Vẫn diễn ra việc người có chức vụ 'bảo kê' cho các hành vi vi phạm

Trước Quốc hội mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tình hình tham nhũng có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện.

Trước Quốc hội mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tình hình tham nhũng có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện.

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng cho thấy, năm 2020, có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 69 người đã bị xử lý kỷ luật (tăng 39 người so với năm 2019) và 12 người bị xử lý hình sự.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: thanhtra.gov.vn

Các cơ quan chức năng đã chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đạt tỷ lệ cao, nhiều vụ thu hồi 100% số tiền thiệt hại.

Với vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung đã thi hành xong hơn 3.600 việc, đạt tỷ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành. Số tiền thu được hơn 15.017 tỷ đồng đạt tỷ lệ 43,42% số có khả năng thi hành.

Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 4.646 cơ quan, tổ chức, đơn vị tăng 58,9% so với năm 2019.

Qua đó, phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 192 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp tăng 40,6% so với năm 2019. Có 8 trường hợp bị đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao do có xung đột lợi ích.

Thẩm tra báo cáo trên, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, công tác phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định. Như việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát xung đột lợi ích trên một số lĩnh vực còn chưa thực sự chuyển biến.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra khá phổ biến.Thậm chí, có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng như vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

“Việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, kể cả đối với vị trí chủ chốt ở một số bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp còn chưa thật sự phù hợp, dẫn đến còn có trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự.

Qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy vừa qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”; bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, thiếu minh bạch gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận” - bà Nga nêu vấn đề.

Theo đánh giá của Uỷ ban Tư pháp, số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng. Cùng với đó, việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Đáng chú ý, hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu; số vụ việc, vụ án tham nhũng do cơ quan điều tra chuyên trách phát hiện, khởi tố, điều tra còn ít. Còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng.

Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

  • Tags: