Từ những vụ đột kích ‘tổng kho’ chào bán hàng lậu qua mạng xã hội: Bắt khó, xử lý triệt để còn…khó hơn!

Là “thủ lĩnh” của Đội Quản lý thị trường số 1– một trong những đơn vị cơ động nhất của Cục QLTT Hà Nội -, nhưng khi đề cập đến công tác xử lý các trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập ngoại qua mạng xã hội, ông Hoàng Đại Nghĩa ngao ngán: “Chúng tôi chịu rồi

Là “thủ lĩnh” của Đội Quản lý thị trường số 1– một trong những đơn vị cơ động nhất của Cục QLTT Hà Nội -, nhưng khi đề cập đến công tác xử lý các trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập ngoại qua mạng xã hội, ông Hoàng Đại Nghĩa ngao ngán: “Chúng tôi chịu rồi!”.

Trong 1 tháng trở lại đây, liên tiếp các “tổng kho” kinh doanh hàng nhập ngoại, chào bán công khai trên mạng xã hội, bị lực lượng QLTT nhiều địa phương, trong đó có Cục QLTT Hà Nội, phối hợp cùng cơ quan Công an phát hiện, xử lý, với số tiền hàng trị giá ước tính hàng tỷ đồng. Tuy nhiên thực sự bất ngờ là khi tìm hiểu công tác xử lý hậu kiểm tra, chúng tôi ghi nhận sự lúng túng, thậm chí…bất lực của cơ quan chức năng.

Ngược với quy luật kinh doanh thuần túy

Có một điểm chung trong các vụ việc mà lực lượng chức năng phát hiện, xử lý thời gian gần đây liên quan đến các “tổng kho” hàng hóa nghi vấn nhập lậu, hàng giả - nhái thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài; đó là những tụ điểm tập kết hàng không ở đô thị lớn, trung tâm mua sắm sầm uất, mà “nấp” ở các vùng nông thôn, thậm chí cả trung du, vùng núi.

Đơn cử như vụ việc hàng trăm mã hàng với hàng vạn sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng đến mỹ phẩm được kinh doanh chủ yếu qua mạng xã hội với hình thức livestreams bán hàng bị Tổ công tác 368 ( Tổng cục QLTT- Bộ Công Thương) phối hợp với Đội QLTT số 1 và Đội QLTT số 14 (Cục QLTT Hà Nội) phát hiện và thu giữ ngày 30-3.

Một "tổng kho" hàng nghi vấn nhập lẩu, giả - nhái thương hiệu nổi tiếng bị phát hiện

“Tổng kho” này nằm trong con ngõ nhỏ ở thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội, do Nguyễn Văn Ngọc (SN 1992, trú tại xã Sơn Đà, huyện Ba Vì) làm chủ.

Đáng chú ý, các sản phẩm đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hoặc là hàng nhập lậu, bởi khi làm việc với đoàn kiểm tra, người đại diện cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, ngoài Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Chưa hết, địa điểm đăng ký được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là ở thôn Bằng Y, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, nhưng thực tế kho hàng lại được đặt ở Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Trong số hàng hóa tại kho, lực lượng chức năng nghi vấn một lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như: Gucci, channel, LV, Adidas... cùng hàng nghìn sản phẩm gia dụng nhập lậu như: bếp từ, bếp nướng, nồi cơm điện, chảo điện...

Qua điều tra của lực lượng chức năng, thông qua cả chục tài khoản Facebook, trên hệ thống bán hàng của cơ sở này, chỉ trong 6 tháng có tới hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán, tức trung bình một ngày có hơn 3.000 đơn hàng được gửi đi thông qua hệ thống chuyển phát Giao Hàng Nhanh.

Một ngày trước vụ “đột kích” kho hàng tại huyện Ba Vì; hôm 29-3, Đội QLTT số 16 - Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Long Biên bất ngờ kiểm tra kho hàng tại địa chỉ số nhà 30, ngõ 56, ngách 139 Thạch Cầu, Long Biên. Kho hàng rộng trên 100m2 này được chủ cơ sở là Bùi Thị Giang (SN 1988, quê quán Triệu Sơn, Thanh Hóa) thuê để chứa, trữ các sản phẩm giày, dép thời trang các loại. Phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ, đoàn liên ngành mới phân loại cơ bản các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm.

Thông tin với PV, ông Nguyễn Sỹ Bình - Đội trưởng Đội QLTT số 16 cho biết, lực lượng chức năng đã phải trinh sát, theo dõi nhiều tháng trước buổi kiểm tra. Cơ sở kinh doanh này hoạt động chủ yếu bằng hình thức online, livetreams bán hàng qua mạng xã hội facebook và qua một số nền tảng thương mại điện tử.

Tất cả đều được chuyển từ nước ngoài về

Theo kiểm đếm sơ bộ, lượng hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: Versace, Gucci, Adidas, LV, Burberry, Chanel, Dior… lên tới trên 3.000 sản phẩm. Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa; đồng thời khai nhận nhập hàng từ một nguồn… không quen biết trên mạng xã hội để về kinh doanh kiếm lời.

Theo ghi nhận của PV ANTĐ, vụ việc với số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm “khủng” nhất, do Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) phối hợp với Cục QLTT Nam Định và Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Nam Định phát hiện, xử lý tại kho hàng rộng hơn 500m2, tàng trữ hàng chục nghìn các sản phẩm thể hiện do nước ngoài sản xuất, hôm 17-3 vừa qua.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa, và khai nhận chủ yếu sử dụng mạng xã hội để chào bán và dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa.

Hàng chục tài khoản Facebook với các tên gọi như The Queen Shop; Trang Anna (The Queen); Dung Vũ (Boss The Queen); The Queen – Chuyên túi VIP; Dương Vũ Xuân; The Queen – Đại Dương – Sỉ lẻ túi xách; Kho Túi xách – Hàng Quảng châu… được sử dụng để né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng và đơn vị vận chuyển khi bị tố cáo và chặn tài khoản vì vi phạm.

Đáng chú ý, chiêu trò đối phó của các đối tượng bị cơ quan chức năng làm rõ, đó là sử dụng một cửa hàng trung gian tại Hà Nội (địa chỉ đường Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) làm nơi giới thiệu sản phẩm. Nhưng thực chất, cửa hàng này không chứa bất cứ sản phẩm nào.

Toàn bộ hàng hóa được tập kết tại kho hàng ở thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản. Theo ước tính, có khoảng 20.000 – 30.000 sản phẩm vi phạm được tàng trữ; chủ yếu là túi xách nhái thương hiệu Hermès, LV, Chanel. Và lực lượng chức năng phải dùng tới 10 xe ô tô tải loại 3,5 tấn mới có thể di chuyển hết số hàng hóa vi phạm.

Có hay không sự tiếp tay của các công ty vận chuyển?

“Đã và đang hình thành thỏa thuận ngầm, nhưng hết sức chặt chẽ, và đầy đối phó, giữa các đối tượng kinh doanh hàng hóa nhập lậu với các doanh nghiệp chuyên dịch vụ chuyển phát nhanh. Thậm chí có trường hợp, đơn vị chuyển phát nhanh còn tạo điều kiện về nơi tập kết hàng cho đối tượng vi phạm”, ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội bức xúc, trao đổi với PV ANTĐ.

Hoa mắt vì các sản phẩm thời trang...lậu, giả, nhái

Không chỉ nêu rõ trách nhiệm của các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh, người đứng đầu lực lượng QLTT Hà Nội còn chia sẻ: “Quá trình trinh sát hay xử lý một vụ việc, cơ quan QLTT nói riêng rất khó nhận được sự hợp tác từ phía ngân hàng, trong việc cung cấp các tài khoản thể hiện giao dịch giữa đối tượng cung cấp và người mua; nguồn tài liệu – chứng cứ được đánh giá hết sức quan trọng để xác định rõ hành vi vi phạm.

Đề cập sâu hơn về công tác xác minh, xử lý các đầu nậu khủng chuyên kinh doanh hàng hóa nhập lậu, nhái – giả thương hiệu nổi tiêng qua mạng xã hội, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng đội QLTT số 1 – Cục QLTT Hà Nội, ngao ngán: “Chúng tôi chịu rồi!”.

Theo vị Đội trưởng cơ động của Cục QLTT, hệ thống văn bản hiện nay quy định khá đầy đủ về chế tài đối với các hành vi vi phạm. Nhưng thực tiễn công tác xử lý, lực lượng chức năng đã và đang gặp khó, rất khó.

“Lần tìm được đối tượng, địa chỉ kinh doanh hàng hóa qua mạng xã hội đã không đơn giản. Khi lần ra, việc thu thập, rồi chuyển hóa, chứng minh vi phạm từ những dữ liệu điện tử là bài toán không dễ giải đối với lực lượng chức năng”, ông Nghĩa thẳng thắn.

Trong “trận chiến” với hàng lậu, giả - nhái thương hiệu nổi tiếng đang tràn lan trên mạng, một trong những trọng tâm mà cơ quan chức năng thấy rõ, là vai trò của các đơn vị, công ty, nền tảng dịch vụ chuyển phát nhanh. 100% giao dịch mua bán được thực hiện qua mạng Internet, rồi vận chuyển thông qua trung gian là các công ty chuyên doanh chuyển phát.

Có một thực tế là hầu như không công ty chuyển phát nào quan tâm hàng hóa nhận dịch vụ vận chuyển là gì? Nguồn gốc ra sao? “Quan tâm lớn nhất của họ là lợi nhuận, với mạng lưới phân phối dịch vụ dày đặc đến mức đảm bảo chi phí vận chuyển từ Hà Nội đi Ba Vì hay vào tận…Cà Mau cũng chỉ đồng giá”, ông Hoàng Đại Nghĩa nhận xét.

Về lý thuyết, chế tài đối với doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển vi phạm quy định nhẹ thì bị phạt hành chính, nặng – tái phạm thì truy tố hình sự. Lợi nhuận doanh nghiệp kiếm được, nếu xác định rõ là thu lời bất chính, sẽ bị tịch thu.

Nhưng đến thời điểm này, như vị “thủ lĩnh” Đội QLTT số 1 ngao ngáo, và chắc là lâu nữa, sẽ khó để truy cứu được trách nhiệm của doanh nghiệp vận chuyển nào. Bởi theo quy định pháp luật, để “phạt”, để “xử”, cơ quan chức năng phải chứng minh, phải buộc doanh nghiệp thừa nhận yếu tố - ý thức “cố ý” biết rõ là hàng hóa nhập lậu hay giả - nhái thương hiệu nổ tiếng, khi nhận vận chuyển phát hàng từ đối tượng bán đến người mua. Điều này quả thực “không tưởng”!

Vì vậy mà đã ngót nghét tháng trời kể từ vụ đột kích kho hàng lậu, nhái mới đây được ghi nhận trên địa bàn thành phố Hà Nội, tất cả vẫn đang chỉ dừng ở giai đoạn phân loại, xác định tính chất vi phạm của chủ hàng. Và khi cần mua bất kỳ món hàng “ngoại” nào trên mạng xã hội (tất nhiên không chắc xuất xứ, chất lượng thế nào), người dân vẫn rất đơn giản, chỉ cần vài cú clik chuột!

  • Tags: