Thực hiện tốt vai trò Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân

Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải

Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá, tiếp tục soi sáng việc nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân là một luận điểm cách mạng, khoa học, là một đóng góp quan trọng vào lý luận xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Luận điểm này đã chỉ rõ vấn đề bản chất nhất trong mối quan hệ giữa một đảng cộng sản cầm quyền với quần chúng nhân dân.

Đảng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, khẳng định rõ vai trò đội tiên phong, bản chất giai cấp công nhân của Đảng.

Ngay từ khi thành lập Đảng, Người đã chỉ rõ: Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng. Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày và dựa vững vào hạng dân cày nghèo. Đảng ra đời là vì lợi ích của nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng là nhằm “lấy tài dân, sức dân để làm những công việc có lợi cho dân”, chứ không phải vì lợi ích của người lãnh đạo. Với ý nghĩa như vậy, nên Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân. Đó cũng chính là lý do ra đời và tồn tại của Đảng. Là người lãnh đạo, Đảng phải lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với Nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội và toàn thể nhân dân. Do vậy, Đảng phải có trách nhiệm hoạch định đường lối đúng đắn, hợp quy luật, thuận lòng dân và đưa đường lối đó vào nhân dân để giác ngộ, tập hợp, tổ chức nhân dân đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng xã hội mới-xã hội xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Đảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thực sự là công bộc của nhân dân. Sự nghiệp lãnh đạo của Đảng là vì dân, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh; mỗi cán bộ, đảng viên phải là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung, chứ không phải để đè đầu cưỡi cổ dân.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân không hề có sự đối lập, mâu thuẫn mà ngược lại đó là sự gắn bó, thống nhất chặt chẽ, không tách rời của một vấn đề, mặt này làm điều kiện, tiền đề của mặt kia và phải làm tốt cả hai mặt thì đảng cộng sản mới hoàn thành được trọng trách của mình. Người chỉ rõ, đảng viên, cán bộ muốn xứng đáng là người lãnh đạo, thì: “Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”. Theo chỉ dẫn đó của Người, có thể thấy được hai mặt lãnh đạo và đầy tớ thống nhất với nhau một cách tất yếu, hòa hợp trong một chủ thể duy nhất là Đảng. Vì Đảng lãnh đạo mọi công việc của Nhà nước, của xã hội trước hết bằng nghị quyết, chủ trương, đường lối. Muốn có chủ trương, đường lối đúng thì đường lối đó phải lấy mục tiêu dân giàu, nước mạnh làm hệ quy chiếu nền tảng để xây dựng; lấy lợi ích của quốc gia, dân tộc làm nguyên tắc bất biến. Đường lối đó phải lấy nhân dân làm trung tâm, đáp ứng đúng nhu cầu của cuộc sống, những nguyện vọng chân chính của nhân dân, được nhân dân tin theo và ủng hộ; ý Đảng phải chính là lòng dân.

Mặt khác, Đảng lãnh đạo là vì dân, đường lối của Đảng thực hiện được là nhờ dân, và cũng do vậy, người lãnh đạo cũng thực sự là người đầy tớ một cách hết sức tự nhiên, hài hòa. Để có đường lối đúng và đường lối đó nhanh chóng đi vào cuộc sống, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những người có trí tuệ, có bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm thực tiễn và đặc biệt phải hết sức gương mẫu, tiên phong, phải là những người dám hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích của tập thể, vì lợi ích của dân tộc và trong đó còn vì lợi ích của người khác. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng, bên cạnh địa vị, trí tuệ là một nhà lãnh đạo đều phải có tinh thần làm việc của một người đầy tớ. Đó là một chỉnh thể thống nhất, biện chứng, không tách rời trong phương pháp và phong cách làm việc của Đảng. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người chính là tấm gương mẫu mực luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Thực tiễn 90 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho thấy tính thống nhất giữa hai vai trò Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ, đó là một hiện thực đúng đắn. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước hơn 30 năm qua đã minh chứng rất rõ luận điểm và chân lý khách quan đó. Trong những thắng lợi vĩ đại đó, Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng luôn tiên phong thể hiện rõ năng lực trí tuệ, năng lực lãnh đạo, vừa là những người khởi xướng, hoạch định đường lối, lãnh đạo nhân dân đấu tranh một cách đúng đắn, khoa học, hiệu quả; vừa là những người trực tiếp đấu tranh quyết liệt nhất, hăng hái nhất, anh dũng nhất cho lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân, thực sự vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân.

Trong tình hình hiện nay, để Đảng thực sự phát huy tốt vai trò vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân, cần tập trung xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nâng cao nhận thức các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong thực hiện vai trò vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân.

Mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức thực chất là để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng và đó cũng chính là điều kiện, tiền đề để mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng luôn xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Bên cạnh đó, phải tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên của Đảng với nhân dân, phải tin dân, dựa vào dân, thường xuyên học hỏi nhân dân, phát huy quyền làm chủ và sức mạnh to lớn của nhân dân.

Ðây cũng là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng và là một trong những vấn đề cơ bản, cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng hiện nay. Muốn vậy, phải đổi mới nội dung và hình thức tập hợp nhân dân; mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự tiên phong, có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, gần dân, tôn trọng dân, biết lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, làm việc gì cũng bàn bạc kỹ và học hỏi kinh nghiệm của nhân dân, chăm lo lợi ích chính đáng, thiết thực của nhân dân, gương mẫu về đạo đức, lối sống. Mặt khác, các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập nâng cao năng lực lãnh đạo, chú trọng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đổi mới phương pháp, tác phong công tác, thực sự là công bộc của nhân dân.

Đại tá-PGS-TS Võ Văn Hải - Trưởng ban Nghiên cứu Văn hóa học quân sự, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng)

  • Tags: