Nâng cao vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí có vai trò rất quan trọng, vừa góp phần phát hiện, đấu tranh với những vụ việc, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, từ đó phản ánh, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật; vừa tuyên truyền, động viên, cổ vũ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực...

Vai trò báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Luật hóa

Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định trong các nghị quyết, văn kiện của Ðảng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong phòng, chống tham nhũng tại Ðiều 75. Ðiều 13 Luật Phòng, chống tham nhũng còn quy định cụ thể về việc họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về công tác phòng, chống tham nhũng. Ðiều 14 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó cho cơ quan báo chí. Ðiều 15 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình. Bên cạnh đó, Ðiều 4, Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, trong đó có nhiệm vụ "Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội". Như vậy, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí đã được luật hóa.

Tuy nhiên, cũng theo quy định của pháp luật hiện hành, báo chí không có thẩm quyền điều tra hoặc thanh tra như các cơ quan bảo vệ pháp luật. Báo chí cũng không có bộ máy, các thiết chế, chế tài pháp luật hoặc công cụ hỗ trợ khác để tiến hành các hoạt động điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Nhưng báo chí lại có các hình thức khác nhau để phát hiện những vụ việc tham nhũng, tiêu cực (như qua thư bạn đọc gửi đến cơ quan báo chí, phóng viên; thông qua việc tiếp nhận các phản ánh, tố cáo của người dân, hoặc báo chí phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và thực hiện những biện pháp điều tra đặc thù của nghề nghiệp...).  

Đóng góp của báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Thực tế cho thấy, báo chí đã đóng góp vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí thường xuyên phản ánh các hành vi sai phạm, cảnh cáo, răn đe đối với những biểu hiện tha hóa quyền lực, vi phạm đạo đức, lối sống và những lời cảnh báo đó đã trở thành sự thật. Báo chí cũng là một trong những nguồn thông tin phản ánh hiệu quả, chính xác, giúp các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Không những vậy, báo chí còn đặt ra và trả lời nhiều câu hỏi lớn mà dư luận quan tâm, như: nguyên nhân tham nhũng, tiêu cực; hậu quả; giải pháp phòng, chống..., từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà báo chí thường xuyên thực hiện là

tập trung tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền về việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; về trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch…

Tăng cường phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng

Mặc dù báo chí đã có những đóng góp tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhưng do các nguyên nhân khác nhau, vai trò của báo chí trong lĩnh vực quan trọng này vẫn chưa được phát huy đúng mức. Do đó, để có thể nâng cao và phát huy được vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp cơ bản cả đối với cơ quan báo chí và với các cơ quan chức năng…

- Đối với Cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo: Cần quán triệt thực hiện tốt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách trong sự nghiệp xây dựng Đảng, phát triển đất nước. Đặc biệt là việc xây dựng một đội ngũ phóng viên, nhà báo có tâm, có tầm và có tài; tránh việc phóng viên đưa tin chưa khách quan, chưa chính xác, làm sai lệch bản chất vụ việc, đưa ra những bình luận vượt quá thẩm quyền của báo chí. Phóng viên khi đưa tin, bài về tham nhũng cần tránh cả hai khuynh hướng:  Đưa tin thiếu chọn lọc, thiếu cân nhắc, thiếu kiểm chứng làm đơn giản hoá hoặc phức tạp hoá vấn đề; hoặc đưa tin cắt xén, bưng bít làm hiểu sai vấn đề, gây mất lòng tin trong nhân dân.

- Cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo cần kết hợp chặt chẽ, đúng pháp luật với các cơ quan chức năng như kiểm tra, giám sát, thanh tra, nội chính, công an và các đoàn thể chính trị xã hội trong việc nhận diện, phát hiện các hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên. Từ đó, báo chí sẽ thực hiện tốt vai trò của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Bên cạnh những mặt tích cực, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan báo chí còn một số tồn tại, hạn chế; như việc phản ánh chưa kịp thời, chưa đầy đủ đối với các vụ việc, hiện tượng có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin. Còn có trường hợp, thông tin từ báo chí thiếu khách quan, áp đặt, gây dư luận không lành mạnh, làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Mặt khác, cơ chế bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực chưa đủ mạnh nên cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến một số người làm báo chưa thực sự dám dấn thân, quyết liệt đến cùng, sợ phải gánh chịu những rủi ro cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó cũng có một số ít người làm báo vì bản lĩnh chính trị không vững vàng, bị lợi ích vật chất cám dỗ, nên trong quá trình tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có biểu hiện bao che, đồng lõa với các sai phạm để hưởng lợi.

- Đối với các cơ quan chức năng: Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ phóng viên, cơ quan báo chí, đưa tin về tham nhũng, để phóng viên, cơ quan báo chí không ngại đưa tin về tham nhũng vì tâm lý sợ gánh chịu hậu quả, sợ chẳng thay đổi được gì vì người bị tố cáo có chức vụ, quyền hạn và có vị thế cao trong xã hội. Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí e ngại, cố tình tránh tiết lộ thông tin tham nhũng do sợ trả thù, trù dập hoặc ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo và cơ quan. 

- Báo chí (bao gồm báo và tạp chí) cần phải được được đặt ở vị trí khách quan, độc lập để thực hiện phản biện, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Nhất là đối với các vụ tham nhũng lớn, có tính chất phức tạp, chỉ khi báo chí được nhìn nhận là một thiết chế xã hội, với sự đồng hành của người dân, thì mới có thể độc lập phản ánh những vụ việc tham nhũng một cách đầy đủ và khách quan. Các nhà báo và cơ quan báo chí cần được khuyến khích, cổ vũ tham gia thực hiện đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực miễn là sự tham gia đó đảm bảo tính khách quan, thông tin chính xác và không mang động cơ vụ lợi…

ThS Đỗ Văn Tân

...
  • Tags: