Chính sách phát triển bền vững kinh tế biển xanh - Xu hướng quốc tế và triển khai tại Việt Nam

Biển và đại dương là hệ sinh thái lớn, quan trọng nhất trên Trái Đất và chúng có liên kết chặt chẽ đến phát triển bền vững (PTBV) của nhân loại. Tuy nhiên, đại dương đang phải đối mặt với nhiều thay đổi tiêu cực, do chịu nhiều sức ép quá mức ở các quy mô

Biển và đại dương là hệ sinh thái lớn, quan trọng nhất trên Trái Đất và chúng có liên kết chặt chẽ đến phát triển bền vững (PTBV) của nhân loại. Tuy nhiên, đại dương đang phải đối mặt với nhiều thay đổi tiêu cực, do chịu nhiều sức ép quá mức ở các quy mô khác nhau.

Xu hướng quốc tế

Biển và đại dương là hệ sinh thái lớn, quan trọng nhất trên Trái Đất và chúng có liên kết chặt chẽ đến phát triển bền vững (PTBV) của nhân loại.

Tuy nhiên, đại dương đang phải đối mặt với nhiều thay đổi tiêu cực, do chịu nhiều sức ép quá mức ở các quy mô khác nhau. Trong những thập kỷ vừa qua, các xu hướng liên quan đến chất lượng nước và môi trường, đa dạng sinh học và năng suất hệ sinh thái, cũng như tình trạng tài nguyên thiên nhiên ở nhiều nơi và ở nhiều quy mô khác nhau thường đang bị suy giảm. Đại dịch COVID-19 đã phần nào làm chậm lại xu hướng này, và cũng đặt ra một câu hỏi về sự phục hồi và phát triển trong giai đoạn sắp tới – một sự phát triển kinh tế nhưng cần đảm bảo tính “xanh” và bền vững.

“Phục hồi xanh” hậu COVID-19 đang là mối quan tâm và ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định, đại dương là một ranh giới kinh tế mới, không thể thiếu cho một tương lai bền vững và thịnh vượng. KTB, trong bối cảnh “bình thường”, có thể dự kiến tăng trưởng từ 1,5 nghìn tỷ đô-la Mỹ (2010) tới 3,0 nghìn tỷ (2030), cung cấp thêm chín triệu việc làm trong giai đoạn này. Thử thách chính trong thập kỷ tới là làm sao để vừa xây dựng các cơ chế điều hành và quản trị để đạt được những con số nêu trên, và vừa đảm bảo tính bền vững cho biển và đại dương.

Khái niệm quản lý kinh tế biển (KTB) vẫn còn khá mới. Trước đây, KTB được quản lý qua viêc quản trị các ngành kinh tế cụ thể, như đánh bắt thuỷ hải sản, vận tải biển, du lịch,... Với cường độ thấp, cách tiếp cận này có thể phù hợp. Việc quản trị biển theo hướng này chủ yếu dựa trên tập hợp các chính sách kinh tế cho các ngành nghề khác nhau, kèm theo các chính sách về bảo tồn biển. Tuy nhiên, những cách tiếp cận như vậy không còn đủ để ứng phó với cường độ hoạt động trên biển ngày càng cao, áp lực gia tăng như hiện nay.

Theo đó, các nước cũng đã phát triển các phương pháp tiếp cận dựa trên tính tổng thể, hệ sinh thái và tri thức, nhằm đảm bảo tính bền vững, tích hợp và cân bằng các mục đích sử dụng biển khác nhau để tối ưu hóa nền kinh tế đại dương, được gọi là quản lý tổng hợp đại dương (IOM). Phương pháp này dựa trên một số công cụ, như (i) Quản lý dựa trên hệ sinh thái (EBM), (ii) Quản lý tổng hợp đới bờ (ICZM) hay (iii) Các biện pháp dựa trên khu vực địa lý, thông qua việc quản lý tổng hợp các khu vực cụ thể, như các Khu bảo tồn biển (MPAs).

