Giữa các cơ quan hành chính Nhà nước, Trung ương với địa phương luôn luôn có sự trao đổi lẫn nhau, trao đổi những thông tin về hộ tịch, hộ gia đình, thông tin về thành phần gia đình… đây là thông tin nền tảng thực hiện bất kỳ dịch vụ công trực tuyến ở Pháp.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Văn phòng Chính phủ với Đoàn Chuyên gia Pháp
Đây là chia sẻ của ông Alexis Boudard, Giám đốc chương trình phát triển Chính phủ điện tử cấp địa phương, Cục Kỹ thuật số và Hệ thống thông tin Nhà nước, cơ quan liên bộ (DINSIC) tại buổi làm việc giữa Văn phòng Chính phủ với Đoàn Chuyên gia Pháp nhằm tìm hiểu, trao đổi về ứng dụng và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước.
Chia sẻ kinh nghiệm của Pháp trong việc phối hợp quản lý giữa Nhà nước và địa phương trong phát triển ứng dụng công nghệ số; chuyển đổi công nghệ số trong hành động công ở địa phương: Phương pháp và cách tiếp cận qua nền tảng trao đổi, ông Alexis Boudard cho rằng, có 3 thách thức trong chuyển đổi công nghệ số ở địa phương gồm quy hoạch mạng lưới địa phương (xây dựng mạng lưới và hạ tầng); bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận công nghệ số và phát triển nền hành chính công nghệ số.
Ông Alexis Boudard cũng đã giới thiệu về Chương trình DCANT 2018-2020 (Chương trình phát triển Chính phủ điện tử từ cấp Trung ương đến địa phương tại Pháp). Tham vọng của Chương trình này là “cùng xây dựng dịch vụ số địa phương thông suốt và hiệu quả”. Người dân là đối tượng trung tâm phục vụ của Nhà nước và chính quyền địa phương trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Chương trình DCANT có 4 trục ưu tiên gồm: 1- Nền tảng chia sẻ chung; 2- Quản trị hành chính công trên nền tảng chia sẻ; 3- Phương pháp tiếp cận dữ liệu tổng thể và chuyển dịch cấp độ số hóa; 4- Tất cả các địa phương đều phải tham gia vào Chương trình DCANT.
Về số hóa hoạt động và dịch vụ công địa phương, ông Alexis Boudard cho biết, Nhà nước cung cấp công cụ số và lưu chuyển dữ liệu theo các bộ tiêu chuẩn, hướng dẫn, nguyên tắc chung; công cụ chung và dữ liệu cần lưu chuyển. Tóm lại giữa các cơ quan hành chính Nhà nước, Trung ương với địa phương luôn luôn có sự trao đổi lẫn nhau. Trao đổi những thông tin về hộ tịch, hộ gia đình, thông tin về thành phần gia đình… đây là thông tin nền tảng thực hiện bất kỳ dịch vụ công trực tuyến ở Pháp.
Có thể thấy, thách thức chung cho cơ quan Trung ương và địa phương là phải bảo đảm chất lượng và mức độ tiếp cận cho dịch vụ công, do đó phải có Bộ tiêu chí về luật, chất lượng của dịch vụ công trực tuyến… Để làm được điều này cần phải có sự chỉ đạo của Trung ương, địa phương và xoay quanh đối tượng sử dụng là người dân và doanh nghiệp.
Ông Alexis Boudard cũng đã giới thiệu về công cụ đơn giản hóa TTHC số; phương pháp hỗ trợ và xây dựng dịch vụ công trực tuyến; chia sẻ thông tin về định danh số và FranceConnect. Theo đó, FranceConnect là công cụ để kết nối với nhau, chia sẻ cùng sử dụng dữ liệu mà không cần cải tổ lại tất cả. Chẳng hạn như các địa phương sẽ phát triển một công cụ dữ liệu và chia sẻ với nhau mà không cần phải tìm một cung cụ dữ liệu mới.
Đánh giá bước đầu về Chương trình Chính phủ điện tử của Việt Nam, ông Herve Le Bars, Chuyên gia trưởng Pháp cho rằng, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Pháp, chẳng hạn như tốc độ phát triển CNTT ở các địa phương không giống nhau, nhiều địa phương phát triển CNTT rất mạnh nhưng nhiều địa phương hơi “tụt hậu” trong ứng dụng CNTT, do đó chúng ta cần phải điều chỉnh lại.
Cũng theo ông Herve Le Bars, Việt Nam đã thực hiện xây dựng Chính phủ số theo nguyên tắc nền hành chính phục vụ vì người dân và doanh nghiệp và đã có nhiều bước tiến trong công cụ pháp lý để thực hiện Chính phủ số…Tuy nhiên, mức thời gian đưa ra để thực hiện thì còn hạn hẹp. Do đó, cần giãn thời gian thực hiện; nên có điều chỉnh lại về hệ thống điều phối hoặc bổ sung thêm.
Bên cạnh đó, cần truyền thông mạnh hơn về Đề án này; tiếp tục tập trung xây dựng nền hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp; làm sao đưa dịch vụ công lên mạng cho người dân và doanh nghiệp phải đồng bộ và hiệu quả. Để làm được cần lấy ý kiến người dân.
Đồng thời, cần rà soát lại xem thủ tục nào được sử dụng nhiều hơn thì ưu tiên đưa lên mạng trước, thủ tục nào ít hơn thì đưa sau; cần xây dựng tiêu chí đánh giá, phân loại các thủ tục hành chính đã được số hóa…
Sau khi lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm cũng như những đánh giá quý báu từ phía Pháp, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) cho rằng, hiện việc điều phối, sự gắn kết đồng bộ giữa Trung ương và địa phương trong triển khai Chính phủ điện tử vẫn còn thiếu. Qua chia sẻ kinh nghiệm từ phía Pháp cho thấy, cần rà soát lại việc gì của Trung ương, việc gì giao cho địa phương để xây dựng những nguyên tắc chung, những công cụ để làm sao tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin, giải đáp những vướng mắc của địa phương.
“Thông qua cuộc hôm nay, tất cả cùng có cái nhìn “muốn thành công phải cùng nhau đi, không thể mạnh ai lấy đi”; cần có nguyên tắc chung trong triển khai thực hiện...”, ông Phan nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, nhiều thành viên trong Tổ Công tác, Tổ Chuyên gia và các địa phương đã có những chia sẻ cũng như đặt câu hỏi liên quan đến những phương pháp tiếp cận dữ liệu; những khó khăn, thuận lợi từ việc triển khai xây dựng Chính phủ số ở địa phương hay như làm sao để người dân tích cực ủng hộ cho việc xây dựng chính phủ số...
Theo: Trang tin điện tử chính phủ