Bài viết sau, nhóm tác giả Bùi Lê Hiếu, Phạm Quỳnh Như (Học viện Tòa án) tiến hành tổng hợp kinh nghiệm của một số quốc gia, phân tích các điểm hạn chế trong quy định pháp luật Việt Nam, từ đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện quy định và vận dụng hiệu quả pháp luật trong việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam ( PQTTNN).
1. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
Việc công nhận và thi hành PQTTNN tại Việt Nam được thực hiện theo Bộ Luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. BLTTDS quy định thủ tục công nhận và cho thi hành PQTTNN tại chương VII. Pháp luật tố tụng dân sự của Việt Nam ghi nhận các quy định về căn cứ yêu cầu công nhận và cho thi hành PQTTNN, thẩm quyền giải quyết yêu cầu của Tòa án, trình tự thủ tục công nhận và cho thi hành PQTTNN.
Theo quy định của Điều 424 BLTTDS, Tòa án Việt Nam xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài theo hai nguyên tắc cơ bản: trên cơ sở điều ước quốc tế và trên nguyên tắc có đi có lại. Bênh cạnh đó, BLTTDS còn quy định các nhóm lý do để Tòa án không công nhận và thi hành PQTTNN tại Việt Nam. Tòa án không được xét xử lại tranh chấp đã được trọng tài nước ngoài ra phán quyết, mà chỉ được kiểm tra, đối chiếu phán quyết của trọng tài nước ngoài, giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng và vô tư để làm cơ sở cho việc ra quyết định công nhận hoặc không công nhận phán quyết đó.
Theo Điều 427 BLTTDS, phán quyết được công nhận sẽ được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự và chỉ được thi hành sau khi có quyết định của tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, có thể thấy công nhận và cho thi hành tại Việt Nam PQTTNN là một thủ tục tố tụng đặc biệt do tòa án tiến hành nhằm xem xét để công nhận tính hiệu lực của phán định trọng tài nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam.
Thực tiễn áp dụng pháp luật về công nhận và thi hành PQTTNN tại Việt Nam được phản ánh ở các điểm sau:
Một là, số lượng các Tòa án giải quyết yêu cầu loại việc này không nhiều, chỉ tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi doanh nghiệp có trụ sở.
Hai là, 55/56 Tòa án có báo cáo giải quyết yêu cầu công nhận và thi hành PQTTNN đã thông tin cho Bộ Tư pháp về 84 yêu cầu công nhận và thi hành PQTTNN [1, tr.29].
Ba là, các PQTTNN được công nhận tại Việt Nam chủ yếu đến từ Trọng tài Hiệp hội cà phê Hamburg (Đức), Hội đồng trọng tài Vô Tích (Trung Quốc), Trọng tài Singapore, Trọng tài thuộc Hiệp hội Bông quốc tế (ICA) tại Liverpool (Anh)… [1, tr.29].
Hiện nay, tỷ lệ công nhận và cho thi hành PQTTNN tại Việt Nam còn thấp. Mặc dù các quy định công nhận và thi hành PQTTNN tại Việt Nam cơ bản đầy đủ nhưng sau thời gian áp dụng đã gặp phải một số vướng mắc sau:
Thứ nhất, định nghĩa về PQTTNN trong BLTTDS chưa thực sự thống nhất với công ước New York khi giới hạn PQTTNN là phán quyết cuối cùng và giải quyết toàn bộ tranh chấp. Theo Sổ tay hướng dẫn thẩm phán, PQTTNN có nhiều hình thức như: phán quyết chung thẩm, phán quyết từng phần, phán quyết sơ bộ, phán quyết về chi phí, phán quyết đồng thuận… PQTTNN được tuyên tại Việt Nam thì vẫn được xem là PQTT trong nước, vẫn phải trải qua thủ tục công nhận và cho thi hành.
Thứ hai, về việc căn cứ vào quy định vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hiện chưa tương thích với công ước quốc tế New York. Tại Công ước New York, một khái niệm phổ biến được sử dụng là “trật tự công cộng”. Còn tại Việt Nam lại sử dụng thuật ngữ “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa có định nghĩa rõ ràng về “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” dẫn đến thiếu sự thống nhất trong việc áp dụng.
Thứ ba, chưa có cơ chế áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến PQTTNN, chưa có cơ chế để đưa vào thi hành các quyết định có liên quan đến công nhận và cho thi hành PQTTNN như: hoạt động chuyển tài sản thi hành án ra nước ngoài…
Thứ tư, chưa có cơ chế để Bộ Tư pháp kiến nghị Tòa án các cấp về giải quyết loại việc này. Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan đầu mối, thực thi các công ước quốc tế và hiệp định tương trợ tư pháp là Việt Nam là thành viên, nhận các thông tin về thụ lý và giải quyết của Tòa án để tổng hợp số liệu. Hiện nay, chưa có cơ chế để Bộ Tư pháp kiến nghị Tòa án các cấp về giải quyết loại việc này. Tòa án không gửi các kết quả giải quyết và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho Bộ Tư pháp khiến việc hướng dẫn thực hiện thủ tục công nhận và thi hành PQTTNN khi có yêu cầu, đề nghị của các chủ thể nước ngoài không được hiệu quả. Thêm nữa, theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì Bộ Tư pháp là cơ quan nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành PQTTNN. Còn theo BLTTDS, Tòa án cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền nhận đơn. Điều này gây cản trở, bối rối cho chủ thể nước ngoài khi muốn nộp đơn yêu cầu công nhận và thi hành PQTTNN tại Việt Nam.
2. Kinh nghiệm công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại một số quốc gia
2.1. Kinh nghiệm của Đức
Cộng hòa liên bang Đức là một quốc gia châu Âu tiêu biểu cho nền pháp chế mạnh về trọng tài thương mại. Luật Trọng tài của Đức ban hành năm 1998 thường được viện dẫn như luật áp dụng cho quy trình tố tụng của trọng tài. Các thành phố Hamburg, Frankfurt, Munich, Berlin…tại Đức thường xuyên được chọn làm địa điểm trọng tài. Đặc biệt, đội ngũ thẩm phán tại các Tòa cấp cao khu vực (Oberlandesgericht - OLG) có kinh nghiệm thực tiễn phong phú giải quyết các vụ việc liên quan đến trọng tài, hỗ trợ trọng tài thu thập chứng cứ, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bảo đảm quá trình giải quyết chính xác, mang lại niềm tin cho các bên tranh chấp.
Đối với vấn đề công nhận và cho thi hành PQTTNN, pháp luật Đức không nội luật hóa các Điều khoản của Công ước New York mà chọn cách dẫn chiếu trực tiếp đến công ước. Tại Điều 1061(1), Bộ luật Tố tụng dân sự Đức ghi nhận việc công nhận và thi hành PQTTNN hoàn toàn tuân theo quy định tại Công ước New York năm 1958 và các quy định về công nhận và thi hành PQTTNN tại các Công ước khác mà Đức là thành viên sẽ không có hiệu lực. Đây là minh chứng cho việc tôn trọng tuyệt đối tinh thần của Công ước New York.
Tại Đức, các phán quyết toàn bộ, phán quyết từng phần của trọng tài nước ngoài đều được xem là đối tượng yêu cầu công nhận và cho thi hành. Các phán quyết đồng thuận, phán quyết về chi phí liên quan đến tố tụng trọng tài cũng được xem là đối tượng để Tòa án công nhận và cho thi hành.
Tòa án cấp cao khu vực là cơ quan có thẩm quyền công nhận và cho thi hành PQTTNN. Yếu tố về lãnh thổ được áp dụng trong trường hợp này, theo Điều 1062 Bộ luật Tố tụng dân sự Đức thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án cấp cao khu vực tại nơi mà người có nghĩa vụ phải thi hành có địa điểm kinh doanh, hoặc nơi thường trú, hoặc có tài sản, hoặc có tài sản trong tranh chấp, hoặc tài sản bị ảnh hưởng bởi các biện pháp được áp dụng. Các bên tranh chấp có thể chọn lựa Tòa án hoặc Tòa án cấp cao khu vực Berlin sẽ thụ lý nếu không có tòa án nào đáp ứng điều kiện về thẩm quyền.
Việt Nam có thể học tập và áp dụng các quy định pháp luật của một nền pháp chế mạnh về trọng tài như Đức. Tinh thần tôn trọng toàn vẹn Công ước New York, chất lượng xem xét của các Tòa án cấp cao khu vực và quy định đối tượng được yêu cầu công nhận và cho thi hành là những điểm nổi bật mà Việt Nam có thể nghiên cứu để hoàn thiện các quy định hiện hành.
2.2. Kinh nghiệm của Nga
Liên bang Nga với tư cách là quốc gia kế thừa Liên Xô, đã tiếp tục thực hiện Công ước New York năm 1958. Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề công nhận và thi hành PQTTNN bao gồm Luật Trọng tài thương mại quốc tế năm 1997 được soạn thảo dựa trên luật mẫu UNCITRAL 1985 (được sửa đổi bổ sung năm 2016), Quy tắc thủ tục trọng tài (thương mại), Bộ luật Tố tụng dân sự liên bang.
Điều kiện công nhận và thi hành PQTTNN tại Nga tương ứng với quy định của Công ước New York. Để PQTTNN được công nhận, người được thi hành phải nộp đơn tại Tòa án thương mại bang nơi người có nghĩa vụ thi hành thường trú hoặc có trụ sở. Trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc trụ sở thì nộp tại Tòa án thương mại bang nơi có tài sản của người phải thi hành.
Đặc biệt, Nga có hệ thống Tòa án chuyên biệt về trọng tài thương mại, tạo điều kiện cho việc công nhận và thi hành PQTTNN được chuyên nghiệp hơn.
Liên bang Nga là quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Do đó, Việt Nam có thể nghiên cứu mô hình tòa án chuyên trách về trọng tài để có những giải pháp hoàn thiện hệ thống thống tòa án, chuyên môn hóa việc công nhận và cho thi hành PQTTNN.
2.3. Kinh nghiệm của Singapore
Singapore là một quốc gia Đông Nam Á, có vị trí địa lý và quan hệ gần gũi với Việt Nam. Một tỷ lệ lớn các PQTTNN được yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam đến từ Trọng tài Singapore. Do đó, kinh nghiệm pháp luật của Singapore có khả năng được áp dụng tại Việt Nam.
Việc công nhận và cho thi hành PQTTNN tại Singapore được quy định trong Luật Trọng tài quốc tế năm 2002. Đối với Công ước New York, Singapore áp dụng bảo lưu có đi có lại tại Điều I, quy định rằng Công ước chỉ áp dụng với việc công nhận và cho thi hành phán quyết tuyên tại quốc gia thành viên Công ước New York mà không phải là Singapore. Singapore cho phép việc thi hành các PQTTNN cả loại được tuyên tại quốc gia thành viên Công ước New York và quốc gia khác nhưng không dùng Luật mẫu UNCITRAL cho mục đích này.
Pháp luật Singapore có cách tiếp thận trọng hơn liên quan đến vấn đề chính sách công khi giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành PQTTNN. Việc vận dụng không đúng các căn cứ pháp lý, quy định pháp luật hay sự kiện thực tế sẽ không bị đối chiếu so sánh với nội hàm chính sách công. Ngược lại, một số trường hợp việc công nhận và cho thi hành PQTTNN sẽ bị xem là vi phạm “trật tự hay chính sách công” chỉ khi: việc công nhận vi phạm “các giá trị cơ bản về đạo đức và công lý”, hoặc “gây xói mòn lương tri, niềm tin nội tâm”, hoặc có căn cứ chỉ ra rằng trọng tài viên nhận hối lộ, không độc lập từ các bên.
Pháp luật Singapore cho phép việc công nhận thi hành cả các phán quyết từng phần và phán quyết tạm thời, cũng như các quyết định khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài nước ngoài tại Singapore. Đây là cơ chế mà Việt Nam hiện chưa có.
Singapore có cơ chế hỗ trợ tố tụng trọng tài quốc tế trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Cụ thể, nếu nguyên đơn của một vụ kiện trọng tài quốc tế (như VIAC, ICC) xác định được bị đơn có tài sản tại Singapore, nguyên đơn có thể nộp đơn đến tòa án có thẩm quyền của Singapore để yêu cầu áp dụng “lệnh Mareva” (Mareva Injunction) đối với tài sản đó. Theo đó, một bên yêu cầu áp dụng lệnh Mareva cần phải chứng minh được: (i) bên đó có vị thế đủ mạnh về nội dung của các yêu cầu khởi kiện của họ; và (ii) tồn tại rủi ro thật sự rằng bị đơn sẽ tẩu tán tài sản để trốn tránh việc thi hành án [2].
3. Yêu cầu và giải pháp hoàn thiện quy định và vận dụng hiệu quả pháp luật trong việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
3.1. Yêu cầu hoàn thiện quy định và vận dụng hiệu quả pháp luật trong việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, các tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài gia tăng về số lượng. Xu hướng các quốc gia tiến tới mục tiêu xây dựng khung pháp lý chặt chẽ nhưng không kìm hãm sự phát triển của thương mại quốc tế. Do đó, việc hoàn thiện quy định và vận dụng hiệu quả pháp luật trong việc công nhận và thi hành PQTTNN tại Việt Nam là cấp thiết và đáp ứng một số yêu cầu sau:
Thứ nhất, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về công nhận và thi hành PQTTNN phải công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế phát triển, tạo niềm tin cho các chủ thể nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam.
Thứ ba, bảo đảm tính tương thích với chuẩn mực pháp lý quốc tế, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật của các quốc gia.
3.2. Giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật trong việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
Từ những vướng mắc và kinh nghiệm của một số quốc gia, nhóm tác giả đề xuất giải pháp cụ thể hoàn thiện quy định pháp luật công nhận và thi hành PQTTNN tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thi hành quy định BLTTDS về công nhận và thi hành PQTTNN.
Một là, cụ thể hóa việc xác định thẩm quyền của Tòa án. Thực tế cho thấy, nơi cư trú hoặc trụ sở của người phải thi hành phán quyết có thể bị thay đổi nên việc xác định thẩm quyền của Tòa án gặp khó khăn, không xác định được địa điểm nào. Do đó, nhóm tác giả nhận thấy cần chọn tòa án có thẩm quyền nơi người phải thi hành cư trú hoặc có trụ sở vào thời điểm yêu cầu công nhận và cho thi hành PQTTNN để thuận lợi cho việc xem xét.
Hai là, làm rõ quy định việc Tòa án yêu cầu người gửi đơn yêu cầu giải thích những điểm chưa rõ trong hồ sơ. Bộ luật Tố tụng dân sự chưa xác định rõ đây có phải là trường hợp yêu cầu bổ sung thêm tài liệu chứng cứ hay không. Việc sớm hướng dẫn chi tiết quy định này góp phần giảm tình trạng lạm dụng, gây khó khăn cho bên yêu cầu trong quá trình giải quyết.
Ba là, mở rộng thẩm quyền của Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản ở Việt Nam để hỗ trợ công nhận và thi hành PQTTNN như kinh nghiệm của Singapore.
Bốn là, mở rộng các trường hợp bản dịch được công nhận hợp pháp, không nên làm hẹp trong phạm vi công chứng, chứng thực. Cần quy thêm các trường hợp được cơ quan ngoại giao, lãnh sự chứng thực cũng được xem là bản dịch hợp pháp, dùng làm tài liệu, chứng cứ.
Thứ hai, giải thích rõ ràng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Việc chưa có một văn bản pháp lý cụ thể nào làm rõ khái niệm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam nên việc áp dụng thiếu đồng bộ, chưa tương thích với Công ước New York. Cần sửa đổi theo hướng tiếp cận từ pháp lý quốc tế - trật tự công để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế.
Nhóm tác giả đề xuất cần quy định theo khuyến nghị của Hiệp hội pháp luật quốc tế (ILA) năm 2002 bao gồm: Các nguyên tắc cơ bản về công bằng và đạo đức mà quốc gia đó muốn bảo vệ ngay cả khi quốc gia đó không trực tiếp liên quan; Các quy tắc được thiết lập để phục vụ lợi ích kinh tế, xã hội hay chính trị của quốc gia, mà được biết với tên gọi các quy tắc về chính sách công; Nghĩa vụ quốc gia để tôn trọng đối với các quốc gia khác hay các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, có thể tham khảo ngay Điều 3 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 của Việt Nam: “…Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế…”.
Thứ ba, hoàn thiện quy định Luật thi hành án dân sự tạo điều kiện thuận lợi để thi hành PQTTNN.
Cần quy định cụ thể thời hiệu yêu cầu thi hành PQTTNN để tương thích giữa Luật Thi hành án dân sự và Luật Trọng tài thương mại.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự yêu cầu phải cung cấp các tài liệu khác liên quan nếu có. Nhóm tác giả đề xuất cần ghi nhận rõ đây là tài liệu gì để không tạo cơ hội cho hiện tượng lạm dụng, gây khó khăn khi thi hành PQTTNN.
3.3. Giải pháp vận dụng hiệu quả pháp luật trong việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
Thứ nhất, tạo cơ chế hợp tác hiệu quả, liên kết thông tin giữa Tòa án và Bộ Tư pháp trong giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành PQTTNN tại Việt Nam. Nhóm tác giả đề xuất các Tòa án có bước báo cáo kết quả giải quyết về Bộ Tư pháp để tổng hợp, rà soát và đưa ra các khuyến nghị. Từ đó, Bộ Tư pháp thực hiện tốt hơn chức năng giải đáp, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, nâng cao vai trò của Tòa án trong giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành PQTTNN. Nâng cao tính chuyên môn của các Tòa án bằng cách lập các Tòa chuyên trách, nên tập trung giao thẩm quyền công nhận và cho thi hành các PQTTNN tại các thành phố lớn để bảo đảm chất lượng giải quyết. Đồng thời, đội ngũ thẩm phán cần được bồi dưỡng thường xuyên kiến thức pháp lý, năng lực ngoại ngữ, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, tiếp thu các thành tựu trong giải quyết loại việc này của một số quốc gia.
Thứ ba, thường xuyên tổ chức tổng kết đánh giá rà soát để kịp thời khắc phục những điểm bất cập, vướng mắc trong quy định và trong quá trình áp dụng. Tổ chức hội thảo khoa học nhằm thu thập góp ý từ các chuyên gia để xây dựng một khung pháp lý vững chắc trong giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành PQTTNN./.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Văn Hải (2022), Pháp luật công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam - Lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
2. Lê Hải Long (2019), Pháp luật và thực tiễn công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
3. Tòa án nhân dân tối cao & Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) (2017), Sổ tay pháp luật về trọng tài và hòa giải, Nxb Thanh niên.
Bùi Lê Hiếu, Phạm Quỳnh Như (Học viện Tòa án )