Gần đây đã có nhiều nỗ lực nhằm đánh giá nền kinh tế đại dương theo một cách tổng hợp hơn, được gọi là tài khoản đại dương, thông qua việc phát triển các tiêu chuẩn quốc tế để tính toán các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của đại dương và bờ biển. Tài khoản quốc gia về kinh tế đại dương có chứa các thông tin về kinh tế và giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như công chúng hiểu được các kết quả chính sách ngắn hạn và tính bền vững dài hạn. Tài khoản đại dương quốc gia ưu tiên ba chỉ số về kinh tế đại dương: (i) Sản phẩm đại dương (tính theo GDP); (ii) Bản hạch toán tài khoản đại dương, dùng để đo lường sự thay đổi của các tài sản phi sản xuất và sản xuất; và (iii) Thu nhập từ đại dương, tính toán lợi ích cho các quốc gia từ KTB (tính theo GNI).

Kinh tế đại dương được hình thành từ nhiều lĩnh vực ngành nghề. Đối với các nước thu nhập trung bình – thấp, kinh tế biển có đóng góp đáng kể cho GDP. Đóng góp cho GDP từ 06 lĩnh vực KTB trong biểu đồ dưới đây, giai đoạn 2005 - 2015 là 9 – 11%. Đối với các nước ASEAN, sáu lĩnh vực kinh tế này có đóng góp gần 50 tỷ đô-la Mỹ vào nền kinh tế. Tuy nhiên, với từng nước cụ thể, đóng góp của mỗi lĩnh vực cho GDP lại khác nhau, tương tự với các đóng góp cho thu nhập quốc dân và bản hạch toán tài khoản đại dương. Xây dựng các tài khoản đại dương nhằm xác định GDP, liên quan đến thu nhập quốc dân và phát triển bền vững, là bước quan trọng đầu tiên để hiện thực hóa tiềm năng quốc gia trong một nền kinh tế đại dương đang ngày được mở rộng. Ngoài các sáng kiến của chính phủ, thị trường đầu tư vào kinh tế biển đang phát triển nhanh chóng, tạo ra các dòng vốn đầu tư lớn vào các hoạt động kinh tế đại dương. Ví dụ, khoản đầu tư Accelerating Blue (tạm dịch là “Khoản đầu tư Xanh Tăng tốc) ở châu Á – Thái Bình Dương (ADB) trị giá 5 tỷ đô-la Mỹ sẽ tận dụng các quỹ của khu vực công để tạo ra các cơ hội đầu tư có thể thu hút tài trợ từ nhiều nguồn, bao gồm cả khu vực tư nhân. Hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn từ ADB và các nhà tài trợ, cùng với các công cụ tài trợ sáng tạo như bảo lãnh doanh thu và trái phiếu xanh ngày càng được mở rộng.

Việt Nam – Khởi đầu quan trọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế biển

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XII đã ra Nghị quyết về Chiến lược PTBV KTB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ: “PTBV KTB trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước”. Thực hiện chủ trương này, Việt Nam đang bắt đầu triển khai xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và một loạt các quy hoạch chuyên ngành khác như Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển; Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; Quy hoạch tổng thể về năng lượng,... Đây là lần đầu tiên, Việt Nam tổ chức xây dựng các quy hoạch phát triển KTB xanh một cách bài bản, có hệ thống, nhằm phát triển KTB một cách bền vững, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Để hỗ trợ cho việc khởi động xây dựng các Quy hoạch này, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đang phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) triển khai nghiên cứu về KTB xanh bền vững tại Việt Nam, trong đó tập trung cho 6 lĩnh vực KTB gồm: hàng hải, thủy sản, du lịch biển, dầu khí, năng lượng tái tạo gió, dịch vụ môi trường và sinh thái biển. Trong bối cảnh nguồn dữ liệu để phân tích thu thập được đến nay còn rất nhiều hạn chế, phân tán và thiết tính đồng bộ, hệ thống nên quá trình triển khai thực hiện dự án trên được bắt đầu bằng việc xác định các khái niệm/phương pháp luận và thu thập thông tin một cách thống nhất, bài bản.

Phương pháp luận nghiên cứu về Kinh tế biển Xanh của UNDP và VASI

Nghiên cứu về Kinh tế xanh của UNDP và VASI sử dụng một số góc nhìn để xem xét nền kinh tế đại dương, nhằm nâng cao hiểu biết và đưa ra các khuyến nghị. Mỗi cách tiếp cận có thể phần nào bị hạn chế do thông tin và dữ liệu, tuy nhiên, tính mạnh mẽ của phân tích được cải thiện thông qua cách tiếp cận tổng hợp này. Các cách tiếp cận được sử dụng bao gồm:

Tài khoản đại dương – phân tích cố gắng tuân thủ nguyên tắc của tài khoản đại dương dựa trên Hệ thống Hạch toán Kinh tế Môi trường của Liên Hợp Quốc. Đối với mỗi lĩnh vực, ba chỉ số chính của nền kinh tế đại dương được điều tra: Sản phẩm đại dương, bản hạch toán tài khoản đại dương và thu nhập từ đại dương.

Phân tích kịch bản – đã có một số kịch bản cho từng ngành tới năm 2030 dựa trên kịch bản “bình thường” và kịch bản theo các hướng phát triển khác nhau. Tác động của các hướng phát triển này đối với nền kinh tế đại dương sẽ được đánh giá, và một số kịch bản tối ưu hóa sẽ được xem xét để tối ưu hóa nền kinh tế đại dương tổng thể.

Phân tích chi phí – lợi ích – một phân tích về chi phí và lợi ích của các cách tiếp cận khác nhau đối với nền kinh tế đại dương, ước tính ở cấp độ ngành, sẽ được thực hiện. Điều này có thể giúp đưa ra quyết định liên quan đến việc ưu tiên đầu tư trong chương trình đầu tư công hoặc ưu tiên hợp tác với các đối tác phát triển.

Phân tích mối liên kết giữa các ngành – đánh giá mỗi liên hệ của từng ngành kinh tế đại dương với 17 mục tiêu PTBV. Cách thức mà nền kinh tế đại dương có thể tạo điều kiện hoặc hạn chế, phát triển trong các mục tiêu này sẽ được đánh giá và có thể giúp đưa ra quyết định liên quan đến các nỗ lực quốc gia trong Chương trình Nghị sự 2030.

Kết quả sơ bộ và các khuyến nghị ban đầu Với quá trình thực hiện nghiên cứu trong thời gian vừa qua, có thể có một số nhận định ban đầu như sau:

Một là, việc lựa chọn cách tiếp cận tổng thể, hệ thống và áp dụng các phương pháp tiên tiến trên thế giới theo thông lệ quốc tế là hoàn toàn phù hợp và khả thi. Mặc dù còn không ít những vấn đề phải giải quyết, nhưng với cách làm này, có thể dần định hình được bộ dữ liệu cơ bản ban đầu phục vụ việc phân tích và định hướng chính sách sát hợp hơn với tình hình thực tế. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thiết lập một khung dữ liệu cơ bản để thu thập, tổng hợp và đánh giá một cách định kỳ;

Hai là, các chính sách phát triển kinh tế theo từng ngành cụ thể có thể phù hợp riêng đối với ngành đó, tuy nhiên khi đặt trong bối cảnh chung và xem xét sự tương tác với các ngành khác sẽ thấy nhiều điểm chưa hợp lý và cần được cải thiện, nhằm đạt được mục tiêu chung là tối ưu hóa nền KTB xanh và PTBV; theo đó, Quy hoạch tích hợp không gian đa ngành cho phát triển KTB là cần thiết.

Ba là, một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành/lĩnh vực, giữa các vùng và cụ thể giữa các địa phương là hết sức cần thiết, ngay từ giai đoạn ban đầu trong viêc thu thập và chia sẻ thông tin, thực hiện các nghiên cứu cơ bản. Trong thời gian tới, khi triển khai xây dựng Quy hoạch không gian biển và các quy hoạch có liên quan, và việc triển khai thực hiện sau này càng đòi hỏi sự phối hợp giữa các bên liên quan theo một tổ chức chỉ đạo chung, thống nhất.

Tóm lại, có thể thấy rằng, là quốc gia ven biển, có đường bờ biển dài trên 3.260km với trên 3.000 đảo và quần đảo khác nhau và 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển KTB. PTBV KTB cũng là xu hướng tất yếu cho một tương lai bền vững và thịnh vượng. UNDP cam kết thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Chính phủ Việt Nam và Bộ TN&MT để xây dựng và triển khai các chương trình phát triển KTB, hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu PTBV.

Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam

  • Tags: