Đến thời điểm hiện tại, công cuộc chống COVID-19 của Việt Nam đã tiến đến bước ngoặt mới thông qua chiến dịch tiêm phòng vaccine diện rộng. Tuy là thế, ta cũng không nên quá chủ quan để rồi lại bị “thất thủ” thêm lần nữa.
“Vật trung gian” truyền bệnh
Cách ly tập trung trước đây được đánh giá là đạt hiệu quả cao khi “nhanh tay” bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và biến thể. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, phương pháp này lại trở thành môi trường lây nhiễm đặc biệt nhanh đối với những trường hợp đang trong khu cách ly.
Khu cách ly sẽ trở thành môi trường lây nhiễm nhanh nếu tập trung cách ly quá nhiều người - Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường
Nghịch lý là vì sao đã cách ly mà lại còn tập trung? Đấy là việc những ca nghi mắc phải qua quá trình sàng lọc bệnh, tập trung tại một khu cách ly theo quy định trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm. Điều đó gây nên nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao giữa người nhiễm virus chưa được phát hiện kịp thời và người không nhiễm virus, khiến con số thống kê các F0 trong khu cách ly tăng chóng mặt.
Hệ lụy có thể thấy ở tại TP Hồ Chí Minh, khi hầu hết các ca nhiễm tăng vọt đều được phát hiện trong các khu cách ly hoặc khu phong tỏa. Những bất cập trong quản lý tạo nên hình ảnh của “trại tị nạn” mà chúng ta đã từng thấy trong các bộ phim. Vì cách ly là phải đảm bảo an toàn cho người nhiễm và người bên ngoài, tránh tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với người phải cách ly y tế.
Nhưng việc cách ly hiện tại thì không như thế. Những vật dụng thông thường trở thành vật trung gian ẩn chứa mầm bệnh. Tay nắm cửa, ghế ngồi, lan can hay nhà vệ sinh…là những nơi đa phần người trong khu cách ly đều phải tiếp xúc và sử dụng chung. Họa vô đơn chí khi các trường hợp không nhiễm lại trở thành F0 bởi bị phơi nhiễm từ các vật dụng thường ngày.
Biến chủng Delta có thể tồn tại trong không khí đến 3h và hơn 72h đối với các bề mặt khác nhau của vật dụng thông thường (Theo VNVC). Người đang được điều trị hoặc đang phải cách ly sẽ đối mặt với việc nhiễm và tái nhiễm do môi trường xung quanh luôn ẩn chứa virus gây bệnh. Điều đó cũng cho ta thấy các bất cập khác của công tác y tế ở một số khu cách ly, khi cả người quản lý và người cách ly chưa thật sự chú trọng đến vấn đề vệ sinh và khử khuẩn. Theo bảng báo cáo nhanh của một tỉnh ở miền Tây ngày 9/8/2021, có đến 48/53 ca dương tính mới được tìm thấy trong khu cách ly hoặc tái dương tính sau khi hoàn thành cách ly tập trung.
Tiếp xúc gián tiếp với các vật dụng công cộng ẩn chứa virus là nguyên nhân chính khiến khu cách ly trở thành môi trường lây nhiễm nhanh - Ảnh: Internet
Hơn thế nữa, một vật dụng mà bất cứ người dân nào cũng phải tiếp xúc nhưng lại có nguy cơ ẩn chứa virus “kí sinh” rất cao - tiền tệ. Tiền tệ được xem là phương tiện nhằm trao đổi hàng hóa, nay đóng một phần nguyên nhân là vật trao đổi virus.
Virus SARS-CoV-2 và biến chủng trở thành “kí sinh trùng” bám trên tiền và gây ra những ca mắc COVID-19 vô cớ khi người nào đó tiếp xúc với “thủ phạm” gây bệnh bất đắc dĩ này. Vì khi đấy, tải lượng virus trong hệ hô hấp của người bị nhiễm là rất cao, khi họ ho hoặc hắt hơi, các giọt bắn sẽ nhanh chóng bám vào bề mặt tiền, tạo nên vật trung gian truyền bệnh hoàn hảo. Vậy có phải chăng những ca nhiễm virus từ những người đang ngày đêm giao hàng thiết yếu cho các khu phong tỏa, cách ly gần đây (shipper) nguyên nhân cũng đến từ thủ phạm lây truyền qua đường tiếp xúc trung gian này?
Kết quả, số lượng người nhiễm COVID-19 không ngừng tăng khiến hệ thống bệnh viện quá tải, số người đến khu cách ly ngày càng nhiều, các cán bộ ngành y phải tiếp tục gồng mình phòng và điều trị bệnh cho các bệnh nhân có tiên lượng xấu. Các y bác sĩ tuyến đầu nhanh chóng trở nên kiệt sức vì phải làm việc liên tục, đội ngũ y tế nay lại càng trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết.
Những vấn đề mới của công tác phòng chống dịch
Đó là những chi tiết mà người làm công tác quản lý phòng chống dịch hiện nay có thể bỏ qua. Và trên hết, những y bác sĩ tuyến đầu chống dịch cùng cán bộ Ban, ngành càng phải nên thận trọng hơn khi thực hiện chiến dịch tiêm phòng.
Vaccine là chìa khóa mở cửa cho sự thành công của trận chiến đẩy lùi COVID-19 và những biến thể của nó. Tuy nhiên, ta cần phải thật sự cân nhắc lựa chọn vaccine có đủ độ tin cậy (về xuất xứ, thương hiệu, chất lượng thực tế và thời hạn sử dụng của vaccine) để đạt hiệu quả cùng tính an toàn cao khi tiêm phòng cho cộng đồng. Vì chỉ cần một sai sót nhỏ cũng sẽ tạo nên tâm lý lo ngại, trì trệ việc tiêm phòng ở người dân, từ đó rất khó để đạt được mục tiêu tăng diện bao phủ tiêm chủng của Chính phủ.
Cần nghiêm túc trong việc lựa chọn vaccine tiêm chủng trong cộng đồng - Ảnh: Báo Chính phủ
Bằng cách tiêm phòng, vaccine sẽ cho ta kháng thể hạn chế virus xâm nhập. Tuy nhiên, mọi người đều không chú ý rằng, vaccine không xây dựng cho cơ thể một môi trường vô khuẩn đối với COVID-19. Cho nên những người đã tiêm phòng, đặc biệt là lực lượng y bác sĩ, vẫn còn rất chủ quan khi bước ra cộng đồng vì rất có thể bản thân đang mang theo virus gây bệnh.
Hơn thế nữa, khu điều trị COVID-19 tại các khu cách ly, nơi các y bác sĩ thường xuyên lui tới cũng là một môi trường có thể lây nhiễm virus. Các nhân viên y tế tại đây phải thực hiện những hoạt động điều trị như hút đờm, đặt nội khí quản, nội soi…sẽ khiến bệnh nhân bị sặc, ho. Chính điều đó sẽ phát sinh những giọt bắn chứa virus, lơ lửng trong không khí tại khu điều trị. Những yếu tố này mang lại nguy cơ cao khiến các nhân viên y tế và bệnh nhân gần đó nhiễm phải virus.
Việt Nam đang từng bước đạt được nhiều hơn các vùng xanh hy vọng. Nhưng ta cũng cần phải nâng cao ý thức chung, tránh lơ là trong thực hiện phòng chống dịch và khiến chúng ta “thất thủ” thêm lần nữa. “Mỗi chúng ta đều có thể trở thành điểm xanh trong tấm bản đồ rộng lớn đang nhiều màu đỏ, vàng bằng ý thức với bản thân và cả những người không quen biết. Nhiều điểm xanh để có vùng xanh, quận xanh và thành phố xanh, đất nước xanh.” - theo nhà báo Hoàng Anh Tú.