Chuyện về "chiến sĩ" chống dịch Covid-19 nơi phố biển

Chiến thắng trở về sau cuộc chiến với Covid-19, anh Mai Anh Đức (39 tuổi, trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) - bệnh nhân Covid-19 số 687, trở thành “chiến sĩ” chống dịch nơi hậu phương.

Chiến thắng trở về sau cuộc chiến với Covid-19, anh Mai Anh Đức (39 tuổi, trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) - bệnh nhân Covid-19 số 687, trở thành “chiến sĩ” chống dịch nơi hậu phương.

Gần một năm qua, anh Đức cùng các thành viên trong Dự án 687 sản xuất 5 buồng khử khuẩn, 53 máy khử khuẩn di động và hơn 70.000 lít dung dịch sát khuẩn gửi đến mọi miền đất nước.

Ròng rã 12 ngày chiến đấu với Covid-19.

Những ngày cuối tháng 7-2020, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng bước vào cuộc chiến lần thứ hai với Covid-19. Đà Nẵng trải qua những ngày bão giông khi liên tiếp ghi nhận hàng hàng trăm ca mắc Covid-19. Bố con anh Mai Anh Đức không may bị nhiễm bệnh…

Anh Mai Anh Đức, Chủ dự án 687

Câu chuyện của anh Đức bắt đầu từ một buổi sáng đầu tháng 8-2020. Những ký ức như thước phim tua chậm trong trí nhớ của anh. Sáng hôm ấy, anh Đức bàng hoàng nhận tin con trai mắc Covid-19. Anh cùng vợ soạn đồ để các nhân viên y tế đến đưa con trai đi bệnh viện điều trị. Một ngày sau, anh được chuyển từ khu cách ly tại Ký túc xá Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) đến Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) sau khi có kết quả dương tính với Covid-19. Lo lắng. Sự lo lắng bao trùm cả suy nghĩ của anh. Lo lắng bởi cả hai cha con anh đều mắc Covid-19, lo lắng bởi vợ và con nhỏ phải đi cách ly. Và hơn cả, anh lo lắng bởi trước đó tham gia buổi họp lớp, anh đã gặp mặt và tiếp xúc với rất nhiều người, trong đó có các thầy cô đã lớn tuổi. Nhưng rồi, từ sự động viên của người thân, bạn bè, sự quan tâm chăm sóc tận tình của các y bác sĩ, anh dần bình tâm trong “cuộc chiến” với Covid-19. “Vì nằm ở khu điều trị bệnh nhân nhẹ nên bản thân tôi cảm nhận Covid-19 không quá khủng khiếp, quan trọng mình phải giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Thời gian tôi ở viện, gia đình, bạn bè liên tục động viên và các bác sĩ cũng giải thích rất rõ tình trạng bệnh. Tôi may mắn khi tuổi còn trẻ, sức đề kháng tốt nên sức khỏe vẫn ổn định. Đó cũng chính là nguồn động lực để tôi tiếp tục chiến đấu với Covid-19” - anh Đức hồi tưởng.

Bình tâm trở lại, từ Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, anh viết nhật ký gửi đến mọi người thông qua mạng xã hội Facebook. Mỗi trang nhật ký của anh là một câu chuyện, một hình ảnh khác nhau. Có khi câu chuyện ngày gia đình anh đi cách ly, câu chuyện thầy cô, bạn bè an ủi, tiếp sức cho anh, có khi là hình ảnh các y, bác sĩ tận tình điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Xen lẫn vào những trang nhật ký của anh là những lời cảm ơn, xin lỗi và động viên mọi người. Những dòng nhật ký của anh từ Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đều đặn được chia sẻ trên mạng xã hội. Những lời chia sẻ, động viên của mọi người gửi đến anh thông qua những trang nhật ký, động viên anh sớm chiến thắng Covid-19, trở về bình an.

Anh Đức kiểm tra hệ thống hoạt động của máy khử khuẩn di động

“Covid-19 khiến mọi người phải giữ khoảng cách với nhau để an toàn. Nhưng cũng chính Covid-19 đã đưa mọi người đến gần nhau hơn. Những khoảng cách do Covid-19 tạo ra chỉ là khoảng cách vô hình bởi tình người trong dịch bệnh vẫn luôn hiện hữu”, anh Đức nói. Sau 12 ngày kiên cường chiến đấu với Covid-19, anh và con trai được xuất viện. Ngày trở về, từ ban công, bên nhà đối diện, hàng xóm của anh liên tục gửi lời chúc mừng. “Tôi hạnh phúc bởi mọi người không trách mắng. Hàng xóm, bạn bè đều gọi điện hỏi thăm, giúp đỡ lúc khó khăn nhất. Tình nghĩa xóm giềng, tình người vẫn luôn đong đầy, vẹn nguyên, tiếp sức để mình chiến thắng dịch bệnh” - anh Đức bộc bạch.

Mong muốn đền đáp ân tình

Anh Đức cùng các thành viên của dự án 687 dán logo của dự án vào các can dung dịch sát khuẩn trước khi gửi đến tuyến đầu chống dịch

Hơn 10 ngày nằm viện là ngần ấy thời gian anh Đức chứng kiến hình ảnh đội ngũ y, bác sĩ mang đồ bảo hộ, hằng ngày đến khám bệnh, hỏi thăm sức khỏe của các bệnh nhân, hình ảnh các nhân viên y tế, các cô lao công đều đặn mỗi ngày dùng dung dịch sát khuẩn lau chùi tất cả các đồ vật trong phòng bệnh, từ cửa đến giường, tủ,… “Có đêm tôi bị sốt nặng, cả đêm không ngủ, các y bác sĩ cũng thức cùng tôi luôn. Cứ khoảng một tiếng các bác sĩ qua kiểm tra tình hình một lần. Đến khi điện đèn tắt hết, các bác sĩ vẫn cầm đèn pin qua phòng bệnh…” - anh Đức nghẹn ngào nhớ lại. Anh tâm sự, trong thâm tâm, anh luôn dành sự cảm phục và trân quý với các y, bác sĩ. Bởi trong khoảng thời gian anh nằm viện, không chỉ có các y, bác sĩ ở Đà Nẵng mà các y, bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai, Hải Phòng, Bình Định,… cùng tham gia hỗ trợ điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19. “Đằng sau bộ đồ bảo hộ kín, đằng sau những chiếc mũ chắn giọt bắn là tình cảm, sự lo lắng, động viên của đội ngũ y, bác sĩ dành cho các bệnh nhân. Khoảng cách do dịch bệnh không thể ngăn được những tình cảm, tấm lòng của các y, bác sĩ dành cho bệnh nhân” - anh Đức trải lòng.

Gần 1 năm qua, dự án 687 đã sản xuất và gửi hơn 70.000 lít dung dịch sát khuẩn đến mọi miền đất nước.

Từ sự cảm phục, biết ơn, anh Đức ấp ủ dự định sẽ làm điều gì đó để đền đáp ân tình của các y bác sĩ, nhân viên y tế. Và Dự án 687 được ra đời từ những ngày anh còn điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. “Tôi lấy mã số bệnh nhân để đặt tên cho Dự án bởi đó là con số đặc biệt, gắn với một sự kiện đặc biệt. 687 - con số như nhắc nhớ tôi về những ân tình tôi được nhận trong suốt thời gian điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang”, anh Đức giải thích tên của dự án.

Mang yêu thương gửi mọi miền đất nước

Từ mong muốn đền đáp ân tình của các y, bác sĩ và sự chung tay, đồng hành của các mạnh thường quân, anh cùng các thành viên của Dự án 687 bắt tay sản xuất dung dịch sát khuẩn. Từ những bài đăng trên mạng xã hội Facebook, Dự án 687 được một người bạn của anh Đức hỗ trợ máy sản xuất dung dịch sát khuẩn PG3.0 (Tập đoàn OSG, Nhật Bản) trị giá hơn 100 triệu đồng. Dung dịch sát khuẩn được sản xuất theo công nghệ điện phân tế bào đơn. Nước máy được xử lý sạch sẽ rồi đưa vào máy cùng các hóa chất cần thiết theo tỷ lệ nhất định. Qua quá trình điện phân, dung dịch thành phẩm có độ PH từ 5-6.5, ổn định và có tính sát khuẩn cao, thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Chất lượng dung dịch đã được Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chứng nhận khả năng diệt khuẩn đến 99%.

Thành viên của dự án kiểm đếm các can dung dịch sát khuẩn trước khi gửi tới các điểm chống dịch

Trong hành trình gửi tặng dung dịch sát khuẩn đến các tuyến đầu chống dịch, anh Đức lại nảy lên ý tưởng làm buồng khử khuẩn. Những chiếc buồng khử khuẩn đầu tiên được anh gửi đến Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. “Đó là sự tri ân của tôi gửi đến các y, bác sĩ đã hỗ trợ, giúp đỡ tôi và con chiến thắng bệnh tật, trở về bình an”, anh Đức trải lòng. Càng làm, anh càng say mê và nhiệt huyết. Chế tạo thành công buồng khử khuẩn, anh lại suy nghĩ làm thế nào để chế tạo thiết bị khử khuẩn gọn, nhẹ và tiết kiệm chi phí để có thêm nhiều món quà gửi đến tuyến đầu chống dịch. “Lúc đó tôi lao vào nghiên cứu, tìm hiểu các thông tin từ nhiều nguồn. Và tôi nghĩ đến máy khử khuẩn di động” - anh Đức nói.

Các thành viên của dự án vận chuyển, sắp xếp các can dung dịch sát khuẩn để gửi đi tuyến đầu chống dịch

Máy khử khuẩn di dộng được anh và các thành viên trong nhóm chế tạo có thiết kế nhỏ gọn, chi phí phù hợp và vẫn đảm bảo khử khuẩn toàn thân. Hệ thống hoạt động của máy được người dùng tùy ý cài đặt thời gian phun khử khuẩn, có thể 30 giây, 40 giây hoặc nhiều hơn. Khi đi qua máy, mọi người đưa tay qua hệ thống cảm biến thì ngay lập tức hệ thống phun sương được kích hoạt và thực hiện phun khử khuẩn. “Với chi phí làm một buồng khử khuẩn thì mình có thể làm được 2 máy khử khuẩn di động, chi phí vận chuyển cũng đỡ tốn kém hơn. Từ đó, mình có thể hỗ trợ được nhiều nơi hơn, giúp đỡ được nhiều người hơn”, anh Đức nói. Trải qua gần một năm hoạt động, những món quà từ Dự án 687 đã được gửi đi mọi miền đất nước, từ các bệnh viện, khu cách ly ở Đà Nẵng, Quảng Nam đến Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh,… Và trong lúc anh trò chuyện cùng tôi, các thành viên của dự án đang khẩn trương thực hiện những công đoạn cuối cùng để gửi máy khử khuẩn và dung dịch sát khuẩn vào Thành phố Hồ Chí Minh. “Tôi may mắn khi Dự án 687 được mọi người đón nhận, ủng hộ. Có những mạnh thường quân âm thầm gửi tiền để chung tay cùng dự án, có những nhà hảo tâm ở hai đầu đất nước sẵn sàng tài trợ thêm kinh phí để làm máy khử khuẩn dù chưa gặp tôi bao giờ. Đó là điều may mắn nhất trong hành trình đền đáp ân tình của tôi với tuyến đầu chống dịch cũng như hành trình yêu thương của Dự án 687” - anh Đức bộc bạch.

Thành viên của dự án đang thực hiện những công đoạn cuối cùng để gửi máy khử khuẩn di động vào TP HCM

Đồng hành cùng dự án từ những ngày đầu, anh Lê Hoàng Khánh (31 tuổi, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), thành viên Dự án 687 chia sẻ: “Từ khi dự án đi vào hoạt động, các anh em đều tranh thủ vừa làm kinh tế, vừa hỗ trợ anh Đức các công việc cho dự án. Tuy vất vả nhưng mọi người luôn động viên nhau bởi chúng tôi được góp sức cùng cộng đồng chống dịch”. Nhận nhiệm vụ vận hành máy sản xuất dung dịch sát khuẩn và vận chuyển dung dịch đến các bệnh viện, anh Mai Đặng Ngọc Bảo (35 tuổi, trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) nói: “Được trao tận tay các y, bác sĩ những món quà của dự án, tôi rất vui và hạnh phúc bởi mình được chung tay, tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch”. Mỗi món quà nơi hậu phương gửi đi đều được tuyến đầu chống dịch đón nhận với sự trân quý. Anh Đức tâm sự, mỗi khi có người kết nối, nhờ hỗ trợ dung dịch sát khuẩn hoặc máy khử khuẩn, các thành viên trong dự án đều làm việc hết mình với mong muốn món quà được chuyển đến đúng người, đúng thời điểm, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch. “Nhận những phản hồi, những lời cảm ơn của địa phương bạn, các thành viên thật sự rất ấm lòng và hạnh phúc. Đó cũng là động lực để dự án tiếp tục cố gắng, vững bước trên hành trình tiếp sức chống dịch cho tuyến đầu”, anh Đức trải lòng.

Các thành viên của dự án sẵn sàng lên đường vào TP HCM chung tay chống dịch

Chia sẻ về hành trình tiếp theo của dự án, anh Đức nói: “Dự án 687 làm vì cộng đồng, không vì lợi nhuận hay mục đích thương mại. Để đi đến được ngày hôm nay, nguồn lực của dự án không chỉ của riêng cá nhân tôi mà còn có sự chung sức của các thành viên và các mạnh thường quân. Khi cộng đồng cần, mạnh thường quân còn chung sức thì dự án vẫn sẽ tiếp tục hoạt động”. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Nơi hậu phương, anh Đức cùng các thành viên của Dự án 687 vẫn miệt mài làm việc, sản xuất dung dịch sát khuẩn, máy khử khuẩn di động để kịp gửi đến tuyến đầu chống dịch, tiếp sức thêm cho những chiến sĩ nơi tiền tuyến để góp phần cùng cả nước sớm chiến thắng, đẩy lùi dịch bệnh. 

  • Tags: