Quản trị doanh nghiệp trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Ở nước ta, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến hơn 95% nền kinh tế; đó là các tổ chức, công ty có số vốn đầu tư thấp, bộ máy nhân sự không lớn và tính hệ thống không cao; doanh thu sản phẩm và mục tiêu cũng đạt mức trung bình và trung bình thấp… Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó chính là công tác Quản trị doanh nghiệp kém hiệu quả.

Bản chất của Quản trị doanh nghiệp

Quản trị doanh nghiệp là quá trình quản lý tất cả hoạt động phát sinh trong doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu và kết quả kinh doanh như mong muốn. Quản trị doanh nghiệp bao gồm các hoạt động quản lý như lập kế hoạch, tổ chức, điều hành, kiểm soát và đánh giá hiệu quả của các hoạt động này.

Ở một góc độ khác, Quản trị doanh nghiệp lại là một hệ thống các thiết chế, chính sách, luật lệ nhằm định hướng, vận hành và kiểm soát doanh nghiệp. Quản trị doanh nghiệp cũng bao hàm mối quan hệ giữa nhiều bên, không chỉ trong nội bộ công ty như các cổ đông (đối với Công ty cổ phần)/thành viên góp vốn (đối với Công ty TNHH), Ban giám đốc điều hành, Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên mà còn những bên có lợi ích liên quan bên ngoài công ty như: cơ quan quản lý Nhà nước, các đối tác kinh doanh và cả môi trường, cộng đồng, xã hội.

Về bản chất, quản trị doanh nghiệp là việc xác lập ra các nguyên tắc và quy trình, thủ tục ra quyết định trong công ty, qua đó ngăn chặn sự lạm quyền, giảm thiểu những rủi ro không cần thiết cho công ty.

Với khái niệm như vậy, Quản trị doanh nghiệp gồm có 5 chức năng cơ bản gồm: Chức năng Hoạch định, chức năng Tổ chức, chức năng Chỉ đạo, chức năng Điều phối và chức năng Kiểm soát. Trong đó, Hoạch định chính là việc định hướng, xác định hướng đi cho doanh nghiệp trong tương lai. Chức năng này đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả công ty từ các cấp lãnh đạo, nhà quản trị và nhân viên, trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp và sự linh hoạt của nhân sự để đảm bảo việc thực hiện đạt được hiệu quả. Về Tổ chức, doanh nghiệp cần có đủ các nguồn lực (tài lực – nhân lực – vật lực) cần thiết để có thể hoạt động liên tục, đồng thời xây dựng một cơ cấu tổ chức hợp lý và chặt chẽ. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu trong quản trị doanh nghiệp và cực kỳ cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.  Chức năng Chỉ đạo đòi hỏi người quản lý phải có những định hướng chỉ đạo hợp lý và rõ ràng, liên quan trực tiếp đến những nhiệm vụ mà nhân viên cần thực hiện nhằm mang lại hiệu quả cao trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mỗi người trong doanh nghiệp. Thực hiện chức năng Điều phối đòi hỏi khả năng lãnh đạo cũng như thái độ cởi mở trong giao tiếp, liên lạc nội bộ; thông qua sự phối hợp hoạt động của nhân sự, doanh nghiệp mới có thể đạt được mục tiêu đã đặt ra. Chức năng Kiểm soát trong quản trị doanh nghiệp giúp biết được liệu công ty có đang vận hành đúng theo kế hoạch và mục tiêu đề ra hay không. Quá trình kiểm soát gồm 4 bước: (1) Thiết lập tiêu chuẩn hoạt động, thiết lập chỉ số đánh giá hiệu suất công việc (KPI) dựa trên mục tiêu của công ty. (2) Đo lường và xây dựng các báo cáo về hoạt động thực tế. (3) So sánh kết quả báo cáo thực tế với chỉ tiêu kế hoạch đề ra ban đầu. (4) Thực hiện các thay đổi hoặc các biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần tham khảo và áp dụng một số nguyên tắc có tính phổ biến trong công tác quản trị DN; cụ thể như:

Cơ cấu quản trị trong doanh nghiệp phải được thực hiện rõ ràng, sự phân bổ công việc nên được chuyên môn hóa đến từng cá nhân, phòng ban. Nghĩa là, trong doanh nghiệp, việc xác định rõ ràng cơ cấu quản trị là cực kỳ quan trọng để đảm bảo hoạt động được thực hiện hiệu quả. Một cách để đạt được điều này là tập trung vào việc chuyên môn hóa phân bổ công việc đến từng cá nhân, phòng ban. Điều này có thể đảm bảo rằng mỗi nhân viên sẽ biết chính xác nhiệm vụ của mình và sẽ có khả năng hoàn thành nhiệm vụ đó một cách tốt nhất có thể.

Lãnh đạo phải đi kèm với trách nhiệm: Những người được giao nhiệm vụ quản lý, lãnh đạo trọng trong doanh nghiệp thường được giao những quyền hạn đặc biệt và ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp đó. Họ phải chịu trách nhiệm với các quyết định quan trọng của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi họ phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra quyết định đúng đắn, đồng thời phải đối mặt với những hậu quả của những quyết định đó.

Kỷ luật trong quản trị là một yếu tố rất quan trọng mà DN không nên bỏ qua khi tìm hiểu về các nguyên tắc trong quản trị doanh nghiệp. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, các tiêu chuẩn, yếu tố cần được áp dụng một cách nghiêm ngặt để đảm bảo mọi hoạt động được thực hiện đúng quy trình của doanh nghiệp. 

Sự Thống nhất, rõ ràng về mệnh lệnh là yếu tố tiếp theo mà DN nên biết khi tìm hiểu về những nguyên tắc trong quản trị doanh nghiệp. Theo đó,  cấp quản lý và lãnh đạo thường sẽ cần đưa ra một danh sách các mệnh lệnh và nhiệm vụ cụ thể cho nhân viên. Do đó, cần đảm bảo rằng các chỉ dẫn này được thống nhất giữa các cấp và được phân bổ rõ ràng. 

Để đảm bảo sự đồng bộ và khả năng tương tác tốt nhất trong quá trình làm việc, doanh nghiệp cần có sự thống nhất về đường lối quản trị; cần phải thực hiện theo một kế hoạch cụ thể được xây dựng bởi một nhà quản lý hoặc lãnh đạo của doanh nghiệp.

Một trong những nguyên tắc cơ bản nữa của bất kỳ một doanh nghiệp nào là mọi hoạt động phải phục vụ lợi ích, mục tiêu chung. Đó là sự phù hợp giữa mục tiêu của các cá nhân (hay đội nhóm) và lợi ích chung của doanh nghiệp.

Vậy làm thế nào để Quản trị doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu quả trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 ?

Đây là vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm. Các chuyên gia gợi ý các doanh nghiệp nên chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:

Đầu tiên là các giải pháp phần mềm. Các thách thức đối với quản trị doanh nghiệp hoàn toàn có thể được giải quyết nếu các nhà quản trị biết ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản trị, điều hành, nhằm tối ưu hóa nguồn lực và tiết kiệm chi phí… Thay vì sử dụng phần mềm đơn lẻ truyền thống, doanh nghiệp có thể ứng dụng giải pháp quản trị tổng thể.

Tiếp theo, để nâng cao hiệu quả quản trị nguồn nhân lực, doanh nghiệp cần ứng dụng những công cụ thông minh của thời đại số như phần mềm quản lý nhân sự vào vận hành và quản trị tổ chức có hiệu quả; nghĩa là việc doanh nghiệp cần tự động hóa công tác quản trị nguồn nhân lực số. Qua đó giúp mang đến những giải pháp quản lý toàn diện cho doanh nghiệp, giúp quy trình quản lý nhân sự của doanh nghiệp trở nên dễ dàng và mang lại hiệu quả cao, tiết giảm chi phí và thời gian thực thi nhiệm vụ.  

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng chế độ tuyển dụng và đãi ngộ phù hợp để giữ chân người tài.  Thậm chí về lâu dài, có thể hướng đến việc phân chia lợi nhuận và quyền sở hữu cổ phần cho người lao động để gắn kết lợi ích cá nhân với lợi ích của doanh nghiệp./.

ThS Lê Minh Chuân

...
  • Tags: