Lão hóa dân số là một mối đe dọa thực sự và có tác động lớn hơn nhiều so với tình trạng dân số quá đông trên hành tinh. Và trong những năm tới, thế giới sẽ phải thích ứng với thực trạng này. Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Philippe Crevel, người sáng lập của công ty nghiên cứu và chiến lược kinh tế Lorello Ecodata - Giám đốc Trung tâm Cercle de l'Epargne chuyên nghiên cứu và thông tin về tiết kiệm và hưu trí.
Phát biểu trên tờ Les Echos số ra gần đây, chuyên gia kinh tế Philippe Crevel cho biết kể từ đầu thế kỷ XIX đến nay, dân số thế giới đã tăng theo cấp số nhân, từ 1 tỷ người lên 7,5 tỷ người. Dự kiến đến năm 2050, dân số sẽ tăng thêm 2 tỷ người, và chỉ có thể bắt đầu giảm vào nửa sau của thế kỷ XXI. Về lâu dài, tỷ lệ sinh sẽ chỉ ở mức 1,5 con/phụ nữ, trong khi tỷ lệ cho phép đổi mới các thế hệ là 2,1 con.
Ảnh minh họa: Internet
Sự lão hóa đang tăng nhanh
Tỷ lệ sinh giảm mạnh đã dẫn đến sự tăng tốc của quá trình lão hóa dân số. Châu Âu và châu Á là những châu lục đầu tiên chịu ảnh hưởng của xu hướng này. Tiếp theo là châu Mỹ. Trong khi đó, châu Phi vẫn là lục địa trẻ cho đến cuối thế kỷ XXI.
Vào năm 2100, ước tính những người trên 65 tuổi sẽ chiếm 23% dân số thế giới, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 10% của năm 2020. Hiện nay, người già ở Nhật Bản chiếm 28% và tại Pháp là 20%. Dự kiến đến năm 2040, các con số này sẽ lần lượt tăng lên 35% và 30%.
Nhật Bản là quốc gia hàng đầu về lão hóa dân số. Từ năm 1995, tỷ lệ sinh trung bình của một người phụ nữ Nhật dao động trong khoảng 1,3 con đến 1,4 con. Năm 2021, dân số nước này ước tính là 125,7 triệu người, giảm 3 triệu người so với cách đây 10 năm. Đặc biệt, Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, 0,9 con/phụ nữ. Ở Trung Quốc, tỷ lệ này là 1,3. Dân số của quốc gia này gần đạt mức tối đa là 1,415 tỷ người và dự kiến sẽ giảm dần.
Ở Nhật Bản, tỷ lệ "người phụ thuộc" (được tính bằng số người cao tuổi trên lực lượng lao động) là 50% vào năm 2019 và có thể lên đến 80% vào năm 2060. Tỷ lệ này của Hàn Quốc có thể tăng từ 20% vào năm 2019 lên đến 85% vào năm 2060.
Châu Âu, từ di cư trở thành nhập cư
Tình trạng lão hóa dân số sẽ tạo nên một sự đột biến thực sự trong lịch sử nhân loại. Tỷ lệ người cao tuổi đang ngày càng tăng so với dân số đang trong độ tuổi lao động. Trong khi đó, phần lớn sự tăng trưởng kinh tế có được trong hai thập kỷ qua là nhờ vào sự tăng trưởng của dân số trong độ tuổi lao động.
Thời gian qua, tỷ lệ tử vong giảm, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, góp phần khiến số lượng người trẻ tuổi tăng đột biến. Điều này đã dẫn đến việc tái cấu trúc các hoạt động kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và làm gia tăng làn sóng di cư. Châu Âu, nơi trước kia từng chứng kiến những làn sóng di cư, đi chinh phục các châu lục khác, nay lại trở thành một "lục địa nhập cư".
Tiến bộ kỹ thuật sẽ chậm lại
Sự gia tăng tỷ lệ "người phụ thuộc" sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng do số lượng người tiêu dùng tăng lên nhưng lực lượng lao động lại giảm xuống. Các dịch vụ trong nước (dịch vụ cá nhân, y tế, du lịch) sẽ chiếm một phần ngày càng quan trọng trong GDP, trong khi các dịch vụ này mang lại nguồn thu nhập thấp.
Đối tượng đổi mới, sáng tạo trong nền kinh tế thường là những người trẻ ở độ tuổi 25 - 40. Họ vừa là lực lượng tạo ra năng suất và giá trị lao động, đồng thời cũng là lực lượng tiêu dùng và thụ hưởng các sản phẩm của sự sáng tạo. Việc lực lượng này chiếm tỷ trọng thấp trong tổng dân số sẽ làm cản trở sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
Sự gia tăng số lượng người về hưu cũng sẽ khiến việc phổ biến tiến bộ kỹ thuật bị hạn chế. Thông thường, người già ngại thay đổi. Việc hình thành các thói quen cảnh giác hoặc thiếu tin tưởng vào sự đổi mới thể hiện tại các quốc gia "già cỗi" ở châu Âu và cả Nhật Bản. Thói quen này sẽ ít thấy hơn ở Mỹ, một quốc gia trẻ vốn rất cởi mở với các tiến bộ kỹ thuật.
Lạm phát gia tăng
Số lượng người nghỉ hưu tăng còn kéo theo cả sự gia tăng về lạm phát. Việc giảm dân số lao động kết hợp với nhu cầu dịch vụ tăng đáng kể sẽ khiến mức lương tăng cao.
Riêng Nhật Bản lại không đi theo xu hướng này, mà đang đối mặt với tình trạng giảm phát dai dẳng. Nguyên nhân gây tăng giá hàng hóa lại là do chính sách tăng thuế VAT hoặc đồng yen giảm giá. Hiện tại, những người về hưu đang đóng góp một phần đáng kể vào quỹ tiết kiệm. Bằng cách này, họ giảm sức tiêu thụ, góp phần giúp nhà nước trang trải bớt nợ công, làm giảm áp lực của lạm phát.
Trên toàn cầu, tỷ lệ tiết kiệm của nhóm hưu trí hiện ở mức cao nhất, chiếm 27% GDP vào năm 2021, tăng so với mức 23% GDP vào năm 1995. Tuy nhiên, về lâu dài, tỷ lệ tiết kiệm này sẽ giảm do xu hướng sụt giảm thu nhập của người về hưu khiến họ sẽ có lúc sẽ phải rút tiền từ nguồn dự trữ của mình.
Hiện ở Pháp, người về hưu là những người gửi tiết kiệm ròng cho đến năm 75 tuổi, trong khi ở Mỹ, con số này là 65 tuổi. Các quỹ hưu trí sẽ phải chi số tiền ngày càng lớn.
Giảm tiềm năng tăng trưởng
Ở Mỹ, xu hướng già hóa dân số đang dẫn đến nguy cơ sụt giảm tiềm năng tăng trưởng. Theo dự báo của trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp) Patrick Artus, tiềm năng tăng trưởng sẽ giảm từ 2,6%/năm trong những năm 2010 xuống còn 2,2%/năm vào cuối những năm 2020. Đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), tốc độ tăng trưởng trung bình giảm từ 1,3% xuống 0,4%, Nhật Bản giảm từ 0 xuống -0,5% và Trung Quốc là từ 5% xuống 2%.
Tăng trưởng GDP sụt giảm sẽ ảnh hưởng mạnh đến nguồn thu ngân sách. Quỹ lương hưu sẽ phải chịu áp lực lớn. Nếu trong giai đoạn 1970 – 2000, châu Âu và đặc biệt là Pháp triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo ở tầng lớp người cao tuổi, thì vấn đề này có thể sẽ lại được nêu ra trong những thập kỷ tới. Dưới góc độ bầu cử, điều này sẽ có ảnh hưởng nhất định, khi mà những người về hưu có tỷ lệ tham gia cao hơn nhiều so với giới trẻ.
Để duy trì mức sống của người về hưu và tăng năng lực của các dịch vụ y tế, các quốc gia sẽ buộc phải tăng mức chi tiêu công. Sự gia tăng này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tăng trưởng. Vấn đề dựa vào nhập cư để đáp ứng nhu cầu lao động sẽ nổi lên ngày càng sâu sắc. Các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc dường như không muốn đi con đường này nên đã lựa chọn giải pháp công nghệ, ví dụ như người máy, tự động hóa. Một lựa chọn khác là tăng tuổi về hưu, từ đó tăng tỷ lệ người cao tuổi làm việc.
Tăng năng suất lao động
Để bù đắp cho những tác động của già hóa dân số đối với tiềm năng tăng trưởng, các chính phủ nên thúc đẩy việc tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, trong 20 năm qua các chỉ số này vẫn đang giảm dần. Năng suất bình quân đầu người trong Eurozone đã giảm từ 2,5% năm 1998 xuống dưới 0,5% trước cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.
Nguyên nhân của xu hướng này được cho là do sự xuống cấp của trình độ học vấn ở các trường học trong Eurozone. Trong bảng xếp hạng Pisa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Eurozone xếp sau Nhật Bản và Mỹ. Số thanh niên có trình độ tay nghề thấp và không tham gia vào thị trường lao động chiếm tỷ lệ khá cao. Khoảng 17% thanh niên ở Eurozone trong độ tuổi từ 15 tuổi đến 29 tuổi không có trình độ học vấn cũng như không có việc làm, trừ Đức (15%), cao hơn nhiều so với tỷ lệ 10% ở Nhật Bản và 13% ở Mỹ.
Sự yếu kém về kỹ năng và trình độ của người lao động đã góp phần làm chậm quá trình ứng dụng của tiến bộ kỹ thuật, và thúc đẩy định hướng của nền kinh tế châu Âu về phía các hoạt động nội địa có năng suất thấp như du lịch, dịch vụ cá nhân.
Hiện đại hóa thiết bị
Sự chậm trễ trong việc hiện đại hóa thiết bị doanh nghiệp trong mười năm qua ở châu Âu được thể hiện rõ ở năng suất. Xét về khía cạnh sử dụng robot và đầu tư vào công nghệ thông tin và truyền thông, Eurozone bị bỏ lại phía sau rất xa.
Trong khi Nhật Bản có 3,5 robot trên 1.000 vị trí trong lĩnh vực sản xuất, thì tỷ lệ này ở Mỹ chỉ là 2,5 và ở Eurozone chỉ là 1,9. Đầu tư vào công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) của Mỹ cũng chiếm 1,9% GDP, trong khi tỷ lệ này ở Eurozone mới chỉ đạt 1,1% GDP.
Cuối cùng, theo chuyên gia kinh tế Philippe Crevel, đối mặt với tình trạng dân số già hóa, các quốc gia thành viên khu vực Eurozone sẽ cần đẩy mạnh các hoạt động đào tạo và đầu tư. Sự phát triển lĩnh vực công nghiệp dường như cũng là một điều cần thiết để ngăn chặn sự suy giảm của năng suất lao động./.