Tóm tắt: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả". Do đó, chính quyền địa phương phải thay đổi cả về tư duy và hành động để trở thành chính quyền kiến tạo, quản trị một cách hiệu quả và phục vụ xã hội ngày một tốt hơn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày về quản trị quốc gia, quản trị nhà nước ở địa phương và năng lực quản trị của chính quyền địa phương; thực trạng năng lực quản trị của chính quyền địa phương và đưa ra một số kiến nghị nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương ở nước ta.
Từ khóa: Quản trị quốc gia, năng lực quản trị, chính quyền địa phương.
Abstract: The 13th National Party Congress advocated “changing national ‑governance in the direction of modernity and efficiency”. Therefore, the local goverment has to change both their minds and actions to become the constructive local government, have effective management and have better and better service for changing national governance. Some proposals are suggested to enhance the governance capacity of local goverment to building the constructive local government and improve the effectiveness of local governance in order to contribute to change national governance.
Keywords: National governance; governance capacity; local government.
Ảnh minh họa
1. Đặt vấn đề
Ở Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình bày tại Đại hội XIII của Đảng xác định “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Đây là lần đầu tiên Đảng ta chính thức sử dụng thuật ngữ “quản trị quốc gia” trong văn kiện Đại hội của Đảng[1]. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 cũng xác định “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội”[2], đồng thời Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định việc "Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả"[3].
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao năng lực quản trị để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả mà Đại hội XIII của Đảng đề ra là điều cần thiết ở tất cả các cấp, các ngành, trong đó có chính quyền địa phương. Việc nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương sẽ góp phần hiệu quả vào việc đổi mới quản trị quốc gia.
2. Quản trị quốc gia, quản trị nhà nước ở địa phương và năng lực quản trị của chính quyền địa phương
2.1. Quản trị quốc gia, quản trị nhà nước ở địa phương
Trong quá trình cải cách, các quốc gia bắt đầu chuyển đổi cách tiếp cận từ “quản lý nhà nước” sang cách tiếp cận “quản trị nhà nước” và “tại các nước đang phát triển, đặc biệt là với các quốc gia Đông Á, quản trị quốc gia cũng có thể được dùng hoán đổi với quản trị nhà nước”[4]. Thuật ngữ “quản trị nhà nước” bắt đầu được sử dụng từ thập niên 1990, gắn với quá trình cải cách khu vực công ở các nước và thực thi mô hình quản lý công mới. Theo Huther và Shah (1996), quản trị nhà nước là các khía cạnh thực hành quyền lực qua thể chế chính thức hoặc phi chính thức nhằm quản trị mọi nguồn tài nguyên đã giao cho Nhà nước[5]. Từ những thập niên 1990 trở lại đây, hướng tiếp cận “quản trị tốt” trở thành một lựa chọn cho việc định hướng xây dựng các nền quản trị quốc gia. Theo Ngân hàng thế giới (1996), “Quản trị tốt là cách thức sử dụng sức mạnh quyền lực nhà nước để quản lý nguồn lực xã hội vì sự phát triển quốc gia”[6]. Theo UNDP (1997), quản trị nhà nước tốt là “việc thực thi các loại quyền lực như kinh tế, chính trị và hành chính để quản lý tốt mọi vấn đề của đất nước ở tất cả các cấp chính quyền”[7]. Quản trị quốc gia tốt cần thỏa mãn các tiêu chí căn bản như đã được đề ra[8].
Do đó, hiểu một cách đơn giản, “quản trị quốc gia (national governance) là thông qua các thể chế chính thức hoặc phi chính thức để kiểm soát, quản trị các nguồn lực của đất nước”[9]. Hay nói cách khác “quản trị quốc gia là việc thực thi quyền lực chính trị, kinh tế, và hành chính để giải quyết các vấn đề ở mọi cấp độ. Đó là tất cả các hoạt động nhằm “chèo lái” con thuyền đất nước đến mục tiêu chung”[10].
Nhìn chung, việc thay đổi “quản lý nhà nước” sang “quản trị nhà nước”, “quản trị quốc gia” không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về thuật ngữ mà còn hàm chứa những bước tiến về nhận thức và hành động. Nếu quản lý nhà nước được hiểu là sự quản lý của bộ máy nhà nước đối với các lĩnh vực, hoạt động đời sống xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ thể quản lý; đối với quản trị nhà nước, quản trị quốc gia thì Nhà nước vừa là chủ thể quản trị xã hội, vừa là đối tượng được quản trị bởi công dân và các thiết chế xã hội khác. Cho đến nay, tùy thuộc vào trình độ phát triển cũng như đặc thù bối cảnh, mỗi quốc gia có thể theo đuổi những triết lý và mô hình khác nhau trong việc xây dựng nền quản trị quốc gia, nhưng những triết lý và mô hình đó đều thống nhất việc xem xét người dân là trung tâm của nền quản trị quốc gia. Mục đích cuối cùng của quản trị quốc gia là đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển bền vững của quốc gia nhằm tạo lập, duy trì và củng cố những giá trị cần thiết cho sự phát triển bền vững.
Tương tự ở cấp độ địa phương thì "quản trị địa phương" bắt đầu xuất hiện gắn với chuyển đổi cách tiếp cận từ “quản lý nhà nước” sang cách tiếp cận “quản trị nhà nước”. Do đó, cách tiếp cận “quản trị nhà nước ở địa phương” cũng dần thay thế cho “quản lý nhà nước ở địa phương”. Theo May, quản trị địa phương là việc quản trị ở cấp địa phương không chỉ thuộc về bộ máy chính quyền mà còn thuộc về cả cộng đồng nói chung và những tương tác giữa cộng đồng với các cơ quan công quyền địa phương[11]. Như vậy, quản trị nhà nước ở địa phương hay nói cách khác là quản trị của chính quyền địa phương là một phần của quản trị địa phương (quản trị nhà nước thực hiện trên địa bàn lãnh thổ địa phương), được thực hiện dựa trên những nguyên tắc chung của quản trị nhà nước, do chính quyền địa phương thực hiện để thực hiện chiến lược phát triển địa phương và đáp ứng yêu cầu của người dân.
2.2. Năng lực quản trị của chính quyền địa phương
Theo Hoàng Phê, năng lực là “khả năng, điều kiện chủ quan, hoặc tự nhiên, sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó. Phẩm chất sinh lý và tâm lý tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao”[12]. Nói cách khác, năng lực là khả năng sử dụng các tài sản, tiềm lực của con người như kiến thức, kỹ năng và các phẩm chất khác để đạt được các mục tiêu cụ thể trong các điều kiện xác định. Thông thường, năng lực của con người gồm có các thành tố là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trên cơ sở nghiên cứu ba cấp độ của năng lực, UNDP[13] đã đưa ra khái niệm năng lực chung cho tất cả cá nhân, tổ chức và xã hội: “năng lực là khả năng của cá nhân, tổ chức và xã hội để thực hiện chức năng, giải quyết vấn đề, thiết lập và đạt được mục tiêu một cách bền vững”[14].
Theo Martin Brusis, năng lực quản trị (governance capacity) một tập hợp các kỹ năng và nguồn lực thực thi các chính sách để đạt được mục tiêu chiến lược của nền dân chủ và nền kinh tế thị trường[15]. Theo Kjaer, Kooiman, Healey et al., Nelissen, Gualini, Pikner, năng lực quản trị là khả năng của các chủ thể trong xã hội cùng nhau giải quyết các vấn đề của cộng đồng[16]. Theo Hoàng Mai, “năng lực quản trị địa phương có thể được hiểu là những thuộc tính, những giá trị của các chủ thể quản trị địa phương phù hợp với yêu cầu quản trị địa phương, bảo đảm thúc đẩy sự phát triển của địa phương và đáp ứng sự kỳ vọng mong đợi của địa phương”[17].
Như vậy, từ góc độ quản trị nhà nước ở địa phương có thể xem xét năng lực quản trị của chính quyền địa phương là một phần cấu thành năng lực quản trị địa phương, đó là khả năng của chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các hoạt động quản trị nhà nước ở địa phương. Nói cách khác, năng lực quản trị địa phương được cấu thành từ năng lực quản trị của chính quyền địa phương và năng lực của các chủ thể khác tham gia quản trị địa phương; trong đó, năng lực quản trị của chính quyền địa phương là thành tố quan trọng, là mấu chốt của năng lực quản trị địa phương.
Trong phạm vi bài viết này, năng lực quản trị của chính quyền địa phương được tiếp cận trong tổng thể năng lực quản trị quốc gia, năng lực quản trị địa phương. Đó là khả năng của chính quyền địa phương có thể thực hiện các chính sách, biện pháp phù hợp với yêu cầu quản trị địa phương trong quản trị nhà nước, bảo đảm cho chính quyền địa phương có khả năng thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương và đáp ứng sự kỳ vọng, mong đợi của người dân. Việc đánh giá đầy đủ về năng lực quản trị của chính quyền địa phương không phải là một vấn đề đơn giản. Do đó, trong phạm vi bài viết này, tác giả tiếp cận năng lực quản trị của chính quyền địa phương trên năng lực của 03 trụ cột chính (thể chế - bộ máy - con người). Chính quyền địa phương quản trị hiệu quả các hoạt động địa phương khi chính quyền địa phương ban hành hệ thống các quy định phù hợp với điều kiện địa phương, có tổ chức bộ máy tinh gọn, linh hoạt và đội ngũ nhân sự có chất lượng, có khả năng giải quyết tốt các vấn đề của địa phương và không ngừng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp địa phương. Vì vậy, năng lực quản trị của chính quyền địa phương được tiếp cận trên các phương diện sau: (1) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương ban hành để làm cơ sở cho quản trị các vấn đề địa phương; (2) Tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương; (3) Đội ngũ nhân sự trong bộ máy chính quyền địa phương; (4) Hoạt động cung ứng dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp ở địa phương.
3. Thực trạng năng lực quản trị của chính quyền địa phương ở nước ta và một số yêu cầu đặt ra trong nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương
3.1. Thực trạng năng lực quản trị của chính quyền địa phương ở nước ta
Chính quyền địa phương đã không ngừng nâng cao năng lực quản trị của mình, để quản trị một cách tốt nhất các vấn đề của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập trong năng lực quản trị của chính quyền địa phương.
Thứ nhất, các văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương ban hành vẫn còn mâu thuẫn, trái với các quy định của trung ương.
Trong thực hiện hoạt động quản trị địa phương, chính quyền địa phương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để cụ thể các quy định của trung ương, đảm bảo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong quản trị các vấn đề địa phương đúng pháp luật: “chính quyền địa phương các cấp đã chú trọng việc ban hành và tổ chức thực hiện các VBQPPL theo thẩm quyền, mỗi năm ban hành hàng ngàn quyết định để cụ thể hóa các văn bản của trung ương cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương"[18], giai đoạn 2011 -2015 chính quyền địa phương ban hành 283.546 VBQPPL, giai đoạn 2016 -2020 ban hành 102.280 VBQPPL[19].
Các VBQPPL này đã cụ thể hóa các quy định của trung ương, giúp chính quyền địa phương có cơ sở để quản lý, điều hành các vấn đề phát sinh của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chính quyền địa phương ban hành VBQPPL trái pháp luật, chưa phù hợp với quy định của trung ương. Theo kết quả kiểm tra của Bộ Tư phápnăm 2015 thì các địa phương tự kiểm tra 28.694 VBQPPL, đã phát hiện 561 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành, nội dung (trong đó 88 VBQPPL trái pháp luật cả về thẩm quyền và nội dung; 149 VBQPPL trái pháp luật về thẩm quyền; 324 VBQPPL trái pháp luật về nội dung)[20]. Ngoài ra năm 2015, qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, đã phát hiện 126 VBQPPL của chính quyền địa phương sai về cả thẩm quyền ban hành và nội dung; 237 VBQPPL sai về thẩm quyền ban hành; 813 VBQPPL sai về nội dung. Ngoài ra, có 4.318 VBQPPL sai sót về hiệu lực văn bản, căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 1.691 văn bản không phải là VBQPPL nhưng có chứa QPPL[21].
Năm 2020, các địa phương tự kiểm tra 5.135 văn bản (gồm 2.031 văn bản cấp huyện, 3.104 văn bản cấp xã). Kết quả phát hiện 282 VBQPPL có quy định trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành và 58 văn bản không phải là VBQPPL nhưng có chứa QPPL. Ngoài ra, còn phát hiện 705 VBQPPL của địa phương sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật. Đặc biệt, năm 2020, Bộ Tư pháp kiểm tra 4.702 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh đã phát hiện và kết luận 62 VBQPPL có quy định trái pháp luật, 225 VBQPPL sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức, kỹ thuật trình bày[22].Từ năm 2011 đến 31/5/2020, đã phát hiện tại các tỉnh “số VBQPPL trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền là 7.841 VBQPPL”[23].
Thứ hai, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương vẫn chưa đổi mới, linh hoạt để đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương.
Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã nổ lực thực hiện đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhằm góp phần xây dựng chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả. Kết quả thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, “tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế”[24].
Mặt khác, tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương được thiết lập chưa đáp ứng yêu cầu tham mưu giúp chính quyền địa phương quản trị hiệu quả các vấn đề của địa phương: “cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động sáng tạo và phù hợp với đặc thù địa phương, mà cơ bản được tổ chức đồng nhất như nhau, chưa thật sự phù hợp với tinh thần Kết luận số 64-KL/TW”[25].
Thư ba, đội ngũ nhân sự trong bộ máy chính quyền địa phương có cơ cấu, số lượng chưa thật sự hợp lý; tư duy, kỹ năng thực thi công vụ vẫn còn những hạn chế nhất định.
Đội ngũ nhân sự trong bộ máy chính quyền địa phương từng bước được nâng lên cả về trình độ chuyên môn, chất lượng và hiệu quả công tác. Tuy nhiên, cơ cấu nhân sự trong bộ máy chính quyền địa phương vẫn còn tình trạng mất cân đối, “chỗ thừa, chỗ thiếu”, “cơ cấu công chức chưa hợp lý, còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu”[26].
Bên cạnh đó, một trong những rào cản hàng đầu của quá trình cải cách, đổi mới hoạt động quản trị địa phương hiện nay là tâm lý ngại thay đổi của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến "chống đối, kháng cự" lại quá trình cải cách, đổi mới. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể kể đến là đội ngũ này không nhìn thấy hạn chế của hoạt động quản trị địa phương; lo sợ về những cái mà họ chưa biết khi thực thi công vụ, nhiệm vụ; lo lắng về những mất mát cá nhân khi thực hiện thay đổi; thiếu tin tưởng và sợ thất bại khi thay đổi. Đặc biệt, tư duy ngại thay đổi này có thể xuất phát từ việc đội ngũ này không muốn thay đổi do lợi ích cá nhân của mình vì thông thường khi nền hành chính địa phương càng có những khó khăn, phức tạp thì càng tạo tâm lý lo lắng cho người dân và doanh nghiệp và dễ tạo điều kiện cho người thực thi công vụ, nhiệm vụ lợi dụng khó khăn, phức tạp này để gây khó cho người dân và doanh nghiệp và tìm kiếm lợi ích.Vì vậy, đội ngũ này sẽ có khuynh hướng bảo vệ cho những cái cũ, không ủng hộ quá trình cải cách, đổi mới thậm chí chống đối lại quá trình đổi mới, cải cách. Từ đó hình thành nên suy nghĩ và hành động theo hướng “như thế là được” “cái đó từ xưa tới giờ vẫn làm thế cần gì phải thay đổi”. Chính suy nghĩ và hành động này dẫn đến việc cải cách, đổi mới hoạt động quản trị của chính quyền địa phương không được thực hiện hiệu quả mà một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức "làm cho có" hoặc "làm cho xong".
Ngoài ra, chất lượng thực thi công vụ của công chức chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn chưa cao, việc giải quyết công việc liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu, một bộ phận không nhỏ chưa đáp ứng được những yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ đặc biệt là những kỹ năng cần thiết để thực thi công vụ còn hạn chế dẫn đến việc thi hành công vụ nhiều lúc còn thụ động, thiếu tính chuyên nghiệp[27].
Thứ tư, hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công của chính quyền địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ tốt nhất người dân doanh nghiệp.
Một trong những nội dung trọng tâm được các địa phương thực hiện là đẩy mạnh cung ứng DVC trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp góp phần xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số. Tuy nhiên, thực tế triển khai việc cung ứng DVC trực tuyến ở các địa phương vẫn còn nhiều bất cập.
Điển hình là việc xây dựng và vận hành cổng thông tin điện tử của một số các cơ quan nhà nước ở địa phương còn hạn chế, các cổng thông tin điện tử này khó truy cập liên kết đến cổng thông tin điện tử cấp huyện hoặc cổng thông tin điện tử cấp huyện của một số địa phương vẫn chưa có thể kết nối việc thực hiện cung ứng DVC trực tuyến. Đặc biệt, cấp xã ở một số các địa phương vẫn chưa xây dựng và vận hành được cổng thông tin điện tử phục vụ việc cung ứng DVC trực tuyến để tăng cường sự tương tác, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện nay, các địa phương mặc dù đã thực hiện việc cung ứng các DVC trực tuyến nhưng chủ yếu các DVC này ở mức đơn giản là cung cấp các biểu mẫu trên môi trường mạng, có rất ít DVC trực tuyến cho phép người dân gửi, thanh toán lệ phí và việc xử lý, trả hồ sơ qua môi trường mạng. Do đó, các DVC của chính quyền địa phương được cung ứng trực tuyến mức độ cao (mức 3 và mức 4) còn khá ít so với nhu cầu của tổ chức và công dân, các địa phương chỉ mới chủ yếu cung ứng các DVC mức 1 và mức 2[28].
3.2. Một số yêu cầu đặt ra trong việc nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương đáp ứng việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Xét ở góc độ quản trị quốc gia nói chung, quản trị địa phương nói riêng, nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương sẽ góp phần vào việc thực hiện hiệu quả việc đổi mới quản trị quốc gia. Do đó, một trong những vấn đề đặt ra trong việc đổi mới quản trị quốc gia là phải nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương để chính quyền địa phương có thể phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Qua đó, chính quyền địa phương có thể vận hành theo đúng giá trị kiến tạo của nền quản trị quốc gia. Vì vậy, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả đặt ra một số vấn đề sau trong nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương:
Thứ nhất, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về chính quyền địa phương; tiếp tục xây dựng bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ nhân sự liêm chính, phục vụ.
Đổi mới nền quản trị quốc gia không chỉ mang đến động lực cho việc nâng cao năng lực quản trị của chính địa phương mà quan trọng hơn chính tuyên ngôn, quyết tâm chính trị và thông qua hành động này đã đặt ra yêu cầu bức thiết về hoàn thiện thể chế, xây dựng bộ máy và xây dựng đội ngũ nhân sự địa phương đáp ứng các yêu cầu quản trị của chính quyền địa phương địa phương.
(i) Yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế về chính quyền địa phương:Sự ra đời củaHiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020, đã góp phần hoàn thiện thể chế về chính quyền địa phương tạo ra không gian mới nhiều thuận lợi cho chính quyền địa phương trong quản trị nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, thể chế về chính quyền địa phương vẫn còn tồn tại những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia. Thể chế về chính quyền địa phương phải tiếp tục được xây dựng, củng cố, hoàn thiện để giúp phân định rõ ràng, đầy đủ thẩm quyền của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt nhằm tạo sức bật cho sự phát triển mới của địa phương.
(ii) Yêu cầu tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ nhân sự có năng lực, chuyên nghiệp, luôn nêu cao tinh thần phục vụ:Một nguyên nhân không nhỏ làm giảm hiệu quả quản trị của chính quyền địa phương là tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương chưa tinh gọn, chậm đổi mới, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn hạn chế. Điều này trực tiếp trở thành lực cản cho mục tiêu thịnh vượng trong sự phát triển bền vững của địa phương. Trong nền quản trị quốc gia đòi hỏi tổ chức bộ máy chính quyền địa phương phải thực sự tinh gọn và khoa học, có khả năng cảm nhận, thích ứng và giải quyết tốt các vấn đề của địa phương. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tạo nên “sự thống nhất trong đa dạng” về tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản trị của chính quyền địa phương.Đồng thời, các địa phương đứng trước yêu cầu phải quy tụ, thu hút, trọng dụng và giữ chân được những nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao với bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tư duy, kỹ năng, tri thức nhìn nhận toàn diện, bao quát thời cơ, thách thức và biết cách ứng phó với rủi ro trong quá trình thực thi nhiệm vụ ở địa phương, quản lý trên nền tảng tư duy kiến tạo.
Thứ hai, chính quyền địa phương phải hiện thực hóa các cơ chế đặc thù dựa trên sự khác biệt về đặc điểm của địa phương, cũng như các lợi thế so sánh của địa phương để phát triển bền vững.
Trong đổi mới quản trị quốc gia, chính quyền trung ương luôn quan tâm, coi trọng việc đổi mới hoạt động quản trị của chính quyền địa phương. Do vậy, chính quyền trung ương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thông qua việc Chính phủ quy định hoặc trình Quốc hội quy định những cơ chế đặc thù cho các địa phương với mục tiêu tạo cơ sở cho tăng trưởng và phát triển bền vững tại các địa phương[29].
Dựa trên những khác biệt về đặc điểm như đơn vị hành chính là đô thị, nông thôn, hải đảo hay đặc thù về dân số cũng như các lợi thế so sánh khác của các địa phương;đặc biệt dựatrên các cơ chế đặc thù do trung ương tạo ra thì chính quyền địa phương đứng trước yêu cầu phải xây dựng được những mô hình, giải pháp hữu hiệu để hiện thực hóa các cơ chế đặc thù mà trung ương đã xác lập, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đó cũng là sứ mệnh chính trong quản trị nhà nước ở địa phương của chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển địa phương một cách bền vững.
Thứ ba, chính quyền địa phương phải tư duy và hành động nhanh chóng, linh hoạt, sáng tạo để quản trị hiệu quả các vấn đề của địa phương.
Đổi mới quản trị quốc gia buộc tất cả các ngành, các cấp phải thay đổi cả tư duy và hành động, phải sáng tạo, chủ động trong toàn bộ quá trình thực hiện sứ mệnh của mình trước Nhân dân. Việc đổi mới trước hết buộc chính quyền địa phương phải xác định lại sứ mệnh của mình là dẫn dắt, định hướng và khuyến khích, tạo điều kiện cho xã hội phát triển theo đúng khuôn khổ và định hướng của cả nền quản trị quốc gia thay vì quản lý xã hội như trước đây.
Như vậy, về tư duy, đổi mới quản trị quốc gia đòi hỏi chính quyền địa phương phải thay đổi tư duy về mục tiêu của quản trị nhà nước ở địa phương từ mục tiêu quản lý sang quản trị, lấy hiệu quả thực thi công vụ, phục vụ người dân và doanh nghiệp tại địa phương làm mục tiêu quản trị (lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của sự phục vụ). Điều này đòi hỏi nhà quản trị của địa phương phải trân trọng, khuyến khích các tư duy mới, đột phá, sáng tạo vì giá trị chung của cộng đồng địa phương.Về hành độngsẽ phải thay đổi phương thức quản trị để nâng cao hiệu quả, chất lượng cung ứng các dịch vụ cho tổ chức, công dân phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ. Do đó, chính quyền địa phương cũng buộc phải thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ cách thức quản trị nhà nước ở địa phương, chuyển phương thức quản lý truyền thống sang phương thức quản trị hiện đại, trực tuyến.
Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đối mặt với nhiều thách thức. Các thách thức này đòi hỏi chính quyền địa phương phải hành động, phải thiết lập một cơ chế hành động nhanh nhất có thể để kịp thời quản trị, ứng phó với các vấn đề xảy ra ở cấp độ địa phương, quốc gia[30]. Năng lực quản trị của chính quyền địa phương phải đổi mới để đáp ứng với những thách thức này.
Thứ tư, chính quyền địa phương phải không ngừng củng cố và gia tăng niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào chính quyền địa phương.
Ở nền quản trị quốc gia tốt thì hệ thống các cơ quan nhà nước trong đó có chính quyền địa phương phải làm tốt vai trò dẫn đắt, định hướng của mình, phải sử dụng tốt các công cụ kiến tạo phát triển để phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, các cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước phải thực thi công vụ vì Nhân dân, không vụ lợi, không tham nhũng.
Nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương sẽ tạo nên động lực tăng trưởng và phát triển mới cho các địa phương. Đây là cơ sở kinh tế, chính trị quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định an ninh, chính trị, xã hội của địa phương một cách bền vững. Qua đó, củng cố và gia tăng niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào chính quyền địa phương.
4. Một số kiến nghị
Để nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương góp phần thực hiện việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả, tác giả đưa ra một số đề xuất sau:
Một là, tiếp tục định vị, hoàn thiện vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong quản trị nhà nước ở địa phương; thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền mạnh mẽ, hợp lý theo tinh thần Đại hội XIII.
Chính quyền địa phương có chức năng, nhiệm vụ trong quản trị các vấn đề của địa phương. Ở nước ta, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã có những quy định cụ thể. Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa thật sự phân định một cách đầy đủ, rõ ràng nhất về thẩm quyền của các cấp chính quyền địa phương gắn với đặc thù của từng địa phương. Do đó, trong thời gian tới, nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật về chính quyền địa phương, phải tiếp tục định vị rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương,phân định rõ thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương theo tinh thần của Đại hội XIII đã xác định “Xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”, “củng cố, hoàn thiện hệ thống chính quyền địa phương; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương”[31]. Phân cấp, phân quyền, ủy quyền góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trên cơ sở phân định rõ, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy nhà nước; mặt khác, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của chính quyền Trung ương, tăng cường kỷ luật, kỷ cương để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phục vụ tốt hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở từng địa phương trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi địa phương.
Do đó, phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm để đảm bảo hiệu quả trong quản trị nhà nước, khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp chính quyền địa phương trong thực hiện quản trị địa phương theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng“đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành”, “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành”[32].
Hai là, đẩy mạnh quá trình thực hiện chuyển đổi số gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số ở chính quyền địa phương.
Thực hiện chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu giúp các cấp chính quyền địa phương nâng cao năng lực quản trị địa phương, để chính quyền địa phương quản trị hiệu quả các hoạt động của địa phương và phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Do đó, chính quyền địa phương phải đẩy mạnh chuyển đổi số hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, để góp phần thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số theo tinh thần Đại hội XIII đã xác định “thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, tổ chức xã hội và quản lý tài nguyên quốc gia”,“thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước...”[33].
Trước mắt, các cấp chính quyền địa phương phải xây dựng các đề án, kế hoạch triển khai và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số gắn với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020. Về lâu dài, các cấp chính quyền địa phương phải tiếp tục có những chiến lược, kế hoạch, giải pháp đột phá để xây dựng chính quyền địa phương trở thành chính quyền điện tử, chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả cung ứng DVC trực tuyến phục vụ người dân doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng DVC nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn là một trong những mục tiêu xuyên suốt của chính quyền địa phương trong quản trị địa phương. Cung ứng DVC trực tuyến sẽ đảm bảo người dân, doanh nghiệp nhận được các dịch vụ có chất lượng từ chính quyền địa phương. Đó là biểu hiện sinh động của một chính quyền điện tử, kiến tạo, phục vụ. Vì vậy, trong thời gian sắp tới, chính quyền địa phương cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng cung ứng các DVC trực tuyến của các CQNN để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Các địa phương phải quan tâm việc kết nối thông tin, dữ liệu của Cổng thông tin điện tử này với Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm tăng số lượng các DVC trực tuyến và tăng mức độ của DVC trực tuyến tiến tới đảm bảo, nâng tỷ lệ cung ứng DVC trực tuyến mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ cá nhân, tổ chức, mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương diện khác nhau. Hiện nay, hạ tầng công nghệ và giải pháp thanh toán của các ngân hàng đã được hoàn thiện, hoạt động thanh toán liên ngân hàng rất thông suốt, nhanh chóng. Do đó, các địa phương trong cung ứng DVC trực tuyến cần đẩy mạnh liên kết các ngân hàng để phát triển và ứng dụng phương thức thanh toán điện tử tiên tiến để thực hiện việc thu phí, lệ phí các TTHC, DVC nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thanh toán phí, lệ phí.
Bốn là, xây dựng chiến lược phát triển văn hóa quản trị của chính quyền địa phương gắn với việc thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, các địa phương phải xác định rõ sứ mệnh, mục tiêu, giá trị cốt lõi của mình để các chủ thể trong quản trị địa phương nhất là chính quyền địa phương theo đuổi và thực hiện. Tất cả điều này phải được xây dựng thành chiến lược văn hóa quản trị ở địa phương. Do đó, chính quyền địa phương phải xây dựng và xác lập chiến lược phát triển văn hóa quản trị thay cho văn hóa quản lý ở các cấp chính quyền địa phương. Văn hóa quản trị sẽ định hướng cho tư duy và hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp thay vì quản lý người dân và doanh nghiệp. Chiến lược phát triển văn hóa quản trị của địa phương cần được công bố công khai, rộng rãi, để cán bộ, công chức, viên chức được biết để thống nhất hành động và Nhân dân kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả quản trị trong bối cảnh hiện nay, buộc các địa phương phải liên tục tìm tòi những cái mới, sáng tạo và thay đổi phương phức quản trị cho phù hợp với yêu cầu của nền quản trị quốc gia và thực tiễn quản trị địa phương. Do đó, việc địa phương xây dựng và phát triển văn hóa quản trị của chính quyền địa phương trong quản trị nhà nước ở địa phương cũng phù hợp với xu thế đó. Văn hóa trong quản trị địa phương góp phần phát huy được năng lực, thúc đẩy sự sáng tạo và thể hiện trách nhiệm của chính quyền địa phương trong xây dựng chính quyền kiến tạo, thân thiện, trách nhiệm vì Nhân dân. Trong văn hóa quản trị địa phương, cần đặc biệt lưu ý việc thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương trước Nhân dân. Bởi lẽ, trách nhiệm giải trình chính là văn hóa quản trị nhà nước phù hợp với nền quản trị quốc gia tốt mà tất cả nền quản trị quốc gia đều phải thực hiện. Do vậy, chính quyền địa phương phải duy trì và thực hiện một cách thực chất việc công bố, cung cấp thông tin chính thức đối với hoạt động quản trị của mình, thường xuyên tổ chức việc giải trình những hoạt động của mình trước Nhân dân địa phương.
Năm là, tiếp tục xác định vị trí việc làm của công chức chính quyền địa phương.
Công chức chính quyền địa phương là chủ thể quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ quản trị nhà nước tại địa phương. Công chức này có những đặc điểm hoàn toàn khác với công chức trong bộ máy chính quyền ở trung ương. Do đó, chính quyền địa phương cần phải xác định vị trí việc làm của đội ngũ công chức này để có cơ sở tuyển dụng, sử dụng đội ngũ này một cách khoa học, hợp lý đáp ứng yêu cầu quản trị nhà nước ở địa phương. Xác định vị trí việc làm là giải pháp quan trọng giúp chính quyền địa phương tránh được tình trạng định sẵn nhân sự rồi mới tạo ra công việc và tránh sự chồng chéo khi phân công công việc, khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực.
Một trong những nguyên tắc quan trọng để xác định vị trí việc làm của công chức là các vị trí việc làm này phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong bộ máy chính quyền địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới để thực hiện việc xác định vị trí việc làm có hiệu quả thì chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy chính quyền địa phương (nhất là các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, cấp tỉnh) nhằm loại bỏ các trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị được quy định cụ thể, rõ ràng, thống nhất sẽ đảm bảo cho việc thực hiện xác định vị trí việc làm có hiệu quả và chất lượng.
Bên cạnh đó, xuất phát từ đặc thù của công chức trong bộ máy của chính quyền địa phương phải xác định rõ yêu cầu về chuyên môn của từng vị trí việc làm của công chức ở chính quyền địa phương. Do vậy, chính quyền địa phương có thẩm quyền quản lý công chức cần tiến hành tổng hợp, phân tích vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị sử dụng công chức để xác định khung năng lực chung cho các vị trí việc làm và những yêu cầu cụ thể, đặc thù gắn với địa phương, đặc biệt trong đó cần xác định rõ chuyên môn của công chức tương ứng với từng vị trí việc làm tại địa phương.
Sáu là, đổi mới việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực quản trị hiện đại cho cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền địa phương.
Chính quyền địa phương trong hoạt động quản trị địa phương cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự của mình. Hiện nay, năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chính quyền địa phương nhiều nơi vẫn còn yếu, một bộ phận không nhỏ chưa đáp ứng được những yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa có những kỹ năng cần thiết để thực thi công vụ đặc biệt trong các tình huống, bối cảnh phức tạp như hiện nay. Điều này dẫn đến việc thi hành công vụ của đội ngũ này nhiều lúc còn thụ động, thiếu khả năng độc lập, thiếu tính chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả quản trị nhà nước ở địa phương.
Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, trang bị kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu quản trị nhà nước ở địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay đối với các cấp chính quyền địa phương, nhất là trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số hiện nay. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải được đổi mới để giúp phát triển năng lực thực thi công vụ, nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với từng vị trí việc làm; phải đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng theo nhu cầu; kỹ năng theo hướng cầm tay chỉ việc. Đặc biệt,cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình thực hiện chuyển đổi số ở Việt Nam đã và đang mang đến những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực, làm thay đổi căn bản nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo nên sự chuyển đổi mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội. Do vậy,trong bối cảnh đó, phải tiến hành bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng về quản trị điện tử, quản trị hiện đại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính quyền địa phương.
Bảy là, đẩy mạnh thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động quản trị của chính quyền địa phương.
Việc nâng cao năng lực quản trị nhà nước của chính quyền địa phương ở Việt Nam phải đảm bảo các nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm, phải dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, làm cho tất cả người dân được hưởng thành quả từ quá trình quản trị nhà nước ở địa phương; đảm bảo hầu hết người dân có nhận thức đầy đủ về các lợi ích, đảm bảo người dân được khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi trong quá trình xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển địa phương. Đồng thời, người dân được tạo điều kiện, hướng dẫn để có thể tiếp cận được các dịch vụ của địa phương một cách thuận tiện nhất.
Sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương là tất yếu của quá trình xây dựng, nâng cao năng lực quản trị địa phương của chính quyền địa phương, giúp các quyết định quản trị của chính quyền địa phương được chính xác, phù hợp với địa phương. Thu hút sự tham gia của người dân đảm bảo người dân trở thành trung tâm, đóng góp vào việc xây dựng địa phương. Sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương thể hiện rõ tư duy và hành động của chính quyền địa phương trong việc xem người dân là chủ thể tham gia vào việc tạo ra các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và người dân cũng sẽ là người thụ hưởng các giá trị này và thực hiện tốt nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và phát triển thành “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định[34].
Để thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động quản trị nhà nước ở địa phương, trước hết chính quyền địa phương phải giúp cho người dân hiểu rõ được vị trí, quyền hạn của mình trong tham gia hoạt động quản trị ở địa phương để người dân tích cực tham gia và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Trong quản trị tại địa phương, chính quyền địa phương cần chú ý đổi mới việc tổ chức các hình thức và phương thức tham gia của người dân. Cần lưu ý rằng, sự tham gia của người dân cần có sự cam kết và ủng hộ chính trị và trở thành văn hóa chính trị trong quản trị nhà nước của chính quyền địa phương và phải được thực hiện một cách thực chất tránh hình thức. Khi người dân tin rằng bộ máy chính quyền địa phương và lãnh đạo địa phương sẵn sàng cung cấp thông tin, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của người dân vào việc giải quyết các vấn đề của địa phương thì người dân sẽ tích cực tham gia và ngược lại.
4. Kết luận
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả là một trong những trọng tâm đột phá mà Đại hội XIII của Đảng ta đã xác định. Để thực hiện thành công việc đổi mới quản trị quốc gia rất cần những đổi mới cả về tư duy lẫn hành động của tất cả các cấp, các ngành. Dưới góc độ quản trị của chính quyền địa phương việc nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương sẽ góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các đột phá mà Đại hội XIII đã đề ra./.
ThS. NGUYỄN ĐẶNG PHƯƠNG TRUYỀN
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh.