Báo chí và doanh nghiệp gắn bó, đồng hành cùng phát triển

Trong xã hội hiện đại, Báo chí (BC) và Doanh nghiệp (DN) luôn có mối quan hệ gắn bó, đồng hành để cùng phát triển.

Trong đó, BC là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp đến với người tiêu dùng; không chỉ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân, BC còn phản ánh tình hình giúp DN nhìn nhận thực tiễn đầy đủ và sâu sát hơn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, thúc đẩy văn hóa kinh doanh... Còn DN vừa đem đến thông tin, vừa là đối tác, cũng vừa là đối tượng phục vụ quan trọng của BC.

Ảnh minh họa - TL

Trong khi các doanh nhân, doanh nghiệp được coi là đội quân chủ lực trong phát triển kinh tế đất nước, thì Báo chí lại là lực lượng có vai trò quyết định trong định hướng dư luận, lan tỏa dư luận xã hội và xây dựng văn hóa. Đó là hai lĩnh vực quan trọng góp phần tích cực xây dựng một nước Việt Nam phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Gắn bó, đồng hành cùng phát triển

Đã từ lâu, như một lẽ tự nhiên, BC và DN luôn có sự gắn bó, đồng hành để cùng phát triển. Thực tế giữa DN và BC đã có những mối gắn kết xuất phát không đơn thuần chỉ từ lợi ích kinh tế, mà quan hệ giữa hai bên được xây dựng trên một nền tảng văn hoá - văn hoá báo chí và văn hoá kinh doanh, để cùng phát triển và cùng đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung. 

Ngày nay, để có thể vượt qua thách thức và phát triển, DN phải giải quyết rất nhiều vấn đề, trong đó nâng cao khả năng cạnh tranh của đơn vị trên thị trường là yêu cầu vô cùng quan trọng. Bên cạnh hiệu quả và chất lượng sản xuất kinh doanh của mình, DN cần đến báo chí như một kênh thông tin chính thức, chính thống thay vì để cho xã hội tìm những thông tin trên các kênh không chính thức mà nhiều khi DN bị thông tin sai lệch do sự cạnh tranh không lành mạnh gây ra. Ngược lại, BC cũng cần doanh nghiệp để duy trì hoạt động của mình bằng nguồn tin từ doanh nghiệp, nguồn thu từ DN; BC là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp đến với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Chưa hết, BC còn giúp các DN phản ánh tâm tư, đề đạt nguyện vọng của mình một cách nhanh nhất tới các cơ quan của Đảng và Nhà nước; là diễn đàn quan trọng để các DN quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình.

Hoàn toàn không quá chút nào khi nói rằng, giữa DN và BC là mối quan hệ cộng sinh, luôn đồng hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Nếu báo chí thực hiện sự kết nối hoạt động của DN với người dân, cũng như với các thành phần kinh tế, xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển của DN trong sự phát triển chung của nền kinh tế; thì DN lại là môi trường tốt cho báo chí phát huy được sức mạnh của mình trong quá trình thực hiện vai trò, chức năng của cơ quan truyền thông, ngôn luận; là nơi cung cấp cho báo chí thông tin từ thực tiễn và cũng là một nguồn lực hỗ trợ báo chí trong sự cộng sinh đó.

Cho nên, sự đồng hành, hợp tác lành mạnh, hiệu quả giữa báo chí và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi bên cũng như trong quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước nói chung.

Báo chí và doanh nghiệp –  vẫn có “con sâu bỏ rầu nồi canh”

Nói đến thực trạng thì thường có cả mặt tốt và mặt không tốt, cái được và cái chưa được. Hoạt động báo chí và hoạt động của doanh nghiệp cũng vậy.

Trước hết về hoạt động BC, trong thời gian qua không ít vụ việc không vui xảy ra giữa doanh nghiệp và báo chí, mà cái “sai” lúc thì do báo chí, khi thì tại doanh nghiệp. Cho dù là “con sâu bỏ rầu nồi canh” thì đây cũng là điều đáng tiếc. Một số DN cho rằng, bên cạnh dòng thông tin đúng đắn, tích cực, đâu đó vẫn còn những thông tin gây bất lợi, thậm chí là làm tổn hại đến uy tín và thương hiệu của DN do phóng viên, hoặc một tờ báo nào đó gây ra. Tình trạng giật tít “câu view”, thông tin chưa đúng về mặt bản chất, chưa đúng với những nỗ lực, cố gắng của DN, vẫn tồn tại, khiến không ít DN lo lắng.

Có thể khẳng định, việc lợi dụng danh nghĩa báo chí, lợi dụng bất cập của DN để cố tình gây khó, thậm chí có trường hợp mang động cơ “tống tiền” doanh nghiệp, là thực trạng đã diễn ra ở một số ít phóng viên, nhà báo. Những nhà báo, phóng viên này quan hệ với doanh nghiệp không mang tính xây dựng… Họ đến doanh nghiệp tìm cách “bới lông, tìm vết”, đe dọa doanh nghiệp, gây bất lợi cho doanh nghiệp; lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội để đưa thông tin không chính xác, không chỉ làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN, mà còn vô tình tạo nên một khoảng cách vô hình, khiến cho hiệu quả trong hợp tác truyền thông giữa báo chí và DN bị suy giảm nghiêm trọng.

Đúng là hành động xấu chỉ xảy ra ở một số ít người làm báo biến chất, coi đồng tiền là trên hết, nhưng con số ít ấy lại gây mất uy tín rất nhiều cho hoạt động báo chí, làm ảnh hưởng xấu cả đến những phóng viên, nhà báo chân chính. “Con sâu bỏ rầu nồi canh” là vậy.  Phải chăng vì vai trò của Báo chí trong phát triển xã hội là rất lớn và mang đặc thù riêng nên phần lớn đều cho rằng, cái xấu cái sai không được phép nằm trong bản chất của nghề Báo, vì vậy mà nhiều khi chỉ một hành động sai, một việc làm xấu của người làm báo là đã có ngay sự lan tỏa và phê phán gay gắt nhất của dư luận xã hội. Xã hội luôn đúng trong việc tôn vinh người tốt việc tốt và phê phán việc làm sai trái. Chúng ta, với tư cách là người làm báo, hoàn toàn ủng hộ sự nghiêm minh của pháp luật đối với người làm báo mang động cơ trục lợi cá nhân mà gây hại người khác, hại doanh nghiệp.

Nhưng, nói đến người làm báo mà không nói về doanh nghiệp e rằng sẽ là chưa đủ. Phần lớn DN đều phải nỗ lực vượt khó, phải cố gắng để hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với nhà nước, trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp luôn là một nguồn lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp không làm đúng luật, thiếu một văn hóa doanh nghiệp đúng đắn, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi bất chính trong quá trình tổ chức kinh doanh… Âu cũng là “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Những đơn vị đó đương nhiên phải gánh chịu hậu quả. Và có một thực tế rằng, nhiều DN trong số sai phạm ấy là do báo chí “phanh phui” trước khi các cơ quan pháp luật điều tra, xử lý. Điều này hoàn toàn nằm trong chức năng, vai trò của Báo chí.

Nhưng cũng có một thực tế đáng nói khác là trong bối cảnh hoạt động đang rất nhiều khó khăn, các DN lại còn thường trực nỗi lo từ thông tin báo chí thiếu minh bạch, mất lòng tin với báo chí. Sở dĩ như vậy, một mặt do “ác ý” của một số phóng viên chưa có tâm và cũng chưa đủ tầm. Nhưng cũng một phần đến từ việc một số DN chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, thậm chí là né tránh, thiếu sự tương tác cần có với báo chí để hai bên có thể hợp tác tốt hơn, đúng với thực tế và cùng giúp nhau tháo gỡ khó khăn… 

Việc cần làm để gắn kết, đồng hành tốt hơn

Không ai có thể phủ nhận được vai trò của DN hay của BC trong phát triển xã hội. Một bài báo có thể thúc đẩy thành công của doanh nghiệp, lan tỏa khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội. Nhưng một bài báo cũng có thể làm tiêu tan một thương hiệu, một doanh nghiệp. Thực tế đó đã từng diễn ra như một minh chứng về sức mạnh của báo chí.

Bên cạnh việc tôn vinh, lan tỏa cái đẹp, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, báo chí và doanh nghiệp cũng cần phối hợp, đồng hành trong việc đấu tranh với những sai trái, vi phạm pháp luật, hành vi tiêu cực của doanh nghiệp, doanh nhân góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Một khi thực sự đồng hành thì đôi bên hoàn toàn có thể giúp nhau cùng tránh được những sai lầm, bất cập để cùng phát triển.

Doanh nghiệp có văn hoá kinh doanh, các cơ quan báo chí cũng có văn hoá báo chí. Doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh, cơ quan báo chí cũng có đạo đức của người làm báo. Hai bên cùng chung tay góp phần làm lành mạnh hơn nữa mối quan hệ này, đem đến những cơ hội thiết thực cho những lực lượng là đại diện cho những nguồn lực phát triển của xã hội. Trong quá trình đó, việc doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin, phối hợp các cơ quan truyền thông chính thống nhằm đưa chính xác thông tin, thay vì né tránh cơ quan báo chí, luôn là cách gắn kết tích cực và hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể có./.

Xuân Phúc 

...
  • Tags: