Vấn đề ngăn chặn lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật

Vấn đề "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích" tiêu cực hiện diện ở nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, nhất là trong thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội; tạo nên những hệ lụy, hậu quả nặng nề cản trở sự phát triển đất nước, đã được đề cập nhiều trong các văn kiện của Đảng và được dư luận xã hội quan tâm, lên án những năm gần đây.

Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, đưa ra nhiều giải pháp nhằm loại bỏ "Lợi ích nhóm", “Lợi ích cục bộ”, nhưng trên thực tế vấn nạn này vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Bản chất của “Lợi ích nhóm”

Về khái niệm, có thể hiểu "Lợi ích nhóm" hay “Nhóm lợi ích”  là nhóm vận động, nhóm áp lực xã hội, là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó bằng cách sử dụng các hình thức tuyên truyền vận động, bất kể thủ đoạn, chỉ nhằm mục đích sau cùng là đem về lợi ích cho những người trong “nhóm” mà không nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra cho cộng đồng, thậm chí là xa rời lợi ích chung của đất nước, của xã hội…“Lợi ích nhóm” về bản chất là hành vi tham nhũng và luôn có mối quan hệ chặt chẽ với tham nhũng.  

Nhà nước ta thực hiện quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bằng hệ thống các công cụ, kế hoạch. Vì vậy, “nhóm lợi ích” luôn tìm cách tác động đến công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; họ còn nhân danh lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia tìm mọi cách “lách luật” để các nhà lãnh đạo, quản lý đưa ra các quyết định mà lợi ích của nó chỉ đem lại cho nhóm của họ, chứ không phải đại diện cho lợi ích của quốc gia, dân tộc… Khi các quyết định liên quan (bị nhóm lợi ích lợi dụng) được ban hành, nó sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, thiếu bình đẳng, khiến doanh nghiệp không cần nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, chỉ cần có “quan hệ” là có thể giành được những hợp đồng béo bở…

Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu đích danh lợi ích nhóm cản trở sự phát triển kinh tế:  “Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, phân cấp đầu tư chưa phù hợp; có nơi, có lúc còn bị chi phối bởi tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm”.

Giải pháp cho vấn đề

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”. Ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp…”. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Đảng không những trong vấn đề chống tham nhũng, mà còn trong việc chống “lợi ích nhóm”.

Nhận rõ những tác hại của vấn nạn “lợi ích nhóm” và sự cần thiết phải có giải pháp khắc phục vấn đề này, ngày 14-8-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Nghị quyết khẳng định: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương quy định về tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm” trong xây dựng và thi hành pháp luật. Thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như: chậm đề xuất ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật; tham mưu ban hành văn bản không đúng hình thức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết; tổ chức thi hành pháp luật chậm, thiếu hiệu quả, đặc biệt là do nguyên nhân chủ quan. Tập trung nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật theo hướng “đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển”…

Cũng tại Nghị quyết 126, nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện các tồn tại, khó khăn. Từ đó, có các giải pháp, biện pháp phù hợp để đẩy mạnh, tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo về xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật ở bộ, ngành, địa phương mình.

Cùng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, các cấp, ngành, các cơ quan quản lý cần tiếp tục nâng cao năng lực, phẩm chất cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật thông qua việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, không để bị chi phối bởi các hành vi không lành mạnh nhằm cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, làm sai lệch chủ trương chính sách, nội dung văn bản quy phạm pháp luật.  Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn  vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật. Ưu tiên, bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp như bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng trong công tác xây dựng chính sách, phápluật. Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả cơ chế phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra văn bản QPPL theo quy định.

---------- 

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân nhận thức đúng đắn yêu cầu bức thiết của cuộc đấu tranh phòng, chống "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích" tiêu cực; đồng thời tích cực phát hiện, nhận diện những đặc điểm, biểu hiện và thấy rõ những tác hại của “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực hiện nay. Phải phân biệt rõ các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích" ở Việt Nam, để từ đó nâng cao trách nhiệm, củng cố quyết tâm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, xây dựng và thực hiện những biện pháp hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”.

Một việc nữa cũng rất cần là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy gọn nhẹ, bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động kinh tế, tài chính trong các cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức và cơ quan công quyền. Có biện pháp kiên quyết, nghiêm minh đối với những người dính líu vào tiêu cực “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”, bất kể ở chức vụ nào, thời điểm nào. Một mặt khuyến khích các cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; mặt khác, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biểu dương và nhân rộng những tấm gương, điển hình về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư./.

Ths. Nguyễn Hoàng Chung

...
  • Tags: