Tiếp tục khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện chính sách dân tộc

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với vùng dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chương trình, chính sách dân tộc đã được đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn các tỉnh miền núi, đặc biệt là ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi đã có những chuyển biến rõ rệt, có những bước phát triển tiến bộ, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều vùng được nâng lên; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu đã được quan tâm đầu tư, hoàn thiện…

Thực trạng trong thực hiện chính sách dân tộc

Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Chính sách của Nhà nước, các tỉnh miền núi cũng ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể về nhiều mặt; quan tâm và tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, nhời vậy thu nhập của nhóm hộ nghèo ở nông thôn miền núi dần được cải thiện, ổn định và nâng cao đời sống; các mô hình giảm nghèo được nhân rộng; văn hóa, đời sống các dân tộc thiểu số được quan tâm; tự do, tín ngưỡng được đảm bảo; giáo dục và đào tạo có sự chuyển biến tiến bộ; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị xã hội ổn định... Những kết quả đạt được là không thể phủ nhận.

Mặc dù vậy, do xuất phát điểm thấp cộng với một số mặt còn bất cập nên đến nay đời sống và hoạt động kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn vẫn chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Hạ tầng kinh tế-xã hội còn nhiều hạn chế; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp chưa mang tính hàng hóa, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự đảm bảo và thiếu tính bền vững, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ nghèo tuy giảm nhưng nguy cơ tái nghèo vẫn còn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa yếu; còn một số hạn chế về bình đẳng giới; một số hủ tục lạc hậu còn tồn tại;  khoảng cách phát triển kinh tế-xã hội giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn trong đồng bào dân tộc thiểu số và giữa đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh còn lớn. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trong cơ quan nhà nước chưa đảm bảo tỷ lệ theo quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 01 tháng 03 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ…

Có nhiều nguyên nhân của thực trạng đó, cả về một số hạn chế trong cơ chế, chính sách, cả về khó khăn, hạn chế thực tế tại cơ sở. Trong đó, khó khăn tại cơ sở trong việc chuyển tải, tổ chức triển khai chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số là vấn đề rất cần được khắc phục. Phải làm sao phát huy được vai trò của người có uy tín trong thôn, bản, đi đôi với sự phối hợp giữa họ với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận trong việc tuyên truyền, vận động và tổ chức đồng bào thực hiện cơ chế, chính sách dân tộc của Nhà nước.

Cũng về vấn đề này, hạn chế hiện nay là các cấp, các cơ quan chức năng chưa xây dựng được tiêu chí xác định, đánh giá mức độ, phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín nên chưa có sự phân định cụ thể về cấp độ mật, công khai đối với người có uy tín. Theo các chuyên gia, người có uy tín hiện nay, dù có phạm vi ảnh hưởng ở cấp độ nào thì đều phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận là điều chưa phù hợp. Cũng từ đó, thiếu cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp nên chưa phát huy hết hiệu quả phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín cũng như thu hút, vận động người có uy tín tham gia xây dựng hệ thống chính trị. 

Tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đã quy định: “người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng. Tùy vào tình hình cụ thể của từng địa phương, người có uy tín được thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc do địa phương xác định, thực hiện”. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện quyết định số 12 còn có những bất cập, nhất là vấn đề chăm lo cho công tác bồi dưỡng, tập huấn đối với người có uy tín chưa được đầu tư đúng mức.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi chính sách dân tộc

Lâu nay, những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã được đưa ra. Vấn đề ở đây chính là nâng cao hiệu quả thực hiện chính những giải pháp đó để thúc đẩy việc tổ chức thực thi chính sách đạt kết quả tốt.

Cần tập trung thực hiện các giải pháp sau: 

  • Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách dân tộc của

Đảng và của cấp ủy địa phương (tỉnh, thành phố); tuyên truyền về việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp và người dân tộc thiểu số nhằm thay đổi và nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, về chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tạo sựu chủ động, vươn lên của người dân tộc thiểu số trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống. Tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc…

  • Thông qua các dự án đã được phê duyệt tại địa phương, thực hiện cơ

chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tạo điều kiện để các hộ này đăng ký tham gia dự án nhằm thoát nghèo bền vững.

  • Tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ;

cứng hóa hệ thống đường giao thông đến các xã; đường liên xã, liên xóm và kết nối các xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn với nhau. Hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp. Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước sạch tại các xã vùng dân tộc thiểu số;  đầu tư cải tạo lưới điện, đảm bảo cung ứng điện có chất lượng đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống của người dân.

  • Huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa

đặc sắc, đặc trưng của các dân tộc thiểu số tại chỗ gắn với phát triển du lịch; đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho thiết chế văn hóa cơ sở. Thực hiện có hiệu quả đề án giáo dục dân tộc. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho đồng bào các dân tộc thiểu số, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.

  • Hoàn thiện và thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích

doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

  • Xác định trọng tâm, trọng điểm của từng Chương trình mục tiêu Quốc

gia, chương trình, dự án, chính sách khác để đầu tư, hỗ trợ nhằm giải quyết các khó khăn về kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo thuận lợi về điều kiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, theo hướng mở rộng đối tượng vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào; đảm bảo vốn tín dụng chính sách để hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống./.

Ths. Phạm Hoài An

...
  • Tags: