Xây dựng Quốc hội điện tử là yêu cầu tất yếu của Quốc hội ở các nước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Việc xây dựng và vận hành Quốc hội điện tử trên phạm vi toàn cầu đã cho thấy có những bài học rất thành công, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào các quyết định của Quốc hội. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp việc xây dựng Quốc hội điện tử gặp nhiều khó khăn, thách thức từ việc thiếu tầm nhìn chiến lược đến sự hạn chế nguồn lực và cách thức triển khai.
Trong phạm vi bài viết này, các tác giả phân tích kinh nghiệm xây dựng Quốc hội điện tử ở một số nước trên thế giới và đề xuất một số gợi mở cho việc xây dựng Quốc hội điện tử ở Việt Nam.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
1.Quan niệm về Quốc hội điện tử
Cho đến nay, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về Quốc hội điện tử, trong đó có hai cách thức tiếp cận cơ bản là (1) tập trung vào khía cạnh kỹ thuật và (2) tập trung vào những lợi ích mà Quốc hội điện tử đưa lại.
Theo cách thức tiếp cận thứ nhất, Nghị viện châu Âu đưa ra khái niệm: Quốc hội điện tử là Quốc hội có quy trình làm việc được số hóa để hỗ trợ các nghị sĩ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cho ra đời các văn bản của nghị viện được xác thực và thể hiện dưới hình thức ngôn ngữ XML[1] phục vụ cho hệ thống công bố thông tin mở[2]. Cách tiếp cận này được đánh giá thiên nhiều về kỹ thuật và chưa có tính bao quát các chức năng của nghị viện.
Ở cách tiếp cận thứ hai, một trong những khái niệm được sử dụng phổ biến là khái niệm được sử dụng trong báo cáo Quốc hội điện tử toàn cầu (World E-Parliament) năm 2008. Theo đó, Quốc hội điện tử được định nghĩa là “cơ quan lập pháp áp dụng công nghệ thông tin để hoạt động công khai, minh bạch và có trách nhiệm hơn. Quốc hội điện tử cũng giúp tăng khả năng mọi người dân tham gia nhiều hơn vào đời sống cộng đồng thông qua việc được cung cấp thông tin có chất lượng hơn và tiếp cận nhiều hơn với các tài liệu và hoạt động của cơ quan lập pháp. Quốc hội điện tử là nơi các chủ thể tham gia hoạt động của Quốc hội sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện các chức năng chính là lập pháp, đại diện và giám sát hiệu quả hơn. Thông qua việc áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn hiện đại và việc thông qua các chính sách hỗ trợ, nghị viện điện tử thúc đẩy sự phát triển của một xã hội thông tin bình đẳng và bao trùm”[3]. Đây là kết quả của một nghiên cứu mang tính toàn cầu của Liên hợp quốc (UN) và Liên minh nghị viện thế giới (IPU), phản ánh khá toàn diện các khía cạnh khác nhau của Quốc hội điện tử, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ tốt hơn việc thực hiện các chức năng của Quốc hội và những lợi ích mà nó đưa lại cho người dân.
Sau hơn 10 năm, về cơ bản khái niệm này vẫn có ý nghĩa trong việc phản ánh bản chất của Quốc hội điện tử. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy bản thân định nghĩa này không còn theo kịp được với những bước phát triển trong hoạt động của Quốc hội cũng như sự phát triển của công nghệ thông tin. Chẳng hạn, khái niệm này chỉ tập trung vào những chức năng cơ bản của Quốc hội, mới đề cập đến công nghệ thông tin đơn thuần, chưa bao gồm những công nghệ mới. Trên cơ sở đó, IPU và UN vào năm 2017 đã đưa ra khái niệm mới của Quốc hội điện tử. Theo đó, Quốc hội điện tử được định nghĩa là Quốc hội áp dụng công nghệ, kiến thức và các tiêu chuẩn trong quy trình, thủ tục làm việc mang lại các giá trị của sự hợp tác, hòa nhập, tham gia và cởi mở tới người dân[4].
2. Nội dung xây dựng Quốc hội điện tử
Nội dung của Quốc hội điện tử là những thành phần có liên quan đến nhau và tạo nên một tổng thể sẵn sàng phục vụ cho các đối tượng tham gia vào các hoạt động của Quốc hội sử dụng để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo đó, các yếu tố cấu thành của Quốc hội điện tử bao gồm: Hạ tầng công nghệ thông tin; các cơ sở dữ liệu; các ứng dụng phục vụ hoạt động của Quốc hội; các ứng dụng tương tác với công chúng.
2.1. Hạ tầng công nghệ thông tin Hạ tầng công nghệ thông tin là nền tảng thiết yếu nhất để phục vụ cho việc vận hành các hệ thống công nghệ thông tin nói chung và của Quốc hội nói riêng. Tuy nhiên, do các yếu tố thuộc về hạ tầng công nghệ thông tin thường có tính kỹ thuật cao, lại không được thể hiện một cách rõ nét ra bên ngoài (thường được ví như nền móng) nên rất ít khi nhận được sự chú ý thích đáng của các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng Quốc hội điện tử.
Trong khi đó, chi phí để đầu tư, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin lại chiếm một phần ngân sách rất lớn. Bên cạnh các chi phí đầu tư ban đầu, Quốc hội các nước còn phải dành một nguồn kinh phí hàng năm để duy trì và nâng cấp hệ thống. Theo nghiên cứu vào năm 2008 của IPU, tỷ lệ đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin trung bình của Quốc hội các nước là vào khoảng 2,8% tổng ngân sách dành cho hoạt động của Quốc hội[5]. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng lên một cách mạnh mẽ trong những năm gần đây. Điều tra của IPU vào năm 2018 đã cho thấy, số lượng Quốc hội các nước dành hơn 10% tổng ngân sách chi cho hoạt động của Quốc hội để đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin đã tăng lên một cách nhanh chóng[6].
Các nghiên cứu của IPU cũng cho thấy, những thành phần cơ bản của hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động của Quốc hội gồm: máy tính cá nhân; hệ thống máy chủ; hạ tầng mạng nội bộ; đường kết nối internet; hệ điều hành và các phần mềm cần thiết cho máy chủ, máy tính cá nhân; trung tâm dữ liệu; hệ thống truyền thông (như hệ thống âm thanh, hình ảnh v.v..); hệ thống biểu quyết điện tử; hạ tầng bảo đảm an ninh thông tin…[7].
Theo thống kê của IPU, đa số các Quốc hội trên thế giới đều đã đầu tư, xây dựng các hạ tầng công nghệ thiết yếu nêu trên (khoảng gần 90% tổng số nghị viện). Tuy nhiên, mức độ hiện đại của hạ tầng của từng Quốc hội phụ thuộc vào từng nghị viện trong đó có những nước đã đầu tư xây dựng những hệ thống rất hiện đại. Chẳng hạn, Quốc hội Hàn Quốc đã phát triển mô hình phòng họp thông minh cho phép các nghị sĩ Quốc hội tiếp cận tất cả những thông tin cần thiết phục vụ cho nội dung phiên họp thông qua hệ thống màn hình máy tính cá nhân ngay tại chỗ ngồi của các nghị sĩ. Hệ thống máy tính này cũng hỗ trợ việc biểu quyết điện tử. Bảng điện tử lớn trong phòng họp hiển thị kết quả biểu quyết cũng như âm thanh, hình ảnh mà đại biểu Quốc hội muốn trình diễn, minh họa cho phát biểu của mình. Hệ thống phòng họp thông minh còn được tích hợp hệ thống nhận diện giọng nói, lưu trữ âm thanh, hình ảnh của phiên họp để bảo đảm tiết kiệm thời gian tổ chức phiên họp[8]. Tiếp sau Hàn Quốc, mô hình này cũng đã được một một số Quốc hội các nước khác nghiên cứu, phát triển. Chẳng hạn, như Phòng họp thông minh của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các đại biểu có thể sử dụng hệ thống điểm danh bằng nhận dạng vân tay tại chỗ ngồi, sử dụng hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện việc đăng ký phát biểu, biểu quyết, tiếp nhận văn bản, tài liệu[9].
2.2. Cơ sở dữ liệu và chia sẻ tri thức Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, dữ liệu được xem là nguồn tài nguyên quan trọng nhất. Đối với việc xây dựng Quốc hội điện tử, dữ liệu cũng giữ một vai trò quan trọng. Các dữ liệu được sử dụng trong hoạt động của Quốc hội gồm 2 phần: các dữ liệu được tạo ra trong quá trình hoạt động của Quốc hội và các dữ liệu thông tin, kiến thức phục vụ cho hoạt động của Quốc hội. Về các dữ liệu được tạo ra trong quá trình làm việc của Quốc hội, kinh nghiệm xây dựng Quốc hội điện tử ở các nước cho thấy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động của Quốc hội tuy có thể không đưa lại những giá trị về thương mại như các cơ sở dữ liệu khác nhưng lại giúp thúc đẩy hoạt động của Quốc hội cũng như tăng cường việc công khai, minh bạch hoạt động của Quốc hội. Thống kê của IPU vào năm 2012 cho thấy, đa số Quốc hội của các nước phát triển đã xây dựng các hệ thống quản trị văn bản điện tử (DMSs) để quản trị tất cả các văn bản từ các dự thảo luật, biên bản họp ủy ban, kết quả biểu quyết v.v.. Một số nghị viện xây dựng riêng cho mình các Hệ thống quản trị văn bản điện tử riêng. Tuy nhiên, một trong những công cụ được nghị viện nhiều nước sử dụng để phục vụ cho công việc của mình là Bungeni. Đây là một sáng kiến hợp tác phát triển phần mềm dựa trên các tiêu chuẩn mở và các ứng dụng nguồn mở cung cấp giải pháp hàng đầu để soạn thảo, quản lý, hợp nhất và xuất bản các văn bản lập pháp và phục vụ hoạt động của Quốc hội[10].
Bên cạnh việc xây dựng các công cụ quản lý, chương trình Quốc hội điện tử ở các nước cũng xác định rõ các chiến lược dữ liệu để xây dựng các cơ sở dữ liệu tập trung. Theo đó, các dữ liệu được quan tâm lưu trữ là: (1) các dữ liệu về hoạt động của Quốc hội; (2) các thông tin về ngân sách (3) các dữ liệu về các đảng phái và các nghị sĩ Quốc hội. Trong các dữ liệu nêu trên, điều đáng chú ý là theo thống kê của các nhà nghiên cứu, các thông tin về các nghị sĩ Quốc hội được công chúng quan tâm và sử dụng nhiều nhất. Chẳng hạn như ở CHLB Đức, số lượt truy cập để lấy thông tin và tương tác với các nghị sĩ Quốc hội chiếm hơn một nửa số lượt tìm kiếm thông tin về nghị viện. Các thông tin được người dân quan tâm là về các lời hứa của nghị sĩ, các lần biểu quyết của nghị sĩ tại Quốc hội, tương tác, đặt câu hỏi với nghị sĩ, tìm hiểu về các nguồn thu nhập của nghị sĩ[11].
Về dữ liệu phục vụ cho việc chia sẻ tri thức, ra quyết định của Quốc hội, thông thường việc tổ chức các dữ liệu này được giao cho Thư viện Quốc hội hoặc Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội tổ chức thực hiện. Các cơ quan này giữ một vai trò rất quan trọng trong hoạt động của Quốc hội, cung cấp các thông tin, tài liệu, kiến thức tham khảo về chính trị, kinh tế, xã hội để phục vụ cho hoạt động của Quốc hội. Hiện nay, có khoảng 97% nghị viện các nước trên thế giới có Thư viện Quốc hội hoặc cơ quan có tên gọi khác nhưng có chức năng tương tự trong cơ cấu tổ chức của cơ quan giúp việc[12]. Các số liệu thống kê đáng chú ý trong báo cáo của IPU năm 2018 có khoảng 64% các Thư viện Quốc hội đã điện tử hóa quy trình tiếp nhận các yêu cầu cung cấp thông tin của đại biểu Quốc hội; 48% các Thư viện Quốc hội áp dụng các thông báo tự động đến các thiết bị điện tử của đại biểu Quốc hội, 66% mua các cơ sở dữ liệu các bài báo, các cơ sở dữ liệu nghiên cứu để phục vụ cho hoạt động của đại biểu Quốc hội[13].
2.3. Các ứng dụng phục vụ hoạt động của Quốc hội Để vận hành hoạt động của Quốc hội, có rất nhiều các dạng ứng dụng công nghệ thông tin khác nhau trong đó có những ứng dụng mang tính phổ thông, áp dụng cho cho hầu hết các cơ quan, tổ chức (như các ứng dụng phục vụ công tác văn phòng) và những ứng dụng mang tính đặc thù chỉ dành riêng cho hoạt động của Quốc hội. Trong đó, điều quan trọng trong việc xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin là bảo đảm tính đồng bộ. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, để phục vụ cho hoạt động của Quốc hội, có 06 ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh được xây dựng để các đại biểu Quốc hội thuận tiện trong việc tiến hành công việc như:
- Ứng dụng thông tin về các dự thảo luật: Ứng dụng này giúp các nghị sĩ tra cứu thông tin về các dự án luật được trình ra Quốc hội, các tài liệu liên quan, tình trạng của dự án luật trong quy trình lập pháp. Đặc biệt, ứng dụng này hỗ trợ rất lớn cho công việc soạn thảo các dự án luật khi cho phép các đại biểu Quốc hội có thể so sánh được quy định hiện tại với các sửa đổi, bổ sung trong toàn bộ quá trình soạn thảo, hỗ trợ việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật[14].
- Ứng dụng lấy ý kiến về các dự án luật: Ứng dụng này cho phép các đại biểu Quốc hội có thể theo dõi các ý kiến của người dân góp ý kiến vào các dự án luật được trình ra Quốc hội. - Ứng dụng theo dõi trực tuyến các phiên họp: Ứng dụng này cho phép các nghị sĩ có thể theo dõi diễn biến các phiên họp của ủy ban, các phiên họp toàn thể của Quốc hội thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh trong những trường hợp nghị sĩ không thể trực tiếp tham gia các phiên họp.
- Ứng dụng Thư viện Quốc hội: Ứng dụng này cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho các đại biểu Quốc hội, cho phép các đại biểu Quốc hội tiếp cận các cơ sở dữ liệu điện tử của Thư viện.
- Ứng dụng của Văn phòng Ngân sách Nghị viện: Ứng dụng này cung cấp cơ sở dữ liệu các báo cáo đánh giá, phân tích về ngân sách của Văn phòng Ngân sách Nghị viện.
- Ứng dụng của Cơ quan nghiên cứu nghị viện: Ứng dụng này cung cấp các báo cáo nghiên cứu và phân tích về các vấn đề chính sách của Cơ quan nghiên cứu nghị viện và cho phép các nghị sĩ gửi yêu cầu đến Cơ quan nghiên cứu nghị viện đề nghị cung cấp thông tin.
Ngoài các ứng dụng dành cho các đại biểu Quốc hội, Quốc hội Hàn Quốc cũng cung cấp 03 ứng dụng dành cho người dân để tìm hiểu thông tin về các đại biểu Quốc hội như:
- Ứng dụng thông tin về các đại biểu Quốc hội: Ứng dụng này cho phép người dân tìm hiểu thông tin về đại biểu Quốc hội như đơn vị bầu cử, đảng phái, số nhiệm kỳ Quốc hội, ủy ban.
- Ứng dụng Truyền hình Quốc hội[15]: Ứng dụng này cho phép người dân xem trực tiếp hoặc xem lại các phiên họp của Ủy ban hoặc các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Ngoài ra, trên ứng dụng này còn có chương trình Ngày lập pháp cung cấp các video ghi hình đại biểu Quốc hội giải thích về các nội dung chính sách của các dự án luật do mình trình ra Quốc hội.
- Ứng dụng tham quan Nhà Quốc hội: Ứng dụng này cho phép người dân đặt lịch tham quan Nhà Quốc hội; tham quan Nhà Quốc hội bằng hình thức thực tế ảo[16].
Ở nhiều Quốc hội khác cũng có những ứng dụng tương tự. Chẳng hạn như Quốc hội Anh có ứng dụng cung cấp thông tin cho các nghị sĩ Quốc hội về địa phương nơi mình ứng cử. Ứng dụng này có tên gọi là Khu vực cử tri của tôi (My Consituency App) do Thư viện Hạ nghị viện Anh xây dựng, cung cấp các số liệu thống kê, thông tin cập nhật về kinh tế - xã hội của 650 khu vực bầu cử của Hạ nghị viện Anh để giúp các Hạ nghị sĩ nắm bắt được các thông tin về đời sống của các cử tri của mình. Bên cạnh đó là các ứng dụng: Văn kiện Quốc hội (House Papers) bao gồm tất cả các thông tin phục vụ cho các phiên họp của nghị viện; Hỏi đáp về Nghị viện (Parliquiz) mang tính giáo dục, đưa ra các câu hỏi để trắc nghiệm về sự hiểu biết của công chúng về Quốc hội[17]. Trong khi đó, Thượng viện Italia xây dựng ứng dụng có tên gọi là Tabulas cung cấp cho các nghị sĩ tất cả các thông tin về chương trình làm việc, các đạo luật, thông tin, truyền hình v.v..[18].
2.4. Cung cấp thông tin và tương tác với công chúng Trong bất kỳ mô hình thể chế nào, Quốc hội luôn được coi là nền tảng của nền dân chủ, là đại diện cho tiếng nói của người dân. Chính vì vậy, ở các nước, chương trình phát triển Quốc hội điện tử luôn coi trọng việc cung cấp thông tin và tương tác với người dân. Sự tương tác này diễn ra theo hai chiều: người dân được tiếp cận với những thông tin liên quan đến hoạt động và các quyết định của Quốc hội và được nêu ý kiến, tham gia vào các quyết định của Quốc hội. Các cấu thành của Quốc hội điện tử cũng được xây dựng theo hai hướng này.
Đối với việc phục vụ cho người dân tiếp cận thông tin về hoạt động của Quốc hội, cấu thành cơ bản nhất là Trang thông tin điện tử của Quốc hội. Đây là nội dung rất quan trọng, được xem là cơ sở để đánh giá mức độ phát triển của Quốc hội điện tử ở các nước[19]. IPU cũng đã nghiên cứu và biên soạn riêng những hướng dẫn chi tiết về việc xây dựng Trang thông tin điện tử Quốc hội. Tài liệu này được cập nhật một cách thường xuyên để phù hợp với sự phát triển của công nghệ[20]. Cho đến năm 2018, theo khảo sát của IPU thì đã có 100% các nghị viện tham gia khảo sát đã có Trang thông tin điện tử của Quốc hội. Nội dung của các Trang thông tin thường là về lịch sử, vị trí, vai trò, cơ cấu tổ chức của Quốc hội, lịch làm việc, các tài liệu liên quan đến các dự thảo luật, các quyết định được thảo luận tại Quốc hội[21].
Về việc quản lý các Trang thông tin điện tử của Quốc hội, xu hướng ở Quốc hội các nước được IPU ghi nhận là có sự chuyển dịch rất rõ ràng theo hướng giao cho các vụ, đơn vị trực tiếp cập nhật thông tin do mình tạo ra trong quá trình hoạt động (chiếm khoảng 42% tổng số Quốc hội tham gia khảo sát); có khoảng 31% Quốc hội giao công việc này cho vụ phụ trách truyền thông, báo chí hoặc quan hệ công chúng làm đầu mối chung; 17% giao cho đơn vị công nghệ thông tin vừa phụ trách nội dung vừa phụ trách về công nghệ thông tin; chỉ có 11% các nghị viện còn lại giao nhiệm vụ này cho các vụ, đơn vị khác[22].
Về việc tương tác với công chúng, Quốc hội các nước sử dụng nhiều công cụ khác nhau, phổ biến nhất là qua mạng xã hội. Ưu thế của mạng xã hội là vừa có thể cung cấp thông tin một cách nhanh chóng cho người dân, lại vừa nhận được những tương tác của người dân. Hơn nữa, đây là công cụ ít tốn kém, dựa trên những nền tảng mạng xã hội đã có. Chính vì vậy, báo cáo năm 2018 của IPU cho thấy, có trên 70% Quốc hội đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tương tác với công chúng[23]. Việc sử dụng mạng xã hội để tương tác với công chúng rất tiện lợi. Tuy nhiên, hạn chế của nó là không có những công cụ chuyên biệt để tăng cường sự tham gia của công chúng vào những nội dung hoạt động có tính chất riêng biệt của Quốc hội. Chính vì vậy, Quốc hội một số nước đã phát triển những ứng dụng riêng dành cho mục đích tương tác với người dân, khuyến khích người dân tham gia vào các quyết định của Quốc hội. Ví dụ điển hình nhất là ứng dụng Par.El.On của Quốc hội Italia. Đây là ứng dụng cho phép người dân tham gia trực tiếp soạn thảo, đề xuất các dự án luật theo đúng chuẩn mực của các dự thảo và sự hỗ trợ về ngôn ngữ pháp lý để từ đó gửi đến các đại biểu Quốc hội, đề xuất trình ra Quốc hội xem xét, thảo luận[24].
“Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững” do Ủy ban kinh tế Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đồng tổ chức (05/12/2021) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 57 điểm cầu trong nước và quốc tế.
3. Xây dựng và vận hành Quốc hội điện tử
Xây dựng và vận hành Quốc hội điện tử là mong muốn của hầu hết Quốc hội các nước trên thế giới. Tuy nhiên, kết quả xây dựng Quốc hội điện tử ở một số nước không đạt được kết quả mong muốn, thậm chí còn lúng túng trong việc xác định các định hướng và cách làm. Thực tế cho thấy, việc xây dựng Quốc hội thường gặp phải những khó khăn và thách thức nhất định như đòi hỏi phải có nguồn lực to lớn; phải có đội ngũ chuyên gia có trình độ cao để triển khai và vận hành các dự án công nghệ thông tin một cách phù hợp; phải bồi dưỡng, đào tạo các đại biểu Quốc hội trong việc sử dụng các ứng dụng Quốc hội điện tử; phải khắc phục khoảng cách giữa các nhóm quần chúng khác nhau về việc tiếp cận công nghệ thông tin (khoảng cách số)[25]. Để vượt qua những thách thức, khó khăn này, kinh nghiệm của Quốc hội các nước thường tập trung vào các định hướng cơ bản sau đây:
3.1. Xây dựng các chiến lược về Quốc hội điện tử Việc xây dựng chiến lược phát triển Quốc hội điện tử có ý nghĩa rất quan trọng, có ảnh hưởng to lớn đến mức độ thành công của các chương trình Quốc hội điện tử ở các nước, thể hiện ở những nội dung cơ bản như sau:
- Chiến lược phát triển Quốc hội điện tử sẽ tạo ra nhận thức chung, tầm nhìn chung của cả Quốc hội và các phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Một bản kế hoạch mang tính chiến lược là phương tiện để xác định các mục tiêu chung cho tất cả các bên tham gia vào việc xây dựng Quốc hội điện tử.
- Việc xây dựng Chiến lược phát triển Quốc hội điện tử sẽ giúp cho việc phân bổ nguồn lực hiệu quả trong quá trình thực hiện với các thứ tự ưu tiên được xác định rõ ràng.
- Chiến lược phát triển Quốc hội điện tử cũng giúp thiết lập quy trình tổ chức rõ ràng hơn, nhất là trong việc quản lý và giám sát tiến trình thực hiện bao gồm cả những quy trình đánh giá kết quả của dự án, tiến độ xây dựng, điều chỉnh các cách thức xây dựng phù hợp để bảo đảm đạt được các mục tiêu của chiến lược[26].
Mặc dù chiến lược xây dựng Quốc hội điện tử có ý nghĩa quan trọng, nhưng số lượng các quốc gia ban hành các chiến lược chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng số các Quốc hội được khảo sát vào năm 2018[27]. Thực tế cho thấy, những nước có Chiến lược xây dựng Quốc hội điện tử được xây dựng bài bản và được cập nhật thường xuyên thì kết quả của việc xây dựng Quốc hội điện tử luôn đạt được nhiều kết quả khả quan. Chẳng hạn như ở Australia, trong giai đoạn 2013 đến 2018, Quốc hội nước này đã ban hành Chiến lược công nghệ thông tin (ICT Strategic Plan) bao gồm 4 nội dung chính là: (1) hỗ trợ đại biểu Quốc hội hoạt động hiệu quả hơn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; (2) hỗ trợ các hoạt động của Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội; (3) giúp người dân tham gia vào các hoạt động của Quốc hội dễ dàng hơn; (4) phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ[28]. Sau khi đạt được những thành tựu nhất định, vào năm 2018, Chiến lược xây dựng Quốc hội điện tử ở Australia được cập nhật, trở thành Chiến lược nghị viện số 2019 – 2022 (Australian Parliament Digital Strategy). Điểm mới nổi bật của Chiến lược này là bổ sung các công nghệ số vào việc phát triển Quốc hội điện tử với các chủ đề nổi bật là: (1) quản trị thông tin như một loại tài sản chiến lược; (2) phổ biến và công bố các nội dung số sáng tạo; (3) làm việc mọi lúc, mọi nơi, mọi cách; (4) hình thành cách làm việc cùng nhau[29].
3.2. Nguồn nhân lực xây dựng và vận hành Quốc hội điện tử Để xây dựng và vận hành Quốc hội điện tử, Quốc hội các nước có thể lựa chọn sử dụng nguồn nhân lực bên trong hoặc bên ngoài Quốc hội. Tuy nhiên, các báo cáo thống kê cho thấy, đa số các Quốc hội đều lựa chọn phương án sử dụng kết hợp giữa nguồn nhân lực bên trong và bên ngoài[30]. Những nước sử dụng đồng thời các chuyên gia công nghệ thông tin bên trong và bên ngoài thường có có sự phân công tương đối rõ ràng các công việc mà hai bên thực hiện. Chẳng hạn, khảo sát ở các Quốc hội cho thấy, các chuyên gia công nghệ thông tin bên trong Quốc hội thường thực hiện những công việc như quản trị trang thông tin điện tử, hỗ trợ người dùng, quản trị mạng, quản trị an ninh thông tin… trong khi đó, những công việc thường phải thuê các chuyên gia bên ngoài là lập trình, phát triển phần mềm, lập trình hệ thống, đào tạo…[31].
Tuy nhiên, một số nước có những giải pháp rất đặc thù để thu hút chuyên gia công nghệ thông tin có trình độ cao làm việc cho Quốc hội để phát triển các dự án Quốc hội điện tử. Chẳng hạn như ở Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Cục Tin học thuộc Ban Thư ký Quốc hội có 109 cán bộ, công chức, người lao động là những người rất có năng lực. Phần lớn các phần mềm được triển khai tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đều được Cục Tin học xây dựng và phát triển, ngoại trừ một số phần mềm có bản quyền phải mua ngoài. Tuy nhiên, để giữ chân được những kỹ sư công nghệ thông tin giỏi, Ban Thư ký Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện chính sách thu hút đặc biệt. Theo đó, những người này sẽ được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng có thời hạn nhưng được hưởng lương ở mức gấp 4 lần so với thu nhập bình quân của các chuyên viên trong biên chế nhà nước[32].
Bên cạnh đó, công nghệ thông tin là một dạng công nghệ mới, đòi hỏi những đối tượng sử dụng phải trải qua những khóa đào tạo thì mới có thể sử dụng một cách thành thạo. Việc đào tạo sử dụng công nghệ thông tin thường là một công việc khó khăn do đòi hỏi phải thay đổi những thói quen làm việc hàng ngày. Trên thực tế, đã có nhiều dự án công nghệ thông tin thất bại do không nhận được sự tin tưởng và hưởng ứng của những người trực tiếp sử dụng. Trong môi trường của Quốc hội, việc đào tạo sử dụng công nghệ thông tin còn gặp nhiều khó khăn hơn do các đại biểu Quốc hội thường là những người bận rộn. Hơn nữa, thông thường, các đại biểu Quốc hội là người lớn tuổi chiếm một tỷ lệ khá lớn. Đây là những đối tượng tiếp cận với công nghệ mới khá khó khăn. Chính vì vậy, không thành thạo trong việc sử dụng công nghệ thông tin được xem là một trong những khó khăn lớn đối với các nghị sĩ trong việc sử dụng các ứng dụng để tương tác với các cử tri[33]. Giải pháp mà Quốc hội các nước thực hiện là đào tạo ngay từ đầu nhiệm kỳ đối với các đại biểu Quốc hội mới được bầu và đào tạo liên tục trong suốt thời gian đại biểu tham gia Quốc hội. Bên cạnh đó, việc đào tạo cho đội ngũ giúp việc để những người này chủ động trong việc hỗ trợ các đại biểu Quốc hội trong việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin cũng rất được chú trọng[34].
3.3. Hợp tác quốc tế trong xây dựng Quốc hội điện tử Quá trình phát triển Quốc hội điện tử ở các nước cho thấy, những kiến thức, kinh nghiệm và sự hỗ trợ quốc tế cũng có một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc xây dựng và vận hành Quốc hội điện tử. Lợi ích trước hết của việc hợp tác quốc tế là những hợp tác trong khuôn khổ đa phương chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trong việc phát triển Quốc hội điện tử.
Chẳng hạn, những báo cáo mang tính định kỳ của IPU và UN là nguồn thông tin rất quý giá để Quốc hội các nước có thể học tập, xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển Quốc hội điện tử ở nước mình[35]. Việc tham gia các cuộc điều tra, đánh giá về thực trạng xây dựng Quốc hội điện tử theo định kỳ của IPU và UN cũng là những dịp rất đáng quý để bản thân mỗi Quốc hội có thể tự đánh giá về những điểm mạnh, điểm yếu trong việc xây dựng Quốc hội của mình, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Những hợp tác quốc tế đa phương trong việc phát triển Quốc hội điện tử cũng là khuôn khổ để hình thành nên những tiêu chuẩn kỹ thuật dùng chung, phục vụ cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Chẳng hạn, như đã đề cập ở trên, tiêu chuẩn Akoma Ntoso về định dạng văn bản XML cho các văn bản của nghị viện là kết quả của một dự án hợp tác nâng cao năng lực hệ thống thông tin ở châu Phi vào năm 2004[36].
Trong khuôn khổ hợp tác song phương, những kinh nghiệm quý báu của Quốc hội đi trước cũng rất có giá trị. Báo cáo của IPU vào năm 2018 cho thấy, rất nhiều nghị viện sẵn sàng chia sẻ những kiến thức, nguồn lực mà mình có để hỗ trợ Quốc hội các nước khác trong việc phát triển Quốc hội điện tử. Theo đó, có 49% Quốc hội được khảo sát đã có những hình thức nhất định trong việc giúp các nước khác phát triển Quốc hội điện tử[37]; một số Quốc hội xây dựng những chương trình cụ thể để hỗ trợ các nước khác như chương trình Sáng kiến Hỗ trợ Quốc hội điện tử (e-PAI – E-Parliament Assistance Initiative) của Quốc hội Hàn Quốc, chương trình này đã nhận được sự đón nhận của rất nhiều Quốc hội các nước[38].
4. Một số kiến nghị
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm xây dựng và vận hành Quốc hội điện tử của các nước, có thể rút ra một số kiến nghị đối với việc xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử ở Việt Nam như sau:
Thứ nhất, Quốc hội cần có những chính sách để phát triển tổng thể công nghệ thông tin của đất nước, trong đó có những giải pháp nhằm xóa bỏ khoảng cách số giữa các nhóm công chúng. Đây là điều kiện quan trọng để vừa nâng cao năng lực công nghệ thông tin của đất nước, từ đó là điểm tựa để phát triển có hiệu quả các chương trình xây dựng và vận hành Quốc hội điện tử. Kinh nghiệm ở Nghị viện của rất nhiều nước cho thấy, việc xây dựng các hệ thống liên thông giữa Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức khác đã giúp đẩy nhanh việc tiến hành các công việc của Quốc hội.
Thứ hai, việc xây dựng Quốc hội điện tử cần được tiến hành trên cơ sở một Chiến lược được nghiên cứu, phát triển một cách kỹ lưỡng, chi tiết để trước hết tạo nên một nhận thức chung cho các nhà lãnh đạo, các đại biểu Quốc hội, chuyên viên giúp việc và những người dân trong việc xây dựng Quốc hội điện tử. Bên cạnh đó, việc xây dựng chiến lược phát triển Quốc hội điện tử còn là yếu tố bảo đảm tránh đầu tư dàn trải, thiếu sự kết nối, đồng bộ trong việc phát triển Quốc hội điện tử.
Thứ ba, cần có những chính sách cụ thể để phát triển các cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động của Quốc hội, trong đó có những dữ liệu được tạo ra trong quá trình hoạt động của Quốc hội và những cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc ra quyết định của Quốc hội. Việc tạo ra các cơ sở dữ liệu này cần được thực hiện trên cơ sở có sự tham gia của rất nhiều chủ thể có liên quan khác nhau, trong đó, xác định trách nhiệm cụ thể trong việc chia sẻ, cập nhật dữ liệu. Đây có thể nói là cơ sở quan trọng nhất để phát triển Quốc hội điện tử một cách bền vững, là cơ sở để từng bước ứng dụng những công nghệ số hiện đại phục vụ cho hoạt động của Quốc hội.
Thứ tư, để xây dựng và vận hành Quốc hội điện tử hiệu quả, cần có chính sách khuyến khích sự tham gia của các công ty công nghệ thông tin tham gia chia sẻ, cung cấp những sản phẩm công nghệ thông tin ứng dụng vào hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, cũng cần có các chính sách để thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin có chất lượng cao làm việc cho Quốc hội. Kinh nghiệm của Quốc hội nhiều nước đã cho thấy, có những nội dung công việc trong việc vận hành hệ thống Quốc hội điện tử phải được vận hành bởi đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin bên trong của Quốc hội, đặc biệt trong đó là việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống công nghệ thông tin của Quốc hội.
Thứ năm, cần dành nguồn lực tài chính thích đáng cho việc phát triển Quốc hội điện tử. Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, việc thiếu nguồn lực tài chính là một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình phát triển Quốc hội điện tử. Tuy nhiên, việc đầu tư, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, các cơ sở dữ liệu và ứng dụng trong Quốc hội điện tử sẽ đưa lại rất nhiều lợi ích cả về mặt vật chất như đẩy nhanh tiến độ thực hiện công việc, giảm chi phí giấy tờ; và cả về những giá trị vô hình như nâng cao tính dân chủ, mở rộng công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động của Quốc hội.
Thứ sáu, tăng cường tham gia các khuôn khổ hợp tác quốc tế để tiếp cận những kiến thức, kinh nghiệm của Quốc hội các nước trong việc xây dựng và vận hành Quốc hội điện tử. Trong đó, trước mắt cần tham gia các chương trình nghiên cứu, điều tra định kỳ của IPU và UN để qua đó xác định rõ những điểm mạnh, điểm yếu trong việc xây dựng Quốc hội điện tử của Quốc hội Việt Nam để từ đó có những điều chỉnh phù hợp.
TS. LÊ QUANG HUY - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
TS. HOÀNG MINH HIẾU - Văn phòng Quốc hội