Tóm tắt: Xã hội học xây dựng pháp luật là một loại nghiên cứu pháp lý - xã hội; theo đó, xây dựng pháp luật được tiếp cận dưới góc độ là một hiện tượng xã hội, xem xét các khía cạnh, bản chất xã hội, các bảo đảm cơ sở xã hội học của xây dựng pháp luật, các yếu tố xã hội tác động đến xây dựng pháp luật, cơ chế xã hội của xây dựng pháp luật cũng như hiệu quả, sự tác động ngược trở lại của xây dựng pháp luật đối với đời sống xã hội.
Từ khóa: Xã hội học, xây dựng pháp luật.
Abstract: Sociology of lawmaking is a type of socio-legal study; accordingly, law-making is approached from the perspective of a social phenomenon to consider the concept and nature of sociology so that it is to ensure the sociological basis of law-making, the social factors to impact on law-making, the social mechanism of law-making as well as the effectiveness, the reverse impacts of law-making on social life.
Keywords: Sociology; lawmaking.
Ảnh minh họa - Internet
1. Bản chất xã hội của xây dựng pháp luật
Trước hết, xây dựng pháp luật (XDPL) chính là một loại thiết kế xã hội[1], bao gồm việc dựng cho xã hội một "bản vẽ", một bộ khung, mô hình, góp phần vào việc định hình, định hướng xã hội theo một hệ thống các quy ước nhất định. Hoạt động XDPL thực chất là tạo nên các quy phạm pháp luật (QPPL) - quy tắc của hành vi - để tác động vào các quan hệ xã hội, làm chúng đi theo đúng khuôn khổ mà xã hội mong muốn. Các khuôn khổ đó sẽ cung cấp quy tắc ứng xử, mô hình hóa hành vi của các thành viên trong xã hội, kiềm chế họ không thực hiện hoặc bắt buộc phải thực hiện những hành vi nhất định, hoặc sẽ hành xử như thế này mà không phải như thế khác. XDPL tạo ra các khung khổ để thay đổi các hành vi có xu hướng cản trở sự phát triển (đặc biệt là hành vi của các công chức nhà nước) và ngược lại.
XDPL xuất phát từ nhu cầu của xã hội, trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nhu cầu điều chỉnh này, cùng các quyền, lợi ích, phần lớn trùng hợp với mong muốn của các cá nhân, các nhóm trong xã hội. Hoạt động XDPL không những nằm trong quá trình vận hành chung của xã hội, mà với các QPPL được xây dựng chủ động, mang tính "đón đầu", "phòng ngừa" xã hội trong quá trình điều chỉnh, còn thể hiện sự định hướng xã hội.
XDPL được vận hành nhờ các chất liệu đa dạng từ cuộc sống, chịu sự tác động nhiều chiều từ các khía cạnh, yếu tố khác nhau trong xã hội. Từ các yếu tố chung như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bối cảnh quốc tế, ý thức pháp luật, truyền thống lịch sử cho đến các yếu tố trực tiếp như: tổ chức, năng lực, kỹ năng, kỹ thuật soạn thảo, phạm vi, tính chất, đối tượng điều chỉnh...
XDPL, đến lượt mình, cũng tác động trở lại mạnh mẽ đến các khía cạnh xã hội. Nó không chỉ là hoạt động chủ đạo góp phần tạo nên cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh, định hướng các quan hệ xã hội, mà còn là một hệ thống các thông tin xã hội tương ứng được thể hiện qua nội dung, cách thức điều chỉnh của các QPPL. XDPL góp phần quy phạm hóa các chuẩn mực xã hội khác như: đạo đức, phong tục, tập quán, các quy tắc của tổ chức chính trị, xã hội, làm đa dạng cách thức và gia tăng hiệu quả điều chỉnh các quan hệ xã hội.
2. Cơ chế xã hội trong xây dựng pháp luật
Khác với cơ chế pháp lý trong XDPL, luôn mang tính quyền lực nhà nước với các quy trình luật định, cơ chế xã hội trong XDPL có đặc thù riêng, là quá trình gắn với sự tham gia của các lực lượng xã hội, gồm công dân, nhóm, tổ chức, hội nghề nghiệp, các thành phần khác nhau của xã hội dân sự vào việc XDPL của Nhà nước.
Cơ chế xã hội trong XDPL có thể xuất hiện ở giai đoạn này hay giai đoạn khác, hoặc lặp đi lặp lại trong các giai đoạn của quá trình XDPL. Các hình thức của cơ chế đó là: nhận biết, phản ánh, thiết lập; tham gia; phản kháng, phản biện xã hội và giám sát xã hội trong XDPL.
Nhận biết, phản ánh, thường xuất hiện ở giai đoạn đầu của quá trình XDPL. Từ thực tiễn, các thành phần xã hội nhận thức, đánh giá về trạng thái, tính chất, hiệu quả của các quy phạm pháp luật hiện hành trong khi điều chỉnh quan hệ xã hội. Những bất cập, thiếu khuyết của pháp luật sẽ được nhận diện. Bất cập có thể đến từ sự mâu thuẫn về lợi ích, mức độ thiếu tương thích trong đáp ứng nhu cầu xã hội, sự yếu kém về kỹ thuật lập pháp, sự biến động của các quan hệ xã hội hoặc đến từ những tình huống xã hội thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước. Những tình huống xã hội xuất hiện lặp đi lặp lại, nhất là tình huống mang yếu tố không bình thường, không chỉ giúp cho việc nhận diện vấn đề mà còn cho thấy các lỗ hổng của pháp luật hiện hành, kéo theo nhu cầu phải sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan. Ví dụ, việc gia tăng các giao dịch về cây hoa phong lan đột biến với giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đã thu hút không ít người lao vào đầu tư với mong muốn kiếm siêu lợi nhuận vì tin rằng sẽ có người bỏ tiền nhiều hơn để mua lại. Các hành vi lừa đảo theo đó cũng gia tăng, dẫn đến nhiều nghi vấn về tính xác thực của giao dịch. Ở góc độ pháp lý, nhiều ý kiến cho rằng, để những tình huống xã hội dạng này ngày càng xuất hiện là do những bất cập về pháp luật. Cụ thể, trong trường hợp nếu hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng trọt) chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác, thì sản phẩm nông nghiệp trong trường hợp này không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2016 và được miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007. Theo đó, việc cân nhắc, bổ sung các quy định về thuế và cơ chế kiểm soát đối với loại tình huống pháp lý này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc minh định các giao dịch, giúp người dân không bị cuốn vào những giao dịch tiềm ẩn đầy rủi ro, bất ổn có thể làm đảo lộn cuộc sống và mất trật tự an ninh.
Gắn liền với nhận thức, hoạt động phản ánh sẽ diễn ra, nhằm tái hiện các vấn đề xã hội - pháp lý liên quan đến các đặc trưng, hệ quả xã hội hoặc tính chất của các QPPL, nhằm đạt được những nhu cầu từ thực tiễn. Một biểu hiện phổ biến trong cơ chế nhận thức, phản ánh là dư luận xã hội. Dư luận xã hội là các ý kiến còn lại sau quá trình phân tích, đánh giá của các thành phần xã hội về những vấn đề mà họ cảm thấy có ý nghĩa hoặc động chạm đến lợi ích, giá trị chung. Thông qua dư luận xã hội, quá trình nhận biết, phản ánh trong XDPL của các thành phần xã hội được công khai, cập nhật.
Sự tham gia trong XDPL là quá trình người dân, các lực lượng xã hội có thể góp phần hoạt động của mình vào xây dựng các quyết định, chính sách pháp luật có ảnh hưởng đến hành vi, các quyền và lợi ích của họ. Sự tham gia của xã hội vào XDPL thông thường đến từ các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp từ các văn bản QPPL, các đối tượng khác chịu sự tác động của các dự thảo văn bản QPPL, của các tổ chức xã hội, chuyên gia, hoặc từ các chủ thể khác trong tương quan với nhận thức, mức độ quan tâm của họ đến XDPL. Các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản QPPL thuộc nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, cơ chế tham gia có những đặc thù, ảnh hưởng từ yếu tố thể chất, tinh thần của nhóm. Sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học có ý nghĩa quan trọng, bởi họ thường có tri thức, kỹ năng, gia tăng cơ hội xây dựng được các VBQPPL có chất lượng, hiệu quả. Sự tham gia của các đối tượng có lợi ích liên quan có thể làm cho họ hành xử khác đi. Đặc biệt, khi sự tham gia không phải với tư cách là các đối tượng nghiên cứu thụ động, mà với tư cách là các chủ thể tích cực, chủ động vào các chương trình phân tích được tiến hành "sẽ thúc đẩy một chương trình lập pháp ngày càng dân chủ"[2].
Ở Việt Nam, sự tham gia của xã hội vào XDPL được ghi nhận tại Điều 28 Hiến pháp năm 2013, cụ thể hóa tại Điều 5 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 "bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL". Cơ chế tham gia của xã hội vào XDPL không chỉ đảm bảo quyền của công dân, nhằm thu hút, phát huy năng lực sáng tạo của nhân dân mà còn gia tăng trách nhiệm của Nhà nước trong quá trình tạo ra các sản phẩm pháp luật đáp ứng nhu cầu xã hội, phục vụ con người[3].
Phản biện, phản kháng xã hội: Phản biện xã hội trong XDPL là việc bày tỏ ý kiến một cách có hệ thống và có cơ sở khoa học đối với các chính sách, pháp luật ở những công đoạn nhất định của quá trình XDPL, là "nhận diện, tìm ra điểm đúng, sai, bất hợp lý của chính sách được đưa ra để giải quyết vấn đề phát sinh, từ đó có thể kiến nghị điều chỉnh hay thậm chí là hủy bỏ chính sách đó, đề xuất chính sách mới, phù hợp hơn để giải quyết vấn đề"[4]. Nhờ cơ chế phản biện, mức độ tương thích, hiệu quả của chính sách pháp luật sẽ được nhận diện, những lập luận, đề xuất đưa ra sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của chính sách pháp luật khi được ban hành. Phản biện có thể diễn ra trực tiếp tại các hội nghị lấy ý kiến, tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử hoặc thông qua việc đăng tải ý kiến trên phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các tổ chức mà mình là thành viên hoặc qua việc đối thoại với các chủ thể có văn bản được phản biện.
Phản kháng xã hội trong XDPL có mục đích loại bỏ hoặc kiềm chế việc xây dựng hoặc ban hành những chính sách, pháp luật mà các chủ thể phản kháng thấy không hợp lý, không có ích cho xã hội, cộng đồng. Phản kháng và phản biện xã hội trong XDPL không hoàn toàn giống nhau, nhưng đều là những cách thức thể hiện thái độ, phản ứng tích cực của xã hội đối với các vấn đề liên quan đến XDPL, nhằm hướng tới chất lượng, hiệu quả của các sản phẩm lập pháp, lập quy.
Giám sát xã hội trong XDPL là việc công dân, các thành phần xã hội, thông qua các cách thức được pháp luật quy định, tiến hành quan sát, theo dõi, kiểm tra hoạt động XDPL của các chủ thể có thẩm quyền xem có đúng đắn, hợp pháp, hợp lý, chất lượng, hiệu quả không. Cách thức giám sát có thể qua khiếu nại, tố cáo, qua báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng hoặc qua việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong liên quan đến quá trình XDPL.
Các hình thức của cơ chế xã hội của XDPL có quan hệ mật thiết, tiếp nối, hòa trộn trong quá trình XDPL. Để giám sát, cần nhận biết, phản ánh và ngược lại. Giám sát cung cấp dữ liệu sống động cho quá trình phản kháng, phản biện xã hội, nhằm hướng tới chất lượng, hiệu lực thực sự của pháp luật. Ở góc độ tích cực nhất, các cơ chế xã hội của XDPL là biểu hiện mạnh mẽ sự tham gia đa dạng, chủ động của nhân dân vào hoạt động XDPL, cũng là sự cạnh tranh cần thiết trong tương quan với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của cơ chế pháp lý của XDPL.
3. Bảo đảm cơ sở xã hội học trong xây dựng pháp luật
Bảo đảm cơ sở xã hội học của XDPL là những yếu tố làm cho XDPL chắc chắn được thực hiện, duy trì hoặc có đầy đủ những gì cần thiết để triển khai hiệu quả. "Trong xã hội học pháp luật, hoạt động thu thập và phân tích thông tin xã hội cần thiết cho việc soạn thảo có kết quả các QPPL được hiểu là cơ sở xã hội học của hoạt động XDPL"[5]. Nội dung bảo đảm cơ sở xã hội học trong XDPL gồm:
-Thông tin xã hội học về chính sách pháp luật
Là một trong những chính sách công có vị trí quan trọng trong đời sống pháp lý, chính sách pháp luật là "chiến lược hoạt động của Nhà nước trong lĩnh vực điều chỉnh pháp luật, cũng như hoạt động phản ánh các lợi ích xã hội trong việc phân bổ lại các lĩnh vực ảnh hưởng của các điều chỉnh xã hội khác nhau"[6]. XDPL cần phải có các thông tin xã hội học về chính sách pháp luật vì, "chính sách là nội dung, văn bản pháp luật là vỏ bọc chứa đựng các chính sách đó dưới dạng ngôn ngữ và hình thức pháp lý"[7]. Thông tin xã hội học về chính sách pháp luật cơ bản đến từ quá trình phân tích chính sách. Quá trình này cần thiết, bởi nó đảm bảo mục tiêu của pháp luật là phục vụ lợi ích công cộng hoặc một bộ phận nhất định trong công chúng; giúp cho các nhà lập pháp hiểu rõ "mức độ tác động của các biện pháp cưỡng chế thi hành tới đâu và lường trước những phản ứng ngược lại; đặt sản phẩm lập pháp trong một chuỗi các hoạt động theo trật tự cố định, từ lúc nhận biết nhu cầu, xác định phương án, thiết kế phương án, cho đến lúc thông qua; giúp nhận biết mối liên hệ của văn bản chuẩn bị ban hành với những văn bản cùng lĩnh vực, từ đó tăng tính hiệu quả; hướng tới mức độ tương thích giữa chi phí và lợi ích để cân nhắc xem có cần ban hành văn bản QPPL đó hay không[8]. Trong quá trình phân tích chính sách, sự tham vấn rộng rãi ý kiến của quần chúng, các bộ ngành liên quan sẽ góp phần nâng cao chất lượng, làm minh bạch hóa, đời sống hóa hoạt động XDPL.
-Thông tin xã hội học về hiệu quả của các QPPL hiện hành
Thông tin xã hội học về hiệu quả của QPPL hiện hành là toàn bộ các "kết quả như yêu cầu" của QPPL, những thông báo, dữ liệu thu nhận dưới góc độ xã hội về quá trình QPPL phát huy giá trị, vai trò của nó trong khi điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan. Các thông tin này có thể là: mức độ đáp ứng về mục tiêu, phạm vi, tính chất điều chỉnh các quan hệ xã hội trực tiếp của QPPL; kết quả của việc điều chỉnh ở cả góc độ tích cực, tiêu cực, nguyên nhân dẫn tới những kết quả đó; mức độ tương tác của QPPL với các QPPL liên quan và với cả hệ thống pháp luật; mức độ hiện thực hóa các dự báo của QPPL trong quá trình ban hành trước đó; những yêu cầu đặt ra cùng các giải pháp cụ thể để tiếp tục hoàn thiện QPPL, đáp ứng mục tiêu điều chỉnh xã hội. Thông tin xã hội học về hiệu quả của QPPL hiện hành cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động XDPL. Nhờ những thông tin này, mà các chủ thể có thẩm quyền nhận thức được trạng thái của QPPL hiện hành dưới góc độ hiệu quả xã hội, từ đó có những ứng xử phù hợp liên quan đến những văn bản pháp luật sắp ban hành một cách thực chất, tránh hình thức, phiến diện. Qua các thông tin về hiệu quả xã hội của QPPL hiện hành, các chủ thể xây dựng pháp luật có cơ sở thực tiễn để cân nhắc kỹ lưỡng việc ban hành QPPL liên quan.
-Thông tin xã hội học về nhu cầu và các lợi ích pháp lý - xã hội
Nhu cầu là những đòi hỏi, mong muốn của con người về vật chất, tinh thần hoặc sự vật, hiện tượng nào đó như là điều kiện để tồn tại và phát triển. Lợi ích, ở một khía cạnh nhất định, nó "như là nhu cầu khách quan được chế định bởi vị trí xã hội của một cá nhân, một dân tộc, một nhóm xã hội nào đó”, "là sự phản ánh chủ quan những nhu cầu tồn tại khách quan”[9], "là mối quan hệ lựa chọn đã được nhận thức của nhu cầu”[10]. Trong thực tế, có rất nhiều nhu cầu và các lợi ích pháp lý - xã hội với các tính chất và mức độ khác nhau cần phải được nhận thức trong quá trình XDPL. Đó có thể là những nhu cầu, lợi ích chung thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, có thể là nhu cầu của cá nhân, tổ chức, các nhóm cộng đồng nhất định tương ứng. Việc xác định chính xác thông tin về nhu cầu và các lợi ích pháp lý - xã hội liên quan trong XDPL giúp cho việc lựa chọn được các nhu cầu, lợi ích mang tính ưu tiên, phù hợp với thực tiễn, trong tương quan với sự điều chỉnh trực tiếp của quy phạm pháp luật sắp ban hành. "Ở đây cần phải giải quyết hai nhiệm vụ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau: bảo đảm việc thu thập thông tin đầy đủ và chính xác về các lợi ích xã hội, các lợi ích pháp luật và có khả năng phân biệt lợi ích khách quan với các lợi ích chủ quan"[11].
Để xác định được nhu cầu, lợi ích mang tính ưu tiên dẫn đến các ưu tiên trong XDPL, cần căn cứ vào các thông tin như: sự nghiêm trọng của vấn đề xã hội cần điều chỉnh, phạm vi những vấn đề xã hội được xác định ảnh hưởng đến dân chúng, ai nằm trong nhóm bị ảnh hưởng; tác động xã hội của các văn bản QPPL được đề xuất, ai được lợi, ai chịu thiệt và trong phạm vi nào[12]... Các tiêu chí xác định việc ưu tiên trong XDPL có thể dựa vào việc giải quyết các vấn đề: "Cải thiện chất lượng điều hành nhà nước không, như thế nào? tạo thêm nhiều cơ hội việc làm không? Nâng cao sản xuất, hàng hóa và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu căn bản của đại bộ phận dân chúng không? Nâng cao sự công bằng không, nâng cao như thế nào?"[13]. Thông tin xã hội học về nhu cầu và các lợi ích pháp lý-xã hội sẽ giúp các cơ quan xây dựng pháp luật sử dụng các dữ kiện thực tế để quyết định dành các nguồn lực cho dự luật nào và theo thứ tự ra sao.
-Thông tin xã hội học về cơ chế hoạt động pháp lý - xã hội của các QPPL được soạn thảo
Cơ chế hoạt động pháp lý - xã hội của các QPPL được soạn thảo là cách thức, quá trình các QPPL hiện thực hóa việc tác động đến các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh, trong tương quan với các yếu tố tác động, điều kiện đảm bảo của xã hội và pháp luật. Cơ chế này là sự kết hợp giữa quá trình điều chỉnh xã hội của pháp luật, thông qua các yếu tố pháp lý đặc thù với quá trình tham gia của các thành phần, yếu tố xã hội khác. Thông tin xã hội học về cơ chế hoạt động pháp lý - xã hội của QPPL được soạn thảo cung cấp một họa đồ các công đoạn điều chỉnh pháp luật của QPPL trong xã hội, trong tương quan với quá trình điều chỉnh của các QPPL liên quan. Từ đó, có thể nhận diện được sự phù hợp hay không của QPPL trong quá trình điều chỉnh, mức độ đáp ứng các yêu cầu của xã hội, mức độ tương thích của QPPL trong hệ thống pháp luật nói chung, hiệu quả điều chỉnh của QPPL đó ra sao.
Thông qua cơ chế hoạt động pháp lý - xã hội của QPPL được soạn thảo, tác động của các yếu tố như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, các quy phạm xã hội khác như đạo đức, tập quán, tín điều tôn giáo cũng được xem xét. Việc phân tích thực trạng và tìm lời giải cho mối tương quan giữa các yếu tố pháp lý với các yếu tố xã hội, giữa các quy phạm pháp luật với các quy phạm xã hội như đạo đức, tập quán cũng sẽ giúp thúc đẩy hay cản trở việc đạt được những mục đích, yêu cầu của pháp luật trong tương lai.
-Thông tin dự báo về hiệu quả, tác động xã hội của QPPL sẽ được ban hành
"Dự báo pháp luật là loại nghiên cứu nhằm mục đích dự đoán các trạng thái tương lai của pháp luật và của các hiện tượng do pháp luật quy định, mang tính chất xác suất, nhiều phương án"[14]. Mặc dù, chỉ mang tính chất dự đoán tương lai, dự đoán những thay đổi tiếp theo của trạng thái hiện có, nhưng dự báovề hiệu quả, tác động xã hội của QPPL sẽ được ban hành được xem là một trong những đảm bảo quan trọng của XDPL. Bởi lẽ, nó cung cấp các thông tin mang tính báo trước về tình hình hiệu quả, tác động xã hội của QPPL sẽ được ban hành có nhiều khả năng sẽ xảy ra, dựa trên cơ sở những số liệu, những thông tin đã có. Thông thường, các dự báo sẽ được gửi kèm các dự án đề xuất xây dựng hoặc dự thảo văn bản QPPL, và càng nhiều thông tin về dự báo càng tốt cho quá trình quyết định của chủ thể có thẩm quyền. Ở cấp độ cơ bản nhất, các dự báo phải chỉ rõ được ai sẽ là người được hưởng lợi, ai sẽ là người chịu ảnh hưởng; các chi phí của chính phủ; tác động của QPPL với các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh cùng tương quan với hệ thống các QPPL liên quan; mức độ trật tự và sự ổn định của các quan hệ xã hội sau khi được điều chỉnh; tình trạng pháp chế trong đời sống xã hội; những lợi ích vật chất và tinh thần được tạo ra; những hiện tượng và các quá trình khác của đời sống xã hội có thể xảy ra khi chịu sự tác động của pháp luật và quá trình điều chỉnh pháp luật...
4. Các yếu tố tác động đến xây dựng pháp luật
Yếu tố tác động là những yếu tố làm cho quá trình XDPL có những ảnh hưởng, biến đổi nhất định. Đó có thể là các yếu tố chung như: kinh tế, chính trị, văn hóa, bối cảnh quốc tế, pháp luật, cũng có thể là các yếu tố cụ thể như: năng lực xây dựng pháp luật, vấn đề tổ chức, dư luận xã hội, cơ sở vật chất, kinh phí...
Kinh tế là yếu tố mang tính nền tảng, tác động đến XDPL ở nhiều khía cạnh, từ tính chất, cơ cấu cho đến nội dung, "kinh tế đóng vai trò liên kết, quyết định cả trong sự hình thành một loạt chế định của các ngành pháp luật khác, như chế độ tiền lương trong Luật lao động hoặc chế định tiền trợ cấp và sở hữu của vợ chồng trong pháp luật hôn nhân gia đình...; trong sự hình thành và hoạt động của pháp luật về đất đai, tài nguyên thiên nhiên"[15].
Chính trị, theo nghĩa chung nhất, là sự ổn định, bền vững của thể chế, của hệ thống chính trị, góp phần tạo lập môi trường thuận lợi cho XDPL. Cụ thể hơn, chính trị thể hiện qua chủ trương, chính sách của đảng cầm quyền, là cơ sở tư tưởng cho quá trình thể chế hóa hành pháp luật của Nhà nước, cung cấp những định hướng phát triển cho các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội.
Yếu tố pháp luật có tác động mạnh mẽ đến XDPL. Nó không chỉ thể hiện tính chất, mức độ điều chỉnh các quan hệ xã hội, lý do của việc XDPL mà còn tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này. Hệ thống pháp luật hiện hành có tác động trực tiếp đến quá trình XDPL bởi nó bộc lộ tính chất, phạm vi điều chỉnh cũng như sự thiếu hụt, mức độ, sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, các quy định về quy trình, thủ tục, thẩm quyền, cũng như trách nhiệm pháp lý trong XDPL sẽ tác động đến chất lượng, cách thức XDPL.
Văn hóa nói chung, văn hóa pháp luật nói riêng cũng có tác động không nhỏ đến XDPL. Nó chi phối nhận thức, thái độ, kỹ năng của chủ thể có thẩm quyền, đồng thời tác động đến mức độ quan tâm, tham gia của các chủ thể khác trong xã hội vào quá trình kiểm tra, giám sát, đóng góp ý kiến trong XDPL. Nếu ý thức pháp luật của các cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước mang tính tích cực, coi trọng trách nhiệm, đạo đức công vụ, sẽ góp phần nâng cao chất lượng, tạo niềm tin cho các chủ thể liên quan trong XDPL.
Yếu tố năng lực XDPL là khả năng tạo ra được các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng, hiệu quả, thuộc về đội ngũ các chủ thể có thẩm quyền XDPL. Nó được tạo nên bởi một tổng thể gồm năng lực chuyên môn, khả năng đáp ứng mục tiêu, trách nhiệm về lòng trung thành, tính cẩn mật, khả năng chấm dứt hoặc từ chối tuân theo các chỉ đạo có thể gây ảnh hưởng đến tính minh bạch, chất lượng của quá trình XDPL. Năng lực XDPL là yếu tố tác động mang tính quyết định đối với chất lượng của các văn bản QPPL được ban hành, bởi nó trực tiếp biến các chính sách, chủ trương, định hướng chính trị, mong muốn, nhu cầu của xã hội... thành các quy định cụ thể của pháp luật, cái sẽ tác động trực tiếp đến hành vi của các chủ thể liên quan.
Dư luận xã hội là yếu tố để các lực lượng xã hội thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề xã hội, trong đó có hoạt động XDPL. Dư luận xã hội góp phần tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, mở rộng nền dân chủ xã hội, tích cực tham gia vào quá trình XDPL. Dư luận xã hội cũng là nguồn thông tin phản hồi có ý nghĩa quan trọng và thiết thực với XDPL, bởi mọi vướng mắc, thiếu hụt, khe hở của pháp luật đều có thể được nhận diện qua dư luận, từ đó giúp chủ thể có thẩm quyền ra các văn bản, quyết định phù hợp lòng dân. Dư luận xã hội cũng có sức mạnh to lớn trong việc định hướng, điều chỉnh hành vi của các thành viên trong xã hội, trong đó có hành vi của các chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động XDPL, để các chủ thể này lắng nghe dư luận một cách nghiêm túc, có những phân tích khoa học để rút ra được những kết luận chính xác về thực trạng các quan hệ xã hội đang cần có pháp luật điều chỉnh[16].
Yếu tố tổ chức cũng rất cần cho XDPL, vì suy cho cùng, mọi hoạt động muốn đạt hiệu quả, bắt buộc phải được tổ chức tốt. Yếu tố tổ chức trong XDPL đến từ nhiều khía cạnh, từ việc bố trí hợp lý về cơ cấu các chủ thể chịu trách nhiệm, cho đến tính khả thi của mọi công đoạn khi triển khai. Tất cả đều phải được nghiên cứu, tính toán hợp lý, khoa học, có kế hoạch cụ thể. Trong quá trình đó, trách nhiệm của các cá nhân phải được phát huy cao nhất, các bước, công đoạn phải có lộ trình và khả thi.
Yếu tố chi phí và cơ sở vật chất trong thực tiễn cũng ảnh hưởng lớn tới quá trình XDPL. Nó không chỉ làm cho hoạt động XDPL vận hành trôi chảy, mà còn chi phối cả đến thời gian hoàn thành, phạm vi, tính chất của văn bản pháp luật được soạn thảo. Nếu kinh phí, cơ sở vật chất thiếu thốn, không đáp ứng yêu cầu, không hợp lý, thì các chủ thể có thẩm quyền khó bảo đảm tiến độ triển khai nhiệm vụ, việc tổ chức cho các thành phần xã hội, cơ quan, tổ chức và người dân tham gia XDPL theo quy định ở các công đoạn cũng khó đạt chất lượng như mong muốn.
Các yếu tố cơ bản nêu trên, trong quá trình tác động đến XDPL luôn có tác động nhất định đến nhau, ảnh hưởng đến XDPL cả ở góc độ tích cực lẫn tiêu cực. Việc xem xét, nghiên cứu các yếu tố tác động đến XDPL là một khía cạnh quan trọng của các nghiên cứu pháp lý xã hội thuộc lĩnh vực XDPL. Nó giúp việc nhận diện mức độ, tính chất tác động, ảnh hưởng của các nhân tố xã hội, đồng thời phản ảnh nhu cầu của xã hội đối với quá trình điều chỉnh các lĩnh vực quan hệ xã hội nhất định. Từ đó, có thể đưa ra các phương án, giải pháp tối ưu, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và sản phẩm của XDPL.
5. Tác động xã hội trong xây dựng pháp luật
Như đã trình bày, XDPL chính là một loại thiết kế xã hội, XDPL trước hết là việc quy phạm hóa các hành vi mang tính điển hình, phổ biến của các chủ thể trong xã hội vào phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Từ đó, tạo ra một khung khổ pháp lý cho các quan hệ xã hội vận hành theo đúng mong muốn của Nhà nước và cộng đồng xã hội, tạo tiền đề cho một xã hội trật tự, ổn định, phát triển. "XDPL là việc biến ý chí của Nhà nước thành pháp luật và tạo cho nó một đặc tính pháp lý, nó cũng biến các yêu cầu của người dân thành pháp luật - yêu cầu mang tính quyền lực"[17].
XDPL cũng là hoạt động tạo nên sự kết nối giữa các thành viên trong quá trình tham gia vào các cơ chế xã hội - pháp lý của XDPL. Sự kết nối có thể qua việc cùng tạo nên dư luận xã hội về một vấn đề nhất định mà cộng đồng quan tâm, cũng có thể qua việc đóng góp ý kiến, tham gia, phản biện, phản kháng hoặc kiểm tra, giám sát quá trình XDPL của các chủ thể có thẩm quyền. XDPL vì vậy, có tác dụng tạo ra những liên kết và đồng thuận xã hội giữa các thành viên."Cân nhắc các vấn đề có tầm quan trọng quốc gia, các vấn đề và nhu cầu của công chúng là một chức năng quan trọng của lập pháp hiện đại. Thông qua chức năng này, lập pháp phản ánh dư luận xã hội về nhiều vấn đề khác nhau. Các cuộc tranh luận được tổ chức trong quá trình lập pháp có giá trị giáo dục rất lớn đối với người dân."[18]
Thông qua XDPL, người dân, các lực lượng khác nhau trong xã hội thể hiện quan điểm, nhu cầu, nguyện vọng của mình, cũng chính là những yêu cầu đối với Nhà nước trong quá trình hiện thực hóa các quyền mà nhân dân giao phó. XDPL cũng chính là quá trình hiện thực hóa các quyền con người, hiện thực hóa chủ quyền nhân dân và các trách nhiệm của Nhà nước. "Khi Nhà nước đề ra một chính sách và sau đó cam kết thực hiện chính sách đó, thì các nhà soạn thảo pháp luật phải chuyển hóa chính sách đó thành quy định của pháp luật để cho các cán bộ nhà nước khác thực thi. Sau cùng, Nhà nước chỉ có một con đường là thực thi các chính sách của mình thông qua việc ban hành và thực thi pháp luật"[19].
XDPL đôi khi cũng làm cản trở tiến trình dân chủ, hạn chế các quyền con người, nếu quá trình xây dựng diễn ra một cách hình thức, không thể hiện được ý chí, nguyện vọng cũng như sự tham gia của các thành phần xã hội, đặc biệt, khi sản phẩm của quá trình XDPL là những văn bản QPPL có chất lượng kém, không đáp ứng nhu cầu hoặc mâu thuẫn với hệ thống pháp luật đã ban hành.
Như vậy, xã hội học XDPL là loại nghiên cứu pháp lý-xã hội nhằm nhận thức hoạt động XDPL một cách sống động nhất, gắn liền với hơi thở của xã hội. Thông qua những khía cạnh xã hội trong hoạt động XDPL, vai trò của các thành phần xã hội ngày càng được nhìn nhận trong quá trình XDPL; đồng thời, hoạt động XDPL lập pháp được đảm bảo bởi cơ sở xã hội vững chắc góp phần nâng cao chất lượng, tính khả thi của các văn bản QPPL trong thực tiễn./.
TS. PHẠM THỊ DUYÊN THẢO
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội