đòi nợ thuế, “tín dụng đen”, cưỡng đoạt tài sản.

Tập trung phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng, tiêu cực, theo đúng phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Gắn với tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh lành mạnh.

Việc ngăn chặn này nhằm góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Gắn với xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại...

  • Tags: