Vai trò của tạp chí khoa học trong nghiên cứu Khoa học và phổ biến tri thức

Tạp chí, theo cách hiểu truyền thống là cơ quan nghiên cứu lý luận, học thuật, khoa học của một cơ quan, tổ chức, đoàn thể, có chức năng nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ khoa học về một lĩnh vực thuộc phạm vi ngành, địa phương. Các tạp chí khoa học được xem là đại diện tiêu biểu cho nền khoa học của mỗi quốc gia. Đó là nơi để phổ biến, giới thiệu và công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

 

 Vai Trò Của Tạp Chí Trong Nghiên Cứu Khoa Học

 Ở Việt Nam, với sự phát triển nhanh của các ngành khoa học, tạp chí khoa học ngày càng phong phú về số lượng, nâng cao về chất lượng, phân bố trên nhiều lĩnh vực. Luật Báo chí coi tạp chí khoa học là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ để công bố kết quả nghiên cứu khoa học, thông tin về hoạt động khoa học chuyên ngành [khoản 16, điều 3 Luật Báo chí 2016]. Thực tế cho thấy tạp chí khoa học là một diễn đàn rất ổn định để công bố, giới thiệu, thảo luận về các kết quả nghiên cứu có tính phát hiện, đăng tải các nội dung học thuật thuộc một lĩnh vực khoa học chuyên ngành hoặc liên ngành. Đây là một trong những kênh truyền thông khoa học quan trọng nhất trong hoạt động khoa học và công nghệ, nơi thể hiện sản phẩm cuối cùng của các công trình nghiên cứu và cũng là bệ đỡ để các công trình khoa học được công bố.

 

 

Căn cứ vào đặc trưng phản ánh thông tin, người ta thường chia tạp chí thành hai loại là tạp chí thông tin ngôn luận và tạp chí chuyên ngành. Theo đó,  tạp chí thông tin ngôn luận có nội dung phản ánh trên diện rộng những vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với đối tượng bạn đọc là số đông thành viên trong xã hội có nhu cầu tiếp cận và tìm hiểu thông tin. Còn tạp chí chuyên ngành có chức năng nghiên cứu chuyên sâu về lý luận, nghiệp vụ thuộc phạm vi hoạt động và chức năng nghiệp vụ của ngành. Tạp chí càng chuyên sâu thì đối tượng bạn đọc càng hẹp. Ở một góc nhìn khác, trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhiều ý kiến phân chia tạp chí thành tạp chí nghiên cứu mang tính hàn lâm, tạp chí phổ biến kiến thức và tạp chí khoa học ứng dụng. Bên canh đó, tuỳ theo từng lĩnh vực, ý kiến khác lại chia tạp chí thành tạp chí khối các ngành khoa học kỹ thuật và tạp chí khối các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Dĩ nhiên những cách phân chia như trên chỉ là tương đối.

Ở Việt Nam các tạp chí hầu hết được xuất bản bởi cơ quan chủ quản tạp chí hoặc các tổ chức nghiên cứu khoa học. Với chất lượng tạp chí ngày càng được nâng cao, hiện nay có nhiều tạp chí khoa học được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đưa vào danh sách xem xét, tính điểm cho các bài báo được công bố (Quyết định số 22/QĐ-HĐGSNN ngày 05/7/2023  của Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước  phê duyệt danh mục các tạp chí khoa học được tính điểm năm 2023). Riêng các tạp chí khoa học xã hội và nhân văn, trước hết là tạp chí trong lĩnh vực lý luận chính trị đã có nhiều bài viết phân tích sâu sắc luận cứ khoa học và thực tiễn trong quá trình hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các ý kiến trao đổi, thảo luận mang tính phản biện, góp ý, các kiến nghị có giá trị hiến kế cho hoạch định chính sách quốc gia là một kênh thông tin quan trọng để làm sáng tỏ các vấn đề lý luận chưa được rõ và những vấn đề thực tiễn đòi hỏi lý luận phải giải quyết. Trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin, tạp chí đóng vai trò phân tích, tổng kết thực tiễn, định hướng tư tưởng cho độc giả, là cầu nối giữa khoa học với thực tiễn. Nhiều tạp chí đã đổi mới để theo kịp xu thế báo chí của khu vực và thế giới thông qua tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, tạo ra các sản phẩm báo chí chất lượng, đạt hiệu quả cao về thông tin lý luận, được đông đảo dư luận trong và ngoài nước quan tâm.

Tạp Chí Khoa Học Trước Những Yêu Cầu Mới

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Sứ mệnh  của tạp chí khoa học là phải tham gia thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Trước yêu cầu mới, cần tính đến việc xây dựng một kế hoạch dài hạn phát triển của các tạp chí khoa học, xác định các tiêu chí của tạp chí nghiên cứu và tạp chí thông tin ngôn luận, tạp chí khoa học ứng dụng để định hướng phát triển cho mỗi loại hình tạp chí. Trong đó, cần quan tâm nhiều đến loại hình tạp chí thông tin ngôn luận do đối tượng bạn đọc đông đảo, phạm vi phản ánh rộng hơn các tạp chí chuyên ngành. Cùng với việc  tăng cường chất lượng chính trị, chất lượng chuyên môn và chất lượng văn hoá, cần thúc đẩy vai trò phổ biến kiến thức của tạp chí trong thời đại phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ.

Các tạp chí cần tập trung phát huy thế mạnh của mình, đầu tư theo chiều sâu để tạo ra những bài viết mang tính chuyên môn cao, những luận điểm khoa học có tính định hướng về thông tin và có giá trị khoa học cao. Cần gia tăng lượng thông tin về xây dựng và thực hiện chính sách, đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn về thể chế và gợi mở các giải pháp tháo gỡ ở tầm chính sách.

Một trong những nhiệm vụ rất khẩn trương là thực hiện chuyển đổi số trong các tạp chí để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu bạn đọc. Chuyển đổi số trong các tạp chí khoa học cần hướng đến việc tăng cường xuất bản tạp chí trực tuyến. Bên cạnh  đó, cần khắc phục và chấn chỉnh kịp thời hiện tượng một số tạp chí điện tử có biểu hiện “báo hóa”, có xu hướng xa rời nội dung của tạp chí khoa học, xa rời những đặc trưng truyền thống của tạp chí, xa rời tôn chỉ và mục đích. “Báo hoá” tạp chí có các biểu hiện như không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép, phản ánh vấn đề, nội dung không thuộc lĩnh vực tôn chỉ, mục đích; tỷ lệ thông tin phản ánh sự kiện, vụ việc sự vụ nhiều hơn, chênh lệch so với thông tin khoa học, lý luận, thông tin chuyên ngành… Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số1418/QĐ-BTTT ngày 22/7/2022 ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí nhằm chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của báo chí nói chung, trong đó có tạp chí khoa học. Các chế tài cần đủ mạnh để xử lý nghiêm các hiện tượng tạp chí xa rời mục đích, lệch chuẩn. Thực tiễn đặt ra nhu cầu xây dựng các điều kiện cần và đủ để cho phép xuất bản các loại hình tạp chí khoa học đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, của quá trình hội nhập quốc tế.

Để có được các tạp chí khoa học chất lượng, cần tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà báo đủ cả tâm, đức, tài để phục vụ cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Những người làm báo phải không ngừng tự học, tự nghiên cứu, chủ động hội nhập, đổi mới sáng tạo, hành nghề chuyên nghiệp, cung cấp thông tin chất lượng, tin cậy, thuyết phục để luôn giữ được niềm tin và sự tôn trọng của công chúng. Đặc biệt, quan tâm xây dựng đội ngũ nhà báo viết về lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, hiểu biết rộng và sâu về khoa học và công nghệ. Các Toà soạn tạp chí vì vậy cần tăng cương công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí.

Trong số các tạp chí hiện nay, Tạp chí Việt Nam Hội nhập của Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý là tạp chí khoa học ứng dụng  trong lĩnh vực chính sách, pháp luật và quản lý gắn với hội nhập và phát triển của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ra đời được gần 7 năm, Tạp chí đã tập trung xuất bản các số chuyên đề khoa học có chất lượng tốt, các nghiên cứu về chính sách, pháp luật và quản lý và kết quả thực thi trong thực tiễn trong quá trình hội nhập và phát triển. Các bài viết của nhiều nhà khoa học trình độ cao đã đi sâu phân tích lý luận và thực tiễn của việc hoạch định chính sách, pháp luật, những bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời đưa ra lập luận sắc bén, khoa học phản bác những luận điểm sai trái của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng với những bài viết mang tính học thuật, Tạp chí Việt Nam Hội nhập còn luôn hướng tới nhiệm vụ phổ biến kiến thức pháp luật, chính sách tới người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội bằng các hình thức dễ hiểu và hiệu quả nhất. Tạp chí điện tử đã mở Chuyên mục Phổ biến kiến thức pháp luật và chuyên trang điện tử “Pháp luật quản lý” được đông đảo bạn đọc quan tâm, góp phần vào xây dựng ý thức và lối sống theo pháp luật của các thành viên trong xã hội trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Kết quả hoạt động của Tạp chí được xã hội ghi nhận, là minh chứng cho vai trò và sự cần thiết của các tạp chí làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phổ biến kiến thức trong thời đại số.

 Một nhà triết học phương Tây thời kỳ Phục hưng đã từng nói, một đất nước không thể đứng trên đỉnh cao của nhân loại nếu thiếu tư duy lý luận. Tạp chí khoa học thông qua các sản phẩm được đăng tải, chính là một trong các hình thức phản ánh mức độ cao và chiều  sâu của tư duy lý luận, và điều đó giải thích vì sao Tạp chí khoa học lại có sứ mệnh quan trọng như vậy.

                        

                            N.T.V       

 

Tạp chí khoa học ứng dụng:

Một loại hình truyền thông không thể thiếu

trong hoạt động báo chí thời khoa học công nghệ

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Như vậy, nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Cũng tại Đại hội, Người nhấn mạnh công tác thông tin, truyền thông khoa học: “Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các cô, các chú”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định, cùng với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Ngày nay, cùng với cách mạng khoa học và công nghệ, cách mạng thông tin, truyền thông, cách mạng công nghiệp 4.0, tạp chí khoa học và tạp chí thuộc cơ quan khoa học là một loại hình truyền thông không thể thiếu trong hoạt động báo chí.

Quá trình hình thành, phát triển các tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật (Liên hiệp Hội Việt Nam)

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) thành lập năm 1983, là hệ thống tập hợp các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và ấn phẩm thông tin lớn hiện nay, có chức năng, nhiệm vụ đoàn kết và tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, điều phối hoạt động của các hội thành viên, là đầu mối giữa các cơ quan, tổ chức, đại diện quyền lợi hợp pháp của các hội thành viên, giải quyết những vấn đề chung trong phát triển KHCN Việt Nam.

Từ Nghị định 81/2002/NĐ-CP (Nay là Nghị định 08/2014/NĐ-CP) về việc Quy định chi tiết một số điều của Luật Khoa học và công nghệ, được Chính phủ ban hành ngày 17/10/2002, Liên hiệp Hội Việt Nam được phép thành lập các trung tâm, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập. Cho đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đã thành lập và quản lý hàng trăm tổ chức KHCN ngoài công lập theo mô hình này. Điểm quan trọng nhất của các tổ chức KHCN thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam là phát triển hướng KHCN liên ngành, nghiên cứu, phát triển (RD), ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tăng cường các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước. Nhiều tạp chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan báo chí khoa học ứng dụng.

Tạp chí KHCN ứng dụng một trong những thế mạnh đặc biệt của Liên hiệp Hội Việt Nam. Nhiệm vụ của các tạp chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã được khẳng định từ các Đại hội VI, Đại hội VII và Đại hội VIII Liên hiệp Hội Việt Nam, đó là: thực hiện truyền tải, phổ biến thông tin về khoa học và công nghệ, không ngừng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, truyền thông phổ biến kiến thức KH&CN, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các hoạt động tôn vinh trí thức KH&CN Việt Nam...

Nhiều Viện Nghiên cứu khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam được thành lập khá sớm và có định hướng xây dựng và phát triển các tạp chí khoa học ứng dụng. Đến nay, toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có gần 20 Viện nghiên cứu có tạp chí, trực tiếp do Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương thành lập và quản lý Viện chủ quản. Trong đó có nhiều tạp chí đã trở thành những cơ quan báo chí khoa học có thương hiệu trong lòng bạn đọc và các nhà khoa học trong cả nước đánh giá cao. 

                              PGS.TS Nguyễn Tất Viễn

Nguyên Ủy viên Thường trực Ban Cải cách Tư pháp Trung ương        

 

...
  • Tags: