Pháp luật một số quốc gia về kiểm soát tiền ảo và khuyến nghị tại Việt Nam

Tiền là phương tiện trao đổi. Trong hàng nghìn năm, phương tiện trao đổi đó được chấp nhận dưới dạng vật chất, được phát hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gọi là tiền pháp định. Khi thương mại điện tử ra đời và không ngừng phát triển, các giao dịch

1. Đặt vấn đề

Tiền là phương tiện trao đổi. Trong hàng nghìn năm, phương tiện trao đổi đó được chấp nhận dưới dạng vật chất, được phát hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gọi là tiền pháp định. Khi thương mại điện tử ra đời và không ngừng phát triển, các giao dịch thương mại quốc tế trở nên nhanh chóng hơn, khoảng cách địa lý không còn nhiều ý nghĩa. Mọi người đều có thể dễ dàng truy cập trực tiếp vào thông tin sản phẩm qua trang tin điện tử của nhà cung cấp ở bất kỳ nơi đâu. Tương ứng với sự phát triển mạnh mẽ này, một phương tiện thanh toán hoàn toàn mới ra đời, đó là tiền ảo. Sự ra đời của tiền ảo trong thanh toán làm cho vai trò của các bên trung gian trong các giao dịch trở nên mờ nhạt, đồng thời, ảnh hưởng đến chức năng quản lý của Nhà nước trong việc bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế cũng như bảo vệ quyền lợi của những đối tượng bị thiệt hại từ các giao dịch tiền ảo. Quản lý và đưa hệ thống tiền tệ kỹ thuật số vào trật tự pháp lý là một thách thức lớn đối với các quốc gia do tính đặc biệt của nó.

 

Ảnh minh họa

2. Khái quát về tiền ảo

2.1. Khái niệm, phân biệt tiền ảo và tiền điện tử

Hiện tại, chưa có một khái niệm nhất quán về tiền ảo. Bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức nào cũng có thể thiết lập một khái niệm cho tiền ảo, tuy nhiên nhìn chung đa số đều dựa trên các tính năng riêng biệt của nó.

Trước tiên, theo quan điểm của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (Financial Action Task Force - FATF), tiền ảo là một đại diện kỹ thuật số của một giá trị có các yếu tố đặc trưng: (i) Có thể được giao dịch kỹ thuật số và hoạt động như phương tiện trao đổi; và/hoặc (ii) Là một đơn vị tài khoản; và/hoặc (iii) Là một kho lưu trữ giá trị, nhưng không phải là một loại tiền pháp định[1]. Tiền ảo được sử dụng bằng thỏa thuận trong cộng đồng những người sử dụng tiền ảo[2]. Điều này có nghĩa là một bên trong hợp đồng không thể ép buộc bên còn lại phải chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo, trừ khi bên nhận được sự đồng ý của bên còn lại. Điều này hoàn toàn khác biệt so với đồng tiền pháp định ở chỗ không bên nào có quyền từ chối nhận thanh toán/nhận trả nợ bằng tiền pháp định.

Trong khi đó, Ngân hàng Trương ương Châu Âu (European Central Bank - ECB) xem tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số nhưng không được kiểm soát[3]. Tính không được kiểm soát thể hiện ở chỗ loại tiền này không được phát hành bởi Ngân hàng trung ương. Thay vào đó, nó được phát hành bởi nhà phát triển, và kiểm soát bởi các thành viên của một cộng đồng ảo cụ thể chấp nhận nó[4]. Tiền ảo là một phương tiện trao đổi, một đơn vị tài khoản và là nơi lưu trữ giá trị[5].

Bên cạnh đó, một định nghĩa khác cho thấy tiền ảo là một giá trị điện tử do tư nhân phát hành, lưu hành qua internet[6]. Nó cung cấp phương pháp chuyển tiền ngay lập tức đến khắp mọi nơi trên thế giới. Một quan điểm khác lại cho rằng tiền ảo, qua ví dụ điển hình là đồng Bitcoin, là một loại tiền tệ ủy thác[7]. Tiền tệ ủy thác có thể được định nghĩa là “một loại tiền tệ không có giá trị nội tại; nó thu được giá trị của mình từ sự tin tưởng của người dùng đối với nhà phát hành”[8]. Nói cách khác, tự bản thân tiền ảo không có giá trị. Tiền ảo trở nên có giá trị bởi vì những dùng đã cho nó, như đồng Bitcoin có giá trị bởi vì loại tiền ảo này được chấp nhận trên thị trường.

Như vậy, dù có nhiều cách định nghĩa khác nhau, nhưng tiền ảo có nghĩa là một loại tiền ở định dạng kỹ thuật số, không được phát hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có giá trị nếu được một cộng đồng chấp nhận.

Cần phân biệt tiền ảo với tiền điện tử. Tiền điện tử (e-money) là đại diện kỹ thuật số của tiền pháp định. Nói cách khác, tiền pháp định là phiên bản vật chất, còn tiền điện tử là phiên bản số hóa của tiền pháp định. Việc chuyển đổi định dạng này hoàn toàn hợp pháp[9]. Hệ thống tiền điện tử thường dựa trên thẻ thông minh để ghi nhận giá trị lưu trữ, ví dụ như thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ. Mặt khác, hệ thống tiền điện tử cũng có thể dựa trên phần mềm cung cấp giá trị lưu trữ mà không liên quan đến bất kỳ đối tượng vật lý nào[10]. Hệ thống này cho phép chuyển tiền một cách an toàn qua internet[11], ví dụ như dịch vụ “internet banking”, “SMS banking” hoặc “mobile banking”… của các  ngân hàng thương mại.

Tiền ảo và tiền điện tử hoàn toàn khác biệt với nhau. Tiền ảo không được thừa nhận là tiền, trong khi đó tiền điện tử là phiên bản số của tiền pháp định, được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ[12]. Tiền ảo có thể nằm ngoài các quy định trong lĩnh vực tài chính, tiền điện tử thì ngược lại. Mệnh giá của tiền ảo khác với mệnh giá của tiền pháp định. Có thể nói hoàn toàn không có mối liên kết pháp lý nào giữa tiền ảo và tiền pháp định.

Mặc dù vậy, tiền ảo vẫn liên kết với ba chức năng chính của tiền pháp lý. Đầu tiên, nó là một phương tiện trao đổi, được sử dụng như một trung gian trong các giao dịch. Thứ hai, nó là một đơn vị tài khoản, đóng vai trò như một đơn vị số tiêu chuẩn để đo lường giá trị và chi phí của hàng hóa và dịch vụ[13].

2.2. Đặc tính của các giao dịch tiền ảo

Thứ nhất, internet được sử dụng như là cấu trúc chính cho các giao dịch tiền ảo. Một trong những nguyên tắc quan trọng của internet là tính trung lập. Dưới nguyên tắc này, các gói dữ liệu trên internet được di chuyển một cách “vô tư”, không liên quan đến nội dung, điểm đến hoặc nguồn gốc của nó[14]. Các nhà cung cấp băng thông rộng không phân biệt đối xử với nội dung hoặc ứng dụng internet cụ thể. Tính trung lập này đảm bảo rằng các giao dịch sẽ được thực hiện ngay khi thiết bị được kết nối với internet, không bị phân biệt đối xử bởi internet về số lượng, loại hình kinh doanh... Tiền kỹ thuật số có thể hoạt động trên bất kỳ thiết bị điện tử nào có khả năng truy cập internet.

Thứ hai, không có sự xuất hiện của bên trung gian trong giao dịch. Hệ thống ngân hàng từ lâu đã đóng vai trò là bên trung gian tất yếu đối với các phương thức thanh toán. Với sự ra đời của tiền ảo, vai trò của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với các khoản thanh toán tài chính đã chấm dứt một cách đột ngột. Từ vấn đề này sẽ tạo ra những lợi thế sau: (i) Giảm thiểu phí giao dịch cũng như phí ngoại hối; (ii) Sự tự do trong các giao dịch; (iii) Việc thanh toán xuyên biên giới được thực hiện nhanh chóng, hoàn tất ở bất kỳ nơi đâu vào bất kỳ thời điểm nào mà không hề bị giới hạn bởi số tiền tối đa mà mỗi người có thể gửi hoặc nhận trên mỗi giao dịch.

Thứ ba, độ riêng tư cao, còn gọi là tính ẩn danh (chính xác hơn là bán ẩn danh). Mặc dù tiền kỹ thuật số, đại diện là Bitcoin, không hoàn toàn ẩn danh nhưng những người sử dụng nó có mức độ bảo vệ và quyền riêng tư cao hơn so với các dịch vụ chuyển tiền khác như tiền điện tử. Người dùng cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng tiền ảo để thanh toán cho các giao dịch tài chính, thương mại. Từ vấn đề này sẽ giảm thiểu nguy cơ bị đánh cắp thông tin.  

2.3. Hạn chế của giao dịch tiền ảo

Thứ nhất, tình trạng pháp lý không rõ ràng, thậm chí là bất hợp pháp ở nhiều khu vực pháp lý. Tiền ảo không có thuộc tính của tiền tệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hành. Tiền ảo là một loại tiền tự nguyện và không ai có thể ép buộc người khác chấp nhận nó như một phương thức thanh toán. Trên thực tế, không có chủ nợ nào có nghĩa vụ chấp nhận hình thức thanh toán này từ con nợ[15]. Cả bên có quyền và bên có nghĩa vụ sử dụng tiền ảo dưới dạng một hợp đồng, trong đó chấp nhận tiền ảo làm phương thức thanh toán.

Thứ hai, người dùng tiền ảo thường không phải tuân thủ các quy định đăng ký, báo cáo và lưu trữ hồ sơ, đồng nghĩa với việc nó hoạt động mà không có sự giám sát của Nhà nước. Cơ quan có thẩm quyền, do đó sẽ không thể xác định được số lượng tiền ảo đang lưu thông trên thị trường.

Thứ ba, tiền ảo có khả năng bị biến động lớn về giá. Một trong những khác biệt lớn của tiền ảo so với đồng tiền pháp định nằm ở giá trị nội tại. Tiền ảo thường dựa trên các thuộc tính của toán học thay vì dựa trên các thuộc tính vật lý. Không có một cơ quan nhà nước nào có thể quyết định giá của đồng tiền ảo, đồng thời nó cũng không được giám sát bởi bất kỳ cơ quan nào[16]. Kết quả là, giá trị của tiền ảo được xác định bởi mức độ tin tưởng và chấp nhận của người dùng nó. Giá của đồng tiền ảo phụ thuộc vào cung và cầu.

Thứ tư, không thể xác định được giá trị nội tại của đồng tiền ảo. Nếu không có thông số này, sẽ rất phức tạp khi sử dụng tiền ảo như một phương tiện trao đổi. Việc không thể xác định được giá trị nội tại của đồng tiền ảo, cùng với việc biến động về giá cả, sẽ làm ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính.

Thứ năm, quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia giao dịch khó được bảo vệ khi phát sinh tranh chấp. Bản chất của các loại tiền ảo, thường là trực tuyến và phi tập trung, do đó nó không giới hạn ở các khu vực tài phán. Nếu như tiền ảo không chịu sự kiểm soát và chi phối của Nhà nước thì khi phát sinh tranh chấp, nó cũng sẽ nằm ngoài phạm vi bảo vệ của pháp luật.

3. Kiểm soát tiền ảo tại một số quốc gia trên thế giới

3.1. Kiểm soát tiền ảo tại Trung Quốc

Ngày 04/9/2017, bảy cơ quan quản lý của Chính phủ Trung Quốc[17] đã ban hành Thông báo về ngăn ngừa rủi ro tài chính từ phát hành tiền ảo lần đầu (Announcement on Preventing Financial Risks from Initial Coin Offerings - Quy tắc ICO) cho các mục đích của nhà đầu tư bảo vệ và phòng ngừa rủi ro tài chính[18]. Quy tắc ICO thiết lập kiểm soát đối với giao dịch tiền ảo như sau:

Thứ nhất, hạn chế đối với nền tảng giao dịch tiền ảo. Các nền tảng sẽ không được phép hoạt động nếu phục vụ các giao dịch tiền ảo sau đây: (i) Chuyển đổi từ tiền pháp định sang tiền ảo và ngược lại; (ii) Mua hoặc bán tiền ảo; (iii) Đặt giá cho tiền ảo hoặc (iv) Cung cấp các dịch vụ đại lý có liên quan đến các hoạt động nói trên. Biện pháp xử lý nếu vi phạm bao gồm hình thức đóng website, đóng các phiên bản ứng dụng trên điện thoại thông minh, hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh[19].

Thứ hai, các tổ chức tài chính và tổ chức thanh toán phi ngân hàng không được trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp dịch vụ phục vụ cho hoạt động ICO, bao gồm cả việc mở tài khoản ngân hàng hoặc cung cấp các dịch vụ đăng ký, giao dịch, bù trừ hoặc thanh toán. Họ cũng bị cấm cung cấp các dịch vụ bảo hiểm liên quan đến ICO hoặc tiền ảo[20]. Trên thực tế, trước khi có quy tắc ICO, các ngân hàng và tổ chức thanh toán đã bị cấm giao dịch bằng Bitcoin từ năm 2013 theo Thông báo về Biện pháp phòng ngừa trước rủi ro của Bitcoin được ban hành vào ngày 03/12/2013[21].

Thứ ba, không khuyến khích hoạt động khai thác (đào) tiền ảo. Tháng 01/2018, nhóm khắc phục rủi ro tài chính internet của Trung Quốc (China’s Leading Group of Internet Financial Risks Remediation) đã yêu cầu chính quyền địa phương xóa bỏ các chính sách ưu đãi hiện có về giá điện, thuế hoặc quyền sử dụng đất đối với những doanh nghiệp đang có hoạt động khai thác Bitcoin. Các địa phương phải gửi báo cáo thường xuyên về hoạt động khai thác Bitcoin trong khu vực quản lý của mình[22]. Kể từ đó, nhiều mỏ khai thác Bitcoin ở Trung Quốc đã ngừng hoạt động[23].

Thứ tư, thành lập Ngân hàng tiền ảo trung ương. Mặc dù hạn chế các loại tiền ảo do tư nhân phát hành, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đang có kế hoạch phát hành tiền ảo của riêng mình, được đánh dấu bằng việc thành lập Viện tiền kỹ thuật số trong PBOC[24]. Tháng 10/2017, PBOC báo cáo đã hoàn thành các đợt chạy thử nghiệm trên các thuật toán cần thiết cho một việc cung ứng tiền tệ kỹ thuật số, “tiến gần hơn một bước để giải quyết những thách thức công nghệ liên quan đến tiền tệ kỹ thuật số”[25]. Theo định hướng của Trung Quốc, tiền ảo sẽ sẽ là một dạng kỹ thuật số của tiền pháp lý, do chính Ngân hàng trung ương quản lý. “Không giống như Bitcoin hoặc các loại tiền kỹ thuật số khác do khu vực tư nhân phát hành, tiền pháp lý kỹ thuật số có tình trạng pháp lý giống như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, là tiền tệ pháp lý duy nhất được phát hành của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc”[26].

3.2. Kiểm soát tiền ảo tại Nhật Bản

Năm 2016, Nhật Bản đã ban hành Đạo luật sửa đổi Đạo luật Dịch vụ Thanh toán (Payment Services Act), có hiệu lực vào ngày 01/4/2017[27]. Đạo luật mới chính thức công nhận việc sử dụng một số loại tiền ảo, chẳng hạn như Bitcoin, ở Nhật Bản. Một số điểm nổi bật của việc sửa đổi này như sau:

Thứ nhất, quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ trao đổi tiền ảo

Hoạt động kinh doanh trao đổi tiền ảo chỉ được thực hiện sau khi đăng ký với Cục Tài chính (Finance Bureau) dưới hình thức công ty cổ phần[28]. Nếu là doanh nghiệp nước ngoài thì phải có văn phòng đại diện tại Nhật Bản và người đứng đầu văn phòng phải cư trú tại Nhật Bản[29], với điều kiện doanh nghiệp này phải là hoạt động hợp pháp đối với dịch vụ này tại nước sở tại và nước này phải có hệ thống đăng ký tương đương với hệ thống của Nhật Bản như quy định tại Đạo luật dịch vụ thanh toán[30].

Bên cạnh đó, Đạo luật yêu cầu các doanh nghiệp trao đổi tiền điện tử phải:

- Thiết lập hệ thống bảo mật thông tin[31];

- Nếu doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của bên thứ ba cho hoạt động kinh doanh của mình, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các hoạt động này[32];

- Doanh nghiệp phải cung cấp thông tin liên quan đến phí, các điều khoản trong hợp đồng với khách hàng của họ[33];

- Doanh nghiệp phải quản lý riêng tiền hoặc tiền ảo của khách hàng với tiền của doanh nghiệp, theo đúng quy định của pháp luật kế toán[34];

- Doanh nghiệp phải có hợp đồng với một trung tâm giải quyết tranh chấp có chuyên môn về trao đổi tiền ảo. Nếu một trung tâm như vậy chưa tồn tại, doanh nghiệp phải thiết lập hệ thống riêng để giải quyết các khiếu nại từ khách hàng[35];

 - Doanh nghiệp phải lưu giữ hồ sơ kế toán về giao dịch tiền ảo, nộp báo cáo hàng năm về hoạt động kinh doanh cho Cơ quan Dịch vụ Tài chính (Financial Services Agency - FSA)[36]. FSA có quyền yêu cầu doanh nghiệp gửi các báo cáo, có quyền cử nhân viên của mình đến kiểm tra các văn phòng của một doanh nghiệp nếu cần thiết để đảm bảo hoạt động của một doanh nghiệp là hợp pháp[37]. FSA có thể ban hành các quyết định yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp để cải thiện hoạt động của mình[38].   

Thứ hai, quy định về phòng chống rửa tiền

Đạo luật sửa đổi Đạo luật về dịch vụ thanh toán cũng đồng thời sửa đổi Đạo luật về ngăn chặn chuyển tiền do phạm tội mà có (The Act on Prevention of Transfer of  Criminal Proceeds)[39]. Theo đó, các doanh nghiệp phải tuân theo các quy định về phòng chống rửa tiền[40]. Doanh nghiệp có nghĩa vụ kiểm tra danh tính của khách hàng, lưu giữ hồ sơ giao dịch và thông báo cho cơ quan chức năng khi xác định có giao dịch đáng ngờ[41].

Thứ ba, về vấn đề thuế

Theo Cơ quan Thuế Quốc gia (National Tax Agency - NTA), lợi nhuận thu được từ việc bán tiền điện tử, về nguyên tắc, được coi là khoản “thu nhập khác”[42], chứ không phải khoản “lãi vốn”[43], được quy định tại Đạo luật Thuế thu nhập (Income Tax Act). NTA đã tổng hợp các câu hỏi và câu trả lời liên quan đến việc xử lý thuế đối với tiền điện tử và đăng trực tuyến vào ngày 01/12/2017. Khoản thu nhập khác được tính vào thu nhập chịu thuế của một người[44].

Mặc dù vậy, các quy định theo Đạo luật dịch vụ thanh toán hiện hành không bao gồm các đợt phát hành tiền ảo lần đầu (ICO). Tuy nhiên, có thể thấy xu hướng của Nhật Bản là sẽ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này trong tương lai.

3. Kiểm soát tiền ảo tại Canada

Thứ nhất, đối với việc thanh toán bằng tiền ảo

Việc thanh toán bằng các loại tiền kỹ thuật số phải tuân theo Đạo luật thuế thu nhập (ITA)[45]. Theo Cơ quan Tiêu dùng Tài chính Canada (Financial Consumer Agency of Canada) thì “hàng hóa được mua bằng tiền kỹ thuật số phải tính vào thu nhập chịu thuế của người bán”[46]. Cụ thể: “Khi tiền kỹ thuật số được sử dụng để thanh toán hàng hóa hoặc dịch vụ, các quy tắc cho giao dịch hàng đổi hàng áp dụng. Một giao dịch hàng đổi hàng xảy ra khi bất kỳ hai người nào đồng ý trao đổi hàng hóa hoặc và thực hiện trao đổi đó mà không sử dụng tiền tệ hợp pháp. Ví dụ, thanh toán cho việc xem phim với tiền kỹ thuật số là một giao dịch hàng đổi hàng. Giá trị của những bộ phim đã mua sử dụng tiền kỹ thuật số phải được bao gồm trong thu nhập của người bán cho các mục đích tính thuế. Giá trị của các bộ phim được tính bằng đô la Canada”[47]. Như vậy, việc sử dụng tiền ảo để thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ được xem như một giao dịch hàng đổi hàng, có nghĩa là ở khía cạnh này, Canada cho rằng tiền ảo được đối xử như một loại hàng hóa.

Như vậy, tiền ảo được đặc trưng như một loại hàng hóa theo pháp luật Canada. Cơ quan Tài chính Tiêu dùng Canada đã giải thích “khi bạn nộp thuế, bạn phải báo cáo mọi khoản lãi hoặc lỗ từ việc bán hoặc mua các loại tiền kỹ thuật số”[48]. Bất kỳ khoản lãi hoặc lỗ nào cũng sẽ dẫn đến kết quả “là thu nhập chịu thuế hoặc chi phí vốn cho người đóng thuế”[49]. Để rõ ràng hơn, Cơ quan Doanh thu Canada (Canada Revenue Agency - CRA) đã xuất bản bản tin để cung cấp các thông tin giúp xác định xem các giao dịch về bản chất là thu nhập hay vốn[50]. Theo đó, nếu người nộp thuế mua tiền ảo với mục đích đầu tư lâu dài thì các khoản lãi lỗ từ hoạt động này được xử lý kế toán theo khoản vốn. Ngược lại, nếu người nộp thuế tham gia kinh doanh tiền ảo, khoản lãi hoặc lỗ phải được tính vào thu nhập chịu thuế[51].

Đối với hoạt động khai thác tiền ảo, nếu người nộp thuế khai thác theo phương thức thương mại, thu nhập từ hoạt động kinh doanh đó phải được bao gồm trong thu nhập chịu thuế của người đóng thuế trong năm tài chính. Thu nhập đó sẽ được xác định với tham chiếu đến giá trị hàng tồn kho của người nộp thuế vào cuối năm, được thiết lập theo các quy tắc trong phần 10 của ITA và Phần XVIII của Quy định liên quan đến định giá hàng tồn kho[52]. Ngược lại, nếu khai thác như một sở thích cá nhân thì sẽ không bị xem xét trách nhiệm thuế[53].

Thứ hai, quy định về chống rửa tiền

Ngày 19/6/2014, Đạo luật để thực hiện một số điều khoản nhất định của ngân sách và các điều khoản khác (Act to Implement Certain Provisions of the Budget Tabled in Parliament) đã được Quốc hội Canada thông qua[54]. Đạo luật này bao gồm các sửa đổi đối với các quy định về hành vi rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Luật này đã xem các loại tiền ảo, bao gồm cả Bitcoin, là đối tượng phù hợp cho các mục đích của pháp luật chống rửa tiền. Hệ quả là doanh nghiệp kinh doanh tiền ảo bắt buộc phải đăng ký với Trung tâm Giao dịch tài chính và Phân tích Báo cáo của Canada (The Financial Transactions and Reports Analysis Centre of Canada - FINTRAC), thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, báo cáo các giao dịch tài sản đáng ngờ hoặc liên quan đến khủng bố. Luật cũng sẽ áp dụng cho các sàn giao dịch tiền ảo hoạt động bên ngoài Canada nhưng cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức ở Canada. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp kinh doanh tiền ảo không đăng ký với FINTRAC theo đúng quy định, các ngân hàng không được phép mở và duy trì tài khoản hoặc là ngân hàng đại lý với các doanh nghiệp này.

4. Kiểm soát tiền ảo tại Việt Nam

4.1. Về tình trạng pháp lý của tiền ảo

Thứ nhất, về việc phát hành tiền ảo

Khoản 3 Điều 55 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam. Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia”. Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: “Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 11 Nghị định số 40/2012/NĐ-CP ngày 2/5/2012 của Chính phủ về nghiệp vụ phát hành tiền; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng nhà nước, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định: “Ngân hàng Nhà nước thực hiện phát hành tiền vào lưu thông và thu tiền từ lưu thông về thông qua hoạt động thu, chi tiền mặt và các hoạt động nghiệp vụ khác của Ngân hàng Nhà nước”.

Như vậy, tiền ảo không phải là đồng tiền pháp lý tại Việt Nam. Tiền ảo không đáp ứng tiêu chí cơ bản nhất, đó là phải được phát hành bởi Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Thứ hai, về việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán

Điều 14 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016) quy định hai loại dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm dịch vụ thanh toán qua tài khoản và dịch vụ thanh toán không qua tài khoản. Trong đó, dịch vụ thanh toán qua tài khoản thực hiện thông qua Ngân hàng nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng. Dịch vụ thanh toán không qua tài khoản bao gồm: Dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ. Những hoạt động này đều được pháp luật quy định chi tiết và rõ ràng, không có quy định nào thể hiện bao gồm việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán.

Ngoài ra, Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trong danh mục này hoàn toàn không có sự hiện diện của tiền ảo. Bên cạnh đó, Nghị định quy định rõ “phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”. Như vậy, có thể thấy tiền ảo là phương tiện thanh toán không hợp pháp tại Việt Nam. Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như sau: “Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng”[55]. Thông cáo báo chí này không phải văn bản quy phạm pháp luật và Ngân hàng Nhà nước cũng không tạo ra quy phạm pháp luật mới. Ngân hàng Nhà nước đã truyền tải đúng tinh thần và quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam đối với tiền ảo.

Thứ ba, về việc đầu tư kinh doanh Bitcoin. Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 liệt kê các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh[56] thì kinh doanh tiền ảo không nằm trong danh mục bị cấm này. Khoản 6 Điều 6 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP cũng chỉ cấm “phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”. Như vậy, nếu theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013, quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2020, thì doanh nghiệp có thể đầu tư tiền ảo đơn thuần, với điều kiện không tham gia vào việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán.

Có thể thấy, so với quy định pháp luật của Trung Quốc, Nhật Bản, Canada nêu trên, Việt Nam khó khăn hơn đối với tiền ảo ở trạng thái không thừa nhận các hoạt động tiền ảo là hợp pháp.

4.2. Về việc định danh tiền ảo

Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.

Bộ luật dân sự năm 2015 không định nghĩa thế nào là “vật”. Theo quy định từ Điều 112 đến Điều 114 Bộ luật Dân sự năm 2015, “vật” được phân chia thành: Vật chính và vật phụ, vật chia được và vật không chia được, vật tiêu hao và vật không tiêu hao, vật cùng loại và vật đặc định, vật đồng bộ. Mặc dù vậy, sự phân chia này vẫn chưa đủ để xác định tiền ảo có phải là “vật” không. Khoản 2 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng phân loại tài sản như sau: Tài sản bao gồm bất động sản và động sản, cũng có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Bất động sản được liệt kê rõ tại khoản 1 Điều 107 và tài sản hình thành trong tương lai được xác định tại Điều 108 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo cách quy định tại các điều luật nêu trên thì tiền ảo không thể là bất động sản, và dường như cũng thể là tài sản hình thành trong tương lai. Trong khi đó, vẫn không thể xác định rõ “tiền ảo” có phải là vật dưới dạng động sản không.

Về khía cạnh tiền, như đã phân tích ở mục 4.2.1, tiền ảo không phải là đồng tiền pháp định tại Việt Nam.

Tiền ảo cũng không phải giấy tờ có giá. Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/2016/TT-NHNNngày 16/4/2016 của Ngân hàng nhà nước thì “giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Vì vậy, không thể xem tiền ảo là giấy tờ có giá.

Đối với quyền tài sản, Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa như sau: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Tiền ảo có thể trị giá được bằng tiền, vì vậy, cũng có thể coi tiền ảo là một quyền tài sản, trong đó tiền ảo là một đối tượng của quyền tài sản.

Bên cạnh đó, chiếu theo các yêu cầu quy định tại Điều 186, Điều 189 và Điều 192 Bộ luật Dân sự năm 2015, một người được xem là có quyền sở hữu đối với tài sản nếu có đủ quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản đó. Trong đó chiếm hữu là việc “chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình”[57], “quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản”[58] và “quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản”[59]. Nếu theo các yêu cầu này thì tiền ảo vẫn có thể được xem là một loại “tài sản” vì chủ sở hữu Bitcoin, thông qua các giải pháp kỹ thuật, hoàn toàn có thể chủ động thực hiện hoạt động chiếm hữu, sử dụng, định đoạt số tiền ảo của mình.

Có thể thấy, tại Việt Nam chưa có quy định pháp luật chính thức điều chỉnh tiền ảo. Hiện chỉ có các thông báo, công văn của các cơ quan có liên quan như Ngân hàng nhà nước trả lời về tiền ảo, tuy nhiên các văn bản này lại không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Tinh thần chung của các văn bản này cho thấy hiện Việt Nam chưa chấp nhận sử dụng tiền ảo trong giao dịch.

5. Một số kiến nghị

Tiền ảo là một khái niệm vẫn còn nhiều tranh cãi. Bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức phát hành nào cũng có thể thiết lập một khái niệm riêng cho nó. Tuy nhiên, theo tính năng và mục đích riêng của mình, tiền ảo vẫn có những đặc tính chung:  Là một đại diện kỹ thuật số của một giá trị, có thể được sử dụng như một phương tiện trao đổi, có thể đóng vai trò như một đơn vị số tiêu chuẩn để đo lường giá trị và chi phí của hàng hóa và dịch vụ.

Mặc dù quan điểm pháp lý điều chỉnh đối với tiền ảo tuy khác nhau ở Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, tuy nhiên đều có những đặc điểm tương đồng như sau:

- Pháp luật các quốc gia đều có các quy định để điều chỉnh tiền ảo. Việc phát hành, đầu tư, giao dịch tiền ảo phản ánh sự phát triển của công nghệ. Quy định có thể cởi mở hoặc khắt khe, tuy nhiên vẫn tồn tại hành lang pháp lý cho tiền ảo.

- Pháp luật các quốc gia đều quan tâm điều chỉnh thu nhập từ tiền ảo trong lĩnh vực thuế và phòng chống rửa tiền.

Để tạo hành lang pháp lý cho các giao dịch liên quan đến tiền ảo, pháp luật Việt Nam có thể cân nhắc các kiến nghị sau đây:

Thứ nhất, nên xem tiền ảo là một loại tài sản, như một loại hàng hóa bởi vì tiền ảo cũng có giá trị thực của nó. Giá trị này được hình thành từ chi phí sản xuất dưới hình thức sử dụng sức mạnh tính toán của máy tính và do đó, chi phí điện, chi phí máy móc… cũng là giá trị cần tính đến để tạo ra tiền ảo. Việc định danh về mặt pháp lý đối với tiền ảo là quan trọng để thiết lập quy định pháp luật điều chỉnh.

Thứ hai, nên thu thuế đối với các nguồn thu có được từ tiền ảo. Tiền ảo có thể trở thành đối tượng chịu thuế khi pháp luật xem tiền ảo như một loại hàng hóa.

Thứ ba, cho phép kinh doanh tiền ảo, với những điều kiện chặt chẽ về điều kiện đăng ký kinh doanh, chế độ trách nhiệm báo cáo, kế toán và công bố thông tin. Việc làm này là cần thiết để đảm bảo Nhà nước kiểm soát được các hoạt động liên quan đến tiền ảo tại Việt Nam.

 

TS. Lê Thị Minh

Trường Đại học Thủ Dầu Một

 

[1] Tiền pháp định là tiền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ngân hàng trung ương) phát hành.

[2] Financial Action Task Force (2014), Virtual Currencies: Key Definitions and Potential AML/CFT Risks, 4, đường dẫn http://www.fatfgafi.org/publications/methodsandtrends/documents/virtual-currencydefinitions-aml-cft-

risk.html, truy cập gần nhất ngày 29/7/2021.

[3] European Central Bank (2012), Virtual Currency Schemes, 5, đường dẫn

https://www.ecb.europa.eu/pub/pdf/other/virtualcurrencyschemes201210en.pdf, truy cập gần nhất ngày 29/7/2021.

[4] European Central Bank (2012), Virtual Currency Schemes, 5, đường dẫn

https://www.ecb.europa.eu/pub/pdf/other/virtualcurrencyschemes201210en.pdf, truy cập gần nhất ngày 29/7/2021.

[5] European Central Bank (2012), Virtual Currency Schemes, 4, đường dẫn

https://www.ecb.europa.eu/pub/pdf/other/virtualcurrencyschemes201210en.pdf, truy cập gần nhất ngày 29/7/2021.

[6] Mullan, Carl (2014), Digital Currency Challenge: Shaping Online Payment System through US Financial Regulations, Nxb. Palgrave Macmillan US.

[7] Velde, François (2013), Bitcoin: A Primer, The Federal Reserve Bank of Chicago, 2.

[8] European Central Bank (2012), Virtual Currency Schemes, 33, đường dẫn

 https://www.ecb.europa.eu/pub/pdf/other/virtualcurrencyschemes201210en.pdf, truy cập gần nhất ngày 29/7/2021.

[9] Financial Action Task Force (2014), Virtual Currencies: Key Definitions and Potential AML/CFT Risks, 26, đường dẫn http://www.fatfgafi.org/publications/methodsandtrends/documents/virtual-currencydefinitions-aml-cft-

risk.html, truy cập gần nhất ngày 29/7/2021.

[10] Loubser, MM, và Derick Swart (1999), “Electronic Money in South African Law”, Stellenbosch Law Review, 10, 355.

[11] Tucker, Peter C (2009), “Digital Currency Doppelganger: Regulatory Regulatory Challenge or Harbinger of the New Economy?”, Cardozo Journal of International and Comparative Law, 17, 3, đường dẫn

https://ssrn.com/abstract=1525846, truy cập gần nhất ngày 29/5/2021.

[12] Financial Action Task Force (2014), Virtual Currencies: Key Definitions and Potential AML/CFT Risks, 4, đường dẫn http://www.fatfgafi.org/publications/methodsandtrends/documents/virtual-currencydefinitions-aml-cft-risk.html, truy cập gần nhất ngày 29/7/2021.

[13] European Central Bank (2012), Virtual Currency Schemes, 10, đường dẫn

https://www.ecb.europa.eu/pub/pdf/other/virtualcurrencyschemes201210en.pdf, truy cập gần nhất ngày 29/7/2021.

[14] Murray, Andrew (2010), Information Technology Law, Nxb. Oxford University Press, 27.

[15] European Central Bank (2012), Virtual Currency Schemes, 24, đường dẫn

https://www.ecb.europa.eu/pub/pdf/other/virtualcurrencyschemes201210en.pdf, truy cập gần nhất ngày 29/7/2021.

[16] Mullan, Carl (2014), Digital Currency Challenge: Shaping Online Payment System through US Financial Regulations, Nxb. Palgrave Macmillan US, 28.

[17] Các cơ quan này gồm có: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (The People’s Bank of China - PBOC), Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (The Cyberspace Administration of China - CAC), Bộ Công nghiệp và Thông tin Công nghệ (The Ministry of Industry and Information Technology - MIIT), Cục Quản lý Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại (The State Administration for Industry and Commerce - SAIC), Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc (The China  Banking Regulatory Commission - CBRC), Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (the China Securities Regulatory Commission - CSRC), và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm Trung Quốc (China Insurance Regulatory Commission - CIRC),

[18] Greg Pilarowski & Lu Yue (2017), “China Bans Initial Coin Offerings and Cryptocurrency Trading Platforms”, China Regulatin Watch, đường dẫn http://www.pillarlegalpc.com/en/news/2017/09/21/china-bans-initial-coin-offerings-and-cryptocurrency-tradingplatforms/, truy cập gần nhất ngày 21/5/2021.

[19] Greg Pilarowski & Lu Yue (2017), “China Bans Initial Coin Offerings and Cryptocurrency Trading Platforms”, China Regulatin Watch, đường dẫn http://www.pillarlegalpc.com/en/news/2017/09/21/china-bans-initial-coin-offerings-and-cryptocurrency-tradingplatforms/, truy cập gần nhất ngày 21/5/2021.

[20] Xie Yu (2018), “China to Stamp Out Cryptocurrency Trading Completely with Ban on Foreign Platforms”, South China Morning Post, đường dẫn

http://www.scmp.com/business/banking-finance/article/2132009/china-stamp-outcryptocurrency-trading-completely-ban, truy cập gần nhất ngày 29/5/2021.

[21] Gerry Mullany (2013), “China Restricts Banks’ Use of Bitcoin”, The New York Times,

đường dẫn https://www.nytimes.com/2013/12/06/business/international/china-bars-banks-from-using-bitcoin.html, truy cập gần nhất ngày 29/5/2021.

[22] Wu Yujian và cộng sự (2018), “China Clamps Down on Preferential Treatment for Bitcoin Mines”, CAIXIN, đường dẫn https://www.caixinglobal.com/2018-01-04/china-clamps-down-on-preferential-treatment-for-bitcoin-mines-101193622.html, truy cập gần nhất ngày 21/5/2021.

[23] The Law Library of Congress, Global Legal Research Center (2018), Regulation of Cryptocurrency in Selected Jurisdictions, 30.

[24] The Law Library of Congress, Global Legal Research Center (2018), Regulation of Cryptocurrency in Selected Jurisdictions, 30.

[25] Wang Yanfei (2017), PBOC Inches Closer to Digital Currency, China Daily, đường dẫn https://www.chinadaily.com.cn/business/2017-10/14/content_33235955.htm, truy cập gần nhất ngày 29/5/2010.

[26] Wang Yanfei (2017), PBOC Inches Closer to Digital Currency, China Daily, đường dẫn https://www.chinadaily.com.cn/business/2017-10/14/content_33235955.htm, truy cập gần nhất ngày 29/5/2010.  

[27] Đạo luật dịch vụ thanh toán (Payment Services Act) số 59 năm 2009, được sửa đổi bởi Đạo luật số 62 năm 2016, bản tiếng Anh tại đường dẫn http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=3078&vm=02&re=02, truy cập gần nhất ngày 29/5/2021.

[28] Đạo luật dịch vụ thanh toán (Payment Services Act) của Nhật Bản, Điều. 63-2 và Điều 63.

[29] Đạo luật dịch vụ thanh toán (Payment Services Act) của Nhật Bản, Điều 63-5.

[30] Đạo luật dịch vụ thanh toán (Payment Services Act) của Nhật Bản, Điều 62.

[31] Đạo luật dịch vụ thanh toán (Payment Services Act) của Nhật Bản, Điều 63-8.

[32] Đạo luật dịch vụ thanh toán (Payment Services Act) của Nhật Bản, Điều 63-9.

[33] Đạo luật dịch vụ thanh toán (Payment Services Act) của Nhật Bản, Điều 63-10.

[34] Đạo luật dịch vụ thanh toán (Payment Services Act) của Nhật Bản, Điều 63-11.

[35] Đạo luật dịch vụ thanh toán của Nhật Bản, Điều 63-12.

[36] Đạo luật dịch vụ thanh toán (Payment Services Act) của Nhật Bản, Điều 63 - 13 và Điều 63-14.

[37] Đạo luật dịch vụ thanh toán (Payment Services Act) của Nhật Bản, Điều 63-15.

[38] Đạo luật dịch vụ thanh toán (Payment Services Act) của Nhật Bản, Điều 63-16.

[39] Đạo luật về ngăn chặn chuyển tiền do phạm tội mà có (Act on Prevention of Transfer of Criminal Proceeds) số 22 năm 2007, được sửa đổi, bổ sung bởi Đạo luật số 62 năm 2016 và Đạo luật số 67 năm 2017. Bản tiếng Anh tham khảo tại đường dẫn https://www.global-regulation.com/law/japan/277349/the-act-on-

prevention-of-transfer-of-criminal-proceeds.html, truy cập gần nhất ngày 21/5/2021.

[40] Đạo luật về ngăn chặn chuyển tiền do phạm tội mà có (Act on Prevention of Transfer of Criminal Proceeds) số 22 năm 2007, được sửa đổi, bổ sung bởi Đạo luật số 62 năm 2016 và Đạo luật số 67 năm 2017, Điều 2, đoạn 2.

[41] Đạo luật của Nhật Bản về ngăn chặn chuyển tiền do phạm tội mà có (Act on Prevention of Transfer of Criminal Proceeds) số 22 năm 2007, được sửa đổi, bổ sung bởi Đạo luật số 62 năm 2016 và Đạo luật số 67 năm 2017. Điều 4, đoạn 7 8.

[42] Đạo luật thuế thu nhập (Income Tax Act), số 33 năm 1965, sửa đổi bổ sung bởi Đạo luật số 74 năm 2017, Điều 35. Bản tiếng Anh tại http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=2249&vm=2&re=02, truy cập gần nhất ngày 29/5/2021.

 

[43] Đạo luật thuế thu nhập (Income Tax Act), số 33 năm 1965, sửa đổi bổ sung bởi Đạo luật số 74 năm 2017, Điều 33. Bản tiếng Anh tại http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=2249&vm=2&re=02, truy cập gần nhất ngày 29/5/2021.

[44] Đạo luật thuế thu nhập (Income Tax Act), số 33 năm 1965, sửa đổi bổ sung bởi Đạo luật số 74 năm 2017, Điều 89. Bản tiếng Anh tại http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=2249&vm=2&re=02, truy cập gần nhất ngày 29/5/2021.

[45] Mariam Al-Shikarchy và cộng sự, (2017), Canadian Taxation of Cryptocurrency . . . So Far, đường dẫn https://gowlingwlg.com/en/insights-resources/a, truy cập gần nhất ngày  29/5/2021.

[46] Financial Consumer Agency of Canada (2021), Digital Currency, đường dẫn https://www.canada.ca/en/financial-consumer-agency/services/payment/digital-currency.html, truy cập gần nhất ngày 21/5/2021.

[47] Canada Revenue Agency  (2015), What You Should Know about Digital Currency, đường dẫn https://www.canada.ca/en/revenueagency/news/newsroom/fact-sheets/fact-sheets-2015/what-you-should-know-

about-digital-currency.html, truy cập gần nhất ngày 29/6/2021.

[48] Financial Consumer Agency of Canada (2021), Digital Currency, đường dẫn https://www.canada.ca/en/financial-consumer-agency/services/payment/digital-currency.html, truy cập gần nhất ngày 21/5/2021.

[49] Canada Revenue Agency  (2015), What You Should Know about Digital Currency, đường dẫn https://www.canada.ca/en/revenueagency/news/newsroom/fact-sheets/fact-sheets-2015/what-you-should-know-

about-digital-currency.html, truy cập gần nhất ngày 29/6/2021.

[50] Canada Revenue Agency  (2015), What You Should Know about Digital Currency, đường dẫn https://www.canada.ca/en/revenueagency/news/newsroom/fact-sheets/fact-sheets-2015/what-you-should-know-about-digital-currency.html, truy cập gần nhất ngày 29/6/2021.

[51] Mariam Al-Shikarchy và cộng sự, (2017), Canadian Taxation of Cryptocurrency . . . So Far, đường dẫn https://gowlingwlg.com/en/insights-resources/a, truy cập gần nhất ngày  29/5/2021.

[52] Mariam Al-Shikarchy và cộng sự, (2017), Canadian Taxation of Cryptocurrency . . . So Far, đường dẫn https://gowlingwlg.com/en/insights-resources/a, truy cập gần nhất ngày  29/5/2021.

 

[53] Wildeboer Dellelce (2017), Cryptocurrencies and Tax: Five Things Every Canadian Needs to Know, đường dẫn https://www.wildlaw.ca/resource-centre/legal-updates/2017/cryptocurrencies-and-tax-five-things-

every-canadian-needs-to-know/, truy cập gần nhất ngày 29/6/2021.

[54] Dự luật C-31, bản tiếng Anh tại https://perma.cc/2N7Q-E68C, truy cập gần nhất ngày 09/7/2021..

[55]Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2014), Thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự, đường dẫn https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/sm/tcbc/ttvhdnhtt/ttvhdnhtt_chitietcenterWidth=80%25&

dDocName=CNTHWEBAP0116211755883&leftWidth=20%25&rightWidth=0%25&showFooter=false&showHeader=false&_adf.ctrlstate=lcdq74tq5_9&_afrLoop=29817259137856224#%40%3F_afrLoop%3D2981725913785622

4%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DCNTHWEBAP0116211755883%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D1avtadtn2h_4, truy cập gần nhất ngày 29/5/2021.

[56] Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020, các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh như sau:

“a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

g) Kinh doanh pháo nổ;

h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

[57] Điều 186, Bộ luật Dân sự 2015.

[58] Điều 189, Bộ luật Dân sự 2015.

[59] Điều 192, Bộ luật Dân sự 2015.

  • Tags: