Xuân Nhâm Dần dường như đến sớm hơn. Dịp kỷ niệm 92 năm Đảng ta ra đời cùng đến với Tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc. Chúng ta chào đón mùa xuân năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Khó khăn rồi sẽ qua đi. Bản lĩnh và niềm tin của một Đảng cầm quyền, ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân không có bất kỳ lợi ích nào khác, sẽ ngày càng được nâng cao.
Cánh cửa năm 2021 vừa khép lại. Tùy vào từng vị trí, hoàn cảnh công tác và tâm trạng mỗi người mà cảm thấy thời gian trôi đi cũng thật khác thường, vừa như quá nhanh, lại vừa như quá chậm. Chậm, khi những khu phố, những thôn xóm, những nhà máy phải đóng cửa dài ngày vì “làn sóng thứ tư” COVID-19 hoành hành. Nhiều địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phải giãn cách theo các cấp độ khác nhau. Chậm,khi mấy trăm con người phải cách ly nhiều ngày tại các khu tập trung trong khi cả núi công việc chờ đợi họ. Nhưng thời gian chẳng khác nào mũi tên bay đối với các thầy thuốc và cán bộ, chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch. Những đêm trắng cứu chữa người bệnh, không ai còn kịp nghĩ đến thời gian. Một ca bệnh nặng được cấp cứu kịp thời và thoát hiểm, một cháu bé có mẹ bị nhiễm thứ virus chết người cất tiếng khóc chào đời, ấy là khi một bình minh thắp sáng trong phòng bệnh. Để đón những bình minh ấy nhiều bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng viên đã vắt kiệt sức mình. Để giành lại sự sống cho người bệnh có hàng trăm thầy thuốc, chiến sỹ công an, quân đội, các nhà hảo tâm, đã nhiễm SARS-CoV-2, trong đó những người đã hy sinh. Thời gian cũng trôi thật nhanh qua những đợt, những mùa tình nguyện của những đoàn quân áo trắng, áo xanh. Nay ngược phương Bắc, mai xuôi phương Nam, hối hả như thời chiến tranh, bởi thứ “giặc” trong thời thế giới trở thành cái “làng” như cơn gió đen cuộn xoáy. Người đi chống dịch nhanh một phút, một giờ, khẩn trương, tỉnh táo và linh hoạt có thể thay đổi tình thế cuộc chiến.
Thời gian càng quá nhanh khi tờ lịch trên tường vô tư báo hết tháng, hết quý rồi hết năm. Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội theo con số thống kê mới nhất đã không thuận theo ý chúng ta. Thời gian cao điểm chống dịch, hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ phải dừng sản xuất, giải thể, tính chung chín tháng, cả nước có tới hơn 85.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Hầu hết, các ngành kinh tế lao đao, nhất là hàng không, du lịch và nhiều ngành dịch vụ. Đi liền đó là lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, lao động tự do mất việc làm. Chín tháng năm 2021 tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,42%, riêng Quý III suy giảm sâu, ta thường nói nôm na là “tăng trưởng âm”. Kinh tế khó khăn kéo theo rất nhiều hệ lụy khác. Trong khó khăn, trong thử thách đã sáng lên truyền thống nhân nghĩa Việt Nam. Lòng dân đất Việt thời nào cũng vậy, thương người như thể thương thân. Từ việc giúp nông dân vùng dịch tiêu thụ nông sản đến những việc làm nhân ái, như hình thành những cây “ATM gạo”, những quán cơm 0 đồng, quán nước 0 đồng, cửa hàng 0 đồng, ai cần cứ lấy, ai đủ xin nhường người khác. Nhiều số 0 hợp thành vô số, thành sức mạnh cộng đồng lớn lao, bền chặt, “từ đây người biết thương người, từ nay người biết yêu người”(1). Trong khó khăn, trong thử thách xuất hiện những quyết định táo bạo, những sáng tạo mới, phù hợp với thực tiễn, nhiều khi biến rủi thành may, biến nguy thành cơ. Sự thích nghi ấy được định danh: trạng thái bình thường mới. Từ tháng 11/2021, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CPvề ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, cũng là khi cả nước đã cơ bản “phủ xanh” vaccine, cả nước đã chuyển sang giai đoạn chống dịch mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta thật sáng rõ: Bảo đảm mục tiêu kép, nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Các giải pháp phòng, chống dịch dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; bảo đảm người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở, nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.
Chuyển sang giai đoạn mới, diễn biến dịch bệnh còn hết sức phức tạp. Số ca nhiễm trong cộng đồng còn cao do tiếp tục có những biến thể mới, tuy nhiên, khắp nơi trong cả nước, những “pháo đài” phường xã, thôn làng, những chủ thể chống dịch là mỗi người dân đã bình tĩnh và chủ động hơn. Muôn đời nay, kinh nghiệm đánh giặc và dựng xây đất nước cho chúng ta bài học, người chiến thắng có thể không phải là người tài nhất, khỏe nhất, vũ khí tối tân nhất, mà là người biết thích ứng. Các nhà làm phim nước ngoài đã mượn hình ảnh cây sậy yếu ớt để nói về sự thích ứng. Mỗi lần gió to cây sậy ngả rạp, nhưng khi gió lặng nó lại dắt tay nhau ào lên đứng thẳng. Cuối năm, kinh tế đất nước đã có dấu hiệu phục hồi. “Mở cửa” bầu trời, hàng không nối lại đường bay. “Mở cửa” thăm dò một số điểm du lịch, miệt vườn, đảo ngọc xa xôi, du khách về đây từ khắp bốn phương trời. Một số khối lớp học sinh phổ thông đã trở lại trường học sau nhiều tháng học online, xa thầy vắng bạn. Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp hồi giữa năm phải đóng cửa nay đã hoạt động trở lại với phương châm thích ứng an toàn.
Người vào bệnh viện ở Hà Nội sẽ được kiểm tra thân nhiệt và khai báo lịch trình di chuyển (Ảnh: TTXVN)
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam tổ chức đầu tháng 12/2021 với thông điệp “Phục hồi và phát triển bền vững”,các nhà khoa học nhất trí cao với “phương án” hai chữ P và hai chữ C. Hai chữ P là phục hồi và phát triển, với lưu ý, không phát triển bằng mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Vừa chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động cơ tăng trưởng, các động lực tăng trưởng, để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng, vừa bám vào mục tiêu dài hạn trong việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh, nhưng bền vững. Còn hai chữ C là chính sách và cuộc sống. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô mà không xuất phát từ hơi thở, thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch đi. Nếu thực tiễn cuộc sống không được phản ánh vào trong chính sách thì bản thân chính sách không đi vào cuộc sống trôi chảy và hiệu quả được”. Càng trong gian khó, càng phải thể hiện ý chí, khát vọng và bản lĩnh Việt Nam. Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực là quyết định. Bước vào năm mới, công việc rất cần trong lúc này, thiết lập chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, trước mắt là hai năm2022-2023. Các doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ, cùng các ngành hữu quan làm nòng cốt trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế bền vững. Muốn vậy phải có chiến lược kinh doanh phù hợp; đi sâu cải cách và tạo dựng thể chế mới; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hoàn thiện môi trường kinh doanh với những mô hình kinh doanh mới, tận dụng thời cơ hội nhập quốc tế.
“Bình thường mới” hay còn cách nói khác là đứng dậy, lấy đà sau cú ngã. Theo các nhà nghiên cứu kinh tế, GDP năm 2021có thể giữ được tốc độ tăng trưởng dương (khoảng 2% - 2,5%). Tuy đó là mức thấp nhất từ hơn 10 năm qua, nhưng vẫn là dấu hiệu khả quan khi trên thế giới nhiều nền kinh tế suy giảm sâu. Năm tới, quá trình phục hồi kinh tế có thể diễn ra theo nhịp độ khác nhau, thể hiện qua mô hình đồ thị tăng trưởng GDP theo hình các chữ V, U, hay L. Nhưng dù phục hồi theo mô hình nào thì cũng đòi hỏi phải kiểm soát thật tốt dịch bệnh, đưa các doanh nghiệp vào hoạt động có hiệu quả. Ngạn ngữ có câu: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Người lao động luôn là tài sản lớn của doanh nghiệp. Nguồn nhân lựccũng là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tái khởi động các kế hoạch phục hồi nền kinh tế, hướng đến tầm nhìn xa hơn.
Vững tin trên đường lớn, Đảng ta tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn, để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Đảng không chỉ chăm lo xây dựng về công tác tư tưởng, tổ chức mà còn coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức về công tác cán bộ. Cả ba nhiệm kỳ Đại hội XI, XII, XIII, Trung ương đều ra Nghị quyết 4 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Con số 4 gợi nhiều ấn tượng, nhiều trăn trở, khẳng định quyết tâm lớn của Đảng, khẳng định trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, người giữ cương vị chủ chốt. Chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là chống thứ “giặc ở trong lòng” như Bác Hồ căn dặn. Cùng với những quy định về nêu gương, về chống lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, Trung ương tiếp tục bổ sung những quy định, những điều đảng viên không được làm, quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ,v.v.. Điều đó thể hiện sự kiên quyết, kiên trì của Đảng, tiếp tục “luật hóa” các chủ trương, có người ví nó như “chuông cứu hỏa” để ngăn chặn những đám cháy do tham, sân, si gây ra. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng: “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm”.
Ngang tầm nhiệm vụ không phải lời hô hào chung chung, không phải một khái niệm trừu tượng. Tập thể cấp ủy, chi bộ, đảng bộ cơ sở, quần chúng nhân dân rất tinh tường, thấy rõ ai ngang tầm, ai đuối sức, ai là người góp mặt mà không góp sức, góp công. Người cán bộ ngang tầm nhiệm vụ biết tiến thoái đúng lúc, biết thừa nhận, ghi nhận và chấp nhận người tài giỏi, người có ích hơn mình. Giống như quy luật cây thay lá mới trong mùa xuân, lá cành già cỗi sẽ rụng xuống. Thay thế là chồi non lá biếc, là sức bám của rễ, sức vươn của cành.
Chào năm mới! Qua gian khó, vững niềm tin và kỳ vọng!
Theo: Tạp chí Tuyên giáo