Quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” đã và đang được các nước tư bản phát triển lợi dụng như một cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác và vi phạm chủ quyền quốc gia đó. Bài viết luận giải dưới góc độ triết học nhằm phê phán quan điểm sai lầm trên, những luận giải này tập trung vào bốn khía cạnh chính: nguồn gốc, thực chất của quan điểm; làm rõ sai lầm trong tuyệt đối hóa mặt tự nhiên mà không thấy mặt xã hội của con người; khẳng định chủ quyền quốc gia là cơ sở, tiền đề và điều kiện tiên quyết để bảo đảm và thúc đẩy, phát triển nhân quyền; mối quan hệ biện chứng giữa nhân quyền và chủ quyền quốc gia.
Ảnh minh họa
Chủ quyền quốc gia là một thuộc tính chính trị - pháp lý không thể tách rời của quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, độc lập dân tộc gắn với chủ quyền quốc gia đang là một xu thế chính trị tất yếu. Mỗi quốc gia dân tộc, dù lớn hay nhỏ, đều cố gắng khẳng định giá trị dân tộc, như quyền tự quyết định chế độ xã hội, thể chế chính trị, thể chế kinh tế, đường lối phát triển đất nước, khẳng định sự bình đẳng giữa các quốc gia. Trong khi đó, các thế lực cường quyền toàn cầu đã và đang thực hiện nhiều học thuyết và hành động bất chấp chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc của các nước trên thế giới. Trong số đó, mối quan hệ giữa nhân quyền và chủ quyền quốc gia là một trong những vấn đề được các thế lực ra sức lợi dụng và hiện đã trở thành một trong các mũi tấn công của âm mưu “diễn biến hòa bình”. Quan điểm sai lầm cho rằng “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là một ví dụ điển hình đã được các nước tư bản phát triển lợi dụng như một cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác và vi phạm chủ quyền quốc gia đó. Vậy, sự vô lý, hàm hồ của quan điểm này là gì?
1. Cuộc diệt chủng người Do Thái và những hành động tàn bạo khủng khiếp khác của chủ nghĩa phát xít gây ra trong Chiến tranh thế giới thứ II đã dẫn đến thành lập Liên hợp quốc với một trong những mục tiêu là thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người. Mặc dù phải đến năm 1948, khi Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được ban hành, các quyền và tự do cơ bản của con người mới được quy định cụ thể, nhưng có thể thấy, từ thời điểm Hiến chương Liên hợp quốc được thông qua, bảo đảm quyền con người đã trở thành nghĩa vụ chung của cộng đồng quốc tế và là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Một số học giả phương Tây cho rằng, việc pháp điển hóa quyền con người đã đẩy khái niệm chủ quyền quốc gia xuống hàng thứ yếu. Và theo đó, nhân quyền phải được đặt cao hơn chủ quyền. Để bảo đảm nhân quyền, cần thiết phải giới hạn, thậm chí xâm phạm chủ quyền.
Nhìn chung, cơ sở lý luận của quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là tính phổ biến của nhân quyền và “luật tự nhiên”, trong đó cá nhân và các quyền cá nhân được đặt lên vị trí bất khả xâm phạm cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Bởi cá nhân và các quyền cá nhân mang tính tối cao, nên khi các quyền cá nhân bị xâm phạm ở một nước thì các nước có “quyền” can thiệp.
Tuy nhiên, thực chất của quan niệm này chính là một hình thức biến tướng của chủ nghĩa thực dân mới. Các thế lực cường quyền, hiếu chiến muốn dựa vào những quan điểm trên để lấy cớ, xem như một cơ sở để đề ra các chính sách xâm lược, can thiệp vào nội bộ các nước và biện minh cho các hành động xâm lược, can thiệp quân sự mà họ đã tiến hành với nhiều quốc gia. Nhân danh bảo vệ nhân quyền, họ tạo cớ để phán xét nước khác là vi phạm nhân quyền, rồi bất chấp luật pháp quốc tế, cho rằng đó là “sự can thiệp nhân đạo” vì sự “phát triển dân chủ”, họ đã trắng trợn can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, thậm chí họ đem quân đội, cảnh sát và bom đạn xâm lược các quốc gia có chủ quyền, bắt cả lãnh đạo, tàn sát nhiều người dân thường vô tội. Năm 1999, Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), dưới sự lãnh đạo của Mỹ đã điên cuồng đánh phá Cộng hòa Liên bang Nam Tư trong cuộc chiến tranh Kosovo suốt hai tháng với lý do là “nhân quyền cao hơn chủ quyền” và hàng chục những cuộc chiến tranh khác xảy ra vào cuối thế kỷ XX trên danh nghĩa bảo vệ nhân quyền, trừng phạt các quốc gia không theo cái gậy chỉ huy của họ.
Nhiều nhà nghiên cứu đã đặt thẳng vấn đề: liệu có thể có những vụ ném bom mang tính “nhân đạo” hay “dân chủ” không? Trong khi đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nạn nhân là dân thường, bao gồm cả phụ nữ, người già, trẻ em, biết bao gia đình tan nát, môi trường sống bị hủy hoại. Đến nay, nhân loại tiến bộ đã ngày càng thấy rõ tâm địa của họ, họ luôn lấy con người và quyền con người trừu tượng để phục vụ cho ý đồ chính trị của mình. Họ nhấn mạnh nhân quyền cá nhân và chính trị công dân, tuyệt đối tự do hóa cá nhân, phủ định quyền độc lập, quyền sinh tồn.
Trên thực tế, mặc dù đã và đang tồn tại nhiều cơ chế, thiết chế do Liên hợp quốc và một số cơ quan chuyên môn của tổ chức này (như: Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO)... lập ra để giám sát và thúc đẩy việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền ở các quốc gia nhưng các cơ chế và thiết chế này đều phải dựa trên sự chấp thuận tự nguyện của các quốc gia và lấy nguyên tắc đối thoại xây dựng làm nền tảng. Không có cơ chế nào cho phép Liên hợp quốc hoặc một hay một nhóm quốc gia thành viên nào đó được tùy tiện can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác với danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền”.
2. Quan điểm trên đã tuyệt đối hóa mặt tự nhiên mà không thấy mặt xã hội của con người. Theo C.Mác, con người là một sinh vật xã hội, con người tồn tại thông qua mỗi cá nhân, “trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Trên thực tế, cũng không thể phủ nhận rằng, cá nhân không bao giờ và không thể tồn tại tách rời với cộng đồng, tách rời xã hội, chỉ có thông qua xã hội, “thông qua quan hệ với những người khác, mục đích đặc thù mang lại hình thức của tính phổ biến và thỏa mãn những nhu cầu của chính mình và đồng thời thỏa mãn sự an lạc của người khác”(1). Do vậy, giữa các cá nhân, khi thực hiện lợi ích riêng của mình, vẫn có cái chung tạo thành mối quan hệ xã hội. Nếu không có một điểm chung nào để cho các lợi ích hài hòa được với nhau thì không có một xã hội nào có thể tồn tại. Điều đó có nghĩa là, trong mối quan hệ với xã hội, mỗi cá nhân có quyền tự do, nhưng nhất thiết không phải là những quyền và tự do tuyệt đối.
Nếu mọi cá nhân đều có quyền và tự do tuyệt đối, cộng đồng sẽ không tồn tại. “Cái chung” tạo thành mối liên hệ xã hội giữa các cá nhân, trước hết là an ninh, an toàn và sau đó là được tự do khẳng định mình như một thực thể xã hội độc lập, khách quan. Đó là những nhu cầu khách quan gắn liền với mỗi cá nhân, tạo thành những “giá trị người”, mà vì nó, cá nhân tham gia vào xã hội, đòi hỏi xã hội phải ghi nhận, phản ánh. Đồng thời, các giá trị đó chính là cơ sở để “cai quản xã hội”, hay nói cách khác, đó chính là mục tiêu của xã hội, là lý do khách quan, chính đáng cho sự tồn tại của xã hội và các thiết chế xã hội. Ngược lại, chính tính khách quan, chính đáng mà xã hội đã tồn tại và khẳng định như một thực thể xã hội độc lập với những lợi ích, giá trị chung, đòi hỏi các cá nhân phải tôn trọng và thực hiện. Đồng thời, xã hội vận động theo những quy luật khách quan hàm chứa tính phổ biến, ổn định, hướng tới sự trường tồn, không phụ thuộc vào ý chí cá nhân. Nhưng cách thức mà con người quan hệ với nhau phải trên cơ sở nhận thức của họ về các quy luật khách quan, những chuẩn mực, lối sống, quy phạm xã hội, nhờ đó mà các quan hệ xã hội dù rất đa dạng và phức tạp, nhưng xã hội vẫn luôn ổn định và vận hành theo những dạng thức nhất định.
Không ai phủ nhận vai trò của cá nhân - những thực thể cấu thành xã hội loài người nói chung, các cộng đồng dân tộc nói riêng. Cũng không ai phủ nhận tầm quan trọng của quyền con người, với ý nghĩa là những giá trị nhân văn, là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của các dân tộc và toàn nhân loại. Tuy nhiên, việc tuyệt đối hóa, cực đoan hóa các quyền cá nhân có thực sự thúc đẩy sự phát triển của xã hội và bảo vệ các quyền của mọi cá nhân? Xã hội càng phát triển, các lợi ích riêng tư càng đa dạng, xung đột lợi ích diễn ra ngày càng sâu sắc và phức tạp, thì bên cạnh các quyền cá nhân, con người càng phải chú trọng hơn đến quyền tập thể của cả cộng đồng. Quyền này nhằm mục đích bảo đảm những lợi ích chung của tất cả cá nhân thành viên, đây hoàn toàn không phải là sản phẩm của sự tư biện, mà là kết tinh của nền văn minh nhân loại và đã được thừa nhận đồng thời với các quyền cá nhân trong các văn kiện quốc tế về nhân quyền. Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền quy định: các quyền cá nhân sẽ bị hạn chế nếu điều đó là cần thiết để bảo đảm lợi ích chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung của xã hội. Điều này có nghĩa là: quyền của cộng đồng phải đặt cao hơn quyền của cá nhân. Cực đoan hóa các quyền cá nhân tất yếu sẽ dẫn tới vi phạm các quyền của cộng đồng, làm tổn hại lợi ích chung của toàn xã hội. Khi các giá trị xã hội không được tôn trọng tất yếu sẽ tạo ra các mối đe dọa đối với các nhu cầu của cá nhân về an ninh, an toàn và khát vọng tự do. Khi chế độ tư hữu và sự phân hóa giai cấp xuất hiện cùng với sự tác động của các điều kiện kinh tế - xã hội khác, mâu thuẫn xã hội ở vào tình trạng không thể điều hòa được. Xã hội cần đến một thứ quyền lực chung nhân danh xã hội để có thể bảo vệ các giá trị cá nhân và giá trị cộng đồng. Và như vậy, không phải con người thích quyền lực mà quyền lực là nhu cầu của con người trong xã hội: “nhu cầu được bảo vệ, được tồn tại, được cứu trợ”(2)... chính điều này đã thúc đẩy mọi cá nhân đi đến một hình thức tổ chức xã hội ở trình độ cao hơn, đó là nhà nước. Đó là lý do chính đáng để ra đời nhà nước - đại diện cho chủ quyền quốc gia.
3. Trên thực tế, chủ quyền quốc gia là cơ sở, tiền đề và điều kiện tiên quyết để bảo đảm và bảo vệ nhân quyền. Thứ nhất, nhân quyền dựa trên nguyên tắc cơ bản là bình đẳng. Khái niệm bình đẳng hiểu theo nghĩa đầy đủ bao gồm bình đẳng giữa các cá nhân và giữa các quốc gia, dân tộc. Có nghĩa là, chỉ khi các quốc gia dân tộc bình đẳng thì các cá nhân của quốc gia, dân tộc đó mới được tự do, bình đẳng. Thứ hai, thế giới hiện có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, trong đó, có nước giàu, nước nghèo, nước phát triển, nước đang phát triển, có hàng nghìn dân tộc khác nhau, những tôn giáo khác nhau. Do vậy, không thể có nhân quyền trừu tượng mang tính “toàn cầu hóa”. Vì vậy, chủ quyền quốc gia, quyền độc lập, tự quyết của dân tộc là điều kiện tiên quyết, là cơ sở để bảo vệ và thực hiện quyền con người; chỉ có tôn trọng quyền dân tộc tự quyết để nhân dân các nước tự do lựa chọn chế độ chính trị, mô hình kinh tế và con đường phát triển mới có thể bảo đảm tôn trọng, bảo vệ những quyền cơ bản của mỗi con người. Thứ ba, quyền con người cơ bản được bảo vệ và thực hiện trước hết phải bằng hiến pháp, pháp luật nhà nước của quốc gia, dân tộc và những biện pháp tương ứng với đạo luật đó. Bởi lẽ, về thực chất, việc thực hiện quyền con người trước hết vẫn là thuộc nội bộ quốc gia, dân tộc. Xa rời sự bảo đảm của một quốc gia, dân tộc, cũng như hiến pháp, pháp luật của quốc gia, dân tộc đó thì bảo hộ nhân quyền quốc tế khó mà có cơ sở thực hiện được.
Ngay từ khi nhân quyền đuợc pháp điển hóa trong pháp luật quốc tế, nguyên tắc mặc nhiên được thừa nhận đó là: chủ quyền quốc gia là tiền đề và là điều kiện để bảo đảm nhân quyền. Hai công ước quốc tế cơ bản trên lĩnh vực nhân quyền năm 1966 của Liên hợp quốc cũng thể hiện rõ tinh thần: chủ quyền quốc gia là một dạng đặc biệt quan trọng của nhân quyền (như một quyền con người tập thể). Lịch sử Liên hợp quốc cho thấy, một phần quan trọng trong các hoạt động thúc đẩy nhân quyền của tổ chức quốc tế lớn nhất này hơn 3/4 thế kỷ qua một phần quan trọng là dành cho cuộc đấu tranh giành chủ quyền của các dân tộc thuộc địa. Có thể nói, xét về mặt nhân quyền, thắng lợi của cuộc đấu tranh này là cực kỳ vĩ đại, bởi qua đó, hàng tỷ người thuộc các dân tộc thuộc địa được hưởng các quyền tự do như công dân của những “mẫu quốc” từng đô hộ họ. Xét về phương phiện đối ngoại, tôn trọng chủ quyền quốc gia không chỉ nhằm duy trì quan hệ quốc tế hòa bình, mà còn xuất phát từ nghĩa vụ chung trong việc bảo đảm nhân quyền. Trên phương diện đối nội, ngay cả khi đã được pháp điển hóa trong pháp luật quốc tế và trở thành những chuẩn mực quốc tế thì các quyền con người cũng không mặc nhiên trở thành hiện thực trên thế giới nếu không được thể chế hóa vào pháp lụât, chính sách của mỗi quốc gia. Vì thế, hiển nhiên, chủ quyền quốc gia không làm tổn hại đến nhân quyền, mà ngược lại, là điều kiện để sản sinh ra các công cụ hiện thực hóa nhân quyền. Điều này lý giải tại sao luật pháp quốc tế không chấp nhận hành động xâm phạm chủ quyền với danh nghĩa bảo vệ nhân quyền. Thay vào đó, để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Liên hợp quốc sử dụng các giải pháp hợp tác, đối thoại và trợ giúp quốc tế.
4. Chủ quyền quốc gia và quyền con người có mối quan hệ hữu cơ gắn bó mật thiết, không thể tách rời, có tác động bổ trợ qua lại lẫn nhau trong quá trình vận động và phát triển của lịch sử xã hội. Quyền con người không thể tách rời chủ quyền quốc gia, chủ quyền dân tộc tự quyết, độc lập dân tộc. Quyền con người vừa mang tính toàn cầu, vừa mang tính khu vực và mang tính bản sắc của mỗi quốc gia dân tộc. Vì vậy, không thể áp đặt tiêu chí quyền con người của quốc gia này cho các quốc gia khác. Hàng rào chủ quyền quốc gia ngăn cản mọi sự áp đặt vô lý đó. Nếu một quốc gia, tổ chức hoặc giai cấp nào đó tự coi mình là đại diện cho nhân quyền của toàn nhân loại, lấy quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” hay “nhân quyền không biên giới” làm cơ sở để can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia độc lập, có chủ quyền là sự vi phạm nghiêm trọng đáng phê phán và lên án. Tôn trọng chủ quyền quốc gia cũng chính là tôn trọng các giá trị về nhân quyền của quốc gia đó. Một quốc gia không có hay chưa có chủ quyền dân tộc thì không thể nói đến quyền con người, đến các “quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” của nhân dân.
Thực tế lịch sử Việt Nam cho thấy, khi mất chủ quyền dân tộc, mọi người dân không có đầy đủ quyền con người mà chỉ là những người “vong quốc nô”. Chính Hồ Chí Minh đã rất đau xót khi phải thốt lên rằng: “Thân phận người An Nam chỉ là thân phận người nông nô”(3); “chúng tôi chẳng có quyền gì cả trừ quyền đóng thuế cho “mẫu quốc” Pháp, cho bọn chủ bản xứ... chúng tôi đã đau khổ nhiều và chúng tôi còn phải đau khổ nữa. Những người “khai hóa” nước chúng tôi không để chúng tôi tự do”(4). Trong tác phẩm Đông Dương, Người đã lên án thực dân Pháp: “chưa có bao giờ ở một thời đại nào, ở một nước nào, người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách một cách độc ác trơ tráo đến thế”(5).
Mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc là mấy ngàn năm lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổ quốc là giá trị thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam. Chỉ khi nào đất nước được độc lập, chủ quyền quốc gia được bảo vệ thì mới có hạnh phúc của mỗi con người, quyền của mỗi người dân mới được bảo đảm. Chủ quyền quốc gia và quyền con người có mối quan hệ khăng khít, bền chặt, biện chứng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một quốc gia mất chủ quyền thì nhân dân của quốc gia đó cũng sẽ không bảo đảm được quyền con người, việc bảo đảm quyền con người chỉ có được trong quốc gia thực sự có chủ quyền. Với thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, nhân dân Việt Nam từ chỗ là người nô lệ, bị mất nước trở thành những người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ chính vận mệnh của mình.
Như vậy, rõ ràng, ở đây không thể có cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền” mà chỉ là sự thống nhất giữa quyền con người và chủ quyền quốc gia, lập luận “nhân quyền cao hơn chủ quyền” chỉ là ngụy biện cho những toan tính chính trị đen tối. Xét trên cả góc độ lý luận lẫn thực tiễn, quan điểm này tất yếu sẽ bị lịch sử bỏ qua bởi tính phi khoa học, phi logic, phi thực tiễn và hàm hồ của nó.
__________________
(1) G.W.F. Hêghen: Các nguyên lý của triết học pháp quyền, Bùi Văn Nam Sơn Dịch, Nxb Trí Thức, 2010, tr.544.
(2) Trần Ngọc Đường: Quyền con người, quyền công dân trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.15.
(3), (4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.461, 467, 406.
THS PHẠM THỊ MAI
Viện Thông tin khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